Nội dung hoạt động điều khiển tranh tụng tại phiên tòa xét xử

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Cơ sơ lý luận và thực tiễn về tranh tụng tại phiên tòa trong xét xử vụ án hình sự ở tỉnh Bắc Ninh (Trang 28 - 30)

1.3. Đặc điểm tranh tụng tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự:

1.3.4. Nội dung hoạt động điều khiển tranh tụng tại phiên tòa xét xử

hình sự:

Tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự, HĐXX cần điều khiển phiên tòa với những nội dung chính sau:

- Thực hiện và điều khiển việc xét hỏi tại phiên tòa. Xét hỏi thực chất là cuộc điều tra chính thức tại phiên tòa để xác định sự thật khách quan của vụ án. Vì vậy, các bên tham gia tố tụng đều có quyền điều tra dưới sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa. HĐXX chủ động hướng các bên đi vào trọng tâm vấn đề, tập trung lắng nghe làm cơ sơ thực hiện thủ tục tiếp theo. Việc xét hỏi này chỉ kết thúc khi Tòa án thấy rằng thông qua xét hỏi sự thật khách quan, đối tượng chứng minh trong vụ án đã được xác định đầy đủ, các tình tiết liên quan đến việc giải quyết đã được làm rõ.

- Tạo điều kiện để các bên đưa ra chứng cứ mới như: yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, đưa ra vật chứng hoặc tài liệu mới. Hồ sơ, chứng cứ được xác lập trong giai đoạn điều tra là rất quan trọng cho việc xét xử tại phiên tòa. Tuy nhiên, các chứng cứ có trong hồ sơ là do các cơ quan tiến hành tố tụng thu thập, nhiều trường hợp chưa thể đầy đủ và không loại trừ việc thiếu khách quan. Đặc biệt đối với vụ án hình sự, trách nhiệm chứng minh thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng; cho nên đa số các trường hợp Cơ quan điều tra, VKS chỉ thu thập chứng cứ buộc tội, không chú trọng thu thập chứng cứ gỡ tội; trong khi đó bên bào chữa (người bào chữa, bị cáo) không được quyền chủ động thu thập chứng cứ làm hạn chế khả năng tranh tụng của họ tại phiên tòa. Vì vậy, pháp luật tố tụng quy định các bên tham gia tố tụng có quyền yêu cầu triệu tập thêm người làm chứng, quyền đưa ra các chứng cứ mới tại phiên tòa. Nhiệm vụ của Tòa án là đảm bảo để các bên thực hiện quyền tố tụng này; tránh trường hợp sợ phiền phức, sợ phiên tòa đi chệch quỹ đạo chuẩn bị nên không chú trọng thủ tục này tại phần mở đầu phiên tòa.

- Điều khiển để các bên phát biểu ý kiến về đánh giá chứng cứ. Qua việc điều tra chính thức, công khai tại phiên tòa, mỗi bên tham gia tố tụng đều có cách nhìn nhận, đánh giá của mình về kết quả chứng minh. Để thực hiện chức năng tố tụng, nhiệm vụ tố tụng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, các bên tham gia tố tụng phải công khai đưa ra ý kiến đánh giá của mình về sự thật khách quan của vụ án để giúp cho Tòa án cân nhắc khi ra phán quyết. Các đánh giá khác nhau, phản biện nhau của các bên tham gia tố tụng tại phiên tòa sẽ giúp cho Tòa án khách quan hơn, toàn diện hơn, thận trọng hơn khi đánh giá để ra phán quyết;

Mục đích chính của tố tụng thẩm vấn là tìm ra sự thật và đạt được sự công bằng trong tố tụng (bao gồm các giai đoạn: điều tra, truy tố và xét xử). Trong khi đó mục đích của hệ tố tụng tranh tụng lại khác ở chỗ việc tìm ra sự thật chỉ bắt đầu từ giai đoạn xét xử. Mọi thông tin thu thập được trong quá trình điều tra đều chưa được xem xét cho đến khi được trình bày trước Toà. Mỗi bên sẽ trình Toà "sự thật của phía mình” và Thẩm phán cùng với bồi thẩm đoàn sẽ quyết định xem "sự thật” nào có tính thuyết phục hơn... Hệ thẩm vấn chú trọng đến khía cạnh thực tế, còn hệ tranh tụng lại đánh giá cao khía cạnh pháp lý [6, tr.126]. - Điều khiển việc phát biểu ý kiến về pháp luật áp dụng. Thực tiễn cho thấy rằng, do nhiều lý do khác nhau như kĩ thuật lập pháp chưa tốt, quy định của pháp luật chưa rõ ràng, thiếu cụ thể, trình độ nhận thức pháp luật chưa tốt mà pháp luật được nhận thức rất khác nhau trong hoạt động tố tụng. Vì vậy, nội dung của tranh tụng trong giai đoạn tranh luận tại phiên tòa bao gồm việc các bên tham gia tố tụng đề nghị áp dụng luật để bảo vệ quan điểm của mình trong giải quyết vụ án theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Ví dụ: trong phiên tòa hình sự, đại diện VKS đề nghị áp dụng pháp luật hình sự để bảo vệ cáo trạng, bảo vệ việc buộc tội; người bào chữa đề nghị áp dụng pháp luật hình sự để gỡ tội, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) cho bị cáo…

- Hướng các bên đưa ra đề nghị biện pháp giải quyết vụ án liên quan đến quyền và lợi ích liên quan. Mỗi bên tham gia tố tụng đều nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, nội dung không thể thiếu trong tranh tụng là các bên đề xuất ý kiến và lập luận trên cơ sở chứng cứ, quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích đó. Tùy theo tư cách tố tụng của mình mà phạm vi xét hỏi, tranh luận, đề xuất ý kiến của mỗi người tham gia tố tụng cũng có khác nhau: đại diện VKS bảo vệ cáo trạng, người bào chữa, bị cáo bảo vệ quan điểm không có tội hoặc giảm nhẹ TNHS, nguyên đơn dân sự đòi hỏi việc bồi thường, bị đơn dân sự bác bỏ hoặc giảm mức bồi thường…

Như vậy, nội dung điều khiển tranh tụng tại phiên tòa thể hiện thông qua việc Tòa án thay mặt Nhà nước xác định sự thật của vụ án trên cơ sở điều tra công khai tại phiên tòa, nghe ý kiến của các bên tham gia tố tụng để ra quyết định phán xét giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện, đầy đủ và đúng pháp luật để đưa ra phán xét cuối cùng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Cơ sơ lý luận và thực tiễn về tranh tụng tại phiên tòa trong xét xử vụ án hình sự ở tỉnh Bắc Ninh (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)