Quản lý việc giảm thuế thu nhập cá nhân

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về quản lý thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp (Trang 63 - 68)

2.4. Quản lý việc miễn thuế, giảm thuế và hoàn thuế thu nhập cá nhân

2.4.2. Quản lý việc giảm thuế thu nhập cá nhân

2.4.2.1. Giảm trừ gia cảnh

Có thể nói đây là nét đặc trưng của quản lý thuế TNCN, đúng với tính chất là loại thuế trực thu, đánh trực tiếp vào từng cá nhân có thu nhập, chính sách về thuế TNCN đã thể hiện rõ “sự chia sẻ” và khích lệ NNT thông qua các quy định về việc giảm thuế này. Các khoản giảm trừ thuế thu nhập cá nhân khi tính thuế TNCN theo quy định tại Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC và Điều 12 Nghị Định 65/2013/NĐ-CP.

Giảm trừ gia cảnh là số tiền được trừ vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công của đối tượng nộp thuế là cá nhân cư trú, nếu như cá nhân cư trú vừa có thu nhập từ kinh doanh, vừa có thu nhập từ tiền lương, tiền công thì sẽ tính giảm trừ gia cảnh một lần vào tổng thu nhập từ kinh doanh và từ tiền lương, tiền công [4, Điều 9].

Việc áp dụng giảm trừ gia cảnh chính là điểm đổi mới đáng kể nhất của Luật thuế TNCN 2007. Thay vì áp dụng mức khởi điểm chịu thuế chung cho mọi đối tượng nộp thuế (có tính riêng đối với người Việt Nam và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam) theo quy định của pháp lệnh thuế TNCN dành cho người có thu nhập cao 2004 thì chuyển sang áp dụng giảm trừ gia cảnh, tức là có tính đến hoàn cảnh cá

nhân của đối tượng nộp thuế. Điều này làm cho việc xác định nghĩa vụ thuế của mỗi đối tượng nộp thuế được công bằng hơn.

Theo luật thuế TNCN số 04/2007/QH12 việc quy định mức giảm trừ cho bản thân NNT là 4 triệu đồng/tháng (bằng 3,2 lần mức lương trung bình theo lộ trình cải cách tiền lương; gấp 2,5 lần mức GDP bình quân đầu người và thu nhập của dân cư dự kiến năm 2009); mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng (bằng 40% mức giảm trừ đối với bản thân NNT). Thực tế từ năm 2009 đến nay, do tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng, suy thoái toàn cầu dẫn đến giá cả hàng hoá, dịch vụ tăng cao (chỉ số CPI năm 2009: 6,52%; năm 2010: 11,75%; 2011: 18.13%) làm ảnh hưởng đến đời sống của NNT. Mức giảm trừ này đã không còn phù hợp với thực tiễn [22].

Chính vì thế Luật sửa đổi, bổ sung Luật thuế TNCN số 26/2012/QH13 đã sửa đổi quy định về giảm trừ gia cảnh tại khoản 1 Điều 19 của Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12, cụ thể chia thành 2 phần:

- Mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm).

- Mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng.

Trường hợp chỉ số tiêu dung (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh quy định tại khoản này phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo [32, Điều 19, khoản 1].

 Nguyên tắc tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân NNT

- Người nộp thuế có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh thì tại một thời điểm (tính đủ theo tháng) người nộp thuế lựa chọn tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại một nơi.

- Đối với người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam được tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 01 hoặc từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá

nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc hợp đồng lao động và rời Việt Nam trong năm tính thuế (được tính đủ theo tháng).

- Trường hợp trong năm tính thuế cá nhân chưa giảm trừ cho bản thân hoặc giảm trừ cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được giảm trừ đủ 12 tháng khi thực hiện quyết toán thuế theo quy định.

 Nguyên tắc giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc

- Người nộp thuế được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc nếu người nộp thuế đã đăng ký thuế và được cấp mã số thuế.

- Khi người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc sẽ được cơ quan thuế cấp mã số thuế cho người phụ thuộc và được tạm tính giảm trừ gia cảnh trong năm kể từ khi đăng ký. Đối với người phụ thuộc đã được đăng ký giảm trừ gia cảnh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục được giảm trừ gia cảnh cho đến khi được cấp mã số thuế.

- Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc.

- Riêng đối với người phụ thuộc khác là các cá nhân khác không nơi nương tựa mà NNT đang phải trực tiếp nuôi dưỡng, thì thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.

Lưu ý: Mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế.

- Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thoả thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.

2.4.2.2. Giảm trừ đối với các khoản đóng bảo hiểm, Quỹ hưu trí tự nguyện

Các khoản đóng bảo hiểm bao gồm: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc.

Đối với các khoản đóng vào Quỹ hưu trí tự nguyện: mức đóng vào quỹ hưu trí tự nguyện được trừ ra khỏi thu nhập chịu thuế theo thực tế phát sinh nhưng tối đa không quá một (01) triệu đồng/tháng (12 triệu đồng/năm) đối với người lao động tham gia các sản phẩm hưu trí tự nguyện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, kể cả trường hợp tham gia nhiều quỹ. Căn cứ xác định thu nhập được trừ là bản chụp chứng từ nộp tiền (hoặc nộp phí) do quỹ hưu trí tự nguyện cấp.

Người nước ngoài là cá nhân cư trú tại Việt Nam, người Việt Nam là cá nhân cư trú nhưng làm việc tại nước ngoài có thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công ở nước ngoài đã tham gia đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc theo quy định của quốc gia nơi cá nhân cư trú mang quốc tịch hoặc làm việc tương tự quy định của pháp luật Việt Nam như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác (nếu có) thì được trừ các khoản phí bảo hiểm đó vào thu nhập chịu thuế từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công khi tính thuế thu nhập cá nhân.

Cá nhân người nước ngoài và người Việt Nam có tham gia đóng các khoản bảo hiểm nêu trên ở nước ngoài sẽ được tạm giảm trừ ngay vào thu nhập để khấu trừ thuế trong năm (nếu có chứng từ) và tính theo số chính thức nếu cá nhân thực hiện quyết toán thuế theo quy định. Trường hợp không có chứng từ để tạm giảm trừ trong năm thì sẽ giảm trừ một lần khi quyết toán thuế.

Khoản đóng góp bảo hiểm, đóng góp vào Quỹ hưu trí tự nguyện của năm nào được trừ vào thu nhập chịu thuế của năm đó.

Chứng từ chứng minh đối với các khoản bảo hiểm được trừ nêu trên là bản chụp chứng từ thu tiền của tổ chức bảo hiểm hoặc xác nhận của tổ chức trả thu nhập về số tiền bảo hiểm đã khấu trừ, đã nộp (trường hợp tổ chức trả thu nhập nộp thay).

2.4.2.3. Giảm trừ đối với các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học

Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học được trừ vào thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ kinh doanh, từ tiền lương, tiền công trước khi tính thuế của người nộp thuế là cá nhân cư trú, bao gồm:

Các tổ chức cơ sở chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, người khuyết tật, phải được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội; Nghị định số 81/2012/NĐ- CP ngày 08/10/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 68/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội và Nghị định số 109/2002/NĐ-CP ngày 27/12/2002 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 195/CP ngày 31/12/1994 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

Tài liệu để chứng minh đóng góp vào các tổ chức, cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, người già không nơi nương tựa là chứng từ thu hợp pháp của tổ chức, cơ sở.

- Khoản chi đóng góp vào các quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học được thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện, hoạt động vì mục đích từ thiện, nhân đạo, khuyến học, không nhằm mục đích lợi nhuận và quy định tại các văn bản khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ.

Tài liệu chứng minh đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học là chứng từ thu hợp pháp do các tổ chức, các quỹ của Trung ương hoặc của tỉnh cấp.

Các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, khuyến học phát sinh vào năm nào được giảm trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế đó, nếu giảm trừ không hết không được trừ vào thu nhập chịu thuế của năm tính thuế tiếp theo. Mức giảm trừ tối đa không vượt quá thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ kinh doanh của năm tính thuế phát sinh đóng góp từ thiện nhân đạo, khuyến học [4].

Pháp luật thuế TNCN đã quy định khá chi tiết các khoản được giảm trừ trước khi tính thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên, trong thực tiễn việc áp dụng các khoản giảm trừ này vẫn gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến việc kê khai giảm trừ gia cảnh: việc kê khai chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của đối tượng nộp thuế. Điều này đã tạo khe hở trong việc kê khai số người phụ thuộc. Chẳng hạn, cùng 1 người bố hoặc mẹ nhưng sẽ được tính trùng thành 2 người bởi cả 2 người con ở 2 địa phương khác nhau cùng kê khai và chính quyền địa phương sở tại đều xác nhận.

Hay có thể kể đến một thực trạng, về tình hình nhận con nuôi ngày một tăng. Không phải là toàn bộ, nhưng có một số cá nhân xin nhận con nuôi vì những mục đích khác. Họ nắm rõ được những thông tin về việc giảm trừ gia cảnh cho bản thân. Vậy là, việc nhận con nuôi như một cứu cánh trong việc được giảm trừ gia cảnh và không phải nộp thuế TNCN. Cơ quan quản lý thuế cần có giải pháp để ngăn chặn những hành vi gian lận thuế này.

Báo cáo tổng kết ba năm thi hành Luật thuế TNCN cho thấy so với một số quốc gia lân cận, trong đó có Trung Quốc - nơi mỗi tháng người nộp thuế được giảm trừ khoảng 13 triệu [20] - thì mức giảm trừ gia cảnh 9 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế và 3,6 triệu đồng cho người phụ thuộc theo sửa đổi lần này chưa phải là cao. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế thị trường khó khăn như hiện nay.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Pháp luật về quản lý thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam - Thực trạng và giải pháp (Trang 63 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)