Đặc điểm của hợp đồng dân sự có điều kiện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hợp đồng dân sự có điều kiện (Trang 26 - 33)

- Sự kiện là điều kiện của hợp đồng được hiểu là sự kiện đó phát sinh trong tương lai và xác định vào thời điểm các bên thỏa thuận.

1.2.2. Đặc điểm của hợp đồng dân sự có điều kiện

Trong khoa học pháp lý, dựa vào tính chất và nội dung trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh từ hợp đồng, hợp đồng dân sự được phân loại theo nhóm gồm hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu tài sản, hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng tài sản, hợp đồng thực hiện một việc và hợp đồng không được thực hiện một việc. Căn cứ vào tính chất có đi có lại của các bên trong hợp đồng thì có hợp đồng có đền bù, không có đền bù, hợp đồng song vụ và hợp đồng đơn vụ… Như vậy, hợp đồng dân sự có điều kiện là một loại hợp đồng mang tính đặc thù và có những đặc điểm cơ bản sau:

Thứ nhất: Sự kiện phát sinh trong đời sống xã hội được các bên thỏa thuận làm điều kiện của hợp đồng, theo đó việc thực hiện hợp đồng phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.

Sự kiện mà các bên thỏa thuận là điều kiện của hợp đồng là những sự kiện khách quan sẽ phát sinh trong tương lai và không phụ thuộc vào ý chí của các bên tham gia hợp đồng dân sự có điều kiện. Pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận của các bên tham gia hợp đồng.

Thứ hai: Hợp đồng dân sự có điều kiện là hợp đồng được giao kết hợp pháp nhưng hiệu lực của hợp đồng còn phụ thuộc vào sự kiện là điều kiện do các bên thỏa thuận và theo đó khi sự kiện phát sinh hoặc chấm dứt là điều kiện để hợp đồng được thực hiện, được thay đổi hoặc được chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng.

Thứ ba: Hợp đồng dân sự có điều kiện là hợp đồng có đối tượng được thực hiện hoặc là tài sản, hoặc thực hiện một việc hoặc không được thực hiện một việc vì lợi ích của một hai bên tham gia hợp đồng có điều kiện và loại hợp đồng này cũng có các đặc điểm của hợp đồng dân sự nói chung là có đền bù hoặc không có đền hoặc vì lợi ích của người thứ ba.

Như vậy, hợp đồng dân sự có điều kiện là hợp đồng mà trong đó các bên quy định một sự kiện là điều kiện, khi sự kiện đó xảy ra hợp đồng phát sinh hay chấm dứt hiệu lực. Trước tiên cần phải hiểu "một sự kiện" là điều kiện không có nghĩa chỉ là một sự kiện mà có thể bao gồm nhiều sự kiện, khi hội tụ đủ các sự kiện này thì mới coi là sự kiện xảy ra. Cho nên, nếu các bên có thỏa thuận quy định nhiều sự kiện liên tiếp thì phải có đủ các sự kiện đó xảy ra mới coi là sự kiện xảy ra. Các sự kiện trong hợp đồng đều do các bên thỏa thuận một cách tự nguyện. Yếu tố "khi sự kiện đó xảy ra" mà điều luật quy định làm phát sinh hay chấm dứt hiệu lực của hợp đồng cũng có thể suy đoán ngược lại là: nếu các bên thỏa thuận các sự kiện đó không xảy ra làm phát sinh hay chấm dứt hợp đồng thì việc "không xảy ra" cũng được suy đoán

tương tự như trường hợp các bên có quy định "khi sự kiện xảy ra". Việc giao kết hợp đồng ngoài việc thỏa mãn các điều kiện chung để hợp đồng có hiệu lực còn phải phụ thuộc vào điều kiện mà các bên trong hợp đồng thỏa thuận. Điều 134 Bộ luật dân sự năm 1995 và Điều 125 Bộ luật dân sự năm 2005 đều đã quy định: "Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự, thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh hoặc bị hủy bỏ" [21], [23]. Việc thừa nhận này là cần thiết vì nó cho phép các bên dự liệu trước được một hoàn cảnh có nhiều khả năng xảy ra hay không có khả năng xảy ra. Thuật ngữ "điều kiện" tương đối trừu tượng và có nghĩa khác với điều kiện có hiệu lực của hợp đồng. Theo Bộ luật dân sự, trong trường hợp các bên có thỏa thuận về điều kiện phát sinh hợp đồng thì khi điều kiện đó xảy ra, hợp đồng phát sinh. Sự tồn tại của hợp đồng có thể phụ thuộc vào một điều kiện theo thỏa thuận của các bên. Ví dụ, các bên mua thỏa thuận rằng sẽ tiến hành chuyển nhượng nếu bên mua được ngân hàng cho vay. Trong trường hợp này, những điều kiện để hợp đồng có hiệu lực có thể thỏa mãn nhưng điều đó chưa dẫn đến việc giao kết hợp đồng chuyển nhượng vì tất cả phụ thuộc vào việc ngân hàng cho vay tiền hay không. "Điều kiện" đó liên quan đến sự hình thành hợp đồng.

Chúng ta có thể phân loại sự kiện làm điều kiện trong hợp đồng dân sự có điều kiện thành hai nhóm:

- Sự kiện thông thường không làm phát sinh hậu quả pháp lý cho các bên tham gia vào các sự kiện đó và các chủ thể của các quan hệ pháp luật nói chung.

- Sự kiện pháp lý là những sự kiện làm phát sinh hậu quả pháp lý cho các chủ thể của quan hệ pháp luật nói chung.

Một sự kiện nằm ngoài ý chí của các chủ thể tham gia vào quan hệ hợp đồng đều có thể coi là điều kiện của hợp đồng và khi nó xảy ra hoặc không xảy ra làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các chủ thể. Tất cả các sự biến, hành vi của người thứ ba (xảy ra hay không xảy ra không phụ thuộc vào

ý chí của các chủ thể trong hợp đồng) đều được coi là điều kiện. Đối với hành vi của các chủ thể tham gia hợp đồng cho dù hành vi đó là hành vi pháp lý hay hành vi thông thường đều được pháp luật quan tâm hơn cả bởi hành vi đó được thực hiện theo ý chí của họ. Việc dự liệu các sự kiện là điều kiện sẽ mất tính ngẫu nhiên nếu bằng chính hành vi của họ lại thúc đẩy hay kìm hãm sự kiện đó xảy ra hay không xảy ra. Vì vậy, pháp luật các nước cũng như Bộ luật dân sự năm 2005 cũng dự liệu đến hành vi của các chủ thể đó.

Sự kiện được coi là điều kiện của hợp đồng do chính các bên trong hợp đồng thỏa thuận. Trên thực tế. chúng ta thấy có các loại điều kiện sau:

- Điều kiện do một bên thực hiện. Ví dụ: A sẽ thực hiện hợp đồng mua bán nhà của B với giá thỏa thuận nếu A bán được nhà của mình trong hạn 6 tháng. Như vậy A có nghĩa vụ thực hiện điều kiện bằng hành vi của chính mình không phụ thuộc vào hành vi của B.

- Điều kiện do hai bên cùng thực hiện. Ví dụ: A sẽ thực hiện hợp đồng thuê B lái ô tô với điều kiện A mua được ô tô và B học xong và được cấp giấy phép lái xe ô tô. Ở ví dụ này, A có nghĩa vụ mua ô tô và B có nghĩa vụ học và thi đỗ lấy được bằng lái xe.

- Điều kiện có thể là sự biến (trở ngại khách quan) do các bên thỏa thuận trước. Ví dụ: A và B thỏa thuận nếu mưa bão từ cấp 6 trở lên sẽ đình chỉ thực hiện hợp đồng vận chuyển hàng hóa.

Thứ tư: Sự kiện xác lập trong hợp đồng dân sự có điều kiện phải thuộc về tương lai

Điều kiện trong hợp đồng phải thuộc về tương lai có nghĩa là sự kiện dự kiến là điều kiện trong hợp đồng chưa xảy ra vào thời điểm giao kết hợp đồng hoặc đã xảy ra ở hiện tại nhưng các bên giao kết không biết. Sự kiện tương lai đó là một sự kiện không chắc chắn, có thể xảy ra hoặc không xảy ra hoàn toàn không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các chủ thể bởi nếu sự

kiện chắc chắn xảy ra hoặc không xảy ra thì việc quy định điều kiện trở nên không còn ý nghĩa. Sự kiện được coi là điều kiện của giao dịch phải là sự kiện thuộc về tương lai. Sự kiện đó là sự kiện khách quan, xảy ra hay không xảy ra không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các chủ thể trong hợp đồng dân sự và mang tính không ổn định. Nếu trong trường hợp, sự kiện được coi là điều kiện đó xảy ra không khách quan, hay nói cách khác, nó xảy ra do có sự tác động theo ý chí của các chủ thể mà lại trái với ý chí của chủ thể khác trong hợp đồng dân sự đó, và sự tác động đó làm ảnh hưởng sự phát sinh hoặc hủy bỏ sự kiện được coi là điều kiện đó thì cũng đã vi phạm nguyên tắc tự do ý chí trong một hợp đồng dân sự. Khi điều kiện trong hợp đồng dân sự có điều kiện xảy ra trên thực tế sẽ làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của các bên, và rất nhiều trường hợp nghĩa vụ của đương sự trong giao dịch đó trở thành điều kiện trong hợp đồng dân sự có điều kiện; tuy nhiên có một yếu tố căn bản của nghĩa vụ không thể được dùng làm điều kiện được: chẳng hạn, một sự mua bán dưới điều kiện là người mua phải trả tiền thì không phải là một sự mua bán có điều kiện mà là một sự mua bán bình thường, bởi vì, việc trả tiền là một yếu tố của sự mua bán. Trái lại, ví dụ một giao dịch mua bán bất động sản nào đó dưới điều kiện là người mua phải kết hôn với người bán hoặc với ai đó theo ý của người bán thì sự mua bán này có điều kiện; tuy nhiên, điều kiện đặt ra ở đây lại xảy ra không khách quan, có thể trái với ý chí của chủ thể trong hợp đồng dân sự này. Sự kiện được coi là điều kiện trong hợp đồng dân sự có điều kiện là các sự kiện xảy ra sau khi hợp đồng đã được giao kết. Nếu các sự kiện xảy ra trước hoặc ngay tại thời điểm giao kết thì các sự kiện này không còn là điều kiện của các hợp đồng đó nữa. Như vậy, tính về thời gian sự kiện phải xảy ra sau khi giao kết hợp đồng. Hiện nay chưa có quy định nào về khoảng thời gian tối thiểu cũng như tối đa kể từ lúc giao kết hợp đồng. Có thể thấy rằng không thể xác định được khoảng thời gian tối thiểu hay tối đa cho mọi hợp đồng được. Tính không xác định là một đặc tính của sự kiện được

coi là điều kiện. Tại thời điểm giao kết hợp đồng các bên chỉ dự đoán về sự kiện đó chứ không thể khẳng định chắc chắn sự kiện đó có xảy ra hay không. Điều này phân biệt với thời hạn của hợp đồng. Thời hạn của hợp đồng là thời điểm hoặc khoảng thời gian mà đến thời điểm đó hay trong khoảng thời gian đó hợp đồng phải được thực hiện hay chấm dứt. Thời hạn này chắc chắn xảy ra và luôn xác định được. Thời hạn là một điều khoản của hợp đồng, là một bộ phận cấu thành nội dung của hợp đồng, còn điều kiện chỉ làm phát sinh hay chấm dứt một hợp đồng đã được giao kết. Việc xảy ra hay không xảy ra của sự kiện không phụ thuộc vào ý chí của các bên tham gia hợp đồng. Sự kiện chỉ được coi là điều kiện, nếu xác định là có thể xảy ra mà không chắc chắn phải xảy ra. Cũng cần phân biệt sự kiện chắc chắn xảy ra nhưng không xác định khi nào xảy ra với sự kiện không chắc chắn xảy ra nói chung. Sự kiện chắc chắn xảy ra cần kết hợp với yếu tố thời gian. Một sự kiện chắc chắn xảy ra nhưng trong một khoảng thời gian xác định sự kiện đó không chắc chắn xảy ra. Ví dụ: "nếu trong tháng này không có bão" thì sự kiện bão xảy ra là chắc chắn nhưng trong tháng này sự kiện bão đó lại không chắc chắn xảy ra. Đối với hợp đồng bảo hiểm thì sự kiện bảo hiểm được coi là điều kiện, thời gian bảo hiểm được coi là thời hạn tối đa cho hợp đồng bảo hiểm và luôn luôn được xác định. Nhưng trong hợp đồng bảo hiểm luôn có dự liệu bất bình đẳng cho bên này hoặc bên kia. Nếu có sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời gian bảo hiểm, bên bảo hiểm phải trả một khoản tiền lớn hơn rất nhiều so với phí bảo hiểm đã đóng và ngược lại, nếu sự kiện bảo hiểm không xảy ra thì bên đóng phí không được hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng.

Thứ năm: Sự kiện trong hợp đồng có điều kiện là sự kiện hoàn toàn khách quan, không mang tính chất hoang tưởng, không vượt quá khả năng của con người

Sự kiện do các bên chủ thể trong hợp đồng thỏa thuận là một sự kiện nằm ngoài ý chí chủ quan của các bên tham gia quan hệ hợp đồng. Mọi sự

tác động của các chủ thể hay của người thứ ba để sự kiện đó xảy ra nhanh hay chậm, tiến triển trước hay ngăn chặn cho sự kiện đó không xảy ra thì cũng coi như điều kiện đó đã xảy ra hoặc sự tác động làm cho sự kiện đó xảy ra thì coi như sự kiện làm điều kiện đó không xảy ra. Tuy nhiên có những điều kiện mà việc phát sinh có thể lệ thuộc một phần vào ý chí của bên có nghĩa vụ, một phần vào ý chí của bên có quyền hoặc người thứ ba hoặc vào hoàn cảnh khách quan. Khi các bên thỏa thuận điều kiện trong hợp đồng làm phát sinh hay hủy bỏ hợp đồng thì điều kiện đó có thể là sự kiện của thiên nhiên, sự kiện xuất phát từ chính hành vi của con người. Nếu đó là sự kiện thuộc về thiên nhiên thì sự kiện làm điều kiện trong hợp đồng có điều kiện không phải là sự kiện mang tính chất hoang tưởng, một sự kiện thiên nhiên khó có khả năng xảy ra trên thực tế. Sự kiện đó phải là những sự kiện thiên nhiên thường xảy ra nhưng việc xảy ra hay không con người không nắm bắt được. Hành vi con người là điều kiện trong hợp đồng có điều kiện phải là những hành vi nằm trong khả năng của con người, không thể thỏa thuận những điều kiện làm điều kiện phát sinh hay hủy bỏ hợp đồng nằm ngoài khả năng mà con người có thể làm được. Điều kiện do các bên xác lập trong hợp đồng dân sự phải tạo ra khả năng nhất định (ở tương lai) có thể xảy ra hoặc các bên có thể thực hiện được. Có nghĩa là về ý chí, các bên khi thỏa thuận tin rằng điều kiện nêu ra là thực tế, sẽ xảy ra và vì vậy hợp đồng dân sự được xác lập sẽ phát sinh hoặc hủy bỏ. Điều kiện không thể thực hiện được khi sự kiện được coi là điều kiện để hợp đồng dân sự phát sinh, hủy bỏ đó không thể xảy ra được trên thực tế. Ví dụ: A bán cho B căn nhà nếu A mua được căn nhà trên hành tinh mặt trời, điều kiện của giao dịch giữa A và B là không thể có khả năng thực hiện được và sự kiện mua căn nhà trên mặt trời cũng không thể xảy ra được trên thực tế, do đó điều kiện này không phải là điều kiện được công nhận trong hợp đồng dân sự và sự vô hiệu của điều kiện cũng làm cho hợp đồng dân sự đó cũng trở thành vô hiệu.

Thứ sáu: Thời điểm phát sinh hiệu lực hợp đồng là thời điểm sự kiện làm điều kiện đó xảy ra hoặc không xảy ra.

Việc xác định thời điểm có hiệu lực của một hợp đồng là rất quan trọng. Bởi kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực thì quyền và nghĩa vụ của các bên mới phát sinh, và được pháp luật bảo vệ. Căn cứ vào các quy định hiện hành, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng được xác định tại nhiều thời điểm khác nhau, tùy thuộc vào hình thức của hợp đồng, tùy thuộc vào thỏa thuận của các bên, cũng như những quy định khác của pháp luật chuyên ngành. Trong hợp đồng dân sự có điều kiện, hợp đồng không phát sinh sau thời điểm giao kết mà chỉ phát sinh khi sự kiện mà các bên chọn làm điều kiện phát sinh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hợp đồng dân sự có điều kiện (Trang 26 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(90 trang)