Đơn vị cấu tạo từ trong tiếng Hàn

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phân tích đối chiếu từ chỉ quan hệ họ hàng trong tiếng Hàn và tiếng Việt (Trang 26 - 28)

Chương 1 : CƠ SỞ LÝ THUYẾT

1.2. Cấu tạo từ

1.2.2.1. Đơn vị cấu tạo từ trong tiếng Hàn

Theo tác giả Lưu Tuấn Anh, tác giả phần tiếng Hàn trong cuốn “Các ngôn ngữ phương Đông” [8], tiếng Hàn, với đặc điểm là loại hình ngôn ngữ chắp dính, các hình vị được chia ra thành hình vị tự do và hình vị hạn chế căn cứ theo tiêu chuẩn có hay không khả năng hoạt động độc lập, xuất hiện như những từ độc lập của chúng, đồng thời theo tính chất thực hư về mặt ý nghĩa, chúng cũng có thể được phân ra thành các hình vị thực (hình vị từ vựng) và hình vị hư (hình vị ngữ pháp). Những hình vị này, trong quá trình tổ hợp cấu tạo nên từ, căn cứ theo vị trí, vai trò và chức năng của chúng lại có thể phân thành: căn tố, phụ tố, thân từ, đuôi từ. Trong đó thông thường động từ và tính từ được tạo thành bởi thân từ và

đuôi từ, còn căn tố và phụ tố là những khái niệm thường gặp khi xét cấu tạo của thân từ. Trong xét cấu tạo từ thì phần đuôi từ biểu thị ý nghĩa ngữ pháp bị loại bỏ, chỉ xét thân từ, căn tố và phụ tố là những khái niệm thường gặp khi xét cấu tạo của danh từ hay thân từ của động từ và tính từ.

Ví dụ: 풋고추 [putkkochu] (ớt xanh)

Trong đó 고추 [gochu] (ớt) là căn tố do hình vị tự do đảm nhiệm được kết

hợp với tiền tố 풋 [put] (xanh, ương)

지우개[ji-ugae] (cái tẩy)

Trong đó지우 [ji - u] (lau, tẩy) là căn tố do hình vị hạn chế đảm nhiệm

kết hợp với hậu tố -개 [gae] (cái).

Căn tố hay còn gọi là gốc từ do các hình vị thực đảm nhiệm. Nó là thành phần chính, bộ phận trung tâm hình thành nên ý nghĩa từ vựng của từ. Căn tố có thể kết hợp với phụ tố phái sinh ở vị trí trước hoặc sau của nó để mở rộng, tạo ra những ý nghĩa từ vựng mới cho từ. Điều đặc biệt trong tiếng Hàn, căn tố có thể là hình vị tự do song cũng có thể là các hình vị hạn chế.

Khái niệm thân từ là chỉ vào cả tổng thể hoàn chỉnh của bộ phận mang ý nghĩa từ vựng trong từ. Thân từ được chắp dính với các đuôi từ ngữ pháp (phụ tố biến đổi dạng thức) ở phía sau để tổ hợp nên các cấu trúc cú pháp. Nói cách khác, nếu căn tố là thành phần cố định không thay đổi trong quá trình cấu tạo từ thì thân từ là thành phần cố định của từ khi tham gia hoạt động ngữ pháp, biến đổi dạng thức.

Ngược lại với căn tố, phụ tố do các hình vị hạn chế đảm nhiệm, có nét ý nghĩa phụ không rõ ràng và nó không có khả năng hoạt động độc lập, được chắp dính vào thân từ hay căn tố để tạo nên những từ mới (cấu tạo từ) hay biểu hiện một quan hệ ngữ pháp nào đó (biến đổi dạng thức). Chính vì vậy mà phụ tố được chia thành hai loại mà ở đây tác giả sử dụng thuật ngữ là các phụ tố phái sinh và phụ tố biến đổi dạng thức.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Phân tích đối chiếu từ chỉ quan hệ họ hàng trong tiếng Hàn và tiếng Việt (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)