3.1. Giải pháp hoàn thiện pháp luật
3.1.1. Sửa đổi, bổ sung Điều 51 của Bộ luật tố tụng hình sự
Hiện nay quyền và nghĩa vụ của người bị hại được quy định tại Điều 51 của Bộ luật tố tụng hình sự. Theo quan sát của chúng tôi thì pháp luật tố tụng hình sự về quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại qua quá trình tồn tại và phát triển ngày càng được bổ sung, sửa đổi đầy đủ và hoàn thiện hơn. Tuy nhiên, quá trình áp dụng cũng bộc lộ một số bất cập trong quy định pháp luật cũng như thực tiễn áp dụng cần phải hoàn thiện đầy đủ và cụ thể hơn.
Thứ nhất, kiến nghị hoàn thiện quy định về khái niệm pháp lý về người bị hại quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật tố tụng hình sự.
Như chúng tôi đã phân tích ở chương 1 và chương 2 của luận văn, do khái niệm pháp lý về người bị hại quy định chưa phù hợp nên trong thực tiễn áp dụng phát sinh nhiều vướng mắc. Từ đó chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 51 của BLTTHS như sau:
Người bị hại là cá nhân bị tội phạm trực tiếp gây thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra và được cơ quan có thẩm quyền công nhận theo quy định của pháp luật. Quy định này sẽ làm rõ hơn quyền được công nhận của người bị hại.
Thứ hai, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định khoản 2 Điều 51 của BLTTHS về quyền của người bị hại.
Mặc dù BLTTHS năm 2003 đã quy định về quyền của người bị hại nhưng qua 10 năm áp dụng đã bộc lộ những bất cập cần được khắc phục. Do vậy, chúng tôi đề nghị sửa đổi bổ sung như sau:
Một là, quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại sửa đổi theo hướng có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại chứ không phải là đề nghị mức bồi thường như hiện nay. Yêu cầu bồi thường được hiểu theo nghĩa rộng hơn, bao gồm cả loại thiệt hại phải bồi thường, mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường.
Hai là, quyền kháng cáo, khiếu nại, đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng sửa đổi theo hướng cụ thể hơn.
Ba là, quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu cần sửa theo hướng cho phép người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền đưa ra yêu cầu, chứng cứ, tài liệu, đồ vật, tình tiết liên quan đến vụ án nếu không thuộc bí mật nhà nước để phục vụ cho việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại.
Thứ ba, đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 3, 4, 5 Điều 51 của BLTTHS theo hướng đối với người bị hại mất tích thì người đại diện hợp pháp của họ cũng có quyền như người bị hại và một số quy định khác.
Thứ tư, kiến sửa đổi, bổ sung việc dẫn giải người bị hại trong trường hợp họ cố tình không đến… và trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền đối với việc thực hiện quyền của người bị hại.
Với sửa đổi, bổ sung như trên, Điều 51 của BLTTHS sẽ được quy định cụ thể như sau:
Người bị hại
1. Người bị hại là cá nhân bị tội phạm trực tiếp gây thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra và được công nhận bởi quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Người bị hại và người đại diện hợp pháp của họ có quyền: a. Được thông về kết quả điều tra, giải quyết vụ án; được giải
thích quyền và nghĩa vụ; được thông báo về người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật; được nhận quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra, quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ vụ án; được đọc biên bản phiên tòa, yêu cầu ghi những sửa đổi bổ sung vào biên bản phiên tòa; được giao bản án sơ thẩm, phúc thẩm.
b. Tham gia vào quá trình giải quyết vụ án hình sự, đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu; được tham gia phiên tòa; được trình bày ý kiến tranh luận tại phiên tòa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Trong trường hợp vụ án được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại quy định tại khoản 1 Điều 105 của bộ luật này thì người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền trình bày lời buộc tội tại phiên tòa.
c. Nhờ người bảo vệ quyền lợi cho mình;
d. Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án;
d. Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích khi bị đe dọa hoặc có nguy cơ bị đe dọa.
3. Người bị hại có nghĩa vụ phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, viện kiểm sát và tòa án). Trường hợp cố tình không đến hoặc gây khó khăn, cản trở hoạt động tố tụng thì có thể bị dẫn giải.
Nếu người bị hại từ chối, trốn tránh khai báo, giám định, cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 308 của Bộ luật hình sự.
4. Nếu người bị hại là cá nhân bị chết hoặc bị mất tích thì người đại diện hợp pháp của họ có quyền như người bị hại; nếu người bị hại là cơ quan, tổ chức phải chấm dứt hoạt động hoặc bị giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức thì việc kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng hình sự của cơ quan, tổ chức đó thực hiện theo quy định của pháp luật.
5. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, viện kiểm sát và tòa án có trách nhiệm đảm bảo cho người bị hại thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ theo quy định của Bộ luật này [38, Điều 51].