Ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã và thực tiễn áp dụng tại việt nam (Trang 86 - 89)

3.2. Khuyến nghị một số giải pháp hoàn thiện pháp luật Việt Nam về bảo vệ

3.2.1. Ký kết và thực hiện các điều ước quốc tế

Các điều ước quốc tế về bảo tồn ĐDSH nói chung và về bảo vệ ĐVHD nói riêng ra đời trên cơ sở nhận thức được tầm quan trọng của môi trường tự nhiên đối với sự sinh tồn của loài người, làm nền tảng cho việc xây dựng nội dung các điều

ước quốc tế đa phương cũng như các hiệp định song phương giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hợp tác trong nỗ lực cứu vớt lấy sự sống của trái đất. Trong đó, ngoài những quy định chung trong các điều ước quốc tế, nội dung của các hiệp định khu vực và các văn bản liên quan cần được quy định chi tiết, rõ ràng, toàn diện về tất cả các vấn đề trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD và môi trường sống của chúng, sao cho phù hợp với tính chất môi trường thiên nhiên và đặt trong bối cảnh xem xét điều kiện kinh tế - xã hội của các khu vực cụ thể.

Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác song phương với các nước thuộc khối EU, Australia, Hàn Quốc, Rumani, Thái Lan,Trung Quốc, Lào, Hoa Kỳ, Nam Phi… về tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật đối với tội phạm về động vật, thực vật hoang dã, qua đócam kết thúc đẩy các nỗ lực trong đấu tranh chống buôn bán trái phép động vật, thực vật hoang dã, và tăng cường phối hợp trong các lĩnh vực chiến lược như giảm nhu cầu tiêu dùng và tiêu thụ các loài động vật, thực vật hoang dã và các sản phẩm từ động vật, thực vật hoang dã bất hợp pháp; tăng cường công tác truy tố và thực thi pháp luật về Động, Thực vật Hoang dã; kiện toàn và thực thi hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến tội phạm về động vật, thực vật hoang dã; tăng cường hợp tác quốc tế. Bên cạnh đó, các quốc gia lập kế hoạch triển khai phương thức tiếp cận mang tính toàn diện, phối hợp giữa các cơ quan Chính phủ để cùng giải quyết vấn đề buôn bán trái phép các loài động vật, thực vật hoang dã và sản phẩm từ chúng, đồng thời phối hợp với khối doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các viện nghiên cứu, các nhà khoa học và các đối tác trong và ngoài nước khác. Các quốc gia cũng mong muốn đẩy mạnh hợp tác thông qua các hoạt động đào tạo, trao đổi kỹ thuật, thông tin, giáo dục đại chúng và các chiến dịch giảm nhu cầu sử dụng sản phẩm từ động vật, thực vật hoang dã.

Bên cạnh đó, Việt Nam nên gia nhập Công ước quốc tế về các loài di cư (CMS). Mục tiêu của Công ước là bảo tồn các loài di cư sống trên cạn, dưới nước vả chim di cư trong phạm vi hoạt động của các loài này. Theo Điều II của Công ước, các Bên cần ghi nhận yêu cầu phải hành động để ngăn chặn bất kỳ loài di cư

nào khỏi nguy cơ tuyệt chủng, các Bên phải nỗ lực áp dụng các biện pháp bảo vệ đối với các loài di cư có nguy cơ tuyệt chủng. Trong khi đó, hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam chứa đựng các hệ sinh thái, cảnh quan đặc trưng với giá trị ĐDSH tiêu biểu cho hệ sinh thái trên cạn, đất ngập nước và biển đã và đang được Việt Nam xây dựng vì mục đích bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên ĐDSH, đây cũng là nơi cư trú của rất nhiều loài di cư, điển hình như các Khu Ramsar của là nơi cư trú của các loài chim nước. Thêm vào đó, Việt Nam là một quốc gia nằm trong phạm vi phân bố theo Công ước CMS đối với loài di cư [95]. Vì vậy, xét thấy các quy định trong Công ước là tương thích với định hướng chung trong pháp luật về bảo vệ ĐVHD của Việt Nam cũng như các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia cùng với sự đa dạng trong các hệ sinh thái của Việt Nam, Chính phủ Việt Nam cần nghiên cứu tính khả thi của việc gia nhập Công ước này để nâng cao sự bảo vệ đối với các loài ĐVHD di cư góp phần quan trọng tạo nên ĐDSH toàn cầu.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể xem xét Công ước về tiếp cận thông tin, tham

gia của người dân vào hoạt động ra quyết định và tiếp cận bình đẳng đối với các vấn đề về môi trường – Công ước Aarhus. Mục tiêu của Công ước này là bảo vệ

quyền của mỗi cá nhân thuộc thế hệ hiện tại và tương lai được sống trong môi trường khỏe mạnh với đầy đủ phúc lợi và mỗi Bên phải đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, quyền tham gia của người dân vào hoạt động ra quyết định và quyền tiếp cận bình đẳng đối với các vấn đề về môi trường. Các quốc gia thành viên phải đảm bảo rằng trong khuôn khổ pháp luật quốc gia, tòa án hoặc một cơ quan độc lập và khách quan sẽ can thiệp trong trường hợp bất kỳ cá nhân nào nhận thấy một phần hoặc toàn bộ yêu cầu thông tin môi trường của cá nhân đó đã bị phớt lờ, bị khước từ vô lý hoặc không được giải đáp một cách hợp lý. Vấn đề này là để đảm bảo quyền cơ bản của con người đã được quy định trong Hiến pháp Việt Nam. Việc tham gia Công ước sẽ tăng cường việc thực thi pháp luật quốc gia, góp phần cải cách hệ thống tư pháp và nâng cao ý thức của người dân trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Đối với việc nội luật hóa các quy định quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ ĐVHD để phù hợp với đặc điểm môi trường thiên nhiên Việt Nam, Chính phủ cần rà soát lại các văn bản quy phạm pháp luật trong nước liên quan tới các điều ước quốc tế và các hiệp định khu vực và Việt Nam đã ký kết và đặt vào bối cảnh hiện nay để cập nhật các quy định kịp thời như việc xây dựng một văn bản pháp luật riêng về khu đất ngập nước theo Công ước Ramsar, hay xây dựng một đạo luật chuyên biệt về bảo vệ ĐVHD như tác giả đã trình bày ở chương 2.

Tóm lại, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo tồn ĐDSH,giữ vai trò tích cực, chủ động trong việc gia nhập và ký kết các điều ước quốc tế quan trọng về bảo tồn ĐDSH, bảo vệ ĐVHD với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.Sức ép từ các cam kết quốc tế sẽ góp phần đáng kể vào việc thúc đẩy hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia cũng như đóng góp vào sự nghiệp phát triển của đất nước trong lĩnh vực phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường để duy trì sự phát triển bền vững, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đẩy mạnh quan hệ đối ngoại để góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) pháp luật quốc tế về bảo vệ động vật hoang dã và thực tiễn áp dụng tại việt nam (Trang 86 - 89)