1.3. Đặc điểm tranh tụng tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự:
1.3.3. Bản chất của điều khiển tranh tụng tại phiên tòa xét xử vụ án
Bản chất của điều khiển tranh tụng tại phiên tòa chính là quá trình xác định sự thật khách quan về vụ án. Bản chất này chi phối và định hướng mọi
hoạt động và hành vi tố tụng của các chủ thể tham gia phiên tòa. Tại đây, thông qua hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể tiến hành tố tụng cùng với sự tham gia của những người tham gia tố tụng HĐXX có trách nhiệm điều khiển phiên tòa hướng tới xác định sự thật khách quan và ra phán quyết để giải quyết vụ án. Bản chất đó được thể hiện ở một số điểm sau đây:
- Tranh tụng tại phiên tòa là một cuộc điều tra công khai do các chủ thể (Thẩm phán, Kiểm sát viên, người bào chữa,…) cùng tiến hành dưới sự điều khiển của HĐXX (Chủ tọa phiên tòa). Tại đây các chứng cứ về vụ án được các chủ thể của các bên và HĐXX kiểm tra, đánh giá công khai trên cơ sở các quy định pháp luật.
- Hoạt động tranh tụng được tiến hành theo một trình tự, thủ tục nghiêm ngặt, phức tạp về nội dung, thể hiện sự xung đột về lợi ích, về tâm lý giữa các bên buộc tội và bên gỡ tội và bị hạn chế về mặt không gian và thời gian do pháp luật tố tụng quy định tức là hoạt động này chỉ có thể thực hiện tại phiên tòa và trong thời gian diễn ra phiên tòa và dưới sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa.
- Mục đích của tranh tụng là xác định sự thật khách quan về vụ án thông qua hoạt động kiểm tra, đánh giá công khai chứng cứ và giá trị chứng minh của các chứng cứ về vụ án trên cơ sở các quy định pháp luật làm căn cứ cho các nhận định, kết luận hoặc quyết định của HĐXX về các vấn đề cần giải quyết trong vụ án theo quy định tại Điều 63 BLTTHS.
- Kết quả tranh tụng tại phiên tòa giữa các bên về vụ án do HĐXX quyết định khi nghị án và được thể hiện bằng phán quyết (bản án hoặc quyết định) nhân danh Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa (XHCN) Việt Nam. Đây là văn bản pháp lý kết thúc quá trình tranh tụng ở giai đoạn xét xử giữa các bên về vụ án.
- Phiên tòa sơ thẩm thể hiện bản chất của tranh tụng một cách đầy đủ, tập trung và rõ nét nhất. Bởi vì, Tòa án cấp sơ thẩm có nhiệm vụ xét xử đối với toàn bộ vụ án nên tại phiên tòa này mới có sự tham gia đầy đủ của tất cả các chủ thể thuộc bên buộc tội, bên bào chữa và những người tham gia tố tụng khác (người làm chứng, người giám định, người phiên dịch,…).