Tiêu chí sinh học

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quyền an tử những vấn đề lý luận và thực tiễn Luận văn ThS. Pháp luật và quyền con người (Trang 66 - 69)

Chương 1 : CƠ SỞ LÝ LUẬN, THỰC TIỄN CỦA QUYỀN AN TỬ

2.3. Các tiêu chí chung về quyền an tử theo pháp luật quốc tế và

2.3.1. Tiêu chí sinh học

2.3.1.1 Phạm vi những người có quyền

Hiện nay phạm vi những người có quyền khác nhau theo quy định của mỗi quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhưng nhìn chung, có 2 dạng tình trạng

- Chết não: Chết não là tình trạng toàn bộ não bộ, bao gồm cả cuống não dừng mọi chức năng hoạt động và không có khả năng hồi phục. Khái niệm này được giới thiệu lần đầu tiên tại Mỹ năm 1968, bởi một Ủy ban vụ việc của Trường Y khoa Harvard nghiên cứu về vấn đề chết não. Theo Ủy ban này, một bệnh nhân được coi là chết não khi không cảm nhận hoặc không phản ứng (bệnh nhân hoàn toàn không nhận thức được các kích thích bên ngoài và không phản ứng trước các tác động đau đớn); không hoạt động hoặc hô hấp (mọi hoạt động cơ bắp, hô hấp tự nhiên và phản ứng với kích thích đều không có) và không có phản xạ (đồng tử giãn, vô thần; mắt không chuyển động ngay cả khi bị tác động trực tiếp hay tác động đổi hướng; không phản ứng với các kích thích độc hại; không phản xạ gân). Ngoài ra, ghi nhận điện não đồ thẳng cũng là một cơ sở để khẳng định hiện tượng chết não.

Hiện nay không có một khái niệm chết não thống nhất toàn cầu, thậm chí một số nơi không công nhận sự tồn tại của khái niệm này. Cuộc tranh cãi về vấn đề bản chất của hiện tượng chết não, liệu đây là một cách thể hiện cái chết (bệnh nhân bị chết não là người đã chết) hay là báo hiệu của cái chết (bệnh nhân bị chết não là người đang chết) diễn ra không chỉ trong lĩnh vực y khoa mà còn trong triết học, khoa học pháp lý… Trong quá khứ, việc kết luận vấn đề một con người đã chết hay chưa phụ thuộc vào hoạt động của 2 hệ cơ quan: hô hấp và tuần hoàn. Nếu con người còn thở và tim còn đập thì cơ thể họ vẫn tiếp tục hoạt động như một khối thống nhất, còn nếu cả hai hoặc một trong hai hiện tượng này ngừng, hoạt động thống nhất giữa các cơ quan trong cơ thể sẽ chấm dứt vĩnh viễn, không thể vãn hồi. Tuy nhiên với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, những thứ tưởng chừng như bất khả thi lại trở nên khả thi. Ngày nay những chức năng này đều có thể vãn hồi bằng các hình thức, liệu pháp nhân tạo. Chết não thì khác. Chết não nghĩa là trung khu thần kinh điều khiển cơ thể chấm dứt hoạt động, lúc này, không chỉ tim, phổi mà các cơ

quan khác đều mất khả năng thực hiện chức năng vốn có. Người bệnh không có khả năng sống sót mà không có sự trợ giúp của không chỉ thiết bị y tế, mà còn cần đến chăm sóc y khoa và nuôi dưỡng nhân tạo. Hay nói cách khác, người bệnh chết não là người đời sống vật chất bị phụ thuộc và đời sống tinh thần không có. Vì vậy việc để họ hưởng thụ quyền an tử, không phải là vô nhân đạo, mà là sự tôn trọng phẩm giá của chính họ.

- Mất ý thức kéo dài và không có khả năng hồi phục

Thuật ngữ tình trạng thực vật dai dẳng (PVS) được sử dụng lần đầu tiên vào năm 1972 và trở nên phổ biến trong những năm 80 thế kỉ trước. Tiêu chuẩn chẩn đoán PVS được đưa ra năm 1994, trong đó bao gồm sự mất nhận thức về bản thân và môi trường bên ngoài (có thể theo chu kì hoặc liên tục), mất khả năng tương tác cũng như khả năng nhận thức ngôn ngữ và biểu hiện. Điểm khác biệt giữa người bệnh trong tình trạng PVS và người bệnh chết não là khả năng tự hô hấp, các bộ phận trong cơ thể vận hành bình thường và có phản ứng trước đau đớn của người trong tình trạng PVS. Người trong tình trạng PVS có thể kéo dài sự sống đến 15 năm, nhưng thời gian càng dài, hy vọng hồi phục càng mong manh.

Nhiều ý kiến cho rằng do tình trạng PVS không nghiêm trọng như chết não, nên khả năng hồi phục của người bệnh PVS sẽ cao hơn. Thực tế đã chứng minh đúng là nhiều bệnh nhân đã tỉnh lại sau khoảng thời gian từ 6 tháng đến 2 năm. Nhưng không thể phủ định một sự thật rằng, người bị PVS có thể chịu nhiều đau khổ hơn bệnh nhân chết não. Nhiều trường hợp, người bệnh vẫn có khả năng nhận thức nhưng không thể biểu lộ, hay nói cách khác họ kẹt trong cơ thể của chính mình. Hơn thế, không giống như người bệnh chết não, người bị PVS vẫn có thể cảm nhận đau đớn mà không thể nói với bất cứ ai. Vì vậy sự đau khổ về mặt thể xác và tinh thần, là không thể chịu đựng. Xem xét đến khía cạnh này, nhiều quốc gia đã cho phép bệnh nhân

trong tình trạng thực vật kéo dài được hưởng thụ quyền an tử khi đã có chúc thư y tế hoặc chỉ định trước.

2.3.1.2. Khám sức khoẻ trước khi thực hiện quyền an tử

Việc kiểm tra sức khỏe của người bệnh yêu cầu hưởng thụ quyền an tử đươc thực hiện trong hai trường hợp sau:

- Sau khi người bệnh đưa ra yêu cầu và được bác sĩ điều trị chẩn đoán, người bệnh sẽ được bác sĩ giới thiệu đến một bác sĩ tư vấn (bác sĩ thứ hai). Bác sĩ tư vấn có trách nhiệm kiểm tra sức khỏe bệnh nhân cũng như bệnh án của bệnh nhân để từ đó xác nhận xác nhận bằng văn bản rằng chẩn đoán của bác sĩ điều trị về việc bệnh nhân đang mắc bệnh nan y là đúng. Đồng thời, bác sĩ tư vấn phải có kiến thức sơ đẳng về tâm lý/ tâm thần để chứng thực rằng bệnh nhân có khả năng hành động tự chủ và đưa ra quyết định sau khi được cung cấp đủ thông tin về tình trạng bệnh lý và khả năng chữa trị của mình

- Bệnh nhân sẽ được thực hiện kiểm tra tâm lý/ tâm thần trong trường hợp bác sĩ điều trị và bác sĩ tư vấn hoặc một trong hai bác sĩ nghi ngờ khả năng tâm lý/ tâm thần của bệnh nhân. Điều này xuất phát từ một thực tế đã được khoa học chứng minh là hiện tượng rối loạn tâm lý/ tâm thần hoặc trầm cảm có thể khiến khả năng phán đoán bị suy yếu, bệnh nhân dễ đưa ra quyết định sai lầm. Lúc này bác sĩ điều trị hoặc bác sĩ tư vấn sẽ giới thiệu bệnh nhân đến một bác sĩ tâm lý/ tâm thần để thực hiện kiểm tra chuyên sâu, và không biện pháp an tử nào được thực thi cho đến khi bệnh nhân được chứng nhận là không mắc các hội chứng làm suy giảm khả năng phán đoán quyết định.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Quyền an tử những vấn đề lý luận và thực tiễn Luận văn ThS. Pháp luật và quyền con người (Trang 66 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(105 trang)