chất lượng cao cho người lao động
Ta có thể nhận thấy rằng, giáo dục và đào tạo giữ một vai trò rất lớn đối với sự phát triển của con người. Đối với người lao động nói riêng, giáo dục quyết định đến chất lượng của nguồn nhân lực hiện nay. Chính vì vậy để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trước hết ta phải nâng cao trình độ văn hoá và công tác đào tạo nghề.
Xây dựng mô hình xã hội học tập
Ngày nay khi khoa học kỹ thuật trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, nó đòi hỏi con người phải luôn luôn bổ sung, cập nhật kiến thức, học tập trở thành nhu cầu thiết yếu của con người nói chung và người lao động nói riêng. Trong xã hội hiện nay đã và đang hình thành một xã hội học tập. Để xây dựng một xã hội học tập, nâng cao trình độ nhận thức cũng như kiến thức nghề nghiệp, ta cần giải quyết những vấn đề sau:
Sử dụng hiệu quả những phương tiện truyền thông để tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Pháp luật của Nhà nước đến nhân dân, phổ cập những kiến thức khoa học, kỹ thuật mới, thông tin các chương trình vay vốn, học nghề, thủ tục xuất khẩu lao động… cho người lao động.
Trang bị các tủ sách pháp luật, thư viện để tăng hiệu quả học tập cộng đồng cho người dân ở các xã, phường. Trong những buổi sinh hoạt dân cư, lãnh đạo địa phương cần dành thời gian để thông báo những chủ trương, chính sách mới… để người dân có thể nắm được rõ những quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Coi trọng tất cả các bậc học từ mầm non đến trung học phổ thông. Cần có định hướng cách chọn nghề đối với học sinh trung học phổ thông, đặc biệt là các em lớp 11, 12 qua việc lồng ghép định hướng nghề nghiệp vào các môn học, tổ chức meeting, hội thảo liên quan,… giúp các em lựa chọn đúng nghề nghiệp mà nhu cầu xã hội cần, cũng như vừa sức và phù hợp với sở trường của các em. Đây là một giải pháp hiệu quả để tránh tình trạng “thừa thầy thiếu thợ” mà nền giáo dục Việt Nam đang gặp phải hiện nay, nhằm hạn chế bớt tình trạng thất nghiệp cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua đào tạo nghề chất lượng cao cho người lao động.
Hiện nay lao động của Việt Nam nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng tay nghề vẫn còn chưa cao, còn thiếu nhiều lao động có trình độ chuyên môn, đáp ứng được với nhu cầu hiện nay. Chính vì vậy đòi hỏi người lao động phải được đào tạo và đào tạo lại một cách bài bản để phù hợp với xu thế chung của thời đại, phù hợp với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá hiện nay, nhằm giúp họ có thể thích ứng nhạy bén những thay đổi trong công nghệ sản xuất, tăng thu nhập cho bản thân và có thể bổ sung được nguồn lao động chất lượng cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển các hoạt động công nghiệp, dịch vụ và phục vụ cho xuất khẩu. Do đó, chương trình đào tạo nghề của tỉnh Phú Thọ cũng phải gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tập trung đào tạo những ngành nghề quan trọng của tỉnh và gắn với nhu cầu thị trường lao động trong nước và quốc tế.
Để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở tỉnh Phú Thọ, cần tiến hành đồng bộ những giải pháp sau:
Tiến hành điều tra, khảo sát thông tin về nhu cầu học nghề, việc làm của người lao động, từ đó tư vấn cho họ những ngành nghề phù hợp. Nắm chắc nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn để có kế hoạch đào tạo, dạy nghề cho người lao động.
Quan tâm hỗ trợ, ưu đãi đầu tư đối với các cơ sở đào tạo, các dự án cải tạo, nuôi dưỡng, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực địa phương. Thực hiện các ưu đãi đặc biệt đối với các dự án thành lập mới một số trường dạy nghề tư thục chất lượng cao, tổ chức các khóa đào tạo miễn phí cho cán bộ quản lý nhân lực của các doanh nghiệp …
Củng cố, xây dựng và sắp xếp lại hệ thống cơ sở đào tạo nghề trên địa bản tỉnh theo hướng hiện đại, chất lượng, phù hợp với nhu cầu của người học và thị trường lao động. Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, đổi mới trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập. Tận dụng các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của nhà
nước, của các tổ chức để từng bước nâng cao số lượng cũng như chất lượng nguồn lao động ở tỉnh Phú Thọ.
Bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng sư phạm cho giáo viên các trường dạy nghề, đặc biệt tạo điều kiện cho giảng viên cập nhật kiến thức mới nhất nhằm phục vụ cho công tác giảng dạy. Bên cạnh việc tạo điều kiện và có cơ chế chính sách thu hút giáo viên có trình độ chuyên môn cao, kỹ năng sư phạm vững vàng thì các trường cũng cần đổi mới trong công tác đào tạo cũng như mở các ngành, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực mà xã hội đang cần, liên kết với các doanh nghiệp đào tạo theo địa chỉ làm tăng cơ hội làm việc cho học sinh, sinh viên ra trường
Để đảm bảo số lao động được đào tạo tại các trường của tỉnh được sử dụng vào các Dự án trên địa bàn tỉnh, cần quan tâm đến các ngành nghề đào tạo và chất lượng đào tạo của các trường. Về ngành nghề đào tạo, cần quan tâm đào tạo chuyên sâu những ngành nghề có tính chất thế mạnh của các doanh nghiệp thuộc tỉnh, ví dụ: cơ khí, lắp máy, giấy, sản xuất xi măng … Về chất lượng đào tạo: Kiểm soát chặt chẽ nội dung, quy trình đào tạo của các cơ sở dạy nghề, yêu cầu thực hiện nghiêm túc Quy chế đào tạo. Cho phép các cơ sở đào tạo liên kết với các doanh nghiệp tổ chức đào tạo nâng cao kỹ năng thực hành cho học viên để các doanh nghiệp không phải đào tạo lại.
Chú trọng đầu tư, phát triển một số các làng nghề, coi việc khôi phục và phát triển làng nghề là một trong những giải pháp căn bản nhất để giải quyết tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm ở tỉnh Phú Thọ hiện nay. Khi xây dựng kế hoạch phát triển các làng nghề, chính quyền địa phương cũng cần phải tìm đầu ra cho sản phẩm của các làng nghề, khuyến khích việc thành lập và phát triển hội nghề nghiệp để hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh để đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia hội nghề nghiệp.