2.3. Thực trạng thực thi quy định pháp luật và những khó khăn trong
2.3.1. Vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp
Hành vi vi phạm pháp luật về BHĐC hiện nay có thể được phân chia thành hai loại bao gồm hành vi vi phạm của doanh nghiệp BHĐC và hành vi vi phạm của người tham gia BHĐC. Cụ thể:
Hành vi BHĐC vi phạm từ phía doanh nghiệp BHĐC
Các hành vi vi phạm phổ biến từ phía doanh nghiệp BHĐC bao gồm:
Đưa ra những khoản trả thưởng hấp dẫn để lôi kéo thêm nhiều NPP mới vào mạng lưới
Đây là vi phạm rất phổ biến của các doanh nghiệp BHĐC tại Việt Nam. Kế hoạch bán hàng và trả thưởng là phương tiện để đánh giá xem doanh nghiệp BHĐC đó là bất chính hay chân chính, doanh nghiệp BHĐC thường tô vẽ ra những bức tranh rất sáng về khả năng làm giàu nhanh khi tham gia vào mạng lưới của họ để lôi kéo người tham gia. Hành vi vi phạm tiêu biểu có thể kể đến là vi phạm của Nino Vina - một công ty phân phối sản phẩm nước trái nhàu ở Việt Nam. Theo quy định của công ty: Để có thể trở thành thành viên cấp I của mạng lưới phân phối, các phân phối viên phải mua 1 thùng 4 chai nước Tahitian Noni Juice với giá gốc là 2,7 triệu đồng, giá phân phối là 3,2 triệu đồng. Nếu thành viên cấp I giới thiệu thêm được 3 người khác tham gia vào mạng lưới (mỗi người lại đóng 2,7 triệu đồng) thì sẽ được hoa hồng 20% tổng số tiền những người này mua sản phẩm. 3 người sau này được coi là thành viên cấp II. Nếu các thành viên cấp II này giới thiệu thêm được 3 người khác tham gia vào mạng lưới thì thành viên cấp I sẽ tự động được hưởng thêm 5% tổng số tiền mà 3 thành viên cấp III nộp để mua sản phẩm. Theo tính toán, khi mạng lưới phát triển đến tầng thứ 8 thì số tiền hoa hồng được chuyển về tài khoản của người lôi kéo ban đầu là 56,2 triệu đồng mặc dù người này không phải làm gì ngoài việc rủ rê được 3 người mới tham gia vào mạng lưới phân phối. Như vậy theo mô hình trả hoa hồng này, thu nhập thu được không phải xuất phát việc bán sản phẩm mà là do chiếm dụng tiền của các thành viên tiếp theo trong mạng lưới [76]
Ép người mới tham gia phải đặt cọc một khoản tiền hay phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu để được quyền trở thành NPP
Đây là hành vi mà rất nhiều doanh nghiệp BHĐC áp dụng. Luật cấm việc doanh nghiệp ép người tham gia phải mua một số lượng sản phẩm nhất định để có thể trở thành thành viên tham gia vào hệ thống. Tuy nhiên, các doanh nghiệp BHĐC bất chính ép người tham gia phải mua sản phẩm. Ví dụ: Theo như chia sẻ của một số thành viên của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, họ bị bắt mua một số lượng sản phẩm trị giá 03 triệu đồng để có thể trở thành NPP của công ty [75]. Nạn nhân rất nhiều là sinh viên bị bạn bè lôi kéo, người nghèo ở nông thôn với nhận thức hạn chế về hình thức kinh doanh này. Do đó, hậu quả xã hội của hành vi vi phạm lại càng trở nên thêm trầm trọng.
Thổi phồng sự thật về chất lượng, tính năng hay giá cả của hàng hóa
Đây là loại vi phạm xuất hiện đầu tiên và phổ biến nhất từ phía các doanh nghiệp BHĐC. Những sản phẩm được thổi phồng về chất lượng, tính năng, nguồn gốc thường là những sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, sức khỏe, đồ gia dụng có thể sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày. Đánh vào tâm lý chuộng hàng hiệu, hàng chất lượng cao hay hàng ngoại, các doanh nghiệp này thật sự đã thành công khi thu hút được sự quan tâm từ phía NTD với những loại sản phẩm ưu việt của mình.
Khởi thủy năm 1998, sản phẩm BHĐC đầu tiên đơn giản chỉ là chiếc nệm mút bình thường, nhưng qua các buổi tập huấn bán hàng nó trở thành một sản phẩm thần kỳ, có tác dụng chữa bách bệnh. Vì thế, giá của nó được đẩy lên đến vài chục triệu đồng/tấm mà vẫn nhiều người đặt mua [33].
Tháng 12/2000, Công ty Sinh Lợi giới thiệu tới NTD những dòng sản phẩm đa dạng hơn, thực dụng hơn như hàng điện tử gia dụng. Tuy nhiên, những sản phẩm này chỉ do các tổ hợp nhỏ ở TP. Hồ Chí Minh sản xuất, nhưng lại được thổi phồng bởi nhãn mác ngoại mang tên chẳng ai biết tới chẳng hạn như Peehuang rồi bán với giá ngất trời: giá mua vào 2 triệu đồng, bán ra 4,5 triệu đồng (tổng cộng, Sinh Lợi đã bán được 957 cái, thu về hơn 4 tỉ đồng) [6].
Hưng Thời Đại (43-43A Bình Phú, phường 10, quận 6, TP. Hồ Chí Minh) bán với giá 3,6 triệu đồng; một áo lót có hạt nano thì là 1.8 triệu đồng (trong khi giá gốc thấp hơn rất nhiều lần). Đây là những sản phẩm có giá mềm nhất trong số những sản phẩm được kinh doanh tại đây [55]. Trường hợp công ty TNHH Lô Hội thì bán hàng cao hơn giá gốc cả trăm lần. Ví dụ: sản phẩm Sonya Mascara của Canada giá vốn chỉ có 14.834 đồng nhưng Lô Hội bán sỉ tới 171.000 đồng (gấp hơn 11 lần) và bán lẻ 244.000 đồng (gấp 15 lần) [20].
Với tâm lý của người bệnh là dùng sản phẩm xịn, đã mất tiền thì bệnh sẽ khỏi, nên dù không có tác dụng chữa bệnh nhưng khi dùng TPCN, người bệnh vẫn cảm thấy mình khỏe hơn mỗi ngày, khiến cho những lời thổi phồng của doanh nghiệp lại càng có cơ hội được chia sẻ rộng rãi. Việc này gây ra tác hại cực lớn cho người sử dụng. Các vụ việc gần đây gây xôn xao dư luận chúng ta có thể kể đến như: uống TPCN của Công ty TNHH Nu Skin Enterprises Việt Nam bị lột da lưng [34], hay tình trạng mệt mỏi, ngủ li bì, trí nhớ giảm, mắt mờ, thở dốc… của NTD khi sử dụng TPCN viên uống Canxi của AMWAY. Liên quan đến vấn đề này GS.TSKH Hoàng Tích Huyền (nguyên chủ nhiệm Bộ môn Dược lý - Trường Đại học Y Hà Nội) kết luận: “Thuốc, TPCN có hàm lượng tri thức ở trong đó do vậy phải có những người am hiểu có tri thức vì nếu dùng bừa nguy hiểm sức khỏe con người” [22].
Lợi nhuận theo mô hình nhị phân
Theo thông tin từ người tham gia mạng lưới muaban24, khi tham gia hệ thống và mời được nhiều người tham gia dưới mình, người mua sẽ được hưởng lợi nhuận theo sơ đồ “nhị phân cấp tiến bất đồng đẳng”. Cụ thể, mỗi người tham gia sẽ có hai nhánh, từ hai nhánh này phát triển thành các nhánh con, ở giữa có đường kẻ dọc gọi là trục đối xứng, nếu mỗi bên phát triển được 99 gian hàng sẽ đạt 198 gian hàng trở thành VIP. Thành viên VIP có thu nhập 111,680 triệu đồng/tháng. Sau cấp đó là VIP lãnh đạo, phó giám đốc, giám đốc, giám đốc kim cương… thu nhập cấp càng cao sẽ còn nhân lên nữa. Cụ thể, nếu giới thiệu hai người tham gia sẽ được nhận 1,5 triệu đồng/người (trích từ số tiền 5,2 triệu đồng/người nộp khi mua gian hàng), nếu mỗi chân mời thêm hai người vẫn sẽ được nhận 1,5 triệu đồng/người, mỗi cặp mời thêm 2
người nữa, mỗi đối xứng đó được thêm 320.000 đồng/người. Cụ thể, mỗi VIP được thưởng từ 198 người dưới cấp, tương đương 99 cặp đối xứng, nhân với khoản thưởng 320.000 đồng/người là 31,68 triệu đồng cộng thêm một tài khoản 80 triệu đồng tại ngân hàng. Chính những người tham gia khẳng định, người bỏ không tham gia sẽ không được hoàn tiền mua gian hàng, vì đã được ăn chia dựa vào số tiền hoa hồng khi giới thiệu và một phần trừ vào “phí duy trì dịch vụ của công ty và trả cho các
thành viên VIP”. Cụ thể, 10% của 5,2 triệu tương ứng 520.000 đồng văn phòng công
ty sẽ thu, 3% phí đào tạo, 87% còn lại thưởng cho người có công xây dựng chợ giao dịch (thực chất là những người đứng đầu hệ thống) [18].
Hành vi BHĐC vi phạm từ phía người tham gia mạng lưới BHĐC
Các hành vi vi phạm pháp luật BHĐC phổ biến từ phía NPP bao gồm:
Yêu cầu người tham phải đóng một khoản tiền nhất định để được quyền tham gia vào mạng lưới. Đây là hành vi rất phổ biến được người tham gia áp dụng để trục
lợi từ những người mới tham gia. Ví dụ: để tham gia vào hệ thống BHĐC của công ty Lô Hội, người tham gia phải đóng 7 triệu đồng [77]. Các sản phẩm của công ty TNHH Lô Hội (mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,… ) phần nhiều còn xa lạ và đắt đỏ với đời sống của người dân nên việc những người mới bán được nhiều hàng là điều gần như không thể. Cách tốt nhất để những người mới tham gia mới có thể có đủ số tiền đặt cọc, hay hoàn lại số tiền đã bỏ ra mua sản phẩm là dụ dỗ, lôi kéo thêm càng nhiều người tham gia càng tốt để hưởng hoa hồng. Tuy việc lôi kéo người khác tham gia vào chuỗi lừa đảo này là hành vi bất chính, nhưng chính hoàn cảnh khách quan đã buộc những NPP này phải thực hiện. Vô tình người mới đã tiếp tay cho những hành vi bất chính của công ty khiến cho mạng lưới ngày một mở rộng theo cấp số nhân, tiền kiếm được chưa thấy đâu họ đã phải đau đầu kiếm tiền để trả nợ đặt cọc. Hành vi của họ vừa đáng trách nhưng cũng có phần cần được cảm thông từ cộng đồng.
Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của người tham gia bán hàng đa cấp. Đây cũng là hành vi rất phổ biến của những người tham gia
và thấy rằng người tham gia tiềm năng sẽ được NPP của công ty giới thiệu về cơ hội kiếm tiền rất tốt để lôi kéo người tham gia. Những người tham gia tiềm năng sẽ được tiếp xúc với những người được giới thiệu với chức danh rất cao trong công ty, với địa vị xã hội cao và với thu nhập ở mức rất cao, có thể là lên đến 100 triệu VNĐ/tháng. Những thông tin này không hề được kiểm chứng.
Cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về tính chất, công dụng của hàng hóa. Các doanh nghiệp BHĐC có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ, chính xác cho NPP của mình về tính năng, công dụng của sản phẩm. Tuy nhiên, việc NPP sẽ gửi đến NTD những thông tin gì thì phần lớn doanh nghiệp không thể kiểm soát được. Đây chính là lí do tại sao, các sản phẩm của các doanh nghiệp BHĐC qua kênh phân phối trực tiếp của người tham gia đã trở nên khác biệt và bị làm sai lệch so với những gì sản phẩm mang lại. Nguy hiểm hơn là các sản phẩm liên quan đến chăm sóc sức khỏe, các sản phẩm này nếu không sử dụng đúng cách sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người sử dụng. Ví dụ: Thông tin do báo chí phản ánh, những TPCN được người tham gia thổi phồng trở nên: “rất tốt, rất bổ, có thể chữa được bách bệnh, kể cả ung thư” nhưng khi sử dụng lại bị tình trạng “không thể ăn, uống được gì, cơ thể suy nhược” [78]