Tiêu diệt giặc đói, giặc dốt và đánh thắng giặc ngoại xâm

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phong trào thi đua yêu nước thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1948 - 1954 (Trang 94 - 96)

Chương 1 Sự ra đời của phong trào thi đua yêu nước

3.1. Kết quả

3.1.1. Tiêu diệt giặc đói, giặc dốt và đánh thắng giặc ngoại xâm

Phong trào thi đua yêu nước thời kỳ kháng chiến chống Pháp là niềm tự hào của nhân dân ta, là sự thể hiện sức mạnh của lòng yêu nước, tinh thần, ý chí tạo nên những thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, thi đua yêu nước thực sự là một cuộc vận động chính trị sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ bộ đội, công nhân, nông dân tham gia. Đó là phong trào mang tính chất quần chúng rộng rãi.

Phong trào thi đua yêu nước được phát động và đẩy mạnh trong thời kỳ này là nhân tố có vai trò quan trọng góp phần hoàn thành nhiệm vụ của cuộc kháng chiến và đạt được mục đích, nhiệm vụ trọng tâm của phong trào thi đua đã đề ra là tiêu diệt giặc đói, giặc dốt và đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập dân tộc. Đây thực sự là những kết quả to lớn, quan trọng của phong trào thi đua trong thời kỳ này.

Nhân dân ta từ chỗ đói kém, thiếu ăn, thiếu mặc, bằng nỗ lực lao động, sáng tạo, tìm tòi, cống hiến, phát huy lòng yêu nước, khắc phục hoàn cảnh, tự lực cánh sinh, tăng gia sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động tạo đã được những nhu cầu thiết yếu về ăn, mặc, đồng thời cung cấp đảm bảo cho bộ đội

ăn no, đánh thắng; nhân dân ta từ chỗ đa số mù chữ, trình độ văn hóa thấp, nhờ tinh thần yêu nước nồng nàn, vượt khó vươn lên, bằng mọi phương pháp, hình thức, ra sức thi đua diệt dốt, phong trào thi đua đã làm cho nhân dân không chỉ biết đọc, biết viết mà còn nâng cao trình độ hiểu biết, học hỏi kinh nghiệm tiên tiến của các nước và áp dụng vào thực tế nước nhà, từng bước khôi phục, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân;

Cùng với nỗ lực tiêu diệt giặc đói, giặc dốt, thực hiện công cuộc kiến quốc, việc đánh đuổi giặc ngoại xâm là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng được đặt ra trong phong trào thi đua thời kỳ này. Trải qua 8 năm kháng chiến trường kỳ gian khổ, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam đã phát triển qua các giai đoạn khác nhau, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, đã đưa lại hòa bình cho miền Bắc. Việc miền Bắc được giải phóng, tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội là minh chứng về sự hoàn thành nội dung và mục đích mà thi đua đã đề ra là đánh đuổi giặc ngoại xâm.

Rõ ràng, thi đua được phát động và được nhân dân hưởng ứng đã góp phần quan trọng vào việc diệt giặc đói, giặc dốt và đánh đuổi giặc ngoại xâm trong những năm kháng chiến chống Pháp gian khổ. Đó là những kết quả to lớn, thiết thực của việc phát động phong trào thi đua yêu nước. Nhờ phát động thi đua, nhân dân Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách, từng bước xây dựng, củng cố chính quyền và bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng non trẻ mới dành được. Đây vừa là thành quả của cách mạng nhưng đồng thời là thành quả của thi đua, chứng tỏ chủ trương, đường lối thi đua và việc đề ra, phát động, lãnh đạo toàn dân thi đua của Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh là đúng đắn, sáng tạo và phù hợp. Đồng thời, thành tích, kết quả thi đua cũng chính là sự phản ánh niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh, một lần nữa khẳng định sức mạnh của tinh thần yêu nước, sức mạnh đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phong trào thi đua yêu nước thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1948 - 1954 (Trang 94 - 96)