2.1. Khởi kiện và thụ lý giải quyết tranh chấp thừa kế quyền sử
2.1.1. Khởi kiện tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất
Khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là một trong những biện pháp hữu hiệu mà Nhà nước trao cho công dân để họ bảo vệ các quyền dân sự của mình. Theo quy định Điều 4 của BLTTDS thì: “Cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Toà án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp
của mình” [6, Điều 4]. Trong các vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất
thì các đương sự thường phát sinh mâu thuẫn về quyền hưởng di sản thừa kế hoặc mâu thuẫn về thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại, khi không thể tự thỏa thuận thì họ nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. Như vậy, có thể hiểu khởi kiện vụ án tranh chấp thừa kế quyền sử dụng đất là việc người khởi kiện nộp đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết mâu thuẫn về quyền thừa kế hoặc mâu thuẫn khi thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Khởi kiện là hành vi đầu tiên đồng thời là cơ sở pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp luật tố tụng dân sự. Tòa án chỉ có thể thụ lý giải quyết sau khi người khởi kiện đã nộp đơn khởi kiện.
Khi nhận đơn khởi kiện, toà án phải có sổ nhận đơn để ghi ngày tháng năm nhận đơn của đương sự làm căn cứ xác định ngày khởi kiện. Trong trường hợp người khởi kiện trực tiếp nộp đơn tại toà án thì toà án ghi ngày,
tháng, năm người khởi kiện nộp đơn vào sổ nhận đơn. Ngày khởi kiện được xác định là ngày nộp đơn. Nếu đương sự gửi đơn đến toà án qua bưu điện thì toà án ghi ngày, tháng, năm nhận đơn do bưu điện chuyển đến vào sổ nhận đơn và ngày, tháng, năm đương sự gửi đơn theo ngày, tháng, năm có dấu bưu điện nơi gửi đơn. Phong bì có dấu bưu điện phải được đính kèm đơn khởi kiện. Ngày khởi kiện được xác định là ngày có dấu bưu điện nơi gửi. Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu điện trên phong bì, thì toà án phải ghi chú trong sổ nhận đơn là không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu điện. Trong trường hợp này, ngày khởi kiện được xác định là ngày toà án nhận được đơn do bưu điện chuyển đến. Toà án phải ghi ngày, tháng, năm nhận đơn vào góc trên bên trái của đơn khởi kiện. Sau khi nhận đơn khởi kiện, toà án phải cấp giấy báo nhận đơn khởi kiện cho người khởi kiện hoặc phải gửi giấy báo nhận đơn khởi kiện để thông báo cho người khởi kiện biết nếu toà án nhận đơn khởi kiện gửi qua bưu điện. Nếu thấy đơn khởi kiện không có đủ các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 164 BLTTDS thì Tòa án thông báo cho người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo đúng quy định pháp luật tố tụng dân sự.