Vụ kiện chống bán phá giá cá da trơn từ Việt nam

Một phần của tài liệu BÁN PHÁ GIÁ VÀ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ TRONG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM & TRÊN THẾ GIỚI (Trang 35 - 39)

V. MỘT SỐ VỤ KIỆN CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ ĐIỂN HÌNH 1 Vụ kiện chống bán phá giá ngũ cốc từ Mỹ

5.Vụ kiện chống bán phá giá cá da trơn từ Việt nam

Bên khởi kiện: Hiệp hội các chủ trại cá da trơn Mỹ (Catfish Farmers of America - CFA).

Bên bị kiện: Các nhà sản xuất và chế biến hải sản Việt nam. Đại diện: Hiệp hội chế biến và

xuất khẩu thuỷ sản Việt nam – VASEP.

Nội dung vụ kiện:

Việt nam bắt đầu xuất khẩu cá tra, cá basa (phía Mỹ gọi là cá da trơn – catfish) sang Mỹ từ năm 1996, và đến năm 2001 thì sản lượng xuất khẩu đạt 9 triệu kg, chiếm gần 2% tổng sản lượng cá da trơn tại Mỹ.

Ngày 28 tháng 6 năm 2002, CFA và một số các công ty chế biến cá da trơn tại Mỹ đệ đơn kiện lên Department of commerce (DOC) yêu cầu mở điều tra chống bán phá giá cá da trơn từ Việt nam với lý do là các mặt hàng này được nhập vào Mỹ dưới giá hợp lý, đe doạ

ngành sản xuất nội địa Mỹ và qua sự cạnh tranh bất chính này đã chiếm 20% thị trường của Mỹ.

Ngày 18 tháng 7 năm 2002, DOC bắt đầu tiền hành các thủ tục điều tra và tiến hành các giai đoạn công bố, tập hợp ý kiến các bên CFA và VASEP. Ngày 8 tháng 11 năm 2002, DOC thông báo quyết định coi Việt nam là nước có nền kinh tế phi thị trường (NME). Sau khi phản đối không thành quyết định bất lợi này, tháng 12 năm 2002, VASEP chính thức đề nghị DOC sử dụng Bangladesh là nước thứ ba để tính các chi phí sản xuất trong 5 nước được DOC đề xuất là Bangladesh, Ấn độ, Guinea, Kenya và Pakistan. Sở dĩ VASEP chọn Bangladesh là vì quốc gia này gần với Việt nam về một số yếu tố như mức thu nhập quốc dân tính theo đầu người (380 USD/người), cùng nằm ở châu thổ các dòng sông lớn thuận tiện cho việc nuôi cá nước ngọt tương tự như catfish.

Ngày 27 tháng 1 năm 2003, DOC đưa ra phán quyết sơ bộ là các công ty Việt nam có hành vi bán phá giá cá tra tại Mỹ và ấn định mức thuế chống phá giá từ 37.94% đến 61,88 % cho các công ty này, và một mức chung 63,88% cho toàn Việt nam. Ngay sau đó, VASEP đã phản đối và nêu lên những sai sót, bất hợp lý trong quyết định này. Tháng 3 năm 2003, DOC đã quyết định sửa lại mức thuế chống bán phá giá áp dụng đối với các công ty tham gia vụ kiện (chẳng hạn như từ 61,88% xuống 31,45% cho Agifish, từ 53,96% xuống 38,09% cho Navisfishco) và giữ nguyên mức 63,88% cho các công ty không tham gia. Sau phán quyết cuối cùng này của DOC, kết quả của vụ kiện chỉ còn tuỳ thuộc vào phán quyết của ITC về vấn đề thiệt hại hại. Ngày 24 tháng 7 năm 2003, ITC đưa ra phán quyết cuối cùng, khẳng định các doanh nghiệp Việt nam đã bán với giá thấp hơn giá thành và gây tổn hại cho ngành sản xuất của Mỹ, do đó ấn định mức thuế chống bán phá giá từ 36,84 đến 63,88%.

Bài học rút ra:

Sự thất bại này, Việt nam rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm. Các doanh nghiệp Việt nam đã phải trả 469 USD/giờ cho một văn phòng luật sư tại Washington để bảo vệ quyền lợi cho mình, trong khi thu nhập của một người dân nuôi cá tra, basa ở đồng bằng sông Cửu Long chưa tới 35 USD/tháng. Kinh phí chi cho vụ kiện tổng cộng là 600.000 USD. Rất nhiều doanh nghiệp Việt nam phàn nàn về sự bất công trong vụ kiện. Một điều rõ ràng là rất nhiều người, cả Việt nam và Mỹ, cho rằng phán quyết về vụ cá da trơn là không công

bằng, chỉ đem lại lợi ích cho một số công ty Mỹ và gây thiệt hại cho những người nông dân nghèo vùng đồng bằng sông Cửu long. Tuy nhiên việc tập trung vào khía cạnh công bằng hay không công bằng của vụ tranh chấp đòi hỏi Việt nam phải xem xét một vấn đề lớn hơn, đó là: Liệu bằng cách nào Việt nam có thể đối phó với những vụ kiện tương tự trong tương lai một cách hiệu quả nhất. Cần phải thừa nhận một thực tế là sẽ tiếp tục có những vụ kiện chống bán phá giá và đây chưa phải là vụ cuối cùng. Vụ kiện cá da trơn chỉ là một trong số 276 vụ kiện chống bán phá giá trên toàn thế giới năm 2002.

Qua đây, điều quan trọng nhất mà Việt nam rút ra được, đó là chuẩn bị cho mình một cách có hệ thống các biện pháp đối phó với các vụ kiện trong tương lai, cũng như hiểu được tầm quan trọng của việc trở thành thành viên WTO, bởi WTO đưa ra một bộ quy tắc mà các nước nhập khẩu phải tuân thủ khi tiến hành các vụ kiện chống bán giá- cơ chế minh bạch để chống lại các phán quyết về chống bán phá giá được đưa ra không phù hợp với các quy tắc nêu trên. Trong vụ kiện cá da trơn, Việt nam không được áp dụng bộ quy tắc này vì chưa là thành viên WTO. Nói cách khác, mặc dù cho rằng phán quyết cuối cùng về chống bán phá giá của Mỹ đã vi phạm các nguyên tắc của WTO, nhưng Việt nam cũng không thể khiếu nại phán quyết đó tại một hội đồng xét xử của WTO.

VI. KẾT LUẬN

Bán phá giá và chống bán phá giá là một trong những vấn đề “nóng” trong thương mại quốc tế hiện đại. Các doanh nghiệp Việt nam cũng bị cuốn vào làn sóng chung của những hoạt động liên quan đến vấn đề bán phá giá trên thế giới. Khi mà chúng ta đang ngày càng mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, với đặc điểm là nền kinh tế chuyển đổi và đang phát triển, các doanh nghiệp Việt nam đồng thời phải đối mặt với hai yếu tố của bán phá giá:

 Thứ nhất là tình trạng bị các quốc gia nhập khẩu khiếu kiện bán phá giá và bị áp thuế chống bán phá giá khiến hàng hoá giảm sức cạnh tranh do giá thành cao.  Thứ hai là tình trạng nhiều doanh nghiệp nước ngoài thực hiện những hành vi bán

phá giá ngay tại Việt nam, khiến doanh nghiệp không thể cạnh tranh nổi về mặt giá cả, dẫn đến thị trường cứ ngày một thu hẹp dần.

Trong bối cảnh đó, nhu cầu cấp bách đặt ra là Việt nam cần sớm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về tự vệ thương mại nói chung và pháp luật về chống bán phá giá nói riêng, trên cơ sở kếp hợp hài hòa với các quy định và thực tiễn của thương mại quốc tế. Đích cuối cùng các doanh nghiệp nhắm đến là sao cho mức thuế áp cho việc bán phá giá thấp nhất. “Muốn làm được điều đó thì ngay từ bây giờ, doanh nghiệp phải nghĩ đến những

chiến lược đối phó với các vụ kiện kiểu như trên, tránh tình trạng nước đến chân mới nhảy”- Adam Leton, một chuyên gia kinh tế của WTO nhận định. Một trong những cách tự vệ tốt nhất đối với doanh nghiệp là lập trước kế hoạch chống rủi ro của các vụ kiện. Nhà sản xuất cần tìm hiểu các quy định pháp lý với sự trợ giúp của những chuyên gia am hiểu luật chống bán phá giá và minh bạch trong việc kiểm toán của mình. Ngoài ra, nhà sản xuất cần có dự báo trước các ngành công nghiệp có nguy cơ bị áp thuế chống bán phá giá. Gia nhập WTO đồng nghĩa với việc Việt nam đang bước vào sân chơi rộng lớn. Để không bị tác động tiêu cực từ vấn đề phá giá và chống bán phá giá, các doanh nghiệp nên sớm tìm hiểu và làm quen với các thủ tục và tiến trình khiếu kiện trong vấn đề bán phá giá, để có thể tham gia cuộc chơi một cách sòng phẳng, đồng thời có đủ kiến thức và kỹ năng bảo vệ tối đa quyền lợi của mình trước làn sóng hàng ngoại tràn vào. Các doanh nghiệp cần chủ động hợp tác và đoàn kết với nhau, đặc biệt vai trò của các hiệp hội ngành nghề là rất lớn. Khi gia nhập WTO, nhà nước không thể đứng ra can thiệp để bảo vệ cho doanh nghiệp trước những vụ kiện, mà hiệp hội sẽ là tổ chức đứng ra tập hợp doanh nghiệp, hướng dẫn và tìm các nguồn tài chính để theo kiện. Ngoài ra, hiệp hội cũng đại diện cho doanh nghiệp đứng ra khởi kiện, trong trường hợp hàng hóa nước ngoài bán phá giá tại thị trường trong nước.

Một phần của tài liệu BÁN PHÁ GIÁ VÀ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ TRONG THƯƠNG MẠI VIỆT NAM & TRÊN THẾ GIỚI (Trang 35 - 39)