Trong THADS phối hợp có hiệu quả không chỉ cho phép cơ quan THADS, Chấp hành viên giải quyết tốt các công việc thuộc các chức năng, thẩm quyền của mình, mà còn có thể giải quyết được những vấn đề khó khăn, phức tạp vượt quá khả năng và thẩm quyền của mình, những vấn đề đột xuất, cấp bách, những trọng tâm, ưu tiên đòi hỏi phải huy động nhiều nguồn lực bên ngoài mới có thể giải quyết được một cách có hiệu quả.
Tuy nhiên thực tiễn hoạt động THADS cho thấy, không phải lúc nào và ở đâu, sự phối hợp cũng phát huy tác dụng tích cực, mà có lúc, có nơi sự phối hợpcòn có cả tác dụng tiêu cực, cản trở quá trình thi hành án hoặc làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Ví dụ: Nếu sự phối hợp vượt quá nhu cầu cần thiết, đến mức bị lạm dụng thì sự phối hợp đó sẽ trở nên phản tác dụng, làm nảy sinh những vấn đề tiêu cực trong tổ chức thi hành án và trong quản lý THADS, dẫn đến việc hạn chế sự phát triển và hoàn thiện các năng lực quản lý của cơ quan THADS, đó chính là việc đùn đẩy và trách nhiệm giữa các cơ quan hữu quan trong THADS. Mặt khác, nếu thẩm quyền, trách nhiệm phối hợp được quy chế hóa một cách quá mức, quá nhấn mạnh nhu cầu phối hợp mà không tính đến việc phân định rõ thẩm quyền và trách nhiệm cụ thể, thì khi đó phối hợp có thể bị lạm dụng, tạo ra sự áp đặt đối với cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phối hợp. Do đó để phối hợp có hiệu quả, quá trình xây dựng và thực hiện các quan hệ phối hợp trong THADS đòi hỏi phải đáp ứng một số đề xuất sau đây:
- Phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan THADS, của chấp hành viên và các cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan trong mối quan hệ phối hợp;
- Phải xây dựng được mối quan hệ tương tác ủng hộ giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bên tham gia quan hệ phối hợp;
- Luôn mang tính đa phương đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm;
- Tránh lạm dụng quan hệ phối hợp nhằm gây thiệt hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, cá nhân và tổ chức;
- Phải có kế hoạch, quy chế; có người chủ trì, người chịu trách nhiệm đối với từng phần công việc; không đùn đẩy trách nhiệm thông qua phối hợp THADS;
- Đảm bảo sự kết hợp hoạt động giữa cơ qua THADS và các cơ quan hữu quan một cách hài hòa, đồng bộ nhằm đạt được mục tiêu đề ra;
- Phải mang tính thường xuyên, liên tục, ổn định;
- Phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về THADS.