Thứ nhất: Việt Nam làm bạn, làm đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế . Tất cả các đối tác đàm phán song phương gia nhập WTO thời đó, bây giờ đều trở thành đối tác chiến lược và đối tác toàn diện trong hợp tác kinh tế với Việt Nam như Hoa Kỳ, Ấn Độ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Australia, Hàn Quốc, Anh…
Thứ hai: kim ngạch xuất khẩu có những bước tiến nhảy vọt. Nếu như năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đạt 39,8 tỷ USD, thì năm 2020 là 282,6 tỷ USD, tăng hơn 7 lần. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước tính có thể đạt 336,25 tỷ USD. Tổng giám đốc WTO đã đánh giá Việt Nam là 1 trong 30 nước gia nhập WTO thành công, đặc biệt là về tăng trưởng xuất khẩu.
Thứ ba: Việt Nam đã thu hút được nguồn vốn FDI lớn, trở thành điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2021 vẫn đạt khoảng 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020, bao gồm cả vốn cấp mới, vốn đăng ký tăng thêm và vốn góp mua cổ phần. Trong đó, đăng ký tăng thêm, tăng mạnh với hơn 40,5%. Tính chung đến nay, cả nước có khoảng 34.500 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên 408 tỷ USD, các dự án này đến từ 141 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó vốn thực hiện chiếm hơn 61,7% tổng vốn đầu tư còn hiệu lực.
Thứ tư: kinh tế luôn tăng trưởng dương. Ngay sau khi gia nhập WTO năm 2010, nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, tăng trưởng GDP của Việt Nam vẫn đạt trên 5%, Việt Nam là 1 trong 20 nước có tăng trưởng dương. Trong cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 diễn ra từ năm 2020 đến nay, nhiều nước phải đóng cửa biên giới, thực hiện giãn cách xã hội, GDP của họ âm, trong khi đó Việt Nam là 1 trong số ít quốc gia vẫn đạt tăng trưởng dương.
Thứ năm: những thành tựu của việc gia nhập WTO và quá trình hội nhập kinh tế là cơ sở để chúng ta hội nhập những lĩnh vực khác về văn hóa, an ninh quốc phòng, khoa học kỹ thuật…
Thứ sáu: đội ngũ doanh nghiệp ngày càng tăng, có chất lượng, với hơn 800 nghìn doanh nghiệp, đất nước có thêm nhiều tỷ phú USD.
Thứ bảy: ngành nông nghiệp không bị phá sản như Oxfarm dự báo mà tăng trưởng theo hướng hiện đại và nâng cao giá trị gia tăng. Năm 2021, nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn, song nông nghiệp và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp vẫn vượt mốc 43 tỷ USD, dự kiến hết năm đạt 47 tỷ USD.
Cuối cùng: gia nhập WTO chúng ta có được một hệ thống pháp luật mới phù hợp với kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện được nguyên tắc minh bạch hóa chính sách và pháp luật theo quy định của WTO. Đến nay, các khung khổ pháp lý ngày càng hoàn thiện và đi vào cuộc sống, đây cũng là cơ sở cho việc ký các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Từ một nền kinh tế chậm phát triển, sau 15 năm trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã vươn lên nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế, đồng thời là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. WTO tiếp tục là động lực thúc đẩy, đưa kinh tế Việt Nam “cất cánh” trong giai đoạn tiếp theo. Gia nhập WTO là cú huých quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế. Để ngày nay, như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định trong phiên khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: "Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
2.5. Những vấn đề Việt Nam cần tập trung
Để tiếp tục phát huy những lợi thế khi đất nước ta gia nhập WTO đồng thời tận dụng tối đa tổ chức kinh tế này quốc gia Việt Nam ta cần phải chú trọng phát triển ở ít nhất 5 mặt sau:
Thứ nhất, tiếp tục cải cách hành chính triệt để, đổi mới bộ máy hành chính nhà nước quyết liệt và hiệu quả. Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, làm minh bạch, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh.
Thứ hai, cần sớm xây dựng chiến lược phát triển các ngành dịch vụ cơ sở hạ tầng giai đoạn đến 2020 và tầm nhìn 2030, trong đó, vấn đề cốt lõi là tái cơ cấu các doanh nghiệp, các loại dịch vụ cơ sở hạ tầng theo hướng tập trung những dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, các dịch vụ có giá trị gia tăng cao nhằm tận dụng hiệu quả các cơ hội mang lại từ hội nhập.
Thứ ba, cần nhanh chóng đầu tư phát triển hệ thống logistics của Việt Nam, bao gồm: Cơ sở hạ tầng logistics, thể chế pháp luật về phát triển dịch vụ logistics, phát triển các doanh nghiệp cung ứng và sử dụng dịch vụ logistics… nhằm đẩy nhanh quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Thứ tư, nâng mức đầu tư cho khoa học công nghệ (1-2% GDP) để Việt Nam thực sự sớm có những đột phá về khoa học công nghệ, tạo ra những mặt hàng, những sản phẩm kỹ thuật cao trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực mang lại giá trị cao cho xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ năm, cùng với việc đổi mới thế chế, hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm phát triển các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, cần có các biện pháp để chuyển dần từ gia công sang sản xuất, tự xuất khẩu, giảm và tiến tới hạn chế mức thấp nhất xuất khẩu sản phẩm thô, khoáng sản; tăng xuất khẩu sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học - công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao.