Vai trò của trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp lao động

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải quyết tranh chấp lao động bằng trọng tài theo pháp luật lao động việt nam (Trang 27 - 31)

Khi có tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động, các bên có thể thương lượng, hoà giải với nhau để giải quyết vụ việc. Trong trường hợp hai bên không thể tự hoà giải được thì có thể đưa vụ việc ra giải quyết bằng toà án hoặc trọng tài. Trong đó, trọng tài đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp lao động:

Thứ nhất, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài lao động đảm bảo tối đa quyền và lợi ích của các bên. Khi lựa chọn cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thì ý chí của các bên luôn được tôn trọng. Các bên có quyền lựa chọn trọng tài viên, chọn thủ tục trọng tài nhằm giải quyết một cách có hiệu quả nhất tranh chấp mà ít tốn chi phí về mặt thời gian cũng như tài chính. Trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp, các bên có quyền thể hiện ý chí của mình và có thể cùng nhau tiến đến một thỏa thuận chung, trọng tài sẽ tôn trọng sự thỏa thuận đó của các bên. Chỉ khi các bên không thể tiến đến một thỏa thuận chung thì lúc đó trọng tài mới đưa ra phán quyết của mình dựa trên cơ sở xem xét, nghiên cứu tình tiết vụ việc và những quy định của pháp luật có liên quan để giải quyết vụ tranh chấp lao động.

Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài lao động còn cho phép các bên có thể tính toán về thời gian, địa điểm giải quyết tranh chấp từ đó giúp doanh nghiệp có thể sắp xếp thời gian hợp lý vừa đảm bảo việc giải quyết tranh chấp vừa điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh.Chính sự tôn trọng ý chí của bên tranh chấp trong tố tụng trọng tài đã giúp các bên có thể bảo vệ được quyền và lợi ích chính đáng của mình và nó trở thành ưu điểm của trọng tài trong giải quyết tranh chấp lao động.

Thứ hai, phán quyết của trọng tài có tính ràng buộc các bên đương sự về mặt pháp lý. Khi quyết định trọng tài đã có hiệu lực thì bắt buộc các bên phải thực hiện quyết định đó. Nếu một trong các bên không tự giác thi hành quyết định của trọng tài thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này là hợp lý vì khi xảy ra tranh chấp các bên đã cùng tín nhiệm, lựa chọn trọng tài nên các bên sẽ phải tôn trọng và thi hành quyết định của trọng tài đối với vụ tranh chấp. Điều đó làm cho cơ chế giải quyết tranh chấp bằng trọng tài hữu hiệu hơn biện pháp hoà giải hay thương lượng. Hoà giải hay thương lượng chỉ mang tính chất khuyến

nghị chứ không có tính ràng buộc thực hiện về mặt pháp lý đối với các bên tranh chấp.

Thứ ba, Thủ tục giải quyết bằng trọng tài lao động thường đơn giản, linh hoạt, thuận tiện, giúp tranh chấp lao động được giải quyết nhanh gọn.

Khi có tranh chấp xảy ra, tất cả các bên tranh chấp đều mong muốn vụ việc được giải quyết nhanh chóng, thủ tục đơn giản thuận tiện. Đặc biệt, đối với người sử dụng lao động thì nhu cầu đó càng trở lên cần thiết vì nếu vụ tranh chấp xảy ra và kéo dài thì không những chỉ ảnh hưởng về thời gian mà còn ảnh hưởng đến chi phí, hoạt động sản xuất, lợi nhuận và uy tín của doanh nghiệp. Còn về phía người lao động, nếu vụ tranh chấp kéo dài cũng gây ảnh hưởng đến thu nhập, công việc và cả sức khỏe, tinh thần của họ. Vì vậy, các bên tranh chấp đều mong muốn sớm chấm dứt vụ việc.

Tuy nhiên, nhu cầu này khó có thể được đáp ứng bằng thủ tục tố tụng tại tòa án với nhiều thủ tục phức tạp từ sơ thẩm, phúc thẩm tới giám đốc thẩm, tái thẩm. Chỉ có trọng tài lao động với nguyên tắc xét xử một lần mới có thể thoả mãn được nhu cầu này của các bên. Sự nhanh gọn của hình thức giải quyết này là một trong những lý do các bên tranh chấp thường hay chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp.

Trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, các trọng tài viên được các bên lựa chọn có quyền xét xử và ra các quyết định xét xử một cách hoàn toàn độc lập dựa trên cơ sở chứng cứ, tài liệu mà các bên cung cấp hoặc có được bằng con đường khác như trọng tài viên tự điều tra xem xét hay giám định viên và nhân chứng cung cấp trên cơ sở những quy định của pháp luật. Sự lựa chọn trọng tài của các bên đã tạo điều kiện thuận lợi cho các trọng tài viên trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ để sớm giải quyết được vụ việc.

Thứ tư, khi giải quyết tranh chấp, trọng tài có thể xử kín tức mà không cần phải đưa các vấn đề tranh chấp, cơ sở của các quyết định trọng tài về vụ tranh chấp vào quyết định trọng tài. Trọng tài không cần phải xét xử công khai như toà án nếu các bên yêu cầu, nhờ vậy mà có thể giữ được bí mật những chi tiết, số liệu, thông tin cụ thể mà các bên tranh chấp không muốn công khai (liên quan đến bí mật công nghệ...) giúp tránh được những hậu quả khôn lường và thiệt hại sau này cho các bên tranh chấp.

Thứ năm, trọng tài lao động góp phần bảo vệ và tăng cường pháp chế, hoàn thiện pháp luật lao động.

Việc thực thi pháp luật lao động trở thành một trong những vấn đề pháp lý có tầm quan trọng đặc biệt của bất kỳ một quốc gia nào, bởi vì bên cạnh việc ban hành pháp luật, việc thực hiện pháp luật thì Nhà nước cần có những biện pháp bảo đảm cho việc thi hành pháp luật được thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Trọng tài lao động vừa là biện pháp thực hiện pháp luật, vừa là một biện pháp bảo vệ sự đúng đắn và trong sạch của pháp luật, trực tiếp là pháp luật lao động. Trọng tài lao động góp phần tăng cường pháp chế lao động và đảm bảo cho pháp luật lao động được thi hành nghiêm chỉnh trong đời sống lao động và đời sống xã hội.

Thông qua hoạt động của trọng tài, các cơ quan Nhà nước có thể đúc rút những kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn để sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp, những quy định chồng chéo, mâu thuẫn nhằm tăng cường hiệu quả pháp lý của các quy định đó.

Với vai trò như vậy của mình, biện pháp trọng tài đã đáp ứng được yêu cầu đề ra đối với việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong quan hệ lao động. Có thể nói, trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp mang tính khả thi và là phương thức phổ biến để giải quyết các tranh chấp lao động nhằm ổn định và hài hòa quan hệ lao động.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải quyết tranh chấp lao động bằng trọng tài theo pháp luật lao động việt nam (Trang 27 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(83 trang)