Tác động đến quan hệ EU Việt Nam

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mở rộng liên minh châu âu ( EU) nhìn từ góc độ địa chính trị (Trang 96 - 114)

CHƯƠNG 3 : TÁC ĐỘNG ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA VIỆC MỞ RỘNG EU

3.4 Tác động đến quan hệ EU-ASEAN và EU Việt Nam

3.4.2 Tác động đến quan hệ EU Việt Nam

Tại EU, các quốc gia giàu mạnh vẫn đi kèm với lượng dân số đông đảo. Còn tại ASEAN, các quốc gia giàu nhất thường là quốc gia nhỏ (như Singapore, Brunei). Mức thu nhập của các quốc gia thành viên ASEAN phân bổ từ mức giàu nhất cho tới nghèo nhất trên thế giới. Khoảng cách phát triển giữa các vùng miền trong ASEAN rất rõ rệt, đặc biệt là giữa nhóm nước phát triển hơn (ASEAN 6) và nhóm các nước gia nhập sau của ASEAN (CLMV – gồm Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam). Đây cũng chính là nguyên nhân khiến cho tiềm năng hợp tác ở cấp khu vực ASEAN với EU chưa thực sự thực chất và triển vọng. Và EU chọn cách hợp tác riêng lẻ với từng quốc gia thành viên ASEAN hơn là hợp tác cả khối. Trong đó, Việt Nam là một quốc gia nhận được nhiều sự quan tâm và ưu ái từ tổ chức này.

Sau hai lần mở rộng gần đây nhất về phía Đông - Trung Âu là những quốc gia đã có quan hệ bạn bè truyền thống với Việt Nam từ thời Liên Xô chưa tan rã thì cơ hội cho Việt Nam cũng được tăng cao. EU mở rộng tạo ra một thị trường lớn hơn, đa dạng hơn cho hàng xuất khẩu của Việt Nam nhưng cũng tạo ra nhiều rào cản hơn

bởi các nước bạn hàng cũ của Việt Nam giờ là thành viên của EU sẽ bị hạn chế bởi

những “tiêu chuẩn EU”.

Năm 1995, Việt Nam ký Hiệp định khung về hợp tác và phát triển với EU. Tiếp đó là những kế hoạch và chương trình nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai bên. Đến năm 2010, Việt Nam và EU hoàn thành đàm phán và ký tắt Hiệp định đối tác, hợp tác toàn diện (PCA). Trong thời gian tới, hai bên đang có kế hoạch đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (VN-EU FTA). Với tính chất là một cam kết mở cửa thị trường mạnh và sâu, VN-EU FTA nếu được ký kết sẽ có tác động rất lớn đến từng ngành và toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.

Quan hệ thương mại song phương Việt Nam - EU đang tiến triển tích cực. Trong vòng 11 năm từ năm 2000 đến năm 2011, kim ngạch quan hệ thương mại Việt Nam – EU đã tăng 4,3 lần, từ mức 4,1 tỷ đô la năm 2000 lên 17,75 tỷ đô la năm 2010; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU tăng 4 lần từ 2,8 tỷ đô la lên 11 tỷ đô la và nhập khẩu của Việt Nam từ EU tăng 4,89 lần, từ 1,3 lên 6,3 tỷ USD. Trong khoảng 4 năm trở lại đây, trừ thời gian khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt khoảng 25%. Riêng hai tháng đầu năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và EU đạt 3,08 tỷ đô la, tăng 28% so với cùng kỳ năm trước [103].

Trong quan hệ đầu tư, EU là đối tác đầu tư FDI hàng đầu vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 31 tỷ USD. Các nhà đầu tư EU đã có mặt tại hầu hết các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam nhưng tập trung nhiều nhất vào công nghiệp và xây dựng (chiếm 50,1% số dự án và 50,6 % tổng vốn đầu tư), trong đó công nghiệp nặng có 180 dự án với tổng vốn đầu tư gần 4,2 tỷ đô la, tiếp theo là khai thác dầu khí 19 dự án với 2,5 tỷ đô la. EU đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ khoảng 40 % số dự án và 42 % tổng vốn đầu tư) [103].

Tiềm năng về hợp tác song phương Việt Nam và EU còn rất lớn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam và các nước ASEAN đang hướng đến sự hội nhập đầy đủ trong Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như vai trò đang ngày càng được khẳng định của EU tại khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, một số nước ASEAN như Malaysia,

Singapore đang tiến hành đàm phán các Hiệp định Thương mại tự do song phương (FTA) với EU. Việt Nam và EU cũng đang xem xét khả năng đàm phán Hiệp định FTA song phương trong thời gian tới. Hiệp định này không những góp phần khai thác tiềm năng hợp tác thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và EU mà còn góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế giữa ASEAN và EU nói chung.

Với mục tiêu chiến lược của EU trong quan hệ đối ngoại là tạo lập một châu Âu ổn định với tiếng nói có trọng lượng trên trường quốc tế, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng và thúc đẩy thương mại toàn cầu, góp phần gìn giữ an ninh nhân loại, EU mở rộng tạo ra một khu vực hòa bình rộng lớn hơn ổn định hơn và vai trò của nó trong các vấn đề quốc tế cũng tăng hơn, tăng cường an ninh quốc tế và do đó Việt Nam được hưởng lợi. Việt Nam với chủ trương đa dạng các mối quan hệ đối ngoại với các cường quốc và trung tâm quyền lực trên thế giới trong đó có EU; nhằm làm giảm bớt nguy cơ bị can thiệp từ các nước lớn. EU là một trong những chàng khổng lồ “hào hiệp” của Việt Nam ở phía Tây.

KẾT LUẬN

Mở rộng EU khi được nhìn từ góc độ ĐCT có thể cho ta thấy được cái nhìn bao quát và mang tính chiến lược trong một thế giới ngày càng nhỏ hẹp hơn bởi những liên kết khu vực và toàn cầu. Nó là một cách nhìn mang tầm vĩ mô, được quan sát từ trên cao và dựa trên những thực tế phát triển của lịch sử trong suốt chiều dọc của thời gian và chiều rộng của không gian, qua đó mà không chỉ đánh giá, nhìn nhận được một cách bao quát mà còn có khả năng dự đoán xu hướng phát triển của QHQT nói chung và khu vực nói riêng gắn liền với những chiến lược ĐCT.

Trong tương lai gần, xét về mặt lợi ích ĐCT, EU sẽ tiếp tục theo đuổi chính sách mở rộng Liên minh và đồng thời sẽ tăng cường liên kết nội khối. Tuy nhiên, điều này thực sự là một viễn cảnh khó khăn cho Liên minh bởi nó còn phải khắc phục quá nhiều những vấn đề nội tại trước khi nghĩ đến việc can thiệp ra bên ngoài hoặc tham vọng ĐCT lớn hơn nữa, bao trùm toàn châu Âu và vượt đến các vùng lân cận có lợi ích chiến lược với EU.

Một lực cản nữa là khả năng tiền tệ có thể làm chậm tiến trình mở rộng trong tương lai của EU. Các nhà bình luận cho rằng gần đây vấn đề tài chính và khủng hoảng nợ quốc gia của EU đã ảnh hưởng đến các nước Eurozone và gây ra một số quan ngại về tương lai chung của EU. Các nhà lãnh đạo EU đang phải vật lộn không chỉ với cố gắng để khắc phục khó khăn tài chính của khu vực châu Âu, mà còn với sự không chắc chắn về hướng đi tương lai của chính EU. Khó khăn kinh tế của EU có thể khiến cho việc gia nhập Liên minh, và cuối cùng là gia nhập khu vực đồng tiền chung kém hấp dẫn đối với một số ứng cử viên EU hiện tại và tiềm năng bởi trong nhiều thập kỷ, nhiều quốc gia mong muốn gia nhập EU chủ yếu cho các lợi ích kinh tế mà thành viên sẽ mang lại. Kết quả là, họ có thể ít có khuynh hướng mạnh mẽ thúc đẩy chương trình nghị sự mở rộng.

Mô hình châu Âu bị thay đổi bởi sự mở rộng nhanh chóng về phía Đông, tăng gấp đôi số lượng quốc gia và theo đuổi các quốc gia rất nghèo. Việc quản trị sẽ phức tạp bởi EU được pha trộn bởi quá nhiều nền văn hóa. Phải đối mặt với sự thật là việc thanh lọc sắc tộc là một thực tế hàng ngày ở châu Âu, ngay cả trong Vương

quốc Anh. Vì vậy, mong đợi sự tăng trưởng rộng lớn các khu vực kinh doanh kinh tế song song với những căng thẳng ngày càng tăng về kinh tế, bài ngoại, và oán giận hằn thù nội bộ là một điều rất khó thực hiện ở EU, đặc biệt với mô hình quản trị chưa thực sự hiệu quả hiện nay.

Chính sách mở rộng của EU sẽ hiệu quả hơn nếu nó được tiến hành bằng các bước đi thận trọng và phù hợp với năng lực thực tế của Liên minh, như tổ chức này đã từng đạt được trong quá khứ (trước thời điểm mở rộng lần thứ 5) dựa trên thực lực kinh tế. Liên minh này sẽ không đến mức rơi vào khủng hoảng trầm trọng như hiện tại nếu nó không gồng mình quá sức cho việc mở rộng chóng vánh và có phần dễ dãi sau Chiến tranh Lạnh. Chính điều đó đã dẫn đến tình trạng “chín ép” của EU và nảy sinh ra hàng loạt vấn đề gây cản trở cho sự phát triển chung của khối cũng như của từng quốc gia EU.

Điểm khác nhau lớn nhất trong chính sách hội nhập EU trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh và chính sách mở rộng sau Chiến tranh Lạnh đó là ý đồ ĐCT. Và sự thất bại có thể đoán trước đang đến với Liên minh này là một bài học kinh nghiệm lớn. Nếu quá đặt nặng vấn đề lợi ích ĐCT trong chiến lược mở rộng mà không quan tâm đến những vấn đề cốt lõi sống còn của Liên minh như kinh tế thì không thể có bước đi vững chắc cho sự mở rộng và hội nhập sâu của EU. Bởi khi đạt được lợi ích ĐCT bằng cách này, EU cũng đồng thời dần đánh mất ưu thế hàng đầu của nó là sức hấp dẫn về kinh tế, ổn định xã hội và an ninh. Và chính sự sa sút có ý nghĩa quyết định này lại chính là nguyên nhân phá vỡ ưu thế ĐCT mà EU đã đạt được.

Các kịch bản có khả năng nhất cho tương lai của EU trong thập kỷ tiếp theo là một nửa sẽ được tiến bộ chậm nhưng ổn định hướng tới hội nhập, được tổ chức trở lại bởi sự đa dạng phong phú của nền văn hóa và vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế. Một châu Âu lớn hơn có thể không được xây dựng mà không có sự quản trị mạnh mẽ và tầm nhìn xa trông rộng của lãnh đạo EU, nhưng đây là hai vấn đề đáng chú ý và khó khăn đối với EU hiện nay.

Trong hơn một thập kỷ qua, mở rộng EU được đánh giá như một thành công lớn về chính sách đối ngoại của EU. Việc mở rộng sẽ tạo ra những đường biên giới

mới của EU và đem lại người hàng xóm mới là nước Nga, các quốc gia độc lập mới phía Đông và vùng Nam Địa Trung Hải. Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương là vẫn không thể thiếu được cho dù có những căng thẳng mới đây. Châu Âu có khả năng tốt hơn để đạt được những gì mình muốn trên thế giới khi hợp tác với Mỹ, nước mà dù thế nào vẫn là lãnh đạo tự nhiên của các thể chế điều hành toàn cầu mà họ góp phần hơn bất kỳ ai khác để tạo ra. Và tất nhiên, EU rất cần có quan hệ chặt chẽ với các đối tác chính khác, các đồng minh truyền thống và EU chia sẻ các giá trị và lòng tin, cụ thể là các đối tác G8 và các cường quốc đang lên như Trung Quốc, Ấn Độ, các tổ chức, diễn đàn khu vực và liên khu vực (APEC, ASEM).

EU mở rộng tạo cho châu Á rất nhiều kinh nghiệm đáng quý trong quá trình hội nhập khu vực của mình như tiến trình liên kết ASEAN, liên kết Đông Á. Nó làm EU mở rộng làm đa dạng thêm mối quan hệ Âu-Á trong đó châu Á sẽ được hưởng lợi khá nhiều và EU cũng gặt hái thêm không ít thành công. Với các vấn đề chính trị, quan hệ Á-Âu có thể trở nên gắn kết hơn. Dân chủ và bảo vệ nhân quyền là một phần những giá trị của EU, và thông qua mối quan hệ song phương, nhiều nước châu Á sẽ đạt được nhiều tiến bộ về những điều này.

Nhìn chung, các nước đều mong muốn EU mở rộng sẽ góp phần củng cố hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực, đồng thời tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới, sử dụng sức mạnh và uy tín của mình giải quyết các xung đột trên thế giới. Tuy nhiên, EU mở rộng cũng tạo ra không ít những thách thức cho các nước trong quan hệ song phương cũng như đa phương với EU. Vì vậy, bên cạnh việc ủng hộ EU mở rộng, tranh thủ những cơ hội để tăng cường hợp tác kinh tế, chính trị… các nước cũng có những đối sách để vượt qua các thách thức, đặc biệt là nâng cao vị thế của mình trong cuộc cạnh tranh với EU mở rộng.

Những khủng hoảng gần đây của EU về kinh tế đã chứng minh được một điều: tổ chức này chưa đủ lực để cường tráng và vì thế khó có thể tự tin để tiếp tục đi xa hơn, gánh vác những trách nhiệm nặng nề hơn bởi những lợi ích lâu dài mà Liên minh đang hướng đến. Tuy nhiên, EU đã đi một chặng đường dài và đang ngày càng tiệm cận với cái đích cuối cùng. Và đó là lý do khiến cho Liên minh vẫn tiếp tục nỗ lực, bằng mọi cách có thể để đi hết con đường đó. Thế giới hy vọng những

khó khăn trở ngại mà chàng khổng lồ non trẻ này đang phải đối mặt sẽ chỉ là những viên đá tảng thách thức trên con đường thành công của EU.

Tóm lại, dù còn nhiều bất cập trong tiến trình hội nhập EU và khả năng mở

rộng hơn nữa của tổ chức này trong tương lai, nhưng Mở rộng là thành công lớn

nhất mà EU có được trong lĩnh vực chính sách đối ngoại. Tuy toàn bộ tiềm năng của việc mở rộng sẽ không đến cùng lúc… Việc mở rộng kêu gọi một Tinh thần châu Âu cao hơn nữa. Điều này đúng với các thể chế nhưng cũng đúng về phương diện chính trị. Không một quốc gia châu Âu đơn lẻ nào đủ lớn, đủ mạnh để tiếng nói của mình có thể được quan tâm khi họ chọn cách hành động một mình. Ý kiến

của R.Prodi – Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã thể hiện rõ thực trạng, mong muốn cũng như niềm tin vào tiến trình mở rộng EU. Bởi chính sách này không chỉ phản ánh mong muốn của một bộ phận lớn công dân châu Âu mà nó còn xuất phát từ đòi hỏi có tính chất lịch sử và mang ý nghĩa sống còn với cả một châu lục, đặc biệt, nó là hệ quả tất yếu của yêu cầu mang tính ĐCT đối với tổ chức này.

Có thể nói, mặc dù luận văn có những đóng góp nhất định nhưng bản thân người viết luận văn cũng nhận định được việc nghiên cứu địa chính trị về sự mở rộng của EU song song với mở rộng NATO thì chặt chẽ hơn và sẽ cho thấy được tác dụng của lý thuyết địa chính trị một cách rõ ràng hơn cùng với những khiếm khuyết của nó. Vì thực tế địa chính trị phục vụ mục tiêu bành trường để giành và giữ các nguồn lợi kinh tế, các vị trí có ý nghĩa chiến lược. Và như vậy, sự mở rộng của EU sẽ củng cố cho sự mở rộng của NATO trên cơ sở bù đắp các khiếm khuyết kinh tế - chính trị ở các vùng mở rộng mà sự mở rộng của NATO chưa làm được. Và đây cũng chính là hướng đi mà người viết sẽ hướng đến nếu có điều kiện để tiếp tục nghiên cứu, với mục đích đi đến cùng của con đường nghiên cứu khoa học một cách nghiêm túc.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO Tiếng Việt

1. Dương Kỳ Anh (2001), Những chuyện ít được kể giữa lòng châu Âu, Nxb Hội

Nhà văn, Hà Nội.

2. Phạm Tuấn Anh (2005), Một góc nhìn phương đông phương tây và cục diện thế

giới, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.

3. Đinh Văn Ân (2002), Thể chế - cải cách thể chế và phát triển, NXB Thống Kê,

Hà Nội.

4. Hà Hải Bình (2008), Sự mở rộng của NATO nhìn từ góc độ địa chính trị (luận

văn thạc sỹ chuyên ngành Quan hệ quốc tế, khoa Quốc tế học), ĐH

KHXH&NV-ĐHQGHN, Hà Nội.

5. Đỗ Quang Bình (1997), Khám phá Châu Âu, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

6. Zbigniew Brzezinski (1999), Bàn cờ lớn, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

7. William J.Clinton (1997), Chiến lược an ninh quốc gia: Sự cam kết và mở rộng,

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mở rộng liên minh châu âu ( EU) nhìn từ góc độ địa chính trị (Trang 96 - 114)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(123 trang)