I. Nội dung quy luật:
1. Phủ định biện chứng:
- “Phủ định”: là khái niệm nói lên quá trình vận động của sự vật, hiện tượng. Trong đó sự vật, hiện tượng này thay thế cho sự vật, hiện tượng khác.
- “Phủ định biện chứng”: là phủ định mà trong đó cái mới ra đời thay thế cho cái cũ. Cái mới làm tiền đề, tạo điều kiện cho sự phát triển của sự vật, hiện tượng. Phép biện chứng duy vật cho rằng: sự diệt vong của cái cũ và sự ra đời của cái mới, sự thoái hóa và sự phát triển có liên hệ nội tại với nhau. Không có mặt này cũng không có mặt kia.
“Phủ định trong phép biện chứng không chỉ có ý nghĩa đơn giản là nói không hoặc giả là tuyên bố rằng một sự vật không tồn tại, hay phá hủy sự vật ấy theo một cách nào đó… Cho nên phải thiết lập sự phủ định thứ nhất như thế nào cho sự phủ định lần thứ hai vẫn có khả năng thực hiện được hay trở thành có khả năng thực hiện được” (Ăngghen “Chống Đuy-rinh”, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 230-321).
- Đặc trưng của phủ định biện chứng: Thứ nhất: Tính khách quan
Thứ hai: Tính kế thừa
Phủ định biện chứng là kết quả của sự tự thân phát triển trên cơ sở những mâu thuẫn vốn có của sự vật và hiện tượng nên nó không thể là một sự phủ định tuyệt đối, một sự phủ định sạch trơn.
Phép biện chứng duy vật coi sự kế thừa là nội dung cơ bản của phủ định biện chứng.
2. Nội dung quy luật:
Tất cả mọi sự vật, hiện tượng đều luôn luôn vận động, phát triển, quá trình đó cũng là quá trình phủ định lẫn nhau của các mặt đối lập. Khuynh hướng tất yếu của sự vận động là: cái mới thay thế cho cái cũ, cái mới làm tiền đề tạo điều kiện cho sự phát triển của sự vật, hiện tượng. Nhưng sự phát triển có tính chu kỳ.
a. Tính chu kỳ của sự phát triển:
Từ một điểm xuất phát (A) qua một số lần phủ định biện chứng (B(n)) sự vật dường như lặp lại điểm xuất phát (A’) nhưng trên cơ sở cao hơn.
┤A → B(n) →A’├ →
- Sự phủ định biện chứng lần thứ nhất (B) là bước trung gian trong sự phát triển. Trình độ mới của (A) phải qua (B) mà được thực hiện chứ không phải (B) là giai đoạn cao hơn (A).
- Sự phủ định biện chứng lần thứ hai (A’) là phủ định của phủ định.
- (A’) là giai đoạn kết thúc của một chu kỳ phát triển đồng thời lại là điểm xuất phát của một chu kỳ phát triển mới.
- Để hoàn thành một chu kỳ phát triển, sự vật hiện tượng phải trải qua ít nhất hai lần phủ định biện chứng.
b. Hình thức và khuynh hướng của sự phát triển:
Quy luật phủ định của phủ định khái quát tính tất yếu tiến lên của sự vận động của sự vật và hiện tượng. Sự phát triển đi lên đó không diễn ra theo con đường thẳng mà theo đường “xoáy ốc”.
Lênin viết: “Một sự phát triển hình như diễn lại những giai đoạn đã qua nhưng dưới một hình thức khác ở một trình độ cao hơn (phủ định của phủ định),
một sự phát triển có thể nói là theo đường xoáy ốc chứ không theo đường thẳng (Lênin toàn tập, T.26, Nxb Tiến bộ, Maatsxcơva, 1981, tr.65).
- “Đường xoáy ốc” biểu hiện các mặt của quá trình phát triển biện chứng: tính kế thừa, tính lặp lại, tính tiến lên của sự vận động.
- “Đường xoáy ốc” thể hiện tính phức tạp trong quá trình biến đổi, phủ định của sự vật. Mỗi vòng mới của đường xoáy ốc thể hiện tính vô tận của sự phát triển từ thấp đến cao.
3. Ý nghĩa phương pháp luận:
- Quy luật phủ định của phủ định giúp ta hiểu rằng quá trình phát triển không diễn ra theo đường thẳng mà rất quanh co, phức tạp, phải trải qua nhiều lần phủ định biện chứng, nhiều khâu trung gian.
- Là cơ sở lý luận để hiểu về sự ra đời của cái mới: trong thực tiễn xã hội, các quá trình diễn ra phức tạp, nhưng cái cũ nhất định sẽ mất đi, cái mới nhất định sẽ xuất hiện. Cái mới ra đời trên cơ sở kế thừa những yếu tố tích cực của cái cũ. Phải biết phát hiện cái mới, duy trì và phát triển cái mới.
- Phải có cách nhìn biện chứng khi phê phán cái cũ, kế thừa những yếu tố hợp lý của cái cũ. Tránh nhìn đơn giản trong việc nhận thức các sự vật, hiện tượng, đặc biệt là các hiện tượng xã hội. Cần chống lại hai khuynh hướng: kế thừa không chọn lọc hoặc phủ định sạch trơn.
Câu 14: Phân tích nội dung cặp phạm trù cái chung và cái riêng, từ đó rút ra ý nghĩa phương pháp luận
1. Khái niệm cái chung, cái riêng, cái đơn nhất.
Cái chung là phạm trù triết học dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ giống nhau ở nhiều sự vật, hiện tượng hay quá trình riêng lẻ.
Cái riêng là phạm trù triết học dùng để chỉ một sự vật, một hiện tượng, một quá trình riêng lẻ nhất định.
Cái đơn nhất là phạm trù triết học dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính chỉ có ở một kết cấu vật chất nhất định, mà không lặp lại ở kết cấu khác.
2. Mối quan hệ biện chứng giữa cái chung và cái riêng:
Chủ nghĩa duy vật biện chứng cho rằng cả cái riêng và cái chung đều tồn tại khách quan và quan hệ biện chứng với nhau.
- Cái chung thì tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng. Điều đó có nghĩa là cái chung thực sự tồn tại, nhưng chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng. Không có cái chung thuần túy, trừu tượng tồn tại bên ngoài cái riêng.
- Cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ đưa đến cái chung, bao hàm cái chung. Điều đó cho thấy là cái riêng tồn tại độc lập nhưng sự tồn tại độc lập đó không có nghĩa là cái riêng hoàn toàn cô lập với cái khác mà bất cứ cái riêng nào cũng nằm trong mối liên hệ đưa tới cái chung. Cái riêng không những chỉ
tồn tại trong mối liên hệ dẫn tới cái chung mà thông qua hàng nghìn sự chuyển hóa, nó còn liên hệ với cái riêng loại khác.
- Cái chung là bộ phận của cái riêng, còn cái riêng không gia nhập hết vào cái chung vì vậy cái riêng phong phú hơn cái chung. Bởi ngoài những đặc điểm gia nhập vào cái chung, cái riêng còn giữ lại những đặc điểm riêng biệt mà chỉ nó mới có. Trong khi đó, cái chung phải là cái sâu sắc hơn vì nó phản ánh những mối liên hệ ở bên trong, phổ biến tồn tại trong cái riêng cùng loại, nó gắn liến với các cái riêng, quy định sự tồn tại và phát triển của sự vật.
- Trong quá trình phát triển khách quan của sự vật, trong những điều kiện nhất định cái đơn nhất có thể biến thành cái chung và ngược lại cái chung có thể biến thành cái đơn nhất. Sỡ dĩ có tình trạng này là do trong hiện thực cái mới không bao giờ xuất hiện đầy đủ ngay trong một lúc mà lúc đầu xuất hiện dưới dạng đơn nhất cá biệt. Nhưng theo quy luật, cái mới nhất định sẽ phát triển mạnh lên, ngày càng trở nên hoàn thiện tiến tới trở thành cái chung. Ngược lại, cái cũ ngày càng mất dần đi từ chỗ là cái chung biến dần thành cái đơn nhất.
- Trong phạm vi khái quát của con người, cái được xem là cái chung trong quan hệ này lại có thể được xem là cái riêng, cái đơn nhất trong quan hệ khác.
3. Ý nghĩa phương pháp luận:
- Không được tuyệt đối hóa cái chung hay cái riêng mà phải thấy được mối quan hệ biện chứng giữa chúng. Nếu tuyệt đối hóa cái chung thì sẽ dẫn đến giáo điều chủ nghĩa, rập khuôn một cách máy móc. Ngược lại nếu tuyệt đối hóa cái riêng thì sẽ dẫn đến chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa tập thể phường hội, địa phương chủ nghĩa và chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi.
- Trong nhận thức và thực tiễn để phát hiện cái chung cần phải xuất phát từ những cái riêng, từ những sự vật, hiện tượng quá trình riêng lẻ cụ thể chứ không được xuất phát từ ý muốn chủ quan của chủ thể, và để giải quyết những vấn đề riêng một cách có hiệu quả thì không lảng tránh việc giải quyết những vấn đề chung, để tránh tình trạng sa vào mò mẫm tùy tiện.
- Trong hoạt động thực tiễn cần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cái đơn nhất chuyển hóa thành cái chung nếu cái đơn nhất đó có lợi, và cũng phải tạo điều kiện để cái chung chuyển hóa thành cái đơn nhất nếu cái chung đó là lạc hậu.
Câu 15: phân tích nội dung cặp phạm trù nguyên nhân và kết quả, từ đó rút ra ý nghĩa phương pháp luận.