Về điều kiện giá cả trong đề nghị giao kết hợp đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) So sánh chế định giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo pháp luật Việt Nam và theo Công ước Viên 1980 07 (Trang 73 - 75)

2.3.2 .Hiệu lực của chấp nhận chào hàng

3.1. Về đề nghị giao kết hợp đồng

3.1.2. Về điều kiện giá cả trong đề nghị giao kết hợp đồng

Như đã phân tích ở phần trên, trong buôn bán quốc tế vẫn xảy ra những tranh chấp mà nguyên nhân là do nhận thức không đúng về quy định tại các Điều 14 và 55 của Công ước Viên. Ngày nay, khi tỷ lệ hàng hóa được sản xuất theo tiêu chuẩn ngày càng tăng, trong bối cảnh thị trường mở rộng và thông tin thông suốt trên phạm vi quốc tế, người ta ngày càng có xu hướng dựa vào các bản báo giá (price-list) của các công ty. Mặt khác, các tiện ích của phương tiện truyền thông hiện đại cũng hướng đến hỗ trợ cho việc đặt hàng không qua thỏa thuận về giá. Tất cả những diễn biến này cho thấy rằng khả năng các bên tham gia vào giao dịch mua bán mà không thỏa thuận về điều kiện giá cả là hoàn toàn có thể xảy ra. Những tranh chấp phát sinh trong hoàn cảnh này có thể buộc các bên phải trở lại với các quy định tại Điều 55 và Điều 14 của Công ước. Một số khuyến nghị sau đây có thể là bổ ích đối với doanh nghiệp:

- Đưa điều kiện giá cả vào thỏa thuận hợp đồng: Các bên nên dựa trên hoàn cảnh cụ thể của từng thương vụ mà xây dựng thỏa thuận phù hợp về điều kiện giá cả. Ở mức đơn giản nhất cũng nên có quy định về cách thức xác định giá cả. Để tránh các tranh chấp có thể phát sinh từ việc bỏ qua điều khoản giá cả, tổ chức Phát triển luật quốc tế đã đưa ra điều khoản mẫu giúp các bên nhanh chóng đưa thỏa thuận về vấn đề này vào hợp đồng.

Theo đó, điều khoản này có thể rất đơn giản như sau: “Giá của hàng hóa mua bán là giá thị trường tại thời gian và địa điểm giao hàng (hoặc gửi

hàng)”. Một quy định ngắn gọn như vậy đã có thể giúp giải quyết được nhiều vấn đề. Vừa có cách thức xác định giá, vừa đáp ứng yêu cầu về sự linh hoạt theo diễn biến thị trường, hạn chế thiệt thòi quá mức cho một bên khi thị trường biến động đột ngột và như thế giúp hạn chế khả năng phát sinh tranh chấp.

- Liên lạc, trao đổi để khẳng định các điều kiện của giao dịch: trong trường hợp nghi ngờ có sự chưa rõ ràng trong ý định của người chào hàng thì nên trao đổi để làm rõ. Một cuộc điện thoại hay vài bức fax có thể giúp giải quyết nhanh chóng vấn đề này, tránh được những rủi ro tiềm tàng do hiểu lầm hoặc sự mập mờ trong các cam kết.

- Nhận thức rõ quy định của Công ước Viên 1980 về chào hàng có nhiều điểm khác so với quy định pháp luật trong nước: điều kiện của chào hàng đơn giản hơn, hợp đồng có thể được kết lập có hiệu lực mà không nhất thiết phải có điều khoản về giá cả. Đây là điều khác với quy định hiện hành trong pháp luật của ta. Trong thực tế, nhận thức này có ý nghĩa khi hợp đồng được điều chỉnh bởi Công ước Viên.

- Ở khía cạnh lập pháp, cũng cần cân nhắc khả năng của hệ thống pháp luật khi quyết định mức độ tham gia vào Công ước Viên 1980: Điều 92 của Công ước Viên 1980 cho phép các nước giới hạn mức độ tham gia Công ước, có thể là toàn bộ hoặc từng phần. Từ các phân tích trên, có thể nói nếu Việt Nam chọn tham gia toàn phần đối với Công ước Viên 1980 thì chắc chắn phải có những điều chỉnh trong quy định pháp luật về hợp đồng, trong đó có quy định về nội dung của chào hàng, các quy định điều chỉnh mối liên hệ giữa các điều kiện trong chào hàng với vấn đề hiệu lực của hợp đồng.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) So sánh chế định giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo pháp luật Việt Nam và theo Công ước Viên 1980 07 (Trang 73 - 75)