Lẽ dĩ nhiên, “pháp luật dù có hoàn thiện đến mấy cũng không thể phản ánh
và quy định hết được tất cả những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống” [56; tr.209]
và pháp luật hình sự, tố tụng hình sự không nằm ngoài quy luật ấy. Do vậy, việc kịp thời sửa đổi, bổ sung và ban hành hai bộ luật trên có ý nghĩa rất quan trọng để bảo vệ pháp chế, củng cố và duy trì trật tự pháp luật, phục vụ công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, cũng như bảo vệ hữu hiệu lợi ích của Nhà nước, của xã hội, các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đặc biệt xác định rõ ranh giới giữa tội phạm và các vi phạm pháp luật khác. Bên cạnh đó cũng cần quy định chặt chẽ các thủ tục, trình tự tố tụng với những quy định rõ ràng, tăng khả năng giám sát của các cơ quan THTT với nhau, của các cơ quan, tổ chức và toàn xã hội, qua đó tránh việc áp dụng không đúng, không chính xác pháp luật dẫn đến bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội.
Có thể nói BLHS là cơ sở pháp lý quan trọng trong hoạt động TTHS. Trên thực tế, pháp luật hình sự còn nhiều quy định chưa rõ ràng, chưa chặt chẽ và đầy đủ, đặc biệt chưa có ranh giới xác định giữa tội phạm và không phải tội phạm hoặc giữa tội phạm và các vi phạm pháp luật khác... Do đó, cần hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự theo hướng cụ thể, các dấu hiệu pháp lý rõ ràng.
tạo điều kiện khắc phục việc khởi tố, xử lý hình sự tràn lan dẫn đến làm oan hoặc hành chính hóa các quan hệ hình sự dẫn đến bỏ lọt tội phạm như: nâng mức định lượng trong các tội chiếm đoạt như trộm cắp, cướp giật và các tội phạm khác như đánh bạc, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới... các tình tiết định tính như “gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn”, “dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm”, “động cơ cá nhân khác” trong các tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng; tình tiết “dùng hung khí nguy hiểm” trong tội “cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác”...
- Sửa đổi, bổ sung, quy định rõ dấu hiệu pháp lý đặc trưng của một số tội trong BLHS, khắc phục tình trạng hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế làm oan người vô tội, tạo điều kiện xác định đúng tội danh trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử như: tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, tội “Tội vi phạm quy định trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài”; phân biệt tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; giữa tội “Giết người” và tội “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”....