2.2. Thực tiễn thực hiện hoạt động khám xét
2.2.2. Những kết quả đạt được
Là một trong những biện pháp điều tra quan trọng, trong thời gian qua, biện pháp khám xét đã được các cơ quan có thẩm quyền áp dụng, thực hiện một cách hiệu quả. Biện pháp này cũng đã đem lại những hiệu quả tích cực nhất định trong việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn, chúng tôi nhận thấy
những kết quả đạt được của việc thực hiện hoạt động khám xét trong thời gian qua có thể khái quát với những nét chính như sau:
(i) nhiều vụ án lớn, quan trọng đã được các cơ quan có thẩm quyền điều tra triệt phá nhanh chóng thông qua kết quả của hoạt động khám xét
Bằng những kiến thức nghiệp vụ chuyên nghiệp, sự chỉ đạo sát sao trong quá trình lập kế hoạch, tiến hành thực hiện mà các cơ quan có thẩm quyền đã thu nhiều thắng lợi nhờ thực hiện biện pháp điều tra khám xét. Trên thực tế, trong mỗi vụ án hình sự, đối tượng mà tội phạm hướng tới khi gây án phần lớn là những đồ vật, tài sản có giá trị, đem lại lợi nhuận lớn, bởi vậy sau khi gây án tội phạm sẽ tìm những nơi an toàn để cất giấu, đó có thể là trong người, chỗ ở, chỗ làm việc hoặc những địa điểm an toàn khác. Qua việc thực hiện biện pháp khám xét, các cơ quan chức năng đã tìm kiếm, phát hiện, thu giữ được những vật chứng trên, từ đó củng cố chứng cứ, góp phần làm sáng tỏ vụ án hình sự, trong đó có những vụ án nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình như:
Vụ án Lê Văn Luyện phạm tội giết người và cướp tài sản tại tiệm vàng Ngọc Bích (Lục Nam, Bắc Giang) xảy ra hồi giữa năm 2011:
Vào sáng 24/8/2011, người dân địa phương đã phát hiện ra vụ án mạng tại tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang). Sau 2 ngày khởi tố vụ án đặc biệt nghiêm trọng, Bộ công an đã thành lập Ban chuyên án để điều tra, làm rõ vụ án. Ngày 29/8/2011, cơ quan điều tra công an huyện Lục Nam đã phối hợp với một số cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác tiến hành khám chỗ ở, địa điểm (bao gồm toàn bộ ngôi nhà, sân, vườn và các công trình phụ đi kèm như chồng lợn, nhà tắm,…) của nghi phạm Lê Văn Luyện tại thôn Sân Đình, xã Thanh Lâm, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Trong quá trình tiến hành khám xét, CQĐT
đã phát hiện một túi nilon đựng hàng trăm nhẫn, dây chuyền vàng chôn ở sau vườn và 4 chiếc vòng cổ, 13 vòng đeo tay, 199 nhẫn vàng, 59 dây chuyền, 5 mặt đá dây chuyền mang ký hiệu của tiệm vàng Ngọc Bích được cất giấu ở nhiều nơi khác nhau xung quanh ngôi nhà. Toàn bộ những vật chứng này đã đem lại giá trị chứng minh lớn trong việc làm sáng tỏ những tình tiết khách quan của vụ án, khiến kẻ phạm tội phải cúi đầu nhận tội [36].
Vụ án ông Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương - Ocean Bank bị khởi tố về tội danh vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng theo điều 179 Bộ luật Hình sự:
Ngày 24/10/2014, CQĐT đã tiến hành khám xét nơi làm việc của ông Thắm tại trụ sở Ngân hàng Ocean Bank, có địa chỉ tại Tòa nhà thương mại Deawoo, số 360 phố Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội. Tại đây CQĐT đã thu giữ nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan đến hành vi của ông Thắm như các chứng từ, tài liệu ghi nhận việc vay – cho vay của Ngân hàng, sổ, sách, giấy tờ ghi chép những thông tin có liên quan khác. Những tài liệu này giúp CQĐT sớm đưa ra nhận định về tội danh của ông Thắm, từ đó có những quan điểm chính xác trong bản kết luận điều tra, phục vụ quá trình giải quyết vụ án [22].
(ii) việc tổ chức, thực hiện khám xét ngày càng được hoàn thiện và trở nên chuyên nghiệp hơn
Xuất phát từ thực tiễn là hoạt động khám xét ngày càng được thực hiện phổ biến hơn trong giai đoạn điều tra của các vụ án hình sự nên các cơ quan có thẩm quyền đã có nhiều cơ hội trau dồi, tích lũy những bài học quý báu về việc tổ chức, thực hiện hoạt động khám xét. Điều này làm cho những kỹ năng chuyên môn của từng cán bộ thi hành lệnh cũng như khả năng phân công, phối hợp, trợ
giúp lẫn nhau giữa những cán bộ này ngày càng trở nên chuyên nghiệp, tạo sự thống nhất, hiệu quả trong quá trình thực hiện hoạt động khám xét.
Đơn cử vụ án Lê Văn Tèo và Nguyễn Tuấn Kiệt phạm tội Cướp giật tài sản trên địa bàn quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh hồi giữa năm 2012. Cụ thể như sau: Ngày 05/09/2012, sau khi phát hiện và bắt quả tang hai đối tượng cướp giật tài sản trên đường Nguyễn Văn Trỗi, phường 12, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh, nhận thấy có căn cứ để tiến hành khám xét, lực lượng cảnh sát điều tra Công an quận Phú Nhuận đã tiến hành khám người khẩn cấp đối Lê Văn Tèo và Nguyễn Tuấn Kiệt. Do cả 2 đối tượng này đều biết võ thuật, lại có vũ khí mang theo là dao bấm nhọn (dài khoảng 6,5cm) nên chúng rất manh động, chống đối quyết liệt, gây không ít khó khăn cho lực lượng cán bộ tiến hành khám xét trong việc khống chế và thực hiện nghiệp vụ khám xét đối tượng. Tuy nhiên, nhờ vào sự phối hợp nhịp nhàng của các thành viên trong lực lượng khám xét cũng như kỹ năng chuyên môn chuyên nghiệp của từng cá nhân, cuối cùng cuộc khám xét này đã được diễn ra thành công, lực lượng khám xét đã khống chế, tiến hành khám người và thu giữ được 3 điện thoại di động nhãn hiệu Nokia, 02 dây chuyền bạc, 01 đồng hồ đeo tay - là những tài sản mà hai đối tượng gây án đã cướp của người dân.
(iii) đa số các cuộc khám xét đều được tiến hành nhanh chóng, kịp thời, đáp ứng đòi hỏi về tính khẩn trương của quá trình điều tra và giải quyết vụ án hình sự
Như đã phân tích, trong thực tiễn điều tra, hoạt động khám xét phần lớn được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện bất ngờ, khẩn trương, ngay sau khi có các căn cứ luật định. Trong nhiều vụ án, tính nhanh chóng, kịp thời của hoạt động khám xét đã giúp các cơ quan có thẩm quyền chặn đứng âm mưu tiêu hủy, tẩu tán những chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan đến vụ án của tội phạm hoặc những cá nhân có liên quan khác, từ đó thu thập, củng cố những
Vụ án bắt quả tang Châu Thị Ánh Hồng Mua bán trái phép chất ma túy trên địa bàn huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: vào ngày 05/11/2012,
nhận thấy có căn cứ để tiến hành khám xét, cùng ngày này, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Thành đã ban hành lệnh và tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở (nhà riêng) của Châu Thị Ánh Hồng, địa chỉ tại: Tổ 8, khu phố Quãng Phú, thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại đây, các cơ quan thi hành lệnh đã thu giữ và niêm phong được một số vật chứng quan trọng như: 07 đoạn ống nhựa màu trắng được hàn kín hai đầu bên trong có chứa chất bột màu trắng (nghi là ma túy – heroin) đựng trong một túi nilon màu trắng được cất giấu trong tường gạch cầu thang – lối lên lầu 2; 02 ống kim tiêm đã qua sử dụng được vứt trong thùng rác đặt ở phòng khách; 01 lượng bột màu trắng trong bồn cầu vệ sinh (kết quả giám định khẳng định là ma túy – heroin sắp bị thủ tiêu). Như vậy, trong trường hợp này, nhờ việc tiến hành khám xét khẩn cấp, kịp thời mà các cơ quan tiến hành khám xét đã chặn được âm mưu tiêu hủy một phần vật chứng của vụ án. Cùng với những hành vi mà Châu Thị Ánh Hồng đã thực hiện khi bị bắt quả tang, những vật chứng này đã góp phần chứng minh hành vi phạm tội của Hồng.
(iiii) chưa nhận thấy việc khiếu nại, tố cáo đối với những hoạt động khám xét đã thực hiện, không có việc Viện kiểm sát, Tòa án phải trả hồ sơ, yêu cầu tiến hành khám xét lại do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi tiến hành khám xét hoặc bỏ lọt những chứng cứ quan trọng trong quá trình phát hiện, thu giữ tài liệu, đồ vật…
Qua thực tiễn nghiên cứu báo cáo kết quả tiếp nhận và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân một số địa phương mà chúng tôi tiếp cận được, chúng tôi nhận thấy tất cả các hoạt động khám xét đã được thực hiện trong quá trình điều tra vụ án hình sự đều không bị khiếu nại, tố cáo. Điều này cho thấy việc triển khai thực hiện hoạt động
khám xét của các cơ quan có thẩm quyền trong thời gian qua đã đảm bảo được chất lượng và yêu cầu theo quy định của pháp luật, từ đó khẳng định tính chân thực, chính xác của những chứng cứ, tài liệu thu thập được trong hoạt động điều tra này.
Nghiên cứu các trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung, đình chỉ và tạm đình chỉ vụ án hình sự, chúng tôi cũng nhận thấy không có vụ án nào phải trả hồ sơ do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khám xét. Trên tinh thần quy định của BLTTHS năm 2003 về việc trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung thì khi nhận thấy trong quá trình điều tra, các cơ quan có thẩm quyền điều tra và những cá nhân trong các cơ quan này đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các trình tự, thủ tục do BLTTHS quy định, xâm hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng hoặc làm ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan và toàn diện của vụ án thì Viện Kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào chức năng, quyền hạn của mình sẽ trả hồ sơ, yêu cầu tiến hành điều tra bổ sung, điều tra lại. Điều này có nghĩa là, nếu hoạt động khám xét được thực hiện không đúng, không đầy đủ về trình tự, thủ tục theo quy định của BLTTHS, dẫn đến xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân hoặc bỏ lọt những chứng cứ trong quá trình phát hiện, thu giữ, làm ảnh hưởng đến sự thật khách quan của vụ án thì Viện Kiểm sát và Tòa án có quyền trả hồ sơ, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền điều tra tiến hành khám xét lại.