6. Kết cấu luận văn
1.4 Quyết định mở rộng Hà Nội 01/08/2008
1.4.3 Các ý kiến xung quanh quyết định mở rộng Hà Nội
Như vậy, sau gần 25 năm đổi mới, Hà Nội, đã có một diện mạo mới, lịch sử giúp Hà Nội tích lũy những thành tựu nhất định và những kinh nghiệm thực tiễn. Trong tương lai, Hà Nội mở rộng sẽ được chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, thị trường ngày càng phát triển đa dạng. Trên địa bàn tập trung lực lượng lao động đã qua đào tạo, có chuyên môn kỹ thuật vào loại cao nhất trong cả nước. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi cho Hà Nội chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Mặc dù Hà Nội sau mở rộng đã giải quyết về căn bản sự hạn chế về quỹ đất, về nhân lực, tuy nhiên, cơ chế chính sách nếu không được quan tâm xây dựng đồng bộ, nhất là các cơ chế để phát huy vị thế đặc thù của Thủ đô phục vụ phát triển và hội nhập như năng lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền thành phố thì nguy cơ mất ổn định chính trị, hạn chế về quy hoạch phát triển kinh tế rất dễ xảy ra đặc biệt với một Hà Nội rộng lớn và không đồng đều về tiềm năng phát triển. Hơn nữa, với quy mô, trình độ lực lượng sản xuất còn thấp, đầu vào của sản xuất không ổn định; trình độ khoa học công nghệ, trình độ quản lý của doanh nghiệp chưa theo kịp yêu cầu phát triển thì nguy cơ bị tụt hậu là tất yếu. Thêm vào đó là những thách thức rất lớn khi nhận thức và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, các doanh nghiệp phải đối phó với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và các quy định khắt khe hơn của luật pháp và thông lệ quốc tế.
Trên thực tế, bên lề quyết định và định hướng mở rộng Hà Nội, đã phát sinh nhiều ý kiến khác nhau trong xã hội. Những ý kiến trái chiều đã tạo ra những hoài nghi về quyết định mang tính chất lịch sử quan trọng này.
Những ý kiến đưa ra thể hiện những khó khăn rất lớn của nhà nước trong việc xây dựng Hà Nội mở rộng theo đúng kế hoạch, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi công tác quy hoạch, quản lý đô thị, đầu tư cơ sở hạ tầng của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung còn nhiều bất cập.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có bài viết sâu sắc khi cho rằng Quyết định mở rộng Hà Nội chưa được cân nhắc kỹ lưỡng.
Với lý do mở rộng Hà Nội vì thiếu quỹ đất, ông cho rằng các bộ, ban ngành chức năng cụ thể là Bộ Xây dựng chưa tập hợp và báo cáo đầy đủ về thực trạng sử dụng đất của Hà Nội trước khi mở rộng, đồ án quy hoạch chưa được thực hiện nghiêm túc với nhiều công phu, có chất lượng.
Về mô hình Thủ đô rộng lớn được so sánh với Bắc Kinh, London, ông cho rằng Thăng Long - Hà Nội với nghìn năm lịch sử, không phải thủ đô nào trên thế giới
cũng có được. Hà Nội không nhất thiết phải lựa chọn mô hình đầu tàu kinh tế, việc mà nhiều địa phương có nhiều thuận lợi và có khả năng làm tốt hơn.
Mặt khác, mô hình đô thị cực lớn với động lực công nghiệp là một mô hình đô thị đã cũ, nhiều sai lầm mà phương Tây đang phải từ bỏ. Chính những thành phố có hàm lượng văn hóa cao, có đời sống đô thị giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành, có nhịp sống hợp lý, làm giàu bằng kinh tế tri thức mới là mô hình mà các nước đang tìm kiếm. Thủ đô Thăng Long - Hà Nội có đủ những yếu tố để xây dựng cho mình một thành phố như thế. Thay vì, chọn một mô hình đô thị khổng lồ với vô vàn vấn nạn, từ tắc nghẽn giao thông đến ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, thị trường đất đai rối loạn cản trở phát triển kinh tế như nhiều đô thị lớn trên thế giới đang gặp.
Hà Nội nên chọn cho mình mô hình một thành phố lịch sử, văn hóa, đầu tàu về khoa học- kỹ thuật tiên tiến, có quy mô vừa phải, hợp lý, có môi trường đô thị trong lành, văn minh, công bằng, dân chủ, đủ năng lực khai thác, ứng dụng những thành tựu khoa học tiên tiến của thời đại trong xây dựng, quản lý vận hành, ngõ hầu tạo dựng một môi trường sống lý tưởng.
Trên đây chỉ là một trong những ý kiến tiêu biểu, đại diện theo khuynh hướng hoài nghi quyết định mở rộng Hà Nội. Trên thực tế, có rất nhiều ý kiến khác cùng chung quan điểm với những lý lẽ và lập luận khoa học và thực tế.
Trong thời đại hội nhập, toàn cầu hóa như hiện nay, xét trên góc độ nghiên cứu về quan hệ quốc tế, rõ ràng một Hà Nội rộng lớn hơn, được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tập trung, có kế hoạch, sự tích hợp của các văn hóa vùng miền phong phú trong khi vẫn duy trì một Hà Nội cũ, cổ xưa, truyền thống trong lòng Hà Nội mới có sức hấp dẫn rất lớn đến các hoạt động đối ngoại, hợp tác thương mại, chính trị, văn hóa, du lịch quốc tế. Mở rộng Hà Nội thực sự là một kỳ vọng cho giai đoạn phát triển mới của cho thủ đô.
Tuy nhiên, chỉ có lịch sử mới có thể chứng minh tính đúng đắn, hợp lý của quyết định mở rộng Hà Nội 01/08/2008 với mục đích đem lại các thành quả tốt đẹp trên mọi lĩnh vực của thành phố.
1.4.4 Các đề án xây dựng Hà Nội mở rộng nhìn từ góc độ hội nhập quốc tế
Tính đến thời điểm hiện nay, đồ án xây dựng Hà Nôi được trình chính phủ gần đây nhất là Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 do Đại diện liên danh tư vấn quốc tế PPJ Xây dựng. Theo đề án, Hà Nội trong tương lai sẽ xây mới 8 cầu và 1 hầm qua sông Hồng. Xây dựng mới các tuyến đường sắt quốc gia, đường sắt cao tốc Bắc - Nam, cải tạo đường sắt ngoại ô kết nối với hệ thống đường sắt nội đô và quốc gia thông qua các ga đầu mối. Cảng hàng không, sân bay quốc tế Nội Bài lớn nhất phía Bắc đạt 20- 25 và 50 triệu hành khách/năm vào các năm 2020, 2030 và 2050…
Đánh giá về Đề án xây dựng thủ đô có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều ý kiến tỏ ý hoài nghi tính khả thi ở các hạng mục như: Dự báo mức thu nhập trung bình của cư dân Hà Nội năm 2030 tương đương mức thu nhập của Hàn Quốc hiện nay trong khi thu nhập hiện tại của Hà Nội là 830USD/người/năm (Hàn Quốc là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. GDP (PPP) bình quân đầu người của đất nước đã nhẩy vọt từ 100 USD vào năm 1963 lên mức kỉ lục 10.000 USD vào năm 1995 và 25.000 USD vào năm 2007. một phân tích gần đây nhất bởi Goldman Sachs năm 2007 đã chỉ ra Hàn Quốc sẽ trở thành nước giầu thứ 3 trên thế giới vào năm 2025 với GDP bình quân đầu người là 52.000 USD).
Về khái niệm vành đai xanh, từ lâu nay Hà Nội đã có chủ trương phải làm, phải giữ cho được khu vực giãn cách “bọc” thành. Tuy nhiên, vành đai vẫn lần lượt bị chọc thủng bởi chính lợi thế của các khu vực lân cận áp sát, lấn át dần. Vì vậy, những dự báo đưa ra nếu không chuẩn sẽ lại tiếp tục đẩy thành phố vào những vấn đề phức tạp.
Một vấn đề nữa trong bản quy hoạch chung Thủ đô, được tranh luận nhiều là việc đưa ra những phương án di chuyển trung tâm hành chính quốc gia tới khu vực tây Hồ Tây hay tại Ba Vì. Nhiều ý kiến cho rằng, trung tâm hành chính quốc gia không thể tách dời khu Ba Đình, nơi hội tụ đủ yếu tố được khẳng định từ thời Lý Thái Tổ dời đô và bản quy hoạch đã không được nhìn dưới con mắt, quan điểm của người Hà Nội, người Việt Nam nên “lệch” so với tư duy, triết lý của người Việt. Trên thực tế, đề án này đã chính thức bị loại bỏ vào tháng 8/2010.
Việc xây dựng một sân bay quốc tế mới, quy mô đủ tầm quốc tế phải đảm bảo cho máy bay A380 lên xuống thoải mái. Diện tích sân bay mới phải khoảng 5.000ha, con số vượt hơn nhiều so với phương án của đơn vị tư vấn quy hoạch đưa ra. Phải chăng nên xây dựng sân bay bên ngoài địa giới Hà Nội, vừa đảm bảo được quỹ đất đạt tiêu chuẩn, vừa không mất quỹ đất của Thủ đô.
Về dự án xây dựng Đường sắt cao tốc dự tính chiếm 50% GDP của đất nước, được Quốc hội thảo luận trong tháng 5, tháng 6 năm 2010, đặc biệt có nhiều ý kiến phản hồi, có những ý kiến trái chiều gây nhiều tranh cãi.
Khi dự án được chính phủ trình Quốc hội cuối tháng 6 năm 2010, với 37% đại biểu quốc hội bỏ phiếu tán thành, Quốc hội đã tuyên bố bác bỏ dự án Xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Nam.
Trên đây là một trong những quyết định được coi là rất hợp lòng dân và chấm dứt hàng loạt các vướng mắc, những trăn trở của người dân trước đó về tính khả thi, các bài toán kinh tế mà đường sắt cao tốc Bắc Nam đem lại cho đất nước.
Bên cạnh các dự án lớn, các dự án nhỏ khác như xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn cao cấp… cũng được đệ trình và phê duyệt đưa vào thực hiện hứa hẹn đem lại cho Hà Nội các công trình kiến trúc mới có giá trị.
Các dự án kể trên mở ra một viễn cảnh tốt đẹp cho Hà Nội, là cơ sở cho việc phát triển các ngành nghề như thương mại, dịch vụ, du lịch quốc tế trong môi trường quốc tế và khu vực cạnh tranh khốc liệt như hiện nay.
Khi so sánh với một số nước trong khu vực như Thái Lan – Vương quốc của du lịch, có thể thấy rằng các tiềm năng du lịch của Thái Lan không hơn gì Việt Nam, thậm chí các địa danh thiên nhiên của Việt Nam có số lượng lớn hơn, nhưng du khách biết đến Thái Lan và chọn du lịch Thái Lan nhiều hơn Việt Nam (khi Thái Lan không bị ảnh hưởng khủng hoảng chính trị). Có nhiều lý do giải thích cho hiện trạng này, tuy nhiên một trong những lý do đó là, Thái Lan đầu tư và chú trọng phát triển du lịch hơn Việt Nam. Thái Lan có sân bay lớn nhất Đông Nam Á và Châu Á với nhà ga (Terminal) đơn rộng nhất thế giới và đài kiểm soát không lưu cao nhất thế giới- Sân bay quốc tế Survabhumi - Bankok, Thái Lan được xếp thứ 18 trong các sân bay bận rộn nhất thế giới. Thái Lan cũng có hệ thống giao thông tốt hơn rất nhiều Việt Nam với hàng loạt các tuyến đường cao tốc trên cao nối liền thủ đô và các khu du lịch. Các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp như khách sạn, khu vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, mua sắm và các chính sách đảm bảo an ninh cho khách du lịch quốc tế đặc biệt được quan tâm, đó còn chưa kể đến các hoạt động quản bá hình ảnh du lịch của Thái Lan cũng rất được chú trọng…
Hà Nội có rất nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Khuê Văn Các, Tháp rùa, Hồ Gươm, Lăng Chủ Tịch, các đền chùa…, tuy nhiên để ngành du lịch của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung phát triển tương xứng với tiềm năng và trở thành điểm đến hàng đầu của khu vực thì chúng ta chưa làm dược điều đó. Trong thời gian tới, với tiềm năng du lịch lớn hơn (tích hợp các tiềm năng du lịch của các vùng miền sau sáp nhập ), những đầu tư đồng bộ của thành phố, hy vọng rằng du lịch Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ thu được những kết quả tốt đẹp hơn.