- Sửa đổi, bổ sung các quy định để tạo điều kiện cho việc thu thập, đánh giá phân tích chứng cứ và sử dụng chứng cứ như: nguyên tắc suy đoán vô tội, nguyên tắc và trách nhiệm xác định sự thật khách quan của vụ án; nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm; sửa đổi các quy định về thu thập, đánh giá và loại bỏ chứng cứ, bảo quản, xử lý vật chứng, khám nghiệm hiện trường, hỏi cung bị can.
- Sửa đổi, bổ sung các quy định bảo đảm tôn trọng quyền của người bị bắt, tạm giữ, bị can, bị cáo, nhất là quyền bào chữa, quyền thu thập chứng cứ,
yêu cầu giám định của người bị buộc tội...; mở rộng chủ thể thu thập chứng cứ. Sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục việc mớm cung, dụ cung, bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra.
- Sửa đổi, bổ sung các quy định tạo điều kiện cho việc khởi tố, điều tra tội phạm để chống bỏ lọt tội phạm; khắc phục việc bắt tạm giữ hình sự, tạm giam sau đó chuyển xử lý hành chính như: sửa đổi tăng thời hạn giải quyết đối với tin tố giác, tin báo về tội phạm phức tạp; quy định chặt chẽ các căn cứ khởi tố bị can, căn cứ bắt khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam; căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các CQTHTT.
- Tiếp tục thể chế hóa nội dung Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới” trong đó nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng tranh tụng tại Tòa án. Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” cũng nhấn mạnh yêu cầu này. Do đó, BLTTHS Việt Nam cần quy định tranh tụng là một nguyên tắc cơ bản của TTHS, đồng thời cần có các quy định cụ thể triển khai nguyên tắc này trong Bộ luật. Theo quan điểm của tác giả, cần triển khai nguyên tắc tranh tụng ở các nội dung sau:
Tòa án là cơ quan bảo đảm việc tranh tụng của các bên trong TTHS. Việc xét xử các vụ án hình sự phải được tiến hành trên cơ sở tranh tụng dân chủ và bình đẳng; Bản án hoặc quyết định của Tòa án phải dựa trên kết quả tranh tụng dân chủ và bình đẳng của các bên tại phiên tòa; Tại phiên tòa, hội đồng xét xử phải bảo đảm sự độc lập và thực hiện đầy đủ các chức năng công tố, chức năng bào chữa và chức năng xét xử cho các chủ thể tương ứng thực hiện.
Nghiên cứu mở rộng phạm vi người bào chữa theo hướng không chỉ quy định bao gồm luật sư, người đại diện hợp pháp, bào chữa viên nhân dân và cả những người khác nếu được bị can, bị cáo nhờ bào chữa và được các CQTHTT chấp nhận.