Quốc triều Hình luật
Vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân đang là đề tài gây tranh luận trong giới nghiên cứu pháp luật hình sự tại Việt nam. Câu hỏi được đặt ra
trong vấn đề này là nên hay không nên quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
Trong pháp luật hình sự phong kiến Việt Nam, ngoài quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội của "bảo" trong pháp luật hình sự nhà Lý ở thế kỷ thứ XI như đã nêu ở phần trước thì tại Quốc triều Hình luật nhà Lê, vấn đề trách nhiệm hình sự đối với tập thể quy định không rõ ràng, chỉ quy định đối với một số tội cụ thể.
Tại Điều 413 quy định:
Mưu bạn thì xử chém. Nếu đã hành động thì xử chém bêu đầu. Kẻ biết việc thì xử chém như kẻ tội phạm. Vợ con và điền sản của kẻ phạm tội đều bị tịch thu vào nhà nước. Thưởng cho người cáo giác cũng như người cáo giác việc mưu phản. Những kẻ trốn vào rừng núi đồng lầy, không theo lệnh gọi trở về, thì xử như tội mưu bạn. Nếu kháng cự với tướng hiệu thì xử như tội đã hành động [36]. Quốc triều Hình luật thời Lê không quy định trách nhiệm hình sự đối với "bảo" như thời Lý - Trần. "Bảo" là một đơn vị cấp cơ sở tương tự như mô hình liên gia hiện nay ở Việt Nam hiện đại. Mà chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với tập thể khi có các hành vi phạm tội xâm phạm tới các điều luật từ mưu bạn trở lên (bao gồm: mưu phản, mưu đại nghịch và mưu bạn). Tức là đối với các tội xâm phạm tới an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, và sự tồn tại của vương triều nhà Lê. Như vậy so với pháp luật thời Lý - Trần, pháp luật trong Quốc triều Hình luật nhà Lê đã giảm tối đa các quy định trách nhiệm đối với tập thể, tổ chức, các nhà làm luật thời kỳ này đã cố gắng cá thể hóa trách nhiệm pháp lý. Hình thức tru di tam tộc, đại diện tiêu biểu nhất đã bị nhận hình thức này là Nguyễn Trãi (trách nhiệm pháp lý đối với một đại gia đình của người phạm tội) - hình thức tàn bạo nhất mà chúng ta đã từng thấy, đã bị loại bớt đi rất nhiều.
Với chế tài cực kỳ khắc nghiệt đối với các tội mưu phản, mưu đại nghịch, mưu bạn, rõ ràng điều này thể hiện sự chuyên chế cao độ của chế độ, nó bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị, sự tồn vong của quốc gia, dân tộc.