Pháp luật góp phần bảo vệ, củng cố các giá trị đạo đức xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng hồ chí minh về đạo đức cán bộ (Trang 47 - 54)

1.3. Quan hệ giữa đạo đức và pháp luật

1.3.3. Pháp luật góp phần bảo vệ, củng cố các giá trị đạo đức xã hội

Một là, pháp luật là công cụ để truyền bá những quan điểm, quan niệm, tư

tưởng, chuẩn mực đạo đức của giai cấp thống trị

Trong xã hội có áp bức giai cấp, tư tưởng là một loại vũ khí sắc bén để duy trì sự thống trị giai cấp. Đạo đức, tôn giáo, văn học nghệ thuật... là những công cụ để thực hiện sự thống trị về mặt tư tưởng của giai cấp thống trị đối với toàn xã hội. Thông qua đạo đức, giai cấp thống trị truyền bá, áp đặt hệ tư tưởng của giai cấp

mình đến toàn xã hội, buộc xã hội phải phục tùng hệ tư tưởng của chúng, nghe theo, làm theo, thậm chí nghĩ theo yêu cầu, đòi hỏi của chúng. Tuy nhiên, những quan điểm, tư tưởng đạo đức của giai cấp thống trị, tự nó khó đi vào đời sống, vì vậy, giai cấp thống trị thông qua nhà nước đã ghi nhận, thể chế hóa những quan điểm, tư tưởng, chuẩn mực đạo đức thành pháp luật. Thực tế lịch sử cho thấy, pháp luật phong kiến Việt Nam, Trung Quốc và các nước Á Đông chính là sự thể chế hóa quan điểm đạo đức Nho giáo; pháp luật phong kiến Tây Âu là sự thể chế hóa quan điểm đạo đức Thiên chúa giáo; pháp luật của các nước theo đạo Hồi là sự thể chế hóa tư tưởng đạo đức Hồi giáo... Nhờ có pháp luật, những tư tưởng, quan điểm đạo đức của giai cấp thống trị được truyền bá một cách nhanh chóng và rộng khắp trên toàn xã hội, trở thành những chuẩn mực mang tính bắt buộc chung đối với tất cả mọi người. Chính vì vậy, những quan điểm, chuẩn mực đạo đức của giai cấp thống trị đi vào đời sống một cách dễ dàng, đảm bảo sự thống trị về mặt tư tưởng của giai cấp thống trị đối với toàn xã hội.

Nhờ có pháp luật, các quan điểm, tư tưởng đạo đức của giai cấp thống trị được truyền bá rộng khắp trong đời sống, dần dần trở thành những quan điểm, chuẩn mực đạo đức chung của toàn xã hội. Tất nhiên, cũng phải nói rằng, các quan điểm đạo đức của giai cấp thống trị cũng phải phù hợp với suy nghĩ, lối sống, tâm tư, tình cảm của quần chúng nhân dân thì nó mới dễ có thể được quần chúng nhân dân chấp nhận. Một khi những quan điểm đạo đức nào đó quá khác xa so với điều kiện hoàn cảnh, tập quán, truyền thống... của một cộng đồng thì việc được cộng đồng chấp nhận là một điều hết sức khó khăn.

Hai là, pháp luật giữ gìn và phát huy những giá trị đạo đức của dân tộc,

ngăn chặn sự thoái hóa, xuống cấp của đạo đức

Là hệ thống qui tắc xử sự do nhà nước ban hành và được bảo đảm thực hiện bởi bộ máy quyền lực chuyên nghiệp nên pháp luật có tác động mạnh mẽ tới đạo đức. Nó không chỉ làm cho các quan niệm, quan điểm, chuẩn mực đạo đức trở nên phổ biến trong toàn xã hội, mà quan trọng hơn, đảm bảo cho đạo đức được thực hiện nghiêm chỉnh hơn, đồng thời nó góp phần quan trọng trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của chúng.

Như đã trình bày, đạo đức được hình thành dựa trên sự thừa nhận của cả cộng đồng, vì vậy, thông thường nó sẽ được thực hiện một cách khá nghiêm chỉnh. Mặt khác, đạo đức lại được đảm bảo thực hiện bằng dư luận xã hội, sự tác động có khi còn có sức mạnh hơn cả biện pháp cưỡng chế nhà nước. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng với những người có đạo đức, dư luận sẽ trở nên vô tác dụng đối với những kẻ thất đức, trong trường hợp này, nếu chỉ bằng sự tác động theo kiểu “nói suông” của dư luận xã hội sẽ không thể có kết quả. Trong những điều kiện hoàn cảnh nhất định, do sự nhận thức hạn chế, do ảnh hưởng của điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội..., dẫn đến không nhận thức được một cách đầy đủ vai trò của đạo đức, làm cho đạo đức xã hội bị xuống cấp... Trong những trường hợp đó, pháp luật được xem là một trong những công cụ quan trọng để diệt trừ cái ác, ngăn chặn sự thoái hóa, xuống cấp của đạo đức, bảo vệ, giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức của dân tộc.

Bằng việc ghi nhận thành pháp luật các quan niệm, chuẩn mực đạo đức, nhà nước bảo đảm cho chúng được thực hiện nghiêm chỉnh trên thực tế. Một khi được thể chế hóa thành pháp luật, việc thực hiện những chuẩn mực đạo đức đó trở thành nghĩa vụ của toàn thể xã hội, các cá nhân, tổ chức dù không muốn cũng phải thực hiện theo. Các cơ quan nhà nước trong phạm vi chức năng của mình có trách nhiệm tổ chức thực hiện những qui định đó bằng nhiều biện pháp như tuyền truyền, giáo dục, tổ chức, hành chính, kinh tế... Đặc biệt, bằng việc xử lý nghiêm những chủ thể có hành vi đi ngược với các giá trị ĐĐXH, pháp luật góp phần bảo vệ và giữ gìn các giá trị ĐĐXH, ngăn chặn sự thoái hóa, xuống cấp của đạo đức.

Sự vi phạm các chuẩn mực ĐĐXH không chỉ bị lên án bởi dư luận xã hội mà còn bị tác động bởi các biện pháp nhà nước. Có thể nói, khi được thể chế hóa thành pháp luật, nhà nước bằng khả năng và trách nhiệm của mình, nó có thể làm tất cả mọi việc để tác động đến xã hội, làm cho đạo đức được quan tâm đúng mức trên toàn xã hội, làm “thức tỉnh” ý thức xã hội trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của đạo đức. Nhờ đó, những quan niệm, chuẩn mực đạo đức xã hội đã được tôn trọng và thực hiện một cách nghiêm chỉnh, qua đó, chúng được giữ gìn, bảo vệ và phát huy.

Tùy trường hợp mà pháp luật có qui định các thành viên trong xã hội được làm gì, không được làm gì, phải làm gì, phải làm như thế nào sao cho phù hợp với các

chuẩn mực ĐĐXH. Chẳng hạn, điều 7, Luật tổ chức Tòa án Việt Nam năm 2002 qui

định: “Tòa án xét xử công khai, trừ trường hợp cần xét xử kín để bảo vệ truyền thống

tốt đẹp của dân tộc” [35]. Trường hợp khác, pháp luật lại qui định: "nghiêm cấm các hành vi trái đạo đức xã hội". Tuy nhiên, như đã đề cập, ĐĐXH thường không được

ghi nhận một cách chính thức trong những văn bản chuyên biệt, vì vậy, quan niệm về hành vi không trái đạo đức xã hội là vấn đề không đơn giản. Điều này đòi hỏi nhà chức trách không những phải có ý thức giữ gìn, bảo vệ các giá trị đạo đức xã hội mà còn cần phải có một tri thức đạo đức phong phú.

Ba là, pháp luật loại trừ những quan niệm, chuẩn mực đạo đức không

chính thống, lạc hậu

Bên cạnh việc truyền bá, giữ gìn, bảo vệ những quan điểm đạo đức chính thống trong xã hội, pháp luật còn giữ vai trò quan trọng trong việc loại trừ những quan điểm, tư tưởng, chuẩn mực đạo đức không chính thống ra khỏi đời sống xã hội. Đạo đức không chính thống trước tiên là những quan niệm, quan điểm đạo đức của các lực lượng đối lập, không cầm quyền, bên cạnh đó là những tàn dư đạo đức của xã hội cũ, những quan niệm đạo đức đang manh nha hình thành nhưng trái tiến bộ xã hội, vì thế không được cộng đồng công nhận...

Bằng pháp luật, trước tiên, nhà nước tìm cách loại bỏ những quan niệm quan điểm đạo đức của giai cấp bị trị. Tiếp đó, pháp luật giữ vai trò quan trọng trong việc loại bỏ những quan niệm đạo đức là tàn dư của xã hội cũ. Như đã đề cập, đạo đức là một hình thái ý thức xã hội có tính bảo thủ tương đối mạnh mẽ, nó ăn sâu bám rễ một cách chắc chắn trong tâm lý mỗi người, nó trở thành thói quen ứng xử của mỗi thành viên cũng như cả cộng đồng. Mặc dù điều kiện kinh tế xã hội đã thay đổi, nhưng người ta không dễ thay đổi thói quen cũ. Trong những trường hợp này, pháp luật là phương tiện hữu hiệu để loại bỏ chúng. Một mặt, pháp luật qui định các biện pháp tuyên truyền, vận động các thành viên trong xã hội không thực hiện những hành vi theo các quan niệm, quan điểm đạo đức cũ, lạc hậu. Mặt khác, pháp luật nghiêm cấm những hành vi đó, qui định các biện pháp chế tài nghiêm khắc đối với các chủ thể thực hiện những hành vi đó. Đồng thời, pháp luật khuyến khích, bắt

buộc các thành viên trong xã hội thực hiện những hành vi phù hợp với các chuẩn mực đạo đức mới... Nhìn chung, khi giai cấp thống trị mới lên, cùng với việc xây dựng một hệ thống pháp luật mới để thay thế hệ thống pháp luật cũ thì họ cũng xây dựng các chuẩn mực đạo đức mới để thay thế cho những chuẩn mực đạo đức cũ không còn phù hợp. Pháp luật mới phải phù hợp với đạo đức mới, vì thế về cơ bản những quan điểm, quan niệm đạo đức trong xã hội cũ bị xoá bỏ. Tuy nhiên, cần lưu ý quan điểm phủ định biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin để kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Không nắm vững điều này sẽ dẫn đến cực đoan, phủ định sạch trơn quá khứ.

Vai trò này của pháp luật đối với đạo đức phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Đó là mức độ thâm nhập của các quan niệm quan niệm đạo đức trong nhân dân; hai là sự phù hợp của biện pháp chế tài, sức nặng của các biện pháp đó; ba là công tác tổ chức thực hiện pháp luật của nhà nước...

Bốn là, pháp luật góp phần làm hình thành những quan niệm đạo đức mới

Khi pháp luật phản ánh đúng ý chí và nguyện vọng cộng đồng, nó sẽ được cộng đồng thừa nhận và thực hiện nghiêm chỉnh, tự nguyện, tự giác. Trong trường hợp này, pháp luật đã mang tính đạo đức. Các quan điểm, quan niệm về

pháp luật vì thế cũng trở thành các quan niệm, tư tưởng đạo đức, “các yêu cầu

của pháp luật cũng được chuyển tải vào các quan niệm, chuẩn mực đạo đức, ý thức và hành vi đạo đức của con người” [25, tr.275]. Khi đó, sự đánh giá của

cộng đồng đối với một thành viên nào đó không chỉ về mặt đạo đức mà còn cả ý thức pháp luật của họ. Sẽ không thể được đánh giá là một con người hoàn hảo từ

góc nhìn của đạo đức nếu người đó có các hành vi phạm pháp. “Một người có

nhân cách cao đẹp trước hết phải là một người thực hiện pháp luật một cách mẫu mực, làm gương sáng cho mọi người chung quanh” [24, tr.584]. Như vậy rõ ràng

pháp luật đã góp phần làm hình thành những quan niệm đạo đức mới. Bằng việc nghiêm trị các hành vi theo đạo đức cũ, bắt buộc thực hiện những hành vi theo đạo đức mới, pháp luật góp phần khẳng định quan điểm đạo đức mới, làm cho nó tồn tại một cách chắc chắn trong đời sống xã hội.

Mặc dù có vai trò và vị trí không thể thay thế trong quản lý xã hội, song pháp luật không phải là duy nhất, bởi vì dù đầy đủ đến đâu, pháp luật cũng chỉ đáp ứng được nhu cầu điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản liên quan tới lợi ích và vận mệnh quốc gia. Bởi sự tồn tại của con người bao giờ cũng mang tính cộng đồng, cho nên đạo đức là nền tảng của đời sống con người và xã hội. Chính đạo đức và các quy tắc xã hội khác sẽ bổ sung và lấp đầy những "khoảng trống" mà pháp luật chưa và không thể điều chỉnh hết. Hơn nữa, hiệu quả quản lý xã hội không thể đạt được chỉ nhờ quyền uy của pháp luật mà còn nhờ tấm gương đạo đức của những người thi hành công vụ; cũng như pháp luật được xây dựng trên nền tảng giá trị đạo đức cách mạng sẽ tạo ra những tình cảm pháp lý tự nguyện của các chủ thể trong

việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ pháp lý. Vì vậy, cùng với nâng cao hiểu biết

và nhu cầu tuân thủ pháp luật, việc tăng cường giáo dục đạo đức sẽ góp phần hình thành những chuẩn mực ứng xử văn hóa, văn minh giữa con người với con người, nâng cao hiệu quả quản lý và lành mạnh hóa các quan hệ xã hội. Thực tế lịch sử

cũng cho thấy: các giá trị, chuẩn mực đạo đức chỉ có ý nghĩa thiết thực khi nó là cơ sở, môi trường thuận lợi để tiếp thu, cảm nhận và thực thi pháp luật. Ngược lại, tính chất văn minh, tiến bộ của một nền pháp lý suy cho cùng là ở chỗ phản ánh, bảo vệ và làm gia tăng các giá trị đạo đức mới. Đạo đức và pháp luật chỉ có thể phát huy tối đa vai trò và hiệu quả khi nó được đặt trong sự thống nhất hữu cơ, biện chứng với nhau, vì sự phát triển của xã hội và vì hạnh phúc của nhân dân. Sự kết hợp giá trị của pháp luật với giá trị của đạo đức là một nguyên tắc trong xây dựng môi trường văn hóa pháp lý; là cơ sở để “hình thành hệ giá trị và chuẩn mực xã hội phù hợp với truyền thống, bản sắc dân tộc và yêu cầu của thời đại” [4, tr. 113]. Vì vậy, trong khi xem pháp luật là công cụ quản lý xã hội chủ yếu của nhà nước, để phát huy quyền lực của nhân dân trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, cũng cần coi trọng giáo dục nâng cao đạo đức xã hội chủ nghĩa, huy động tối đa các yếu tố phi quan phương khác như thuần phong mỹ tục, các chuẩn mực đạo đức truyền thống; mở ra nhiều hình thức nhân dân tham gia tự quản tại cơ sở bằng cách tái lập các quy ước, hương ước để hỗ trợ pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội. Trên cơ sở phát huy thế

mạnh, khắc phục hạn chế của hai công cụ pháp luật và đạo đức; việc thực hiện phương châm kết hợp thống nhất giá trị pháp luật với giá trị đạo đức, lấy đạo đức cách mạng làm hệ giá trị chuẩn là cách thức tạo lập trật tự xã hội có hiệu quả.

Tiểu kết chương 1

TTHCM về đạo đức cán bộ là hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc của Người về những chuẩn mực và những nguyên tắc xây dựng nền đạo đức mới so với nền đạo đức cũ (Đạo đức thời phong kiến) nhằm phát triển toàn diện con người trong thời đại mới.

Theo tư tưởng của Người những phẩm chất đạo đức mà người cán bộ phải có là: Trung – Hiếu; yêu thương con người, sống có nghĩa, có tình, cần,kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, có tinh thần quốc tế trong sáng, đây là những phẩm chất đạo đức cơ bản của mỗi con người nói chung, với đội ngũ cán bộ nói riêng đều đóng vai trò quyết định nhân cách, con người và việc hoàn thành nhiệm vụ được tổ quốc giao phó. TTHCM về đạo đức cán bộ đã được Đảng, Nhà nước ta kế thừa và thể chế hóa thành những quy định về tiêu chuẩn đạo đức cần phải có đối với đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị.

Chương 2

THỰC TRẠNG VẬN DỤNG VÀ GIẢI PHÁP TIẾP TỤC VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠO ĐỨC

CÁN BỘ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tư tưởng hồ chí minh về đạo đức cán bộ (Trang 47 - 54)