Khái quát pháp luật quốc tế về bảo vệ lao động nữ di trú

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật và thực tiễn bảo vệ quyền của lao động nữ việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Trang 32 - 35)

2.1. Pháp luật quốc tế về bảo vệ lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài

2.1.1. Khái quát pháp luật quốc tế về bảo vệ lao động nữ di trú

Kể từ cuối thế kỷ XX, do sự ảnh hưởng của toàn cầu hóa, tình trạng di cư lao động từ nước này sang nước khác để làm việc hay còn gọi là tình trạng di trú lao động đã xảy ra và trở thành một vấn đề quan trọng mang tính toàn cầu. Theo thống kê của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) vào năm 2015, có khoảng 244 triệu người đang làm việc ở nước ngoài trên tổng số 7,3 tỉ người, chiếm khoảng 3,3 % tổng dân số thế giới [33]. Toàn cầu hoá đã góp phần làm tăng lượng lao động di cư từ các nước có cơ hội kinh tế hạn chế để lấp đầy khoảng trống ở các quốc gia có nguồn cung lao động suy giảm. Mặc dù toàn cầu hóa có thể thúc đẩy thương mại và đầu tư, nhưng nó không tạo ra một môi trường được bảo vệ về an ninh, kinh tế, xã hội và thể chất của những người lao động nhập cư. Điều này thậm chí còn rõ ràng hơn khi đề cập đến những lao động nhập cư là nữ, với một số lượng đang gia tăng, chiếm khoảng 48% tổng số lao động di trú trên thế giới vào năm 2015 [36; page 7].

Lao động nữ chiếm khoảng một nửa trong số 244 triệu người di cư trên toàn thế giới [38; page 1].Bằng cách tạo ra các cơ hội kinh tế mới, di cư có thể thúc đẩy sự độc lập về kinh tế và địa vị cho những người lao động nữ. Nhiều nghiên cứu cho thấy lao động nữ di trú đóng góp vào sự phát triển của cả hai nước, nước gửi và nước nhận tiền gửi về từ thu nhập của họ, lượng kiều hối này chiếm khoảng 10% GDP ở một số quốc gia. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới vào năm 2016, lượng kiều hối ước tính trên toàn thế giới là 575 tỷ đô la Mỹ [39]. Những khoản đầu tư bằng tiền này được sử dụng cho thực

phẩm, nhà ở, giáo dục và dịch vụ y tế cùng với những kỹ năng thu được sau khi trở về nước, có thể góp phần đáng kể vào việc giảm nghèo và các mục tiêu phát triển đất nước.

Tuy nhiên, khi mà di cư có thể mang lại việc làm và cơ hội mới, thì nó cũng đồng thời gây ra nhiều rủi ro tiềm ẩn cho lao động nữ di trú, từ việc bị bóc lột cho đến xâm hại tình dục. Phụ nữ di cư khác biệt với nam giới; từ những quyết định di cư, tuyển dụng của họ, đến các lĩnh vực mà họ đang làm việc, rủi ro họ phải đối mặt. Lao động nữ di trú có xu hướng tập trung vào các ngành nghề đặc thù liên quan đến phụ nữ, nhiều lao động nữ tham gia vào các công việc không ổn định trong sản xuất, nông nghiệp, dịch vụ và chiếm đến 80% ngành chăm sóc, bao gồm chăm sóc người cao tuổi và các công việc liên quan khác trong gia đình [31; page 3]. Lao động nữ di trú thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ xã hội, các biện pháp bảo vệ bởi pháp luật và có thể bị lạm dụng, ngược đãi. Một số ví dụ về hành động ngược đãi bao gồm: không được trả lương, khấu trừ tiền lương, bị kiểm soát hoặc hạn chế quyền tự do đi lại, thu hộ chiếu và các tài liệu nhận dạng khác, làm việc cả tuần mà không có ngày nghỉ, điều kiện sống nghèo nàn không đủ thực phẩm và nước, xâm phạm tính toàn vẹn về thể chất và tinh thần như hăm dọa, nhục mạ, đánh đập và tồi tệ nhất là rơi vào tình trạng nô lệ tình dục [28].

ILO là thành viên duy nhất của Liên Hợp Quốc có nghĩa vụ theo hiến chương thành lập trong việc bảo vệ người lao động di trú [29]. Nhiệm vụ này đã được tái khẳng định bởi Tuyên bố Philadelphia năm 1944 và Tuyên bố năm 1998 về Nguyên tắc và Quyền cơ bản tại nơi làm việc. Kể từ khi thành lập năm 1919, ILO đã đi tiên phong trong các công ước quốc tế về cả chính sách di cư và bảo vệ lao động di trú. Tất cả bốn lĩnh vực của ILO bao gồm tiêu chuẩn, việc làm, bảo trợ xã hội và đối thoại xã hội đều nhằm đảm bảo công việc đàng hoàng cho tất cả mọi người. ILO đã áp dụng cách tiếp cận dựa

trên quyền đối với di dân lao động và chủ động thúc đẩy đối thoại xã hội trong chính sách di cư lao động liên quan đến chính phủ, người sử dụng lao động và người lao động. Điều ước có thể coi là đầu tiên về lĩnh vực này của ILO là Công ước di trú vì việc làm, được thông qua tại Kỳ họp thứ 25 ngày 8/6/1939 của ILO, sau đó được sửa đổi bằng Công ước về lao động di trú (Công ước số 97 năm 1949). Tuy nhiên, Công ước này mới chỉ đề cập đến những người lao động di trú một cách chung nhất chứ chưa chú ý đến những quyền riêng của lao động nữ di trú. Công ước số 97 yêu cầu các quốc gia thành viên phải đối xử với những người lao động di trú một cách bình đẳng như những người lao động là công dân của nước mình. Sau đó, 2 điều ước được ILO thông qua là Công ước số 100 về trả lương bình đẳng vào năm 1951 và Công ước số 111 về kỳ thị trong việc làm và nghề nghiệp đã có những khía cạnh liên quan đến bảo vệ quyền lợi riêng của lao động nữ như đảm bảo nguyên tắc trả lương bình đẳng cho người lao động nam và nữ khi họ làm những việc có giá trị tương đương với nhau hay xoá bỏ sự phân biệt đối xử về giới tính trong việc làm, nghề nghiệp.

Bên cạnh ILO, một số tổ chức quốc tế khác cũng đã thông qua những văn kiện pháp lý điều chỉnh vấn đề bảo vệ lao động nữ di trú. Liên Hợp Quốc đã có 2 điều ước rất quan trọng trong vấn đề này, đó là Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của người lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ năm 1990 và đặc biệt là Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với Phụ nữ CEDAW năm 1979 cùng với Khuyến nghị chung số 26 của Ủy ban CEDAW, trong đó khẳng định quyền bình đẳng thực sự cho phụ nữ nói chung và lao động nữ di trú nói riêng.

Đến nay, đã có hàng trăm văn kiện pháp lý được thông qua về vấn đề lao động di trú, dưới đây là một số văn kiện do Liên Hợp Quốc và ILO thông qua có vai trò quan trọng nhất trong việc bảo vệ quyền lợi của lao động nữ di trú:

- Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền 1948

- Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, xã hội và văn hóa 1966 (ICESCR) và Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị 1966 (ICCPR)

- Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc 1965 (ICERD)

- Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với Phụ nữ 1979 (CEDAW)

- Công ước quốc tế về bảo vệ quyền của người lao động di trú và các thành viên trong gia đình họ 1990

- Nghị định thư về ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em 2000

- Công ước ILO: số 97 về di trú tìm việc làm (sửa đổi) 1949, số 100 về trả lương bình đẳng 1951, số 111 về kỳ thị trong việc làm và nghề nghiệp, số 143 về người lao động di trú 1975;

Nội dung của các văn kiện pháp lý trên chủ yếu tập trung vào việc xác lập các quyền (ví dụ như quyền bình đẳng về việc làm và lao động, quyền được tiếp cận dịch vụ y tế,…) và thúc đẩy bảo vệ lao động nữ di trú khỏi sự phân biệt đối xử và ngược đãi.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật và thực tiễn bảo vệ quyền của lao động nữ việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Trang 32 - 35)