Quyền con người và bảo vệ quyền con người trong Hiến pháp

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Viện Kiểm sát với vai trò bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 40 - 44)

1.2. Khái quát về vấn đề quyền con ngƣời và bảo vệ quyền con ngƣời trong hệ

1.2.1. Quyền con người và bảo vệ quyền con người trong Hiến pháp

Tư tưởng về quyền con người đã được thể hiện khá sớm tại Việt Nam, đặc biệt, thể hiện thành văn rõ rệt ngay từ khi đất nước giành được độc lập từ tay thực dân Pháp sau cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại của dân tộc. Ngày 02 tháng 9 năm 1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước VNDCCH. Trong bản Tuyên ngôn độc lập ấy, với việc nhắc lại Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Tiếp nối tinh thần của Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Hồ Chí Minh, “cha đẻ” của Hiến pháp nước VNDCCH năm 1946, lại một lần nữa thể hiện tinh thần nhân văn sâu sắc qua việc ghi nhận các giá trị con người, các quyền cơ bản về dân chủ và dân sinh, các quyền tự do cá nhân, tự do tín ngưỡng ở bản hiến pháp đầu tiên của dân tộc. Xuyên suốt chiều dài lịch sử, trải qua nhiều thăng trầm và biến đổi của hoàn cảnh địa – chính trị, quyền con người vẫn luôn được thể hiện sâu sắc qua các bản hiến pháp tiếp theo của Việt Nam từ Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đến các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 (sửa đổi và bổ sung năm 2001) và đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 [16, tr.29].

Hiến pháp năm 2013 được thông qua tại kỳ họp thứ 6 - Quốc hội khóa XIII gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992)

có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Hiến pháp năm 2013 kế thừa những nội dung tiến bộ của 4 bản Hiến pháp trước đồng thời chắt lọc, tập hợp trí tuệ, tâm huyết của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Hiến pháp cũng đã tham khảo, tiếp thu có chọn lọc nhiều nội dung Hiến pháp của các quốc gia trên thế giới [57].

Quyền con người được quy định trong Chương II của Hiến pháp năm 2013 là chương quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân và được xây dựng trên cơ sở sửa đổi, bổ sung và bố cục lại Chương V của Hiến pháp năm 1992 (Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân), đồng thời chuyển các quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân tại các chương khác của Hiến pháp năm 1992 về chương này. Việc thay đổi vị trí nói trên là một sự thay đổi về nhận thức chứ không đơn thuần là một sự dịch chuyển cơ học, một sự hoán vị về bố cục. Với quan niệm đề cao chủ quyền Nhân dân trong Hiến pháp, coi quyền lập hiến cao hơn quyền lập pháp, Nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lập hiến, thông qua quyền lập hiến của mình, Nhân dân giao quyền cho lập pháp, hành pháp, tư pháp và các thiết chế độc lập khác, thì quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phải được xác định ở vị trí trang trọng hàng đầu trong một bản Hiến pháp. Việc thay đổi này là sự kế thừa Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp của nhiều nước trên thế giới, thể hiện quan điểm đề cao nhân tố con người của Đảng và Nhà nước ta [53]. Điều này đã khẳng định giá trị, vai trò quan trọng của quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong Hiến pháp, thể hiện nhất quán đường lối của Đảng và Nhà nước ta trong việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

So với Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp mới năm 2013 có những sửa đổi, bổ sung và phát triển thể hiện tầm quan trọng về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều này được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu như:

Một là, Hiến pháp năm 1992 thừa nhận thuật ngữ "quyền con người", không đồng nhất quyền con người với quyền công dân, nhưng chưa phân biệt được quyền con người, quyền cơ bản của công dân trong các quy định của Hiến pháp. Khắc phục thiếu sót đó, Hiến pháp năm 2013 đã có sự phân biệt sự khác nhau giữa “quyền con người” và “quyền công dân”. Theo đó, quyền con người

được quan niệm là quyền tự nhiên vốn có của con người từ lúc sinh ra; còn quyền công dân, trước hết cũng là quyền con người, nhưng việc thực hiện nó gắn với quốc tịch, tức là gắn với vị trí pháp lý của công dân trong quan hệ với nhà nước, được nhà nước đảm bảo đối với công dân của nước mình. Điều 14 Hiến pháp năm 2013 thể hiện sự phát triển quan trọng về nhận thức và tư duy trong việc ghi nhận quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp. Đồng thời, Hiến pháp mới đã bổ sung nguyên tắc hạn chế quyền phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên và theo đó, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Việc hạn chế quyền con người, quyền công dân không thể tùy tiện mà phải “theo quy định của luật”.

Hai là, Hiến pháp mới đã khẳng định và làm rõ hơn các nguyên tắc về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp theo hướng: Quyền công dân không tách rời nghĩa vụ công dân; mọi người có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; công dân có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội; việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác được quy định tại Điều 15.

Ba là, Hiến pháp mới đã tiếp tục làm rõ nội dung quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hóa và trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người. Đồng thời, Hiến pháp sắp xếp lại các điều khoản theo các nhóm quyền để bảo đảm tính thống nhất giữa quyền con người và quyền công dân, bảo đảm tính khả thi hơn.

Bốn là, Hiến pháp mới đã bổ sung một số quyền mới là thành tựu của gần 30 năm đổi mới đất nước; thể hiện rõ hơn trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân. Đó là Quyền sống (Điều 19), Quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác (Điều 20), Quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư (Điều 21), Quyền được bảo đảm an sinh xã hội (Điều 34), Quyền kết hôn và ly hôn (Điều 36), Quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hóa, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều

41), Quyền xác định dân tộc (Điều 42), Quyền được sống trong môi trường trong lành (Điều 43),... Việc ghi nhận các quyền mới này hoàn toàn phù hợp với các điều ước quốc tế mà CHXHCN Việt Nam là thành viên, thể hiện nhận thức ngày càng rõ hơn về quyền con người và khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc thực hiện quyền con người [53].

Ngoài ra, Hiến pháp mới đã tiếp cận căn bản các chuẩn mực quốc tế về quyền con người, thậm chí có một số nội dung rất tiến bộ so với tiêu chuẩn quốc tế. Quyền con người cũng không chỉ đề cập ở Chương II mà ở nhiều chương khác. So với Hiến pháp năm 1992, bản Hiến pháp mới đã tách bạch quyền con người và quyền công dân. Đây là nhận thức đúng, quyền con người là đối với mọi người, còn công dân thì chỉ là người Việt Nam mà không bị tước quyền công dân. Các quyền tự do ngôn luận, báo chí, đi lại, cư trú theo Hiến định Nhà nước cũng không can thiệp. Đặc biệt, chương về Chính phủ, VKSND, Tòa án nhân dân đều có chế định Chính phủ, Tòa án, VKS phải bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Cụ thể, Chính phủ có trách nhiệm bảo vệ quyền con người, quyền công dân; VKS có trách nhiệm bảo vệ quyền công tố, quyền con người; Tòa án có trách nhiệm bảo vệ công lý, quyền công dân. Như vậy, bộ máy Nhà nước được lập ra để bảo vệ quyền con người. Cách tiếp cận quyền con người này một cách căn bản giống như các nhà nước trên thế giới. Lần đầu tiên trong Hiến pháp mới của chúng ta quy định, trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện những công ước quốc tế, trong đó có những công ước liên quan đến quyền con người mà Việt Nam đã tham gia [57].

Tại Hiến pháp mới năm 2013, vấn đề quyền con người được chính thức đưa vào một cách đầy đủ, toàn diện, có hẳn một chương trong Hiến pháp về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Điều này là kết quả tất yếu của quá trình hội nhập và nỗ lực phấn đấu bảo đảm quyền con người của Đảng, Nhà nước ta. Bảo đảm quyền con người luôn được xác định là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước, làm cho mỗi người và mọi người phát triển tự do và toàn diện như nghị quyết của Đảng đã nêu.

Như vậy, có thể thấy được vấn đề quyền con người đã được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và điều đó đã được khẳng định rõ trong Hiến pháp

năm 2013 - đạo luật gốc - với những quy định tiến bộ về quyền con người, quyền công dân , tạo cơ sở pháp lý cho sự phát t riển con người, thực hiện quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đã tạo lập khuôn khổ hiến định cho việc tiếp tục củng cố, phát triển quyền con người, quyền công dân phù hợp với các đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam trong giai đoạn đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời, bảo đảm sự phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Chúng ta có thể khẳng định rằng, Hiến pháp năm 2013 là Hiến pháp dân chủ, tiến bộ, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của đất nước ta trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, sự bảo đảm cho việc tiếp tục đổi mới và phát triển đất nước ta trong tình hình mới.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Viện Kiểm sát với vai trò bảo vệ quyền con người trong tố tụng hình sự Việt Nam (Trang 40 - 44)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)