Đạo đức và pháp luật cùng có chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng hồ chí minh về đạo đức cán bộ (Trang 37 - 40)

1.3. Quan hệ giữa đạo đức và pháp luật

1.3.1. Đạo đức và pháp luật cùng có chức năng điều chỉnh các quan hệ xã hội

Ý thức đạo đức và ý thức pháp luật có mối liên hệ biện chứng với nhau và

đều có chức năng chung là điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm bảo toàn và phát triển xã hội. Khi chưa có luật pháp hoặc luật pháp mới hình thành thì việc điều chỉnh nhằm đảm bảo các quan hệ và trật tự xã hội do đạo đức đảm nhiệm. Đạo đức là hình thái ý thức xã hội (YTXH) thường được thể hiện ra dưới hình thức các niềm tin, lý tưởng, các nguyên tắc, quy tắc chung có ý nghĩa định hướng tinh thần giúp các thành viên xã hội tự điều chỉnh hành vi của mình trong mối quan hệ với người khác và xã hội dưới sự kiểm soát của lương tâm và dư luận xã hội (DLXH). Vì thế, đạo đức thường không thiên về việc qui định hành vi một cách cụ thể. Trong khi đó, luật pháp lại chú trọng đến việc qui định các hành vi ngày càng cụ thể.

Cả pháp luật và đạo đức đều góp phần bảo vệ các giá trị chân chính, đều liên quan đến hành vi đến lợi ích của con người và xã hội. Pháp luật tham gia điều chỉnh quan hệ xã hội bằng những quy phạm, điều khoản quy định các quyền và nghĩa vụ của chủ thể. Các quy phạm pháp luật quy định chi tiết các hành vi được phép và hành vi bị cấm đoán. Đồng thời, chúng còn xác định cụ thể cách cư xử lẫn những hình phạt sẽ áp dụng nếu chủ thể vi phạm. Ngoài ra, pháp luật còn thực hiện điều chỉnh mối quan hệ giữa con người và xã hội bằng sự bắt buộc, cưỡng chế từ bên ngoài. Trong khi đó, đạo đức lại điều chỉnh các mối quan hệ bằng dư luận xã hội, bằng sự giác ngộ và sự thôi thúc từ bên trong. Sự khác biệt nhưng lại thống nhất này là cơ sở để pháp luật và đạo đức bổ sung và hỗ trợ nhau. Do vậy có thể nói pháp luật không những là công cụ để quản lý nhà nước, mà còn là môi trường thuận lợi

cho sự hình thành và phát triển ý thức đạo đức. Bên cạnh đó đạo đức là gốc của pháp luật cho nên việc con người thực hiện tốt các quy phạm, các chuẩn mực đạo đức cũng là một bước để thực thi tốt pháp luật.

Tuy nhiên đạo đức và pháp luật có những đặc điểm và tính chất khác nhau trong quá trình điều chỉnh hành vi của con người: Đạo đức và pháp luật khác nhau về phương thức điều chỉnh hành vi con người; Đạo đức thì tình cảm mềm dẻo, pháp luật thì bắt buộc và cứng rắn; Đạo đức mang tính chung, định hướng. Pháp luật thì cụ thể và rõ ràng; Đạo đức đạt được kết quả là một quá trình. Pháp luật đạt được kết quả ngay tức thì; Đạo đức là kết quả tự thân, bền vững. Pháp luật là kết quả tác động từ bên ngoài, chưa bền vững.

Như vậy, giữa đạo đức và pháp luật có mối quan hệ qua lại, tác động tương hỗ lẫn nhau. Chúng thống nhất với nhau ở đối tượng và mục tiêu là con người. Trái lại chúng khác nhau ở phương thức điều chỉnh hành vi của con người. Để nâng cao vai trò và phát triển ý thức đạo đức, ngoài các biện pháp tích cực khác, thì không thể thiếu vai trò của pháp luật và ý thức pháp quyền. Pháp luật càng chặt chẽ, càng đầy đủ và được thi hành nghiêm chỉnh thì đạo đức càng được đề cao, khả năng điều chỉnh và giáo dục của đạo đức càng được mở rộng và ảnh hưởng một cách toàn diện, tích cực đến mọi hành vi, mọi mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội.

Đạo đức và pháp luật thống nhất với nhau ở mục tiêu của nó là điều chỉnh hành vi của con người để đảm bảo hoạt động bình thường của xã hội. Một người vi phạm đạo đức thường là vi phạm pháp luật và ngược lại vi phạm pháp luật cũng là vi phạm đạo đức. Đạo đức và pháp luật không tự nhiên mà có. Để con người có được ý thức đạo đức và ý thức pháp luật đều là kết quả giáo dục lâu dài. Giáo dục cho con người có đạo đức cũng là giáo dục cho con người biết tôn trọng pháp luật, kỷ cương phép nước. Giáo dục pháp luật cho còn người cũng là để bảo vệ giá trị đạo đức và nâng cao đạo đức con người. Vì vậy, giáo dục đạo đức tạo nên những tiền đề cần thiết để hình thành ở công dân sự tôn trọng sâu sắc đối với pháp luật. Ngược lại, giáo dục pháp luật lại tạo ra khả năng thiết lập trong đời sống thực tiễn

thường ngày những nguyên tắc của đạo đức, củng cố các nghĩa vụ đạo đức, thiết lập quan hệ bảo vệ hạnh phúc gia đình, bồi dưỡng thế hệ trẻ, kích thích sự giúp đỡ đồng chí, tính lương thiện, thật thà và không dung thứ với các biểu hiện chống đối xã hội.

Trong một xã hội cụ thể, đạo đức và pháp luật về cơ bản thống nhất ở mục đích, ở định hướng tinh thần nhưng lại có nhiều điều khác nhau về hình thức biểu hiện. Luật pháp thường được biểu hiện ra như những tiêu chuẩn tối thiểu nhằm bảo đảm sự tồn tại xã hội như nó hiện có, trong khi đó đạo đức bao giờ cũng là những tiêu chuẩn cao của xã hội gắn liền với những lý tưởng hoàn thiện về con người và xã hội con người. Trong một quốc gia dân tộc, luật pháp hoặc các qui định có tính chất luật pháp được các cơ quan nhà nước soạn thảo, ban hành và đôn đốc kiểm tra việc thống nhất thi hành trong toàn quốc. ĐĐXH với tư cách là một mặt của đời sống tinh thần xã hội thì ngoài những nguyên tắc, qui tắc chung được xác định với tư cách là những định hướng tinh thần phù hợp với trạng thái xã hội hiện tồn, nó còn chứa đựng những yếu tố truyền thống của quá khứ và bao gồm cả phong tục, tập quán địa phương đã được nâng lên thành những yêu cầu đạo đức mang tính địa phương, cục bộ phụ thuộc vào những điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của từng khu vực cụ thể.

Luật pháp kể các luật pháp đã đạt đến trình độ phát triển cũng chỉ có thể điều chỉnh trên một số mặt nhất định của đời sống xã hội. Trong khi đó đạo đức có vai trò điều tiết trong tất cả các quan hệ xã hội (QHXH). Luật pháp thường chỉ tham gia vào điều chỉnh các QHXH khi đã đến độ chín mùi nên những ảnh hưởng xấu cho xã hội và cơ bản ứng dụng đối với các thành viên đã đến tuổi công dân. Còn đạo đức, do tính chất mềm dẻo và linh động của mình nó tham gia vào điều chỉnh các hiện tượng lệch chuẩn xã hội ngay từ khi mới xuất hiện và đối tượng điều chỉnh là tất cả các thành viên xã hội, không kể địa vị xã hội và tuổi tác.

Để bảo đảm cho luật pháp được chấp hành, nhà nước áp dụng chủ yếu các hình thức cưỡng bức, trừng phạt; còn đạo đức thì lại được bảo đảm bằng quá trình giáo dục, thuyết phục, ủng hộ hoặc lên án của DLXH và sự kiểm soát của lương tâm con người. Trong điều kiện xã hội mới, xã hội XHCN, đạo đức và luật pháp càng có

sự thống nhất. ở đó chẳng những đạo đức mà cả pháp luật cũng được thi thành một cách tự giác. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa đạo đức thay thế pháp luật mà chỉ là sự biểu hiện mối quan hệ gắn bó giữa đạo đức và pháp luật trên cơ sở phục vụ cho sự tiến bộ và nâng cao, hoàn thiện con người.

Sự thống nhất giữa đạo đức và pháp luật trong điều kiện xã hội mới còn thể hiện ở chỗ, bản thân luật pháp một mặt phản ánh những yêu cầu của sự phát triển kinh tế-xã hội, nhưng mặt khác nó vẫn kế thừa các giá trị các giá trị đạo đức trong truyền thống dân tộc và truyền thống cách mạng. Còn đạo đức, một mặt chứa đựng các giá trị đạo đức truyền thống, phản ánh những yêu cầu của sự phát triển kinh tế- xã hội, nhưng mặt khác nó phải đảm bảo phù hợp với những yêu cầu của luật pháp và khuyến khích thực hiện tốt pháp luật. Cho nên có thể nói rằng, trong điều kiện mới, luật pháp là yêu cầu đạo đức tối thiểu, còn đạo đức là yêu cầu tối đa. Một người có đạo đức phải là người có ý thức bảo đảm thi hành pháp luật và việc thi hành pháp luật ở mức độ cao, lại có thể tạo nên những giá trị đạo đức.

Sự thống nhất giữa đạo đức và pháp luật không xóa nhòa ranh giới giữa hai hình thái YTXH này. Chính vì thế trong thực tế thường xảy ra trường hợp luật pháp trừng phạt nhưng đạo đức không kên tiếng, hoặc đạo đức lên án mạnh mẽ nhưng pháp luật lại không xem là thuộc trách nhiệm điều chỉnh của mình [29, tr.70-73].

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng hồ chí minh về đạo đức cán bộ (Trang 37 - 40)