Từ các kết quả nghiên cứu ở các phần trên, một số đề xuất sau đây được đề xuất nhằm thúc đẩy quản lý bền vững rừng cộng đồng ở cấp thôn bản cho khu vực nghiên cứu nói riêng và cả nước nói chung:
i. Từ lý luận và thực tiễn ở các mô hình nghiên cứu cho thấy các cộng đồng địa phương có thể quản lý một cách bền vững tài nguyên rừng của họ dưới chế độ sở hữu cộng đồng. Vì vậy, cần thừa nhận đầy đủ quyền sử dụng cho các cộng đồng đối với cả rừng và đất rừng cộng đồng.
ii. Hiện nay, Luật Lâm nghiệp mới chỉ thừa nhận cộng đồng dân cư (toàn thôn, bản) là chủ rừng, chưa thừa nhận nhóm hộ là chủ rừng, như vậy chưa phản ánh hết thực tiễn đa dạng về cấu trúc tổ chức quản lý rừng cộng đồng. Vì vậy, cần xem xét công nhận và có hướng dẫn giao rừng cộng đồng cho nhóm hộ trong các văn bản pháp luật liên quan.
iii. Nghiên cứu cho thấy, không có mô hình cấu trúc tổ chức quản lý (toàn cộng đồng hay nhóm hộ) là tối ưu cho quản lý rừng cộng đồng. Do vậy, việc thiết lập các mô hình quản lý rừng cộng đồng khi thực hiện các dự án/chương trình về lâm nghiệp cộng đồng, không nên cứng nhắc áp đặt một loại mô hình tổ chức là toàn cộng đồng như hầu hết các dự án đã và đang thực hiện mà nên để người dân tự quyết định mô hình quản lý phù hợp với chính họ dựa trên điều kiện hoàn cảnh lịch sử, kế thừa nền tảng cấu trúc truyền thống và đặc điểm quản lý rừng của cộng đồng.
iv. Việc xây dựng quy chế quản lý rừng cộng đồng tránh rập khuôn mà cần dựa và tôn trọng các quy định truyền thống về quản lý rừng địa phương (nếu không trái với pháp luật hiện hành). Các quy định, quy chế/quy ước phải phản ánh được đặc thù về quản lý tài nguyên địa phương để đảm bảo thực thi và tính bền vững của tài nguyên.
v. Có mối quan hệ rõ ràng và chặt chẽ giữa mức độ thực thi quy chế và hiệu quả quản lý rừng cộng đồng, do vậy để đảm bảo quản lý tài nguyên rừng cộng đồng lâu dài, việc quan trọng là phải xây dựng và thực thi các cơ chế “đảm bảo thực thi tốt việc quản lý và phạt các đối tượng vi phạm” và “cơ chế giải quyết xung đột nhanh chóng và hiệu quả”.
vi. Cần thiết lập cơ chế phối hợp giữa cộng đồng với cơ quan Kiểm lâm và chính quyền địa phương hiệu quả để đảm bảo thực thi quy chế và giải quyết xung đột.
vii. Cần có cơ chế giám sát hữu hiệu và chủ động của các bên liên quan và hoạt động quản lý để nâng cao hiệu quả QLRCĐ.
viii. Các bên liên quan cần xác định, tôn trọng và thúc đẩy các yếu tố vốn xã hội của các cộng đồng như là nguồn lực quan trọng trong quản lý rừng
ix) Các nhân tố thể chế và vốn xã hội của cộng đồng có đặc tính gắn kết với cộng đồng một cách truyền thống. Do vậy, cần xem xét và thúc đẩy các yếu tố này trên cơ sở tiếp cận phù hợp với văn hoá tập quán của mỗi cộng đồng.