2.3 Đánh giá về hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân
2.3.2 Những tồn tại, hạn chế
Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và đã đạt được những kết quả nhất định nhưng nhìn chung công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện vẫn còn những tồn tại, hạn chế như:
Một là: Hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo
- Công tác tiếp công dân ở một số nơi thuộc cấp xã chưa được quan tâm tổ chức thực hiện tốt, chưa gắn công tác tiếp công dân với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc thực hiện đề án đổi mới công tác tiếp công dân còn chậm; chất lượng công tác tiếp công dân chưa cao; trang thiết bị bố trí phục vụ cho hoạt động tiếp công dân chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.
- Một số nơi chưa thực sự quan tâm đến việc chỉ đạo giải quyết và giải quyết khiếu nại, tố cáo, chưa nắm hết các vụ việc thuộc thẩm quyền; nhiều vụ việc đã được thẩm tra, xác minh có kết quả nhưng chậm ban hành quyết định, kết luận, văn bản giải quyết theo quy định; việc tổ chức thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết đã có hiệu lực pháp luật ở một số vụ việc cụ thể còn chậm, chưa kịp thời dẫn đến người khiếu nại, tố cáo tiếp tục gửi đơn hoặc đến trụ sở Tiếp dân của thành phố, trung ương…
- Một số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã, cấp huyện nhưng chậm trễ trong việc chỉ đạo giải quyết, dẫn đến công dân tiếp tục gửi đơn có thái
độ bức xúc, hoặc chuyển sang tố cáo người có trách nhiệm giải quyết cố tình bao che, không chấp hành thực hiện các quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo.
Hai là: Trong phân loại, xử lý, giải quyết khiêu nại, tố cáo
- Việc xử lý đơn thư, xác định nội dung và thẩm quyền giải quyết nhất là cấp xã còn yếu; chất lượng thẩm tra xác minh, thu thập chứng cứ, đề xuất biện pháp giải quyết với cấp có thẩm quyền có việc còn hạn chế. Trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thì việc tổ chức đối thoại với công dân còn hạn chế, kết luận trả lời còn chung, thái độ còn né tránh, đùn đẩy lên cấp trên giải quyết, không dám nhận sai và sửa sai; công dân bị xâm hại quyền lợi chính đáng khi đề nghị chính quyền giải quyết thì có thái độ thờ ơ, chần chừ làm giảm lòng tin trong dân, dẫn đến bức xúc trong dân và đơn thư vượt cấp.
- Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo không được giải quyết đúng thời hạn quy định. Tỷ lệ các vụ việc tồn đọng qua các năm còn khá cao. Đây có thể là một thực tế đã và đang diễn ra ở nhiều cấp, ngành, địa phương trên cả nước. Cụ thể tại địa bàn huyện Quốc Oai theo báo cáo tình hình tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của Thanh tra huyện Quốc Oai, thành phố Hà Nội từ năm 2009 đến năm 2013 : tỷ lệ các vụ việc để quá thời hạn giải quyết là: 20-30%; tỷ lệ tồn đọng các vụ việc khiêu nại, tố cáo các năm từ 10-17%”
Trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, người dân ngày càng biết và nhận thức rõ các quyền, nghĩa vụ của mình. Họ đã có ý thức tự bảo vệ quyền, lợi ích của mình, bảo vệ quyền lợi ích của nhà nước và những người xung quanh. Do đó, lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo phát sinh hàng năm có xu hướng tăng với nhiều nội dung phức tạp. Trong khi đó, lực lượng chính tham mưu giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện là Thanh tra huyện với chỉ tiêu biên chế không nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu của công việc (07 chỉ tiêu trong đó có 03 Lãnh đạo, 04 chuyên viên thanh tra). Bên cạnh đó là các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện cũng tham gia tham mưu giải quyết khiếu nại, tố cáo tuy nhiên những cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan chuyên môn lại tham gia giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo với trình độ, năng lực chuyên
môn còn hạn chế, kỹ năng, kinh nghiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo gần như không có hoặc nếu có thì rất ít.
Ba là: Tính khả thi của các quyết định, kết luận giải quyết vụ việc chưa cao.
Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo đã được cấp có thẩm quyền ban hành quyết định, kết luận giải quyết, tuy nhiên trên thực tế vẫn không thực hiện được các quyết định, kết luận này do không đảm bảo tính khả thi, dẫn đến khó khăn trong khâu thực hiện các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn huyện. Ví dụ: việc giải quyết đơn tố cáo của một số công dân thôn Phú Mỹ, xã Ngọc Mỹ, huyện Quốc Oai tố cáo ông Nguyễn Quang Hùng xã Ngọc Mỹ xây dựng, cơi nới cầu chảy qua ngòi thôn Phú Mỹ để phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình. Năm 1997, ông Nguyễn Quang Hùng có đơn gửi UBND xã Ngọc Mỹ, phòng Giao thông vận tải huyện Quốc Oai xin bắc một cây cầu qua ngòi thôn Phú Mỹ để phục vụ nhu cầu đi lại của gia đình và đã được UBND xã, phòng Giao thông vận tải huyện nhất trí cho phép xây dựng nhưng chưa có sự phê duyệt của UBND huyện Quốc Oai. Năm 1998 ông Hùng tiến hành bắc 01 cây cầu tạm bằng gỗ qua lòng ngòi. UBND xã Ngọc Mỹ đã lập biên bản đình chỉ việc xây dựng cầu nhiều lần nhưng hộ ông Hùng không chấp hành. Năm 2000 ông Hùng cải tạo thay thế cầu gỗ tạm bằng cầu bê tông cốt thép. UBND xã lập biên bản nhiều lần nhưng hộ ông Hùng không chấp hành, UBND xã Ngọc Mỹ không có biện pháp xử lý triệt để vi phạm.
Năm 2010, ông Hùng lại tiếp tục tự ý cải tạo, cơi nới, mở rộng mặt cầu bê tông cốt thép. UBND xã đã lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 115/QĐ-UBND ngày 07/8/2010 buộc ông Hùng phải khôi phục trả lại nguyên hiện trạng trước khi thay đổi. Hộ ông Hùng vẫn cố tình không chấp hành.
Sau khi có đơn thư của công dân, UBND huyện đã thành lập tổ công tác giải quyết đơn thư và kết luận tại kết luận số 03/KL-UBND ngày 06/5/2011 của UBND huyện Quốc Oai cho phép gia đình ông Hùng sử dụng cây cầu đã xây dựng năm 2000. Đồng thời yêu cầu gia đình ông Hùng phải tự tháo dỡ toàn bộ
phần xây dựng cơi nới thêm mặt cầu đã vi phạm năm 2010. Đến nay, đã 04 năm trôi qua nhưng Kết luận của UBND huyện vẫn chưa được thực hiện. Thứ nhất là do: hộ ông Hùng cố tình không tự tháo dỡ; thứ hai: việc tổ chức thực hiện cưỡng chế theo nội dung kết luận là rất khó, bởi lẽ nếu tiến hành phá dỡ một phần cầu đã cơi nới thêm năm 2010 sẽ làm hỏng kết cấu của cầu, có nguy cơ làm sập cầu. Như vậy nếu tổ chức cưỡng chế thì sẽ không đảm bảo thực hiện đúng, triệt để nội dung kết luận, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của công dân.
Bốn là: Trình độ, năng lực của cán bộ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố
cáo vẫn còn nhiều hạn chế.
Một phần không nhỏ các cán bộ, công chức làm công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo hiện nay trình độ, năng lực còn yếu, chưa đều, chưa có kinh nghiệm, kỹ năng, chưa nắm chắc quy trình giải quyết. Tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo là công việc thường xuyên phải tiếp xúc với công dân đang có bức xúc, và giải quyết những vấn đề mặt trái của xã hội do đó đòi hỏi người thực hiện nó phải có trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm phù hợp nhất định. Giải quyết khiếu nại, tố cáo gắn liền với trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan (trách nhiệm của người khiếu nại, người tố cáo; người giải quyết khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, tố cáo) do đó trình độ, năng lực chuyên môn, kinh nghiệm là một trong những đòi hỏi hàng đầu được chú trọng.
Năm là: Chế độ thông tin, báo cáo tổng hợp về tình hình khiếu nại, tố cáo, kết quả tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo từ cấp cơ sở lên cấp huyện chưa đầy đủ, kịp thời, chính xác do vậy ảnh hưởng đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo.
2.4. Nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện Quốc Oai.
Hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn huyện đã được các cấp ủy, chính quyền quan tâm, những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào việc ổn định tình hình an ninh, chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong những năm qua.Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế tồn tại nhất định là do các nguyên nhân chính sau:
2.4.1. Bất cập trong các quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo:
Luật khiếu nại 2011, Luật tố cáo 2011 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/7/2012 là cơ sở pháp lý quan trọng của hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo. So với Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998, sửa đổi bổ sung năm 2004, 2005 thì Luật khiếu nại 2011, Luật tố cáo 2011 đã có nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên trong quá trình triển khai áp dụng nó vẫn thể hiện những thiếu sót bất cập, mà chính những thiếu sót, bất cập này là nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, hạn chế trong hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo trên thực tế đó là:
Về thẩm quyền giải quyết:
- Người có thẩm quyền giải quyết không trực tiếp xác minh.
Theo quy định tại Điều 17, Điều 18 Luật khiếu nại; Điều 13 Luật tố cáo hiện hành thì người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có thể là Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn; riêng giải quyết khiếu nại còn giao cho Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của mình, của cán bộ do mình quản lý trực tiếp. Đồng thời theo quy định tại điều 25 Luật khiếu nại thì Chánh thanh tra các cấp có thẩm quyền: “Giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp tiến hành kiểm tra, xác minh, kết luận, kiến nghị việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp khi được giao”; Điều 5 Luật thanh tra 2010: “Cơ quan thanh tra nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện và giúp cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng”. Như vậy, nếu đối chiếu với các quy định của pháp luật hiện hành thì hiện nay đang diễn ra tình trạng người có thẩm quyền lại không xác minh mà giao cho cán bộ của mình thực hiện rồi báo cáo và tham mưu quyết định, kết luận, trong đó có 02 hướng nếu người giải quyết và người xác minh cùng quan điểm và ngược lại là khác quan điểm, trong đó người có thẩm quyền quyết định thì
không trực tiếp xác minh mà chỉ căn cứ vào bản báo cáo nên có thể hiểu đúng sẽ đưa ra quyết định, kết luận giải quyết có thể đúng hoặc hiểu sai vấn đề sẽ kết luận, quyết định giải quyết sai; trong số đó không ít trường hợp mặc dù cùng hiểu bản chất vụ việc nhưng do quan điểm khác nhau dẫn đến người xác minh kết luận một “đường” thì người có thẩm quyền giải quyết kết luận một “nẻo”, dẫn đến kết quả cuối cùng là giải quyết sai lệch bản chất vụ việc và trái pháp luật gây thiệt hại lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người cơ quan, tổ chức, cá nhân. Những yếu tố trên dẫn đến tái khiếu, tái tố, đơn thư tràn lan, tản mạn, không tập trung và vượt cấp, kéo dài.
- Thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo mang tính nội bộ.
Đối với giải quyết khiếu nại: Theo quy định tại Điều 17, Điều 18 của Luật khiếu nại: Chủ tịch UBND huyện và Thủ trưởng các phòng, ban thuộc huyện phải giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định hành chính và hành vi hành chính của cấp, ngành đó và giải quyết lần 2 đối với cấp dưới trực tiếp do mình quản lý, bổ nhiệm trực tiếp.
Về thẩm quyền giải quyết tố cáo cũng tương tự, Chủ tịch UBND huyện, thủ trưởng các phòng, ban ngành phải giải quyết nội dung tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ đối với cán bộ, công chức, viên chức do chủ tịch UBND huyện hoặc thủ trưởng đó quản lý, bổ nhiệm trực tiếp và giải quyết khiếu nại đối với kết luận tố cáo của cấp dưới do Chủ tịch UBND huyện hoặc thủ trưởng đó quản lý, bổ nhiệm đã giải quyết nhưng người tố cáo không đồng ý và còn tố cáo tiếp hoặc tố cáo quá thời hạn không được cấp dưới giải quyết.
Việc quy định này để giải quyết ngay trong nội bộ cơ quan, tổ chức tự xem xét lại việc làm, hoạt động công vụ của chính nội bộ đó hoặc của cấp dưới do cơ quan, tổ chức đó quản lý trong hoạt động nhiệm vụ, công vụ, phương thức giải quyết này có ưu điểm nổi bật là góp phần tạo điều kiện cho nội bộ tự xem xét lại văn bản hành chính, hành vi hành chính, việc làm trong công vụ, nhiệm vụ của mình, của cán bộ do mình quản lý, bổ nhiệm nếu đúng thì trả lời để người khiếu
nại, tố cáo biết, nếu sai thì xử lý, điều chỉnh, khắc phục, sửa sai (nếu có), nhưng nhược điểm lớn nhất là:
- Việc giải quyết thiếu tính chuyên nghiệp dẫn đến quyết định, kết luận, ra văn bản oan sai do không có chuyên môn, chuyên môn yếu kém.
- Quyết định, kết luận bị sửa đi sửa lại nhiều lần do không đảm bảo về tính khách quan.
- Các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo khó đảm bảo thi hành đúng trên thực tế bởi tâm lý nể nang, bao che, giúp đỡ “ chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không có”….
Điều này là một trong những nguyên nhân rất lớn gây ảnh hưởng tới hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo và việc triển khai thực thi các quyết định, kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo trên thực tế.
Về thời hạn giải quyết khiếu nại, tố cáo:
Theo quy định của Luật khiếu nại 2011:
„„Điều 28. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu không quá 30 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Điều 37. Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai
Thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.
Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 70 ngày, kể từ ngày thụ lý.”
Theo quy định của Luật tố cáo 2011: