Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo vệ quyền con người bằng những quy định về quyết định hình phạt trong bộ luật hình sự việt nam năm 2015 (Trang 32 - 34)

2.1. Các nguyên tắc quyết định hình phạt trong BLHS năm 2015 dưới góc độ

2.1.3. Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt

Dưới góc độ bảo vệ quyền con người thì nguyên tắc cá thể hóa là một nguyên tắc rất quan trọng, thể hiện rõ nét vấn đề bảo vệ các quyền cơ bản của con người trong

các quyết định hình phạt của Tòa án. Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt là nguyên tắc chung của LHS, đồng thời cũng là nguyên tắc của QĐHP và vấn đề bảo vệ quyền con người được thể hiện ở chỗ: Nội dung của nguyên tắc này là hình phạt phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS. TrongLuật hình sựViệt Nam, nội dung của nguyên tắc cá thể hóa hình phạt trong QĐHP được thể hiện trongLuật hình sựcũng như trong áp dụng LHS. Cá thể hóa hình phạt trongLuật hình sựquy định cho mọi trường hợp phạm tội, còn cá thể hóa hình phạt trong áp dụngLuật hình sựthì áp dụng đối với từng trường hợp phạm tội cụ thể, từng vụ án cụ thể. Trong LHS, nguyên tắc cá thể hóa hình phạt trong QĐHP được thể hiện trong các quy phạm Phần chung và các quy phạm Phần các tội phạm. Ở Phần chung của BLHS, trước hết nội dung của nguyên tắc này được thể hiện ở Điều 3 - nguyên tắc xử lý tội phạm. Cụ thể là:

“Nghiêm trị người phạm tội dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Khoan hồng đối với người tự thú, đầu thú, thành khẩn khai báo, tố giác đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra” [5].

Mặt khác, bảo vệ quyền con người trong nguyên tắc này cũng được thể hiện ở việc phân loại tội phạm trongLuật hình sựViệt Nam. Việc phân loại tội phạm thể hiện rõ quan điểm bảo vệ quyền con người của Nhà nước ta khi áp dụng chế định quyết định hình phạt, đối với các tội phạm thì quyết định hình phạt cần phải xem xét các hành vi có tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau thì mức hình phạt quy định cho các tội phạm này khác nhau. Ngoài ra trong Phần chung của BLHS còn có một loạt các quy phạm khác thể hiện nguyên tắc cá thể hóa hình phạt trong QĐHP như: quy định về QĐHP trong chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt, trường hợp đồng phạm cùng thể hiện nguyên tắc cá thể hóa hình phạt trong QĐHP (từ Điều 54 đến Điều 58 BLHS 2015). Nội dung của nguyên tắc này cũng được thể hiện trong các điều luật quy định về hệ thống hình phạt.

Trong Phần các tội phạm, nguyên tắc cá thể hóa hình phạt trong QĐHP được thể hiện ở các chế tài quy định cho các tội phạm cụ thể. Các chế tài này được quy định đa phần là các chế tài lựa chọn. Sự đa dạng về loại hình phạt đã tạo điều kiện thuận lợi

cho Tòa án tùy từng trường hợp cụ thể lựa chọn hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Trong hoạt động áp dụng LHS, trước hết, vấn đề bảo vệ quyền con người trong nguyên tắc này được thể hiện ở chỗ:

Thứ nhất, trong trường hợp cụ thể, hình phạt đã tuyên phải tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Khi QĐHP, Tòa án phải cân nhắc các tình tiết có trong vụ án để đánh giá chính xác tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội để có thể quyết định một hình phạt tương xứng với người phạm tội. Trong trường hợp tội phạm được thực hiện dưới hình thức đồng phạm, khi QĐHP Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất mức độ tham gia của những người đồng phạm, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS của từng người đồng phạm. Trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt thì tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội thấp hơn so với trường hợp tội phạm hoàn thành. Do vậy, hình phạt tuyên cho người phạm tội thuộc trường hợp chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt phải thấp hơn trường hợp tội phạm hoàn thành.

Thứ hai, khi Tòa án quyết định hình phạt cần phải cân nhắc những đặc điểm thuộc về nhân thân người phạm tội như trình độ học vấn, lối sống, ý thức chính trị, ý thức pháp luật, nghề nghiệp, hoàn cảnh gia đình… và chỉ rõ trong bản án những điểm tốt, điểm xấu trong nhân thân người phạm tội, đồng thời chỉ cân nhắc những tình tiết có ý nghĩa đối với QĐHP cho người phạm tội. Tòa án phải cân nhắc các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ TNHS có trong vụ án bởi vì các tình tiết này có ý nghĩa quan trọng trong việc phản ánh tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, từ đó làm cơ sở cho Tòa án QĐHP được đúng với người phạm tội.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bảo vệ quyền con người bằng những quy định về quyết định hình phạt trong bộ luật hình sự việt nam năm 2015 (Trang 32 - 34)