Văn hóa học và lý thuyết nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) di sản văn học của dòng văn trường lưu (hà tĩnh) từ góc nhìn văn hóa (Trang 38 - 42)

6. Cấu trúc của luận án

1.2. Cơ sở lý thuyết của đề tài

1.2.3. Văn hóa học và lý thuyết nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa

Đi liền với khái niệm "văn hóa" là "văn hóa học". Văn hóa học là một bộ môn khoa học nghiên cứu văn hóa nói chung và các hiện tượng văn hóa riêng biệt như văn hóa gia đình, tôn giáo, nghệ thuật, lối sống, chính trị, kinh tế, giáo dục, đạo đức, tập quán...

Lấy văn hóa làm xuất phát điểm để nghiên cứu các hiện tượng văn học là một vấn đề đã được giới nghiên cứu văn học trong và ngoài nước đề cập từ khá lâu. Mikhail Bakhtin là một trong những người khởi xướng xu hướng tiếp cận văn học bằng phương pháp văn hóa học. Theo ông (Mikhail Bakhtin), "Trước hết, khoa nghiên cứu văn học cần phải gắn bó chặt chẽ với lịch sử văn hóa. Không thể hiểu nó ngoài bối cảnh nguyên vẹn của toàn bộ văn hóa một thời đại trong đó nó tồn tại. Không được tách rời nó khỏi các bộ phận khác của văn hóa, cũng như không được, như người ta vẫn làm, là trực tiếp gắn nó với các nhân tố xã hội - kinh tế, vượt qua đầu văn hóa. Những nhân tố xã hội - kinh tế tác động tới toàn bộ văn hóa nói chung, và chỉ thông qua văn hóa, mới tác động tới văn học" [23; 234].

Theo Phương Lựu và Nguyễn Văn Dân, khi nghiên cứu văn học, chúng ta thường có các phương pháp chính như: thực chứng, hình thức, ký hiệu học, thống kê, thi pháp học, so sánh, tâm lý học, xã hội học, văn hóa học... Trong đó, đặc điểm của phương pháp văn hóa học là dùng điểm nhìn văn hóa để giải thích các hiện tượng văn học, nguyên tắc của phương pháp này là vừa đi tìm ảnh hưởng của văn hóa đương thời đối với tác phẩm văn học, vừa nghiên cứu, tìm lại bức tranh văn hóa khi tác phẩm văn học ra đời, "Trong trường hợp của phương pháp văn hóa học áp dụng cho nghiên cứu văn học, có lẽ nói một cách biện chứng hơn thì phải là: Trong khi tiếp cận văn học từ nhiều hướng, ta có thể đặt

35

hiện tượng văn học vào môi trường văn hóa để lý giải và đánh giá giá trị lịch sử của hiện tượng văn học đó. Và điều quan trọng là phải xác định được chính xác các mối liên hệ giữa hiện tượng văn học đó với các tư tưởng và motif văn hóa cụ thể" (Phương pháp luận nghiên cứu văn học) [21; 252].

Trần Nho Thìn rất có cơ sở khi cho rằng: "Điểm khác biệt của các tiếp cận văn hóa học so với thi pháp học là ở chỗ, tiếp cận văn hóa học không chủ trương miêu tả thế giới nghệ thuật của tác phẩm như một vũ trụ khép kín, có giá trị tự thân mà còn có nhiệm vụ đối chiếu, so sánh, truy nguyên các quan niệm văn hóa của thời đại nơi tác phẩm được sản sinh để tìm nguồn gốc của các dạng thức quan niệm về con người, về không gian, thời gian trong tác phẩm" [172; 25]. Trần Nho Thìn nêu rõ ưu điểm của phương pháp văn hóa học: "Phương pháp tiếp cận tác phẩm từ quan điểm văn hóa học ưu tiên cho việc phục nguyên không gian văn hóa trong đó tác phẩm văn học đã ra đời, xác lập sự chi phối các quan niệm triết học, tôn giáo, đạo đức, chính trị, luật pháp, thẩm mĩ, quan niệm về con người, cũng như sự chi phối các phương diện khác nhau trong đời sống sinh hoạt xã hội sống động hiện thực… Phương pháp này tuy có tính chất tổng hợp, trung gian giữa các phương pháp đọc văn bản khác nhau nhưng vẫn có đặc trưng riêng biệt. Nó thiên về nhiệm vụ giải mã các hình tượng nghệ thuật, tìm ra nền tảng văn hóa lịch sử của chúng, đồng thời cũng nhấn mạnh đến sự liên tục, đến tính chất mở của chúng trong không gian và thời gian" [172; 10]. Cũng theo Trần Nho Thìn thì, "Văn hóa là một hệ thống các phạm trù giá trị hình thành trong các mối quan hệ xác định của con người, những giá trị này hoặc là nội sinh hoặc là ngoại sinh. Chúng hình thành bằng hai con đường, trước hết là được con người đúc kết thông qua hoạt động thực tiễn của chính mình, thứ hai là hình thành trong quá trình giao lưu giữa các nền văn hóa" [172; 13].

Mới đây nhất, trong Lời giới thiệu về H. Taine, Đỗ Lai Thúy viết: "Trường phái văn hóa lịch sử, như vậy, tìm giá trị của văn học không phải ở trong bản thân nó, mà ở cái đối tượng đã in dấu vào nó, tức cái đối tượng tồn tại trước và độc lập với tác phẩm và chỉ được phản ánh trong tác phẩm. Tuy nhiên, tác phẩm không phản ánh một cách thụ động, bởi tác giả của nó không chỉ đơn giản là người lập biên bản, mà trong vai trò một chứng nhân có tư tưởng và tình cảm của mình. Tác phẩm văn học là đài tưởng niệm của thời đại nó...” [121; 41].

36

Qua một số quan điểm trên có thể thấy, tính phức tạp và đa dạng của văn hóa trong thực tiễn của nó đã làm cho đối tượng của văn hóa học cũng đa dạng không kém, thậm chí là không rõ ràng. Có thể tách ra từng cách hiểu khác nhau về văn hóa học như: "lý luận văn học", "ký hiệu học", "nhân học", "dân tộc học"... Mục đích quan trọng của văn hóa học là nhằm khái quát hóa các nghiên cứu của triết học, sử học, tôn giáo học, lịch sử khoa học và các môn khoa học khác nghiên cứu về những mặt khác nhau của con người và xã hội, nhằm tạo nên cơ sở lý thuyết chung, tìm ra những quy luật vận động, hình thành và phát triển của văn hóa. Có thể nói, "Việc tìm hiểu bản chất của văn hóa và tìm ra những quy luật cũng như cơ chế vận hành của những hình thức và phương diện cụ thể của văn hóa trở thành nhiệm vụ quan trọng nhất của lý luận văn hóa, trong khi đó việc miêu tả quá trình biến đổi của nền văn hóa nói chung cũng như lịch sử của nó lại là nhiệm vụ của văn hóa học trong khi nghiên cứu thực tiễn của văn hóa" (Từ điển bách khoa văn hóa học) [141; 570].

Chúng tôi coi những điểm cơ bản được trình bày trên đây về Văn hóa học

và lý thuyết nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa là cơ sở lý thuyết quan

trọng để giải quyết các yêu cầu và nhiệm vụ khoa học của luận án. Dưới góc nhìn văn hóa, chúng tôi nghiên cứu dòng văn Trường Lưu ở sự tồn tại và phát triển, ý nghĩa đối với con người và đời sống xã hội, các phương tiện đạt tới thành tựu..., mà cụ thể là trên các phương diện: quá trình hình thành và quá trình phát triển, các tác giả, tác phẩm tiêu biểu, giá trị văn hóa và hướng tiếp cận, khai thác, phát huy trong đời sống đương đại.

Tiểu kết

Dòng văn Trường Lưu từng được ghi nhận và giới thiệu ít nhiều trong thư tịch cổ (thời trung đại). Sang thời hiện đại (từ đầu thế kỷ XX đến nay), nhất là thời gian gần đây, giới nghiên cứu không chỉ ở trong nước mà còn có thêm một số học giả nước ngoài quan tâm tìm hiểu di sản văn học của dòng văn Trường Lưu. Một số cuộc hội thảo khoa học tầm quốc gia và quốc tế về dòng văn Trường Lưu được tổ chức thành công, các tham luận đã được in thành kỷ yếu. Đấy là những dấu mốc quan trọng đánh dấu thành tựu trong nghiên cứu về dòng

37

văn Trường Lưu - một trong những dòng văn có đóng góp không nhỏ trong việc hình thành nên “Văn phái Hồng Sơn”.

Điều rất đáng mừng là lớp con cháu hậu duệ trong dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu không chỉ có ý thức gìn giữ mà còn dành nhiều thời gian, công sức sưu tầm, phục nguyên các trước tác của các thế hệ đi trước bằng các phương tiện kỹ thuật hiện đại (biên dịch, in ấn, số hóa,...) giúp cho giới nghiên cứu có thêm tư liệu chân thực, đáng tin cậy để tiếp cận, giải mã hữu hiệu hơn những gì mà dòng văn Trường Lưu để lại.

Hoàn toàn có cơ sở để khẳng định những đóng góp và những giá trị văn hóa có sức sống lâu bền từ trước tác, sáng tác của nhiều thế hệ tác giả dòng văn Trường Lưu. Việc nghiên cứu di sản văn học của dòng văn Trường Lưu, nhất là từ góc nhìn văn hóa là một hướng đi sát với đối tượng, một cách tiếp cận mới, hy vọng mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, đáng tin cậy.

38

Chương 2

SỰ HÌNH THÀNH VÀ QUÁ TRÌNH VẬN ĐỘNG, PHÁT TRIỂN CỦA DÒNG VĂN TRƯỜNG LƯU

Một phần của tài liệu (LUẬN án TIẾN sĩ) di sản văn học của dòng văn trường lưu (hà tĩnh) từ góc nhìn văn hóa (Trang 38 - 42)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(176 trang)