.Khái niệm đề nghị giao kết hợp đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) So sánh chế định giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo pháp luật Việt Nam và theo Công ước Viên 1980 07 (Trang 35)

Khái niệm đề nghị giao kết hợp đồng được Công ước Viên 1980 qui định trong sự không tách rời với các điều kiện của đề nghị giao kết hợp đồng:

“(1) Một đề nghị về việc giao kết hợp đồng gửi cho một hay nhiều người xác định được xem là một đề nghị giao kết hợp đồng nếu có tính xác định đầy đủ và thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng của người đề nghị trong trường hợp đề nghị được chấp nhận. Một đề nghị giao kết hợp đồng được coi là đầy đủ nếu có nêu rõ hàng hóa và - ngầm định hoặc rõ ràng - xác định hoặc quy định cách thức xác định giá cả và số lượng hàng hóa của hợp đồng.

(2) Một đề nghị không gửi tới một hoặc nhiều bên xác định thì chỉ được xem là lời mời để đưa ra lời đề nghị, trừ trường hợp ngược lại được nêu rõ bởi bên đưa ra đề nghị đó” (Điều 14).

Điều khoản này đã nêu rõ khái niệm đề nghị giao kết hợp đồng với các đặc trưng sau: (1) thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng với người xác định; (2) tính xác định của đề nghị giao kết hợp đồng. Tại đây Công ước Viên 1980 đã nêu rõ tính xác định để thấy được kết cấu nội dung của hợp đồng trong tương lai nếu bên được đề nghị chấp nhận [9, tr. 54], và nêu trường hợp đề nghị không gửi tới người xác định, có nghĩa là gửi cho cả thế giới.

Hiểu rằng đề nghị giao kết hợp đồng là một vấn đề hết sức cơ bản trong hợp đồng giao kết hợp đồng. Bởi hợp đồng là sự thống nhất ý chí hay sự thỏa thuận, nên nó có hai thành tố cơ bản là đề nghị và chấp nhận. Đề nghị thường được xem là khởi đầu cho quá trình giao kết hợp đồng. Vì vậy việc qui định không chuẩn xác sẽ kéo theo sự vỡ lở của cả quá trình. Trong sự khởi đầu này, bên đề nghị thể hiện ý định giao kết hợp đồng, và đưa ra

các điều kiện của hợp đồng cho bên được đề nghị. Dựa trên các điều kiện này, bằng quyết định chấp nhận, bên được đề nghị kết lập nên hợp đồng với các điều khoản đưa ra trong đề nghị.

Xét trên phương diện thực hiện hợp đồng, đề nghị không chỉ là sự thể hiện ý định giao kết hợp đồng của người đưa ra đề nghị. Đề nghị còn thể hiện các yếu tố cơ bản cần thiết để các bên dựa vào đó thực hiện các nghĩa vụ của mình và qua đó đáp ứng quyền yêu cầu của bên kia. Tùy thuộc vào từng loại hợp đồng cụ thể mà yêu cầu về điều kiện cơ bản của hợp đồng có thể khác nhau. Với hợp đồng mua bán hàng hóa, Điều 14, khoản 1 nêu trên qui định nội dung đề nghị phải thể hiện tối thiểu ba điều kiện. Đó là: hàng hóa, số lượng và giá cả. Về giá cả, đó có thể là giá cả cụ thể hoặc phương thức xác định giá cả, được nêu ra rõ ràng hoặc ngầm định trong chào hàng. Việc xác định giá cả trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thể hiện rõ tính chất quốc tế của vấn đề. Trong mua bán nội địa, nhiều khi các bên không nhất thiết phải thể hiện điều kiện về giá cả, nhưng khi có tranh chấp tòa án dễ dàng xác nhận được giá cả tại thời điểm các bên giao kết hợp đồng.

Về đề nghị giao kết hợp đồng, Bộ luật Dân sự 2005 định nghĩa:

“Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định cụ thể (Điều 390, khoản 1).

Định nghĩa này khá khác biệt với định nghĩa đề nghị giao kết hợp đồng trong Công ước Viên vừa được dẫn.

Sự khác biệt thứ nhất là trong định nghĩa này không nói tới một đặc trưng không thể thiếu được của bất kỳ đề nghị giao kết hợp đồng nào- đó là tính xác định. Tuy nhiên tìm kiếm trong Bộ luật Dân sự 2005, có thể tìm thấy một điều luật nói về nội dung của hợp đồng mà có thể giải thích gắn với tính xác định của đề nghị giao kết hợp đồng. Điều luật này viết:

“Tuỳ theo từng loại hợp đồng, các bên có thể thoả thuận về những nội dung sau đây:

1. Đối tượng của hợp đồng là tài sản phải giao, công việc phải làm hoặc không được làm;

2. Số lượng, chất lượng;

3. Giá, phương thức thanh toán;

4. Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng; 5. Quyền, nghĩa vụ của các bên;

6. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; 7. Phạt vi phạm hợp đồng;

8. Các nội dung khác” (Điều 402).

Có thể hiểu rằng tùy theo loại hợp đồng định giao kết bên đề nghị phải ghi vào trong đề nghị các điều kiện tối thiểu tương ứng. Và về nguyên lý cần ghi nhận điều kiện về tên hàng hóa, số lượng trong hợp đồng mua bán hàng hóa nói chung. Các điều kiện khác của hợp đồng tương lai do Bộ luật Dân sự hoặc các văn bản pháp luật khác có thể qui định.

Sự khác biệt thứ hai là trong định nghĩa khái niệm này của Bộ luật Dân sự 2005 nêu rõ hậu quả pháp lý của đề nghị khi đã được chuyển tới bên được đề nghị- đó là bị ràng buộc với bên được đề nghị. Để làm rõ về sự ràng buộc này, Điều 390, khoản 2 của Bộ luật Dân sự 2005 đã xác định chế tài như sau:

“Trong trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh”.

Điều khoản này cho thấy nó chỉ có thể áp dụng cho trường hợp giao kết các hợp đồng mua bán hàng hóa hay tài sản, trong khi Bộ luật Dân sự

2005 áp dụng cho tất cả các loại hợp đồng không kể là hợp đồng dân sự, thương mại hay lao động (Điều 1).

2.2.2. Điều kiện có hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng

Công ước Viên 1980 xác định các đặc trưng hay các điều kiện của đề nghị giao kết hợp đồng như trên đã phân tích. Như vậy khi thiếu một điều kiện thì đề nghị đó không có hiệu lực. Chẳng hạn nếu một đề nghị không được gửi tới người những người xác định thì có thể không được coi lời đề nghị giao kết hợp đồng, trừ khi người đề nghị nêu rõ đó là một đề nghị giao kết hợp đồng thì đề nghị đó cũng được coi là đề nghị giao kết hợp đồng. Điều kiện về tính xác định của đề nghị giao kết hợp đồng cho thấy: để thể hiện một hợp đồng mua bán hàng hóa, nội dung của hợp đồng phải xác định rõ đối tượng hàng hoá (tên hàng và số lượng) và phải xác định giá cả để có thể thực hiện. Mặc dù vậy, Công ước Viên 1980 lại qui định nếu hợp đồng được ký kết hợp pháp nhưng trong hợp đồng không ấn định rõ ràng hoặc ngầm định hay qui định phương pháp xác định giá cả thì giá cả trong hợp đồng được coi là giá trên thị trường trong những điều kiện tương tự vào thời điểm ký kết hợp đồng (Điều 55). Điều này khiến người ta hiểu có sự mâu thuẫn là nếu coi điều khoản giá là điều khoản bắt buộc phải có trong đề nghị thì hợp đồng không xác định giá cả sẽ không được coi là hợp đồng được giao kết hợp pháp, và do đó qui định này trở nên vô nghĩa. Theo các nguyên tắc giải thích hợp đồng của Công ước Viên 1980, thì một hợp đồng phải được giải thích theo cách hiểu, ý định thông thường của các bên, sau đó là theo cách hiểu của người bình thường có đủ năng lực hành vi dân sự hoặc theo ý định của bên đó nếu bên kia biết hoặc không thể không biết. Thực tế, khi các bên đã thiết lập những thói quen với nhau thì những nội dung được

các bên hiểu theo thói quen đó sẽ không được nêu trong hợp đồng và chúng được coi là các bên đã ngụ ý (ngầm hiểu) với nhau về những nội dung đó. Điều này cho phép các bên trong hợp đồng không cần thoả thuận đầy đủ các nội dung (cơ bản). Vì vậy có thể hiểu một đề nghị có thể không có điều kiện giá cả của hàng hóa vẫn được xem là có hiệu lực. Điều kiện này có thể được giải thích theo các nguyên tắc nêu trên.

Có cách giải thích khác cho rằng có hợp đồng được giao kết không thông qua không qua việc gửi đề nghị giao kết hợp đồng để mong muốn được chấp nhận. Do đó, chỉ nên hiểu điều kiện giá cả là điều kiện bắt buộc của một chào hàng mà không phải là của hợp đồng.

Theo Điều 14, Công ước Viên 1980, đề nghị giao kết hợp đồng bắt buộc phải thể hiện điều kiện về giá cả mới được xem là đầy đủ để tạo lập hợp đồng trong trường hợp đề nghị đó được chấp nhận.

Điều 55 của Công ước này qui định:

“Trong trường hợp hợp đồng đã được kết lập có hiệu lực nhưng không đưa ra quy định để xác định giá cả thì, trừ khi có chỉ dẫn ngược lại, các bên trong hợp đồng được xem như đã ngầm định viện dẫn đến giá cả được tính vào thời điểm giao kết hợp đồng áp dụng đối với hàng hóa cùng loại trong điều kiện thương mại tương tự của ngành hàng liên quan”.

Điều khoản này giúp xác định phương thức tính giá khi hợp đồng được giao kết. Giá cả được tính vào thời điểm giao kết hợp đồng, áp dụng đối với hàng hóa cùng loại trong điều kiện thương mại tương tự của ngành hàng liên quan được xem là ngầm định giữa các bên. Tuy nhiên hiệu lực của hợp đồng được xác định dựa trên quy định của luật của quốc gia điều chỉnh vấn đề này trong hợp đồng.

Đối với vấn đề điều kiện có hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng, pháp luật Việt Nam có cách nhìn khoáng đạt hơn, tuy nhiên cần dựa nhiều

vào giải thích tư pháp, nhất là giải thích ý tưởng và nội dung của Điều 402, Bộ luật Dân sự 2005 về nội dung của hợp đồng như đã dẫn ở trên.

Ngoài ra Bộ luật Dân sự 2005 áp dụng chung cho tất cả các loại hợp đồng và trong tất cả các phạm vi không kể quan hệ pháp luật có yếu tố nước ngoài hay không, nên còn dự liệu một số trường hợp sau về hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng: (1) Trong trường hợp bên đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi bên được đề nghị giao kết hợp đồng trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì đề nghị giao kết hợp đồng vẫn có giá trị (Điều 398); và (2) trong trường hợp bên được đề nghị giao kết hợp đồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự sau khi trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng thì việc trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có giá trị Điều 399).

2.2.3. Thời hạn có hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng

Bộ luật Dân sự 2005 qui định đề nghị giao kết hợp đồng bắt đầu có hiệu lực khi người được đề nghị nhận được đề nghị đó nó nếu các bên không có thỏa thuận khác (Điều 391). Khi xem xét hiệu lực của đề nghị giao kết hợp đồng phải nói tới sự thay đổi, thu hồi hay hủy bỏ đề nghị đó, tức là xem xét tới quyền này của bên đề nghị. Theo Bộ luật Dân sự 2005, đề nghị giao kết hợp đồng có thể được người đề nghị thay đổi, hủy bỏ hay thu hồi trước khi nó được bên được đề nghị nhận được (Điều 392), tức là đề nghị giao kết hợp đồng không có hiệu lực ràng buộc người đề nghị trong các trường hợp sau đây: (1) Nếu bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị; và (2) điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó

phát sinh. Hậu quả của việc thay đổi đề nghị là đề nghị đó được coi là đề nghị mới (Điều 392, khoản 2, Bộ luật Dân sự 2005).

Trong thực tiễn thương mại có nhiều trường hợp ngay sau khi gửi đề nghị giao kết hợp đồng đi vì nhiều lý do khác nhau mà người đề nghị muốn rút lại những lời đề nghị của mình. Bằng nhiều cách thức khác nhau thông báo hủy, rút hay thay đổi đề nghị giao kết hợp đồng có thể đến tay người được đề nghị sau khi, cùng một lúc hoặc trước khi đề nghị giao kết hợp đồng đến hệ thống thông tin chính thức của người được đề nghị.

Công ước Viên 1980 qui định trường hợp thông báo hủy đề nghị giao kết hợp đồng được gửi tới người được đề nghị trước hoặc cùng một lúc với đề nghị giao kết hợp đồng thì người đề nghị không bị ràng buộc, thậm chí đối với cả đề nghị giao kết hợp đồng không thể hủy ngang (Điều 15).

Người đề nghị muốn thoát khỏi sự ràng buộc, bằng cách thông báo tới người được đề nghị việc rút đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương tiện thông tin nhanh hơn so với phương tiện thông tin mà họ đã sử dụng để gửi đề nghị giao kết hợp đồng trước đó. Thông báo rút hay hủy đề nghị giao kết hợp đồng chỉ có hiệu lực nếu được gửi đến người được đề nghị trước hoặc cùng một lúc với đề nghị.

Đề nghị giao kết hợp đồng cũng mất hiệu lực trong trường hợp đã hết thời hạn có hiệu lực mà bên được đề nghị không chấp nhận. Về vấn đề này thì pháp luật Việt Nam và Công ước Viên 1980 đồng nhất hoàn toàn.

Trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng không được chuyển tới bên được đề nghị thì đề nghị đó cũng không phát sinh hiệu lực. Nguyên nhân đề nghị không được chuyển tới người được đề nghị bao gồm: gửi sai địa chỉ hoặc bị thất lạc hoặc bị chuyển đến muộn...

Một đề nghị giao kết hợp đồng được coi là không hủy ngang khi nội dung của nó có quy định về việc không thể hủy ngang hoặc trong đó có qui định về thời gian hiệu lực của đề nghị.

Căn cứ vào nội dung của đề nghị giao kết hợp đồng, người được đề nghị cho rằng đề nghị không thể thu hồi và đã hành động một cách hợp lý cũng là một trường hợp cho thấy đề nghị giao kết hợp đồng không thể hủy ngang (Công ước Viên 1980, Điều 16). Hai trường hợp nói trên được gọi là đề nghị giao kết hợp đồng không thể hủy ngang. Trường hợp còn lại là trường hợp được coi như không hủy ngang. Cần lưu ý lại rằng: các qui tắc vừa nói không được áp dụng trong trường hợp ý muốn thay đổi, hủy ngang hay thu hồi đề nghị giao kết hợp đồng được gửi tới người được đề nghị vào thời gian trước hay cùng một lúc với đề nghị giao kết hợp đồng.

Thực tiễn mua bán hàng hóa quốc tế, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người được đề nghị xem xét đến đề nghị của mình, thông thường, người đề nghị qui định trong đề nghị của mình về một khoảng thời gian hợp lý để người được đề nghị chấp nhận đề nghị. Việc đưa ra một khoảng thời gian như vậy có nghĩa là người đề nghị đã tự nguyện ràng buộc mình đối với người được chào hàng trong khoảng thời gian đó. Cũng có thể người đề nghị qui định cụ thể rằng đó là đề nghị giao kết hợp đồng không thể hủy ngang. Trong trường hợp này, người đề nghị không thể viện bất cứ lý do gì để thoát khỏi sự ràng buộc. Nếu trong thời gian này, đề nghị giao kết hợp đồng được chấp nhận vô điều kiện, thì hợp đồng coi như được giao kết.

Một đề nghị dù không qui định thời hạn có hiệu lực cụ thể nhưng cũng có thể được coi như không thể hủy ngang nếu đề nghị đó thuộc trường

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) So sánh chế định giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo pháp luật Việt Nam và theo Công ước Viên 1980 07 (Trang 35)