7 Kết cấu đề tài
3.2. Một số giải pháp cụ thể
3.2.1. Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về thanh tra
Công tác thanh tra trong mỗi giai đoạn nhất định phải dựa trên một hệ thống văn bản pháp lý được hoàn thiện theo yêu cầu của thực tiễn. Bởi vậy đi đôi với việc đổi mới tổ chức và hoạt động thanh tra nhà nước cấp tỉnh nói chung cũng như thanh tra nhà nước tỉnh Sơn La nói riêng thì vấn đề xây dựng đồng bộ và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thanh tra là một đòi hỏi cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Luật thanh tra hiện hành phải được sửa đổi, bổ sung một số điều trên cơ sở phù hợp với tình hình mới, có sự tương thích với những văn bản pháp luật có liên quan, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm tổ chức, hoạt động thanh tra tiên tiến của các nước trên thế giới. Cụ thể:
Thứ nhất, cần phải tăng thẩm quyền cho cơ quan thanh tra nhà nước cấp tỉnh theo hướng tăng cường tính độc lập, tuân theo pháp luật trong hoạt động thanh tra hiện nay. Để làm được điều này cần nghiên cứu đổi mới cơ cấu tổ chức Thanh tra nhà nước theo hướng đề cao vai trò của Thanh tra Chính phủ đối với tổ chức, nhân sự và hoạt động của Thanh tra cấp tỉnh. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Luật Thanh tra 2010 “Chánh Thanh tra tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ”, việc quy định này đã khiến lãnh đạo Thanh tra hoàn toàn lệ thuộc vào Chủ tịch UBND tỉnh, mặt khác sẽ làm cho hoạt động thanh tra khó có thể độc lập, khách quan khi đối tượng thanh tra chủ yếu là cán bộ, công chức trong bộ máy hành chính và chủ thể tham gia chủ yếu là người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước. Do đó, cần phải sửa đổi theo hướng tăng cường vai trò của Thủ trưởng cơ quan Thanh tra cấp trên trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Thanh tra cấp dưới trước khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định. Theo đó, điều luật trên nên điều chỉnh “Chánh Thanh tra tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức và phải có sự đồng ý của Tổng thanh tra Chính phủ”.
Thứ hai, nên giao quyền phê duyệt kế hoạch, chương trình thanh tra hàng năm cho Chánh thanh tra cấp tỉnh sau khi đã báo cáo thống nhất định hướng với Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Vai trò của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chỉ mang tính định hướng công tác thanh tra hàng năm (đối tượng, phạm vi, nội dung), Thủ trưởng cơ quan thanh tra sẽ chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra sát với thực tế phù hợp với tình hình địa phương, không mang tính dàn trải và chịu trách nhiệm về công tác thanh tra trước Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Thứ ba, nên quy định tăng thêm thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra và thời gian kết luận thanh tra. Hơn nữa, nên giao cho Trưởng đoàn thanh tra ký kết luận thanh tra. Bởi vì, việc giao cho người ra quyết định thanh tra ký kết luận thanh tra như hiện nay làm hạn chế tính tích cực, chủ động và chịu trách nhiệm của Trưởng đoàn thanh tra trong phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm
được phát hiện qua thanh tra. Trưởng đoàn thanh tra là người trực tiếp tiến hành thanh tra nên sẽ nắm chắc diễn biến, tình hình của sự việc, còn người ra quyết định thanh tra do không trực tiếp tiến hành thanh tra nên không nắm được tình hình thực tế của cuộc thanh tra dẫn đễn thời gian xem xét, ra kết luận kéo dài. Trong khi, thực tế hiện nay kết luận thanh tra vẫn thường được giao cho Trưởng đoàn thanh tra chuẩn bị.
Thứ tư, để tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, mang lại hiệu quả cao hơn phục vụ đắc lực cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, cần phải tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan thanh tra nhà nước với các cơ quan có có chức năng kiểm tra, giám sát, điều tra khác:
Cần thiết ban hành một qui chế liên ngành giữa Bộ Nội vụ - Viện kiểm sát nhân dân tối cao - Thanh tra nhà nước - Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng, trong đó qui định rõ chức trách của từng cơ quan Điều tra, thanh tra, kiểm tra khi tham gia vào công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng.
Các cơ quan trên khi cần thanh tra, kiểm tra một cơ quan nhà nước, một tổ chức xã hội, một doanh nghiệp cần phối hợp thành lập một Đoàn thanh tra, kiểm tra chung liên ngành để giảm phiền hà cho đơn vị bị thanh tra, kiểm tra và tránh chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền trên.