2.3. Một số giá trị và vấn đề đặt ra của sự dụng hợp giữa Phật giáo và
2.3.1. Một số giá trị của sự dụng hợp đem lại cho tâm linh bản địa
Trong thời kỳ xây dựng đất nước ngày nay, Đảng và Nhà nước ta rất chú trọng đến hoạt động của tín ngưỡng và tôn giáo, đã ban hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo để điều chỉnh hành vi con người trong hoạt động này. Luật đã xóa bỏ nhiều quan niệm cổ hủ, các hoạt động tâm linh được nhấn mạnh là nhu cầu, là tình cảm, là đạo đức, chứa đựng nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng một xã hội mới.
Hệ thống tổ chức từ cấp giáo hội đến địa phương được hình thành và hoạt động hiệu quả, không trùng lập, tiến bộ, bảo đảm pháp luật quy định. Các thiết chế văn hóa mang tâm thức tâm linh được xây dựng và duy trì nề nếp. Nơi thờ tự được tôn tạo, đầu tư xây dựng khang trang, phục vụ cho các hoạt động tại nơi tín ngưỡng, phật giáo.
Các vị chức sắc, chức việc ngày càng được tham gia sâu rộng vào các lĩnh vực đời sống xã hội. Họ dẫn dắt các cơ sở thờ tự ngày càng có đóng góp nhất định vào xây dựng xã hội, đời sống văn hóa ở cơ sở. Ngoài dân gian, nhà thờ họ tộc và bàn thờ tổ tiên được chú trọng trang hoàng quy củ hơn, bài bản hơn, có trước có sau, có trên có dưới, có trong có ngoài theo tôn ti trật tự rành mạch hơn.
Đời sống văn hóa, đời sống tâm linh ngày càng phát triển, họ quan tâm hơn các hoạt động tín ngưỡng tôn giáo trong thị xã, cũng như trong tỉnh và trong khu vực. Nhiều dòng họ đã quy tập phả hệ lập nhà thờ chung như ở miền Bắc; đã có bày trí các câu đối, hoành phi bằng chữ quốc ngữ giúp dễ đọc, dễ cảm nhận, dễ đi vào tiềm thức các thế hệ con cháu hơn.
Trang phục hành lễ cũng được chú ý theo hướng truyền thống, kín kẻ. Thực phẩm bày cúng đa dạng và thịnh soạn hơn, xuất hiện nhiều món ngon vật lạ ngoại nhập. Không gian cúng kiến được trang trí bắt mắt với nhiều pho tượng, nhang đèn to lớn, thu hút người tham quan.
Qua tìm hiểu, trước đây đa số người cao tuổi và một số ít người trẻ tham gia các hoạt động tín ngưỡng, phật giáo tại cơ sở thờ tự. Nguyên nhân được biết là do chưa có chủ trương “nhập thế” như hiện nay, hệ thống pháp luật chưa thông thoáng như bây giờ, phần đông tín đồ còn nhiều lo toang vất vả trong cuộc sống, tầng lớp thương gia, trí thức thường chú trọng hơn vào thờ cúng tổ tiên, thần bản địa.
Ngày nay, tầng lớp thương gia ngày càng được trẻ hóa, con người có nhiều điều kiện phát triển bản thân, phát triển gia đình và tham gia đóng góp xây dựng xã hội, cùng với chính sách mở cửa của Nhà nước,… con người ngày càng có nhu cầu tâm linh nhiều hơn. Ngày càng có nhiều tín đồ tham gia thực hành tâm linh. Họ đã tạo thuận lợi, răn dạy con cháu, hướng dẫn nhau tham gia tu học, hành thiền ở các khóa tu, các buổi tiếp cận tín ngưỡng tôn giáo cơ bản, có người trẻ đã trở thành tín đồ ngoan đạo, cũng có người là cộng tác viên tích cực truyền cảm hứng khá năng động. Tín hiệu này tiếp tục củng cố vững chắc các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo địa phương phát triển.
Phụ nữ được cho là một nửa của thế giới. Sự dung hợp tín ngưỡng bản địa với tín ngưỡng trong Nho giáo do Mạc Cửu truyền sang đã hòa quyện vào nhau, thúc đẩy sự bình quyền nam nữ, giúp xã hội phát triển tích cực. Mối bình quyền này không bị ảnh hưởng nhiều bởi Nho giáo thường chiếm thế thượng phong ở người Trung Quốc ưu tiên nam hơn nữ, nó đã hòa hợp vào tư tưởng thờ “Nữ thần”, “Mẹ sanh”, “Bà Chúa xứ”, “Bà Cậu”… mà nâng cao vai trò của nữ giới.
Ở Phật giáo, trong số 12 ngôi chùa đã có 06 ngôi chùa có ni giới tham gia tu tập. Họ đã vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách, xa quê hương bản quán để về chốn “sơn cùng thủy tận” hành đạo. Đọc lại lịch sử, cho thấy rất rõ sự gian lao những ngày đầu về gầy dựng các ngôi thờ tự của ni giới, với muôn
vàng trắc trở, nếu không có niềm tin vững chắc vào phật pháp thì rất khó có thể trụ vững hành thiền tinh tấn cho đến ngày nay.
Trong 06 ngôi chùa ni thì đã 04 ngôi chùa do tiền nhân là ni giới sáng lập. Có người xuất thân từ miền Trung xa xôi, có người từ một số tỉnh phía Nam như Vũng Tàu, Trà Vinh, Vĩnh Long… Đã phát tâm tạo dựng nên những cơ sở thờ tự thân thiện và cổ kính, tiếp nối truyền thừa những hệ phái Phật giáo của mình đến bá tánh.
Không những chỉ có 02 hệ phái Bắc tông và Khất sĩ có ni tu tập, ở hệ phái Nam tông theo truyền thống chỉ có tăng tu tập, nay cũng đã xuất hiện ni giới tham gia tu hành. Đây là một trong những nét dung hợp độc đáo giữa hệ phái này với hệ phái khác, giữa tăng và ni trong một ngôi chùa phật. Trong không gian ngôi chùa tăng ni này, ngoài các hoạt động phật sự chung, mọi sinh hoạt đều tách biệt tăng và ni, ít có sự ảnh hưởng, chòng chéo làm đảo lộn trật tự lẫn nhau. Tuy nhiên, sự tế nhị trong giao tiếp giữa tăng ni thì không thể tránh khỏi.
Hàng ni giới đã góp phần lưu giữ, phát huy giá trị tinh thần và văn hóa bản địa. Giúp xã hội cân bằng ý thức hệ giữa nam với nữ. Họ đã cùng địa phương hoàn thành nhiều công trình, mục tiêu, trong đó nổi bật là nuôi dạy con cháu và làm từ thiện xã hội.
Trong tín ngưỡng, mặc dù chưa thấy có nữ giới làm chủ lễ nhưng trong các cuộc lễ không thể thiếu công lao to lớn ở phụ nữ, từ giai đoạn chuẩn bị cho đến hậu lễ. Mỗi cuộc lễ, từ bà lão cho đến thiếu nữ đều tích cực chăm lo, bày trí, quét dọn, nấu nướng, cốt làm sao cho cuộc lễ diễn ra được suông sẽ và vui tươi. Những đóng góp của phụ nữ trong tín ngưỡng tuy thầm lặng nhưng lại rất quan trọng, rất cần phát huy vai trò của phụ nữ trong hoạt động tâm linh ngày nay.
Ngày nay, con người luôn tất bật với “cơm áo gạo tiền” nên ít có thời gian chăm nom bàn thờ tiên tổ, giải pháp thường thấy là nhiều người “gởi ông bà” vào chùa cho các vị tăng ni thay mặt phụng cúng hàng ngày. Các chùa, chủ yếu là chùa Bắc tông và Khất sĩ, bằng tâm thế “Phổ độ chúng sinh” cũng vui vẻ sẳn sàng nhận ủy thác này.
Nhìn lại trước đây, chùa chỉ là nơi cứu vớt những hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa thờ ở một gian cuối chính điện, chủ yếu tránh cho họ lang thang quấy phá chúng sinh. Còn những người chết có gốc tích, có quê hương bản quán rõ ràng đều được gia đình đưa về nhà thờ phụng với nghi thức thờ cúng tổ tiên. Đối với những người có công đức, được tôn trọng trong xã hội khi chết đi thì được cúng dường trai tăng, thờ cúng quy mô hơn, giúp họ sớm được về “trời”.
Qua khảo sát thời gian qua, chúng tôi nhận thấy nhiều cuộc lễ cúng dường trai tăng được hành lễ tại chùa, không phân biệt cao thấp, hễ khi có gia đình muốn hành lễ sẽ được đáp ứng và định ngày cử hành, thể hiện tính nhập thế của Phật giáo. Ngoài ra, nhiều gia đình mặc dù có bàn thờ gian tiên và có điều kiện thờ phượng vẫn đưa bài vị, di ảnh ông bà cha mẹ lên chùa nhờ cửa phật phụng cúng thay gia đình. Theo họ làm vậy sẽ yên tâm hơn, tránh bất kính và thiếu lễ cho các vị, có hại cho con cháu sau này.
Như vậy, Phật giáo đã thẩm thấu sâu vào tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mang hồn cốt tín ngưỡng này ở nơi ngôi chùa phật. Đây có phải là su hướng thờ cúng của tương lai chăng? Để trả lời cho câu hỏi này, rất cần có thời gian nghiên cứu và thực chứng.
- Đa dạng các loại hình thờ cúng
Nghi thức thờ cúng cũng có nhiều cách. Cùng một loại hình ngưỡng, tùy từng ánh nhìn mà đối tượng thờ cũng có nghi thức, nghi lễ tổ chức và thực hiện khác nhau. Ví dụ như: Thờ tổ tiên, trong chùa thờ khác, trong gia đình
thờ khác và ở đình miếu thờ cách khác. Cúng vong linh ở chùa cúng khác, đình miếu cúng khác và gia đình cúng khác.
Với tâm thức những người xa xứ, luôn mong muốn có được chỗ dựa tinh thần vững chắc trong cuộc sống nơi được hòa mình vào cộng đồng mới, vào thiên nhiên tươi đẹp, người Hà Tiên luôn “Bán bà con xa mua láng giềng gần”, “Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Cận thân hơn cận lân”, giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua mọi khó khăn, chung sống an vui hạnh phúc. Với tâm thức đó, dần trở thành quan niệm sống và ảnh hưởng sâu sắc vào tâm linh con người. Ai có tín ngưỡng gì, tôn giáo nào thì họ mang theo vào vùng đất này, và được tự do thực hành. Thấy sự “Có thờ có thiêng”, nhiều người theo tín ngưỡng và tôn giáo khác cũng tin và thực hành hoặc thấy có ích cho cuộc sống vùng biên nên tham gia ủng hộ, dần dung hợp vào nhau, hỗ trợ cho nhau, tạo thành một loại hình văn hóa mới trong tín ngưỡng, tôn giáo. Mặc dù có sự dung hợp, nhưng từng loại hình tín ngưỡng, tôn giáo vẫn giữ tính nguyên sơ của nó. Đó là các cuộc lễ được tổ chức riêng biệt vào khoảng không gian và thời gian khác nhau, trình tự khác nhau, dù cho được thờ cúng chung trong một ngôi thờ tự.
Điều dễ dàng nhận biết nhất, đó là hình ảnh các vị Phật, Bồ tát có ở khắp mọi nơi, trong nhà cũng có, đình miếu cũng có, tàu xe cũng có, tang ma cũng có. Những vị Phật, Bồ tát nơi đây được xem như là những vị thần hộ mệnh cho mỗi gia đình không theo tôn giáo và những tôn giáo có thờ Phật. Mọi người tin rằng Phật luôn che chở, phù trợ cho tai qua nạn khỏi, vì thế nên dường như trở thành hiện tượng thờ Phật trong muôn mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, tâm linh bản địa.
Việc thờ Phật, Bồ tát cũng muôn hình vạn trạng, ảnh có, chân dung có, tượng Phật thì lớn nhỏ đủ kích cỡ, đơn giản thì chỉ có một bát hương dùng để khấn vái. Thông thường thờ nơi trang nghiêm, cao ráo ở nơi cư ngụ, kinh doanh.
Cách thờ cúng cũng khá đơn giản, chỉ cần “thỉnh” (xin) vài cây hương, thường là ba cây hương, từ một nơi nào đó tin tưởng đem về nhà cấm lên lư hương nơi muốn thờ, vậy là đã có tính thiêng rồi. Đối với những chiếc xe, tàu thì khấn vái xin được thờ cúng trên phương tiện của mình, rồi kể từ đó thờ cúng theo nghi thức thông thường.
Không gian tưởng nhớ tâm linh cũng rất đa dạng. Tại những nơi thờ tự, người thờ cúng thông qua những nén hương gởi tâm ý của mình đến các vị linh ứng, xem những nén hương là trung gian giữa người với đấng linh thiêng. Ngoài nơi thờ tự, đôi khi chỉ chấp tay hình búp sen, nhắm mắt, thành tâm cầu khấn về một nơi xa xăm nào đó mong được sự giúp đỡ của đấng linh thiêng.
Phật, trời, thổ địa luôn có trong tâm thức người bản địa. Đã một thời gian dài, nhiều người khi cảm thấy bị bất ngờ, hốt hoảng, khó xử, họ thường gọi “Phật ơi”, “Mô phật”, “Trời ơi”, “Đau thấy ông Trời”, “Trời đất thiên địa ơi”… Về sau, có các tín đồ Công giáo thì cũng thường nghe “Chúa ơi”, “Chúa tôi”, “lại Chúa”…
Đối tượng thờ cúng cũng nhiều giai tầng trong xã hội. Bất cứ ai, không kể giai cấp thành phần xã hội, không kể tôn giáo nào, ngay từ khi tròn tháng đã được cha mẹ cúng bà Mẹ Sanh hay theo nghi thức của tôn giáo cha mẹ họ, rồi đến cúng tròn năm (thôi nôi), khi chết cũng theo nghi thức của tín ngưỡng hoặc tôn giáo họ tin theo khi còn sống. Hà Tiên, trong số dân bản địa có hơn 1.300 đảng viên và hơn 10.000 đoàn viên thanh niên, đa số họ có thông tin không tham gia tôn giáo nào. Mặt nhiên, họ luôn thực hành tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và tín ngưỡng bản địa. Đến cả giới chính trị và giới hành chính Nhà nước cũng nghiêm túc tham gia tín ngưỡng tôn giáo, điển hình có các vị chủ tịch và các phó chủ tịch UBND phường Đông Hồ là chủ thể trong dịp lễ giỗ ở ngôi đình Thần Hoàng Hà Tiên. Như vậy, có thể nói tín ngưỡng đã ngấm sâu sắc vào trong đời sống của người bản địa.
- Đóng góp vào nền văn hóa bản địa
Người Hà Tiên bao đời nay đã vươn lên đoàn kết xây dựng một xứ sở “Đất Phật người hiền”, đã trở thành một trung tâm văn hóa có nét đặc sắc khó phai trong lòng du khách khi đã đến mảnh đất Kiên Giang. Đó là sự hào sảng vốn có của người Nam Bộ, hòa vào nét kín đáo của người Hoa, sự lạc quan của người Khmer, đã được cộng hưởng và tiếp biến trở thành con người Hà Tiên hiền hòa nhân hậu, có thủy có chung, sẵn sàng vượt khó đón nhận cái mới tốt đẹp, nhưng cũng kiên quyết chống cái ác, cái không tốt một cách không khoan nhượng.
Nơi đây, con người luôn lấy hình ảnh những vị đại diện cho cái thiện làm kim chỉ nam cho hành động. Đó là hình ảnh của đức Phật, Trời, Ông Tà, Thần Tài, Thổ Địa, bà Cậu, ông Nam Hải, Sơn thần, Thủy thần, Ông bà tiên tổ,… Làm điều răn dạy nhau làm lành tránh dữ, chan hòa chung sống, giúp nhau vượt qua khó khăn, cùng hưởng hạnh phúc.
Sự dung hợp tín ngưỡng với tôn giáo luôn ẩn chứa sâu sắc trong văn hóa người bản địa còn được thể hiện qua các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt đời thường. Ngày nay, các lễ hội, lễ giỗ của tiền nhân khai trấn (Mạc Cửu, Mạc Thiên Tích, Mạc Tử Sanh), tết Nguyên Tiêu, Tao đàn Chiêu Anh các, đã trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh cấp quận huyện. Mọi người luôn kiên kỵ làm điều trái trong mọi sinh hoạt đời thường, đó là khi đi núi không nên làm gì và nói gì, khi ra biển không nên làm và nói những gì, trước khi giết con vật nào đó cần nói gì để con vật được “siêu thoát”, trước khi ăn cơm cần nói và hành động gì,… Từ đó đã tạo nên một nét đẹp văn hóa mang đậm chất tâm linh, truyền thống của cư dân. Có nhiều tôn giáo cũng bắt đầu áp dụng những nét đẹp này vào thực hành trong tôn giáo của họ, chỉ đơn giản nó tiến bộ và giúp hòa nhập cao.
Chung tay đẩy lùi đói nghèo, tệ nạn xã hội:
Với văn hóa “Cứu một mạng người hơn xây mười kiển chùa”, “Lá lành đùm lá rách”, nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được đầu tư thực hiện, vừa giúp đỡ khó khăn trước mắt vừa lâu dài. Việc trước mắt thường thấy là những cuộc vận động tương thân tương trợ nhau khi bị thiệt hại do tố lốc, tai nạn, cháy nhà, bệnh tật. Việc lâu dài, có nhiều cơ sở thờ tự đã lập quỹ từ thiện nhân đạo hỗ trợ người khó khăn, những bữa ăn từ thiện, ngôi nhà nhân ái, nhà dưỡng lão, nhà giữ trẻ không cha mẹ. Hàng năm, chỉ tính riêng các Phật giáo, bình quân đã vận động trên 1 tỷ đồng cho công tác từ thiện xã hội.
Cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cũng nhận chăm lo, giáo dục nhiều thanh thiếu niên lầm lỡ, người ra tù. Đã có không dưới 12 trường hợp vượt qua được những thử thách, vươn lên hòa nhập cộng đồng, lập gia đình và cùng