BLTTHS là cơ sở pháp lý cho hoạt động giám đốc thẩm của những cơ quan có thẩm quyền tiến hành thủ tục giám đốc thẩm. Tuy nhiên, mặc dù BLTTHS được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 28.06.1988, có hiệu lực từ ngày 01.01.1989 được sửa đổi bổ sung 3 lần (lần thứ nhất vào ngày 30.06.1990; lần thứ hai vào ngày 22.12.1992; lần thứ ba vào ngày 09.06.2000). Song việc sửa đổi bổ sung đó chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn xét xử đặt ra. Vì vậy, để phù hợp với thực và đáp ứng được yêu cầu của công cuộc cải cách kinh tế, cải cách hành chính, cải cách tư pháp thúc đẩu quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, quán triệt quan điểm, định hướng về cải cách tư pháp được đề ra tại Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 2/1/2002 của Bộ chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thì gian tới”, BLTTHS năm 2003 được Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003 có hiệu lực từ ngày 1/7/2004 nhằm hạn chế những bất cập của BLTTHS cũ. Riêng về chế định giám đốc thẩm cũng có những sửa đổi cơ bản tuy nhiên vẫn còn có một số nội dung điều luật trong chương XXX còn mâu thuẫn, dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất. Cụ thể là:
3.1.1.1.Tính chất của giám đốc thẩm.
Theo Điều 272- BLTTHS giám đốc thẩm chỉ là hoạt động của Hội đồng giám đốc thẩm sau khi có kháng nghị và hoạt động này kết thúc bằng một quyết định giám đốc thẩm. Vậy, các hoạt động xảy ra trước khi có kháng nghị giám đốc thẩm như: Phát hiện ra bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật cần xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, kháng nghị, trả lời cho người đã phát hiện biết rõ lí do khi có kháng nghị, tạm đình chỉ thi hành bản án hoặc quyết định bị kháng nghị là hoạt động gì? Tiến hành theo thủ tục nào? Mà các
hoạt động này được quy định thành các điều luật riêng ngay tại chương XXX. Vì vậy, khái niệm giám đốc thẩm chưa phản ánh đầy đủ tính chất giám đốc thẩm. Một vấn đề cũng cần quan tâm làm rõ là xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị hay là xét lại vụ án mà bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị.
Quan điểm 1: Giám đốc thẩm chỉ dừng lại trong việc xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật trong việc xử lí vụ án. Họ lập luận rằng bản án hoặc quyết định là bản tổng kết qúa trình điều tra, truy tố, xét xử. Do đó bản án cũng đánh giá đầy đủ tính chất, mức độ hành vi phạm tội mà trong bản án hoặc quyết định cũng thể hiện tất cả các quy phạm pháp luật mà Tòa án đã áp dụng. Vì vậy, Hội đồng giám đốc thẩm chỉ cần xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật đó.
Quan điểm 2: Giám đốc thẩm là xét lại vụ án mà bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị giám đốc thẩm. Quan điểm này cho rằng Điều 284- BLTTHS quy định: “Hội đồng giám đốc thẩm phải xem xét lại toàn bộ vụ án mà không chỉ hạn chế trong nội dung kháng nghị”. Chỉ khi xét lại toàn bộ vụ án thì mới xác định được sự thật khách quan của vụ án. Theo chúng tôi, quan điểm thứ hai là hợp lý hơn. Nó phù hợp với những quy phạm pháp luật trong BLTTHS và thực tiễn xét xử.
3.1.1.2. Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm.
Một trong những căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là “ Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án” (Khoản 2 Điều 273- BLTTHS năm 2003). Nhưng hiện nay, có nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề “Kết luận trong bản án hoặc quyết định”. Bởi lẽ, khi xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm các bản án đều được
viết theo mẫu chung do Tòa án tối cao hướng dẫn. Cơ cấu bản án bao gồm: Phần mở đầu, nội dung vụ án, nhận định và quyết định. Vậy, phần nào được coi là kết luận của bản án?
Ý kiến 1: Cho rằng chỉ có phần nhận định là kết luận của bản án, vì phần này là phần chứng minh bị cáo có tội hay không có tội, nếu có tội thì thuộc tội nào của BLHS; dự kiến xử lí đối với bị cáo [16, tr 81].
Ý kiến 2: Cho rằng kết luận của bản án bao gồm từ phần mở đầu đến phần quyết định. Vì đã là bản án của Tòa án thì tất cả các bố cục trong bản án đều là của Tòa án, chỉ cần một sai sót nhỏ trong bản án thì cũng có quyền kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm [16, tr82].
Theo chúng tôi, ý kiến 2 là hợp lý. Bởi thực tiễn xét xử đã có bản án bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm chỉ vì trong bản án ghi người bị hại có mặt nhưng thực tế họ lại không có mặt tại phiên tòa. Phần nhận định trong bản án cũng là phần rất quan trọng. Nhận định đúng mới có hình phạt đúng. Phần nhận định phụ thuộc rất lớn vào ý chí chủ quan của Hội đồng xét xử. Dựa trên những kiến thức pháp lý đã có và thực tiễn xét xử để xác định tội danh của bị cáo. Hầu hết các bản án bị kháng nghị giám đốc thẩm là do phần nhận định trong bản án không đúng với thực tế khách quan. Ví dụ: Bị cáo thuộc trường hợp tái phạm lại nhận định là phạm tội lần đầu; áp dụng sai điều luật (đáng lẽ truy tố về tội đe dọa giết người, lại truy tố về tội giết người). Phần quyết định của bản án là phần khẳng định bị cáo có phạm tội không? Phạm tội thì thuộc điều luật nào của BLHS. Vì vậy, khi có sai lầm trong nội dung bản án. Kể từ tiêu đề, số bản án, ngày thụ lý đến các phần khác thuộc bố cục trong bản án thì người bị kết án, người bào chữa, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến kháng nghị giám đốc thẩm hoặc các chủ thể khác báo
ngay với người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm để kịp thời sửa chữa những sai lầm đó.