Tình hình KN TC của công dân về đất đai trong thời gian qua

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp thực trạng và giải pháp hoàn thiện các quy định về giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai trong luật đất đai 2003 (Trang 39 - 44)

V. Bố cục khoá luận

2.2.1 Tình hình KN TC của công dân về đất đai trong thời gian qua

Trước khi có Luật khiếu nại, tố cáo được ban hành, tình hình KN - TC của công dân diễn biến phức tạp, số vụ việc nói chung và số vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp tăng lên liên tục, bình quân mỗi năm số vụ KN - TC tăng từ 14%–15%/năm.

Sau khi Luật Khiếu nại, tố cáo được ban hành năm 1998, có hiệu lực năm 1/1/1999, qua hai lần sửa đổi bổ sung năm 2004 và năm 2005, tình hình KN - TC của công dân tuy có xu hướng giảm song lại diễn biến phức tạp, tình trạng khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người xảy ra ở nhiều nơi, làm ảnh hưởng đến sự ổn định và tình hình an ninh trật tự xã hội, ở nhiều địa phương phát sinh nhiều khiếu kiện đông người, bức xúc, xuất hiện nhiều điểm nóng về KN - TC.

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng năm Bộ nhận được gần 10.000 lượt đơn tranh chấp, KN – TC thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường của công dân 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó đơn thuộc lĩnh vực đất đai chiếm 98,6% tổng số đơn.

Trong giai đoạn từ năm 2003 đến 2008, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp nhận 47.652 lượt đơn (bình quân gần 8.000 lượt/năm và riêng năm 2008 là 7.005), đơn thư Bộ nhận được có ở cả 63 tỉnh, thành phố. Kết quả phân tích đơn thư như sau:

+ Đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ: 985 vụ việc (chiếm tỷ lệ 2,1% số đơn thư Bộ nhận được).

+ Đơn do Thủ tướng Chính phủ giao: 139 vụ việc (chiếm tỷ lệ 0,3%).

+ Đơn đã có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: 7.551 vụ việc (chiếm tỷ lệ 15,8%).

+ Đơn tố cáo: 1.125 vụ việc (chiếm tỷ lệ 2,4%). + Đơn vượt cấp: 13.812 vụ việc (chiếm tỷ lệ 29%).

+ Đơn trùng và đơn không đủ điều kiện: 24.088 lượt đơn (chiếm tỷ lệ 50,4%).

- Các vụ việc thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung nhiều vào các năm 2003 và 2004 với tổng số 682 vụ (chiếm 69,2% số vụ việc thuộc thẩm quyền), do Luật Đất đai năm 2003 chưa có hiệu lực nên các vụ việc liên quan đến công tác thu hồi đất và bồi thường vẫn thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ. Sau khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực, thẩm quyền của Bộ tập trung chủ yếu vào công tác giải quyết các vụ việc tranh chấp đất đai có yếu tố tổ chức1.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong 4 năm (2008 – 2011), các địa phương đã tiếp 370.080 lượt công dân, trong đó có 4.072 lượt đoàn đông người. Các bộ ngành Trung ương đã tiếp 70.912 lượt người, trong đó có 390 đoàn đông người. Các địa phương đã giải quyết được 21.509/25.213 vụ khiếu nại được tiếp nhận, 9.906/11.455 vụ tố cáo; các bộ ngành đã giải quyết được 10.287/11.704 vụ khiếu nại và 8.543/9.432 vụ tố cáo.

Qua công tác giải quyết KN - TC, đã thu hồi cho nhà nước hơn 127 tỷ đồng, 383.855 m2 đất; trả lại cho công dân hơn 30 tỷ đồng và 157.228 m2 đất; kiến nghị xử lý hành chính 830 người, chuyển 50 vụ việc sang cơ quan điều tra…

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2008-2012 cho thấy, nội dung KN – TC chủ yếu liên quan đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, chiếm hơn 70% tổng số vụ việc. Trong đó, tập trung vào việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ khi thu hồi đất như áp giá, kiểm đếm, việc chấp hành trình tự, thủ tục thu hồi, thiếu công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện.

Nội dung mà công dân tố cáo đến cơ quan có thẩm quyền chủ yếu tố cáo cán bộ lợi dụng chức quyền để tham nhũng trong quản lý đất đai, quản lý tài chính ngân sách nhà nước, trù dập người khiếu kiện, bao che cho cán bộ dưới

quyền, cố ý làm sai lệch hồ sơ, áp dụng pháp luật không đúng dẫn đến xét xử oan sai, gây thiệt hại cho quyền và lợi ích hợp pháp của công dân2.

Theo thống kê của Thanh tra nhà nước, trụ sở tiếp dân tại Hà Nội, tình hình KN – TC trong thời gian qua như sau:

Năm Tổng số đơn thư Đơn thư khiếu nại Đơn thư tố cáo

2008 5320 3617 1703

2009 4707 3195 1512

2010 4814 3362 1452

2011 4339 3173 1166

Tình trạng khiếu kiện đông người diễn ra ở rất nhiều nơi và thường rộ lên trong thời gian Trung ương, Quốc hội họp hoặc bầu cử. Đáng lưu ý, nhiều cá nhân ở các địa phương khi về Trung ương khiếu kiện có sự liên kết với nhau để gây sức ép tại Trụ sở tiếp công dân và nhà riêng của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Có đoàn đưa các cụ già, phụ nữ, trẻ em, thương binh, thân nhân của gia đình liệt sĩ đi cùng, trưng khẩu hiệu, căng biểu ngữ tạo nên bức xúc gay gắt, không tin tưởng chấp thuận việc giải quyết khiếu kiện ở địa phương đòi Trung ương phải giải quyết. Nhiều trường hợp đeo bám khiếu kiện dài ngày ở Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Cá biệt, có những trường hợp vi phạm hành hung, gây thương tích hoặc bắt giữ cán bộ làm cho tình hình khiếu kiện thêm phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Nội dung của các KN – TC tập trung chủ yếu vào các vấn đề liên quan đến quản lý và sử dụng đất đai. Trong 4 năm. từ năm 2008 đến năm 2011, Thanh tra nhà nước tại Hà Nội đã tiếp nhận 19.240 đơn KN - TC; trong đó đơn khiếu kiện liên quan đến đất đai là 13.468 đơn, chiếm 70% tổng số đơn thư KN - TC nhận được.

Vụ việc điển hình trong thời gian vừa qua có thể kể đến vụ việc Ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng.

Ông Đoàn Văn Vươn trú tại Bắc Hưng, Tiên Lãng được UBND huyện Tiên Lãng giao sử dụng 21 ha đất bãi bồi ngoài đê quốc gia thuộc địa bàn xã Vinh Quang, tại Quyết định số 447/ QĐ- UB ngày 4/10/1993 để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản với thời hạn sử dụng 14 năm kể từ ngày quyết định giao đất. Sau đó ông Đoàn Văn Vươn tự ý đắp bờ bao phá rừng ngập mặn để lấn chiếm ra ngoài diện tích được giao 19,3 ha. Ủy ban nhân dân huyện đã xử phạt hành chính vi phạm hành vi lấn chiếm đất đai của ông Vươn. Sau khi nộp phạt, ông Đoàn Văn Vươn có làm đơn xin giao đất. Ngày 4/9/1997, UBND huyện có Quyết định số 220/QĐ-UB giao bổ sung cho ông Đoàn Văn Vươn phần diện tích đất lấn chiếm này, thời hạn 14 năm tính từ 4/10/1993. Hết thời hạn giao đất, UBND đã làm thủ tục để thu hồi toàn bộ 40,3 ha đất nói trên. Đối với 19,3 ha đất bổ sung, UBND huyện ban hành Quyết định số 461 QĐ-UBND ngày 7/4/2009 thu hồi giao cho UBND huyện Vinh Quang quản lý. Không đồng ý với quyết định khiếu nại của Ủy ban nhân dân huyện, ông Vươn khởi kiện tại Tòa án. Ngày 27/01/2010, Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng đã xét xử sơ thẩm tại Bản án số 01/2010/HCST, bác yêu cầu khởi kiện của ông Vươn, giữ nguyên quyết định thu hồi đất 461/QĐ-UBND ngày 07/4/2009 của UBND huyện Tiên Lãng. Ông Vươn tiếp tục có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm lên Tòa án nhân dân thành phố. Do trước khi mở phiên tòa phúc thẩm, sau khi đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử người kháng cáo rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo nên Tòa án nhân dân Thành phố đã có quyết định số 02/2010/HCPT-QĐ ngày 22/4/2010 đình chỉ xét xử vụ án hành chính. Tại quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm của Tòa án nhân dân thành phố nêu rõ: “Bản án hành chính sơ thẩm số 01/2010/HCST ngày 27/01/2010 của Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định này”. Căn cứ bản án sơ thẩm và quyết định đình chỉ của tòa phúc thẩm, UBND huyện Tiên Lãng đã nhiều lần vận động, thuyết phục ông Vươn thực hiện quyết định thu hồi đất của huyện bàn giao đất theo quy định, nếu có nhu cầu cần phải làm thủ tục để UBND huyện cho thuê đất theo quy định, nếu có nhu cầu cần phải làm thủ tục để UBND huyện cho thuê đất theo quy định. Tuy nhiên ông Vươn không chấp hành; yêu cầu huyện tiếp tục giao đất cho ông sử dụng theo hình thức

“giao đất” chứ không chấp nhận hình thức thuê đất. Do không tự giác chấp hành nên UBND huyện Tiên Lãng ban hành Quyết định số 3307/QĐ-UBND ngày 24/11/2011 về việc cưỡng chế để thi hành quyết định hành chính thu hồi đất đối với ông Đoàn Văn Vươn. Ngày 5-1-2012, Ủy ban nhân dân huyện Tiên Lãng tổ chức cưỡng chế để thi hành quyết định hành chính thu hồi 19,3 ha đất bãi bồi ven biển được sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản tại khu vực Nam cống Rộc thuộc địa bàn xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng đối với ông Đoàn Văn Vươn. Do không đồng ý việc thu hồi đất và quyết định cưỡng chế của Ủy ban nhân dân huyện, ông Đoàn Văn Vươn cùng những người trong gia đình đã tổ chức chống đối quyết liệt lực lượng cưỡng chế làm 6 cán bộ công an huyện và huyện đội Tiên Lãng bị thương. 3

Sau vụ việc Đoàn Văn Vươn, Theo báo cáo của Thanh tra chính phủ, tình hình KN – TC càng diễn biến phức tạp, và có chiều hướng tăng đột biến. Trong cuộc họp báo quý I/2012 hôm nay, 5/4, Thanh tra Chính phủ có báo cáo đánh giá tình hình khiếu nại của công dân trong 3 tháng đầu năm có diễn biến phức tạp. Trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2, số vụ khiếu kiện giảm so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, từ giữa tháng 2 (15/2-25/3) tình hình KN – TC của công dân có phần gia tăng về số lượt người, số đoàn đông người và tính chất mức độ gay gắt hơn. Một số vụ việc đã được các cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đảm bảo đúng quy định, chính sách pháp luật của nhà nước, đã ổn định nay tiếp khiếu với thái độ gay gắt.

Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, thời điểm lượng KN – TC tăng đột biến là sau vụ cưỡng chế đầm tôm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Trong khoảng 1 tháng, số lượt người đến các cơ quan chức năng khiếu kiện tăng 50%, số đoàn đông người tăng 30%, 10% số tỉnh thành có số vụ khiếu kiện đông người tăng và 70% đơn thư khiếu nại là về đất đai, trong đó nổi lên nhiều nội dung như giải quyết tranh chấp đất đai, thu hồi đất – giải phóng mặt bằng, đòi lại đất cũ…4

Đất đai là một tài sản quý giá, một tư liệu sản xuất quan trọng, gắn liền với lợi ích kinh tế và cuộc sống của người dân, đó là một vấn đề nhạy cảm không chỉ về mặt kinh tế – xã hội mà còn về cả chính trị. Đặc biệt, trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, đất đai ngày càng được sử dụng một cách hiệu quả, đất đai trở nên có giá và giá trị của nó ngày càng tăng. Điều đó đã làm cho những mâu thuẫn nội tại trong các quan hệ về đất đai hình thành và phát sinh ngày càng nhiều, phong phú và phức tạp. Trong khi đó hệ thống chính sách pháp luật về đất đai chưa đầy đủ và thiếu đồng bộ nên tình hình KN – TC về đất đai ngày càng tăng và diễn biến phức tạp.

Một phần của tài liệu Khóa luận tốt nghiệp thực trạng và giải pháp hoàn thiện các quy định về giải quyết khiếu nại tố cáo về đất đai trong luật đất đai 2003 (Trang 39 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(64 trang)
w