Báo chí Cà Mau với chủ đề biển, đảo

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thông về biển, đảo trên báo chí cà mau (khảo sát báo cà mau, báo ảnh đất mũi, đài PT TH cà mau 2013) (Trang 28 - 36)

1 .Tính cấp thiết của đề tài

7. Kết cấu của luận văn

1.3.3 Báo chí Cà Mau với chủ đề biển, đảo

1.3.3.1 Khái quát địa lý kinh tế xã hội Cà Mau

Vị trí địa lý

Cà Mau là tỉnh ven biển ở cực nam của Việt Nam, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cà Mau là một vùng đất trẻ, mới được khai phá khoảng trên 300 năm.

Cà Mau là mảnh đất tận cùng của tổ quốc với 3 mặt tiếp giáp với biển, phía Đông giáp với biển Đông, phía Tây và phía Nam giáp với vịnh Thái Lan, phía Bắc giáp với 2 tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang. Cà Mau là vùng đất thấp, thường xuyên bị ngập nước. Hiện nay đang có hiện tượng bồi lở ở cả hai phía biển Đông và Tây. Đường biển của Cà Mau dài 254 km, trong đó có 107 km bờ biển Đông và 147 km bờ biển Tây. Biển Cà Mau tiếp giáp với vùng biển các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, và là trung tâm của vùng biển quốc tế ở Đông Nam Á.

Rừng Cà Mau là loại hình sinh thái đặc thù, rừng sinh thái ven biển ngập mặn được phân bố dọc ven biển với chiều dài 254 km. Bên cạnh đó, Cà Mau còn có hệ sinh thái rừng tràm nằm sâu trong lục địa ở các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình quy mô 35.000 ha. Diện tích rừng ngập mặn ở Cà Mau chiếm 77% rừng ngập mặn của vùng ĐBSCL.

Tình hình kinh tế - xã hội

Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Cà Mau (GDP) năm 2013 (theo giá hiện hành) ước đạt 34.595 tỷ đồng. Trong đó: khu vực ngư, nông, lâm nghiệp đạt 12.917 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37,3%; khu vực công nghiệp, xây dựng đạt 12.288 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 35,5%; khu vực thương mại, dịch vụ đạt 9.390 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,2%.

Năm 2013, sản lượng thủy sản ước đạt 441,64 nghìn tấn, đạt 101,76% kế hoạch, tăng 3,57% so cùng kỳ. Trong đó: tôm 148,14 nghìn tấn, đạt 101,47% kế hoạch, tăng 5,59% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng ước đạt 286,08 nghìn tấn, sản lượng khai thác thủy sản ước đạt 155,56 nghìn tấn.

Tỉnh có 4.654 phương tiện tàu thuyền khai thác hải sản, tổng công suất trên 468.000 CV, đứng thứ 2 vùng ĐBSCL, sau tỉnh Kiên Giang, có trên 80 cửa biển lớn, nhỏ.

Năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 1.050 triệu USD. Mặt hàng thủy sản vẫn là mặt hàng xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh, năm 2013 chiếm 97,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khối lượng hàng thủy sản xuất khẩu năm 2013 đạt 94.801 tấn.

Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 1.095.917 thuê bao điện thoại; trong đó có 987.235 thuê bao di động và 108.682 thuê bao cố định. Số thuê bao Internet toàn tỉnh hiện nay là 49.798 thuê bao; trong đó có 25.843 thuê bao ADSL, 1.053 thuê bao FTTH và 22.902 thuê bao 3G.

Cuối năm 2013 toàn tỉnh có tổng số 19.197 hộ nghèo, chiếm 6,49% tổng số hộ trên toàn tỉnh, giảm 1,75%; 12.254 hộ cận nghèo, chiếm 4,14%, giảm 0,33% so đầu năm 2013. Trong số 19.197 hộ nghèo có 144 hộ thuộc diện người có công, 2.563 hộ thuộc người dân tộc thiểu số, 1.096 hộ thuộc diện bảo trợ xã hội, còn lại 15.421 hộ thuộc hộ nghèo bình thường.

1.3.3.2 Khái lƣợc lịch sử hình thành và phát triển của Báo Cà Mau, Báo ảnh Đất Mũi, Đài PT-TH Cà Mau

Đài PT-TH Cà Mau

Đài PT – TH Cà Mau (CTV) được thành lập theo Quyết định số 353/QĐ- UBND ngày 4/4/1977 của UBND tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau) và phát sóng chính thức ngày 19/8/1977, công suất máy phát thanh 1KW do Trung Quốc sản xuất. Năm 1996 được nâng lên 10KW, máy phát hiệu Harris do Hoa Kỳ sản xuất. CTV phát sóng truyền hình màu chính thức vào ngày 19/8/1988. Hiện nay, CTV phát sóng phát thanh FM công suất 10KW thay sóng Am từ ngày 1/9/2008; kênh truyền hình CTV1 công suất 10KW phủ sóng trong toàn tỉnh Cà Mau và một số tỉnh lân cận; kênh truyền hình CTV2 công suất 5KW phủ sóng toàn tỉnh Cà Mau.

Ngoài ra, CTV còn được Trung ương đầu tư máy phát hình 10KW để thu và phát các chương trình của VTV1 và đầu tư hơn 13 tỷ đồng để trang bị xe truyền

hình lưu động hoạt động từ 2/2007; tỉnh đầu tư kinh phí nhập thiết bị truyền dẫn tín hiệu đưa chương trình CTV phát trên kênh 25 mạng truyền hình cáp Sài Gòn tourist (SCTV) ngày 15/7/2008; mạng truyền hình cáp Tây Đô (TP Cần Thơ) ngày 19/8/2008. Từ ngày 30/4/2013 được Bộ Thông tin – Truyền thông cấp phép tăng thời lượng phát sóng truyền hình 24/24 giờ.

Với 3 loại hình báo chí: Phát thanh, truyền hình và Website, Đài PT-TH Cà Mau luôn đổi mới và nâng cao chất lượng chương trình, phản ánh kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trong năm 2013 tổng số đề tài được phát sóng trên sóng phát thanh truyền hình là 66.461 đề tài, tổng thời lượng phát sóng trên 32.010 giờ, trên website cập nhật 3.240 tin, 39 phóng sự.

Báo Cà Mau

Ngày 21/6/2008, nhân kỷ niệm 83 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, Báo Cà Mau đón nhận Huân chương lao động hạng nhì. Tiền thân là báo Chiến chỉ vẻn vẹn 5-7 người, sau là Báo Minh Hải, Báo Cà Mau là Cơ quan của Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam tỉnh Cà Mau - Tiếng nói của Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Cà Mau, trực thuộc Tỉnh ủy Cà Mau. Cơ cấu tòa soạn hiện nay có 3 phòng chức năng: Phòng Tổ chức- Hành chính, Phòng Biên tập và Phòng phóng viên. Báo Cà Mau hiện có một tờ báo in, khổ 30x40 cm, 12 trang, trong đó có 4 trang in 4 màu ( trang 1, trang 6-7 và trang 12), còn lại 8 trang in 2 màu, xuất bản 4 kỳ/tuần vào các ngày (Thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu và thứ Bảy) và Trang Báo Cà Mau điện tử: http//www.baocamau.com.vn.

Hiện nay, Báo Cà Mau có 48 cán bộ, nhân viên, trong đó 20 phóng viên, nhà báo trực tiếp sáng tạo tác phẩm báo chí, có trình độ Đại học trở lên với nhiều chuyên ngành khác nhau như: Báo chí, Ngữ Văn, Luật, Quản trị kinh doanh, Kỹ sư nông nghiệp, Kỹ sư công nghệ thông tin. Đây là đội ngũ nòng cốt thực hiện tất cả tin, bài, ảnh cho từng số báo theo định kỳ. Báo Cà Mau có 30 chuyên trang với nhiều chuyên mục luân phiên nhau trên mặt báo.

Báo ảnh Đất Mũi

Báo ảnh Đất Mũi, tiền thân là tờ tin ảnh trực thuộc Ty Văn hoá – Thông tin Minh Hải, được thành lập ngày 27/11/1979. Ngày 19/02/1990, UBND tỉnh Minh

Hải (nay là tỉnh Cà Mau) quyết định chuyển Báo ảnh Đất Mũi trực thuộc UBND tỉnh Cà Mau kể từ ngày 1/3/1990 và hoạt động cho đến nay.

Trải qua 35 năm hình thành, tồn tại và phát triển, Báo ảnh Đất Mũi đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân. Hiện nay, Báo ảnh Đất Mũi là tờ báo ảnh duy nhất của các tỉnh, thành trong cả nước (chỉ Trung ương có Báo ảnh Việt Nam).

Báo ảnh Đất Mũi có ban lãnh đạo là Ban biên tập, 5 phòng trực thuộc, có văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tổng số cán bộ, nhân viên 45 người, hiện có 27 người có trình độ đại học các chuyên ngành. Ngoài ra, còn có 1 hội nghề nghiệp là chi hội nhà báo với 18 hội viên.

Báo ảnh Đất Mũi có 5 ấn phẩm và báo điển tử, gồm: Báo ảnh Đất Mũi chính, phát hành thứ hai hàng tuần, Báo Đất Mũi cuối tuần, phát hành thứ năm hàng tuần, Báo Đất Mũi Nguyệt san, phát hành hàng tháng, phụ trương Cơ hội vàng, phát hành hàng tháng, báo song ngữ Việt – Khmer, phát hành hàng tháng, Báo Đất Mũi điện tử (www.baoanhdatmui.com.vn).

Trong các ấn phẩm trên, Báo ảnh Đất Mũi giữ vai trò tuyên truyền, phổ biến đường lối, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài tỉnh Cà Mau. Những thông tin biển đảo thường xuyên được phản ánh trên tờ báo này.

1.3.3.3 Báo chí Cà Mau với công tác truyền thông về biển, đảo

Trong năm 2013, ngoài thực hiện công tác tuyên truyền các nội dung biển, đảo theo Hướng dẫn 74 của Ban Tuyên giáo Trung ương, các cơ quan thông tin đại chúng của Cà Mau còn tập trung thực hiện nhiệm vụ thông tin biển, đảo theo Kết luận số 119- KL/TU ngày 13/12/2012 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Cà Mau tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khoá X) và Chương trình hành động của Tỉnh uỷ (Khoá XIII) về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”.

Trên cơ sở xác định những mặt hạn chế trong việc thực hiện Chiến lược biển tại Cà Mau như kinh tế vùng ven biển có điểm xuất phát rất thấp, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế biển, đảo; cơ cấu ngành kinh tế chủ yếu là khai thác, nuôi trồng

thuỷ sản và một vài điểm du lịch nhỏ, chưa có điều kiện để phát triển quy mô lớn; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa được đầu tư đồng bộ; kinh tế cụm đảo chưa phát triển; tình trạng sạt lở ven biển, ven sông xảy ra ngày càng nhiều đe doạ tính mạng và tài sản của nhân dân. Đồng thời, tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển các nước trong khu vực trong khai thác thuỷ sản còn xảy ra, dù ngành chức năng đã tập trung tuyên truyền giáo dục răn đe, ngăn chặn việc hợp đồng khai thác trái phép với các nước lân cận nhưng chưa có hiệu quả. Kết luận 119 cũng đã đưa ra một số chủ trương giải pháp chỉ đạo các ngành, các cấp trong tỉnh Cà Mau thực hiện.

Theo đó, Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ lãnh, chỉ đạo Báo Cà Mau, Báo ảnh Đất Mũi, Đài PT - TH Cà Mau thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân với nhiều nội dung và hình thức về vị trí, vai trò, tiềm năng thế mạnh của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp phát triển kinh tế và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cho ngư dân vùng biển về Luật Biển để hạn chế tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển các nước trong khu vực; bảo vệ vững chức chủ quyền, an ninh biển đảo quốc gia; thông tin về đề án chuyển đổi ngành nghề cư dân ven biển để hạn chế các hình thức khai thác thuỷ sản ven bờ, huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản; cảnh báo thiên tai, đặc biệt là tình trạng sạt lở đất ven biển, ven sông …

Ban Tuyên giáo Cà Mau xác định công tác tuyên truyền biển, đảo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục của đơn vị; từ đó quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm việc thực hiện công tác tuyên truyền biển, đảo, nhất là trên các cơ quan truyền thông đại chúng của tỉnh.

Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Cà Mau, Cà Mau có chiến lược biển, đảo riêng. Thời gian qua, các cơ quan thông tin trong tỉnh đã tuyên truyền rất tốt về biển, đảo, nội dung tuyên truyền rất sát với chiến lược biển Việt Nam nói chung, của Cà Mau nói riêng. Báo, đài thường xuyên tuyên truyền để nhân rộng các cách làm hay, các mô hình hiệu quả trong hoạt động khai thác thuỷ sản, giữ gìn và bảo vệ an ninh trên biển, cổ vũ các hoạt động tham gia giữ vững chủ quyền biển, đảo của ngư dân.

Ông Đỗ Kiến Quốc, Giám đốc Đài PT-TH Cà Mau, tự khẳng định rằng, các bài viết, chuyên trang, chuyên mục trên trên sóng phát thanh, truyền hình phản ánh khá phong phú, đa dạng, sinh động từ hình thức thể hiện đến nội dung, phân tích làm rõ những định hướng cơ bản về chiến lược phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển, đảo của quốc gia, tỉnh, những nhiệm vụ và giải pháp của tỉnh trong phát triển kinh tế biển đến năm 2020, kế hoạch của các sở, ngành và địa phương ven biển thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh uỷ Cà Mau.

Lãnh đạo Báo Cà Mau cũng đã xác định: tuyên truyền nội dung biển, đảo là nhiệm vụ thường xuyên của Báo Cà Mau. Theo đó, Báo Cà Mau tập trung thông tin chiến lược biển quốc gia, những chủ đề biển, đảo nổi bật của Cà Mau. Báo Cà Mau đang mở rộng liên kết với các ngành có liên quan để phát huy hiệu quả truyền thông biển đảo.

1.3.3.4 Đặc điểm công chúng Cà Mau

Theo số liệu Điều tra Dân số của Cục Thống kê tỉnh Cà Mau, đến 31/12/2012, dân số tỉnh Cà Mau có 1.219.128 người, xếp vị trí thứ 8 và bằng 7,01% dân số vùng ĐBSCL, bằng 1,37% dân số cả nước; mật độ dân số 230 người/km2, mật độ dân số tỉnh Cà Mau thấp nhất trong các tỉnh ĐBSCL, bằng 53,34% mật độ dân số vùng ĐBSCL và bằng 86,92% mật độ dân số cả nước. Trong đó: Dân số thành thị Cà Mau 263.124 người, chiếm 21,58% dân số của tỉnh, xếp vị trí thứ 7 và chiếm 6,29% dân số thành thị vùng ĐBSCL. Tỷ lệ dân số sống ở thành thị của Cà Mau thấp hơn tỷ lệ chung của toàn vùng (toàn vùng tỷ lệ dân số sống ở thành thị 22,84%).

Dân số nông thôn Cà Mau 956.004 người, chiếm 78,42% dân số của tỉnh, xếp vị trí thứ 8 và chiếm 7,22% dân số nông thôn vùng ĐBSCL. Tỷ lệ dân số sống ở nông thôn của Cà Mau cao hơn tỷ lệ chung của toàn vùng (toàn vùng tỷ lệ dân số sống ở nông thôn 77,16%). Tỷ lệ dân cư vùng biển chiếm 30% dân số toàn tỉnh.

Tổng số lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế của tỉnh là 670.448 người. Cơ cấu lao động theo ngành chủ yếu vẫn là nông nghiệp và thủy sản. Số lao động được đào tạo và có tay nghề, kỹ thuật khoảng 110.000 người, sơ cấp nghề có 30.000 người, trung học chuyên nghiệp 5.000 người, cao đẳng, đại

học, trên đại học là 6.500 người. Tỷ lệ lao động ở khu vực I (Nông – lâm – ngư) vẫn chiếm tỷ lệ cao là 74%.

Giữa thu nhập, học vấn và thời gian làm việc trong các ngành có mối quan hệ với nhau. Trình độ học vấn thấp chủ yếu là làm trong nông nghiệp và nằm ở nhóm thu nhập thấp. Ở các nhóm thu nhập thấp thời gian làm việc trong nông nghiệp nhiều 55 – 57%, thời gian làm việc trong công nghiệp, xây dựng vào khoảng 15%, và dịch vụ dưới 10%. Nhưng ở nhóm thu nhập cao, thời gian làm việc trong nông nghiệp khoảng 20%, làm công nghiệp và xây dựng khoảng 25 – 30%, làm việc trong lĩnh vực dịch vụ chiếm 30%. Ở Cà Mau, phần lớn thời gian làm việc là trong nông nghiệp 50%, công nghiệp, xây dựng khoảng 18%, và dịch vụ 18%.

Từ những đặc điểm trên đây cho thấy, nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng Cà Mau rất cao.

Tiểu kết chƣơng 1

Trên đây là những thông tin cơ bản về vấn đề biển, đảo, đặc biệt là hệ thống những quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đối với vấn đề biển, đảo, cũng như những định hướng tuyên truyền về biển đảo. Đây sẽ là cơ sở cho những phân tích, lý luận về nội dung thông tin về biển, đảo trên báo chí. Chương 1 cũng trình bày nhiệm vụ to lớn của báo chí trong công tác tuyên truyền biển, đảo. Trên cơ sở đó, sẽ tiến hành khảo sát các bài viết về biển, đảo trên Báo Cà Mau, Báo ảnh Đất Mũi, Đài PT-TH Cà Mau; đồng thời phân tích những ưu, khuyết điểm trong nội dung và hình thức tuyên truyền chủ đề trên các phương tiện thông tin đại chúng này.

Tuyên truyền chủ đề biển đảo trên 3 cơ quan thông tin đại chúng chính của Cà Mau nằm trong dòng chảy thông tin biển đảo quốc gia với những nội dung được định hướng theo Hướng dẫn 74 của Ban Tuyên giáo Trung ương nhưng sẽ có những điểm đặc trưng riêng khi thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền những chương trình hành động và thành tựu chiến lược biển riêng của Tỉnh.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thông về biển, đảo trên báo chí cà mau (khảo sát báo cà mau, báo ảnh đất mũi, đài PT TH cà mau 2013) (Trang 28 - 36)