- Thay đổi thức ăn đột ngột (cỏ non ướt sương), sinh bệnh chướng hơi. - Thiếu chất khoáng sinh bệnh mềm xương, còi xương; thiếu muối chậm lớn.
- Trâu bò ăn thức ăn quá khô, thiếu nước sinh bệnh nghẽn dạ lá sách. - Thức ăn không cân đối khẩu phần Ca, P thời gian dài sẽ gây táo bón do nhu động ruột giảm.
- Gia súc ăn phải cỏ độc sẽ bị trúng độc (đói quá, ham ăn, hoặc do bãi chăn có nhiều cỏ độc). Nếu gia súc trúng độc nên cho gia súc uống nước đầy đủ, thường xuyên cho ăn muối.
- Khẩu phần thức ăn thiếu muối thì lợn chậm lớn. Nếu thừa muối thì lợn có thể chịu đựng một thời gian ngắn rồi sau đó bị ngộ độc.
4.1.4. Cách cho ăn hợp vệ sinh
- Phải chú ý đến sự thăng bằng giữa nhu cầu thức ăn và cung cấp thức ăn, tức là khẩu phần ăn phải đủ lượng và chất phù hợp với nhu cầu sinh lý, trọng lượng, tuổi và sức sản xuất của con vật.
- Thời gian cho ăn và số lần ăn trong ngày phải nhất định và thích hợp. Gia súc nhỏ cho ăn nhiều lần trong 1 ngày, gia súc lớn giảm dần đi.
- Thức ăn phải được lựa chọn cẩn thận, sàng lọc, bỏ những vật hỗn tạp, loại trừ những nguyên nhân làm cho thức ăn có hại, vận dụng tiêu chuẩn vệ sinh mà đánh giá từng loại thức ăn. Tùy theo tính chất của từng loại thức ăn mà chế biến phối hợp cho thích đáng, có lợi cho sự tiêu hóa của gia súc, tăng hiệu suất sử dụng thức ăn.
- Thức ăn phải giữ tươi, tránh lên men hư hỏng. Khi thay đổi thức ăn, thay đổi cách cho ăn, chế độ ăn phải dần dần, không được làm đột ngột. Những loại thức ăn dễ lên men như cỏ non, cỏ ướt, cây họ đậu, dây lang phơi tái,...cần được đặc biệt chú ý.
Đối với loài nhai lại, sau khi ăn no phải được nghỉ 1 – 2 giờ trong chỗ yên tĩnh, mát mẻ để cho nó có thì giờ và hoàn cảnh nhai lại tốt. Súc vật làm việc (trâu, bò, ngựa) trước khi làm việc nên cho ăn thức ăn dễ tiêu, sau khi ăn phải được nghỉ ngơi một thời gian mới làm việc trở lại.