Những thuận lợi và khó khăn trong việc chuyển đổi sang đào tạo

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sự thích ứng với hoạt động giảng dạy theo dào tạo tín chỉ của giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (Trang 40 - 48)

Chương 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI

1.3. Những thuận lợi và khó khăn trong việc chuyển đổi sang đào tạo

tạo theo tín chỉ ở Trƣờng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn hiện nay

* Thuận lợi

Thực hiện chủ trương đổi mới của nhà trường theo hướng hiện đại hoá các hoạt động giảng dạy và học tập nhằm nâng cao chất lượng đào tạo từng bước ngang tầm với khu vực và quốc tế, thì việc chuyển đổi từ phương thức

đào tạo theo niên chế sang đào tạo theo tín chỉ là một bước tiến quan trọng. Những mặt tích cực của phương thức đào tạo này không chỉ đem lại lợi ích cho người học mà còn mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Trước hết phải kể đến đối tượng trực tiếp chịu ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi này đó là người học, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên trong các nhà trường. Việc chuyển đổi sang đào tạo tín chỉ kèm theo việc thay đổi phương pháp dạy và học, cách thức quản lý đào tạo... mang đến sự chủ động tích cực của người học trong quá trình học tập của mình. Sinh viên có thể rút ngắn hoặc kéo dài thời gian học tập của mình sao cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của bản thân và gia đình; sinh viên được lựa chọn giảng viên và môn học mà mình yêu thích... Bên cạnh đó, người giảng viên phải chủ động học tập và nâng cao trình độ, tiếp thu những phương pháp giảng dạy mới, có cách thức tổ chức dạy học sao cho hiệu quả. Đồng thời người giảng viên phải luôn cập nhật kiến thức chuyên môn và kiến thức xã hội để phục vụ cho công tác giảng dạy và giáo dục sinh viên.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn là đơn vị đi đầu trong Đại học Quốc gia Hà Nội về việc đổi mới phương thức đào tạo. Nhà trường đã nhận được sự chỉ đạo và đầu tư kịp thời, sâu sát về các chính sách đối với giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất.... kịp thời khắc phục những khó khăn để dần từng bước thực hiện tốt các nhiệm vụ đặt ra theo yêu cầu của đào tạo tín chỉ.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn có đội ngũ cán bộ, giảng viên trình độ cao, thâm niên công tác lâu năm, nhiều kinh nghiệm, vì vậy rất thuận lợi cho việc tiếp thu những kiến thức mới về đào tạo tín chỉ và việc thích ứng với những yêu cầu của phương thức đào tạo theo tín chỉ được triển khai nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Ngày nay, công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông phát triển tốt vì vậy những thông tin về đào tạo tín chỉ trong và ngoài nước được

cán bộ, giảng viên, sinh viên cập nhật hàng ngày. Việc này đã phục vụ đắc lực cho công tác truyền thông được đẩy nhanh và kịp thời.

* Khó khăn

Khó khăn đầu tiên mà Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn gặp phải ngay từ khi tiến hành triển khai xây dựng đề án và làm các công tác chuẩn bị, đó là thiếu sự chỉ đạo thống nhất có tính cơ sở pháp lý của Bộ giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ. Hiện nay có rất nhiều trường đại học, đặc biệt là các trường đại học phía Nam đã triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ, tiêu biểu nhất là Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ…Nhiều trường đã tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ nhưng cách hiểu và cách tổ chức rất khác nhau. Việc tổ chức triển khai khác nhau như vậy sẽ là khó khăn cho việc xã hội hoá cao về đào tạo, việc chấp nhận kết quả học tập của sinh viên tích luỹ các học phần ở các trường khác nhau rất khó khăn. Tính xã hội hoá cao là một điều kiện không thể thiếu trong tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ. Ngoài ra còn vấn đề xây dựng chương trình đào tạo, Bộ đã có kế hoạch và khuyến khích các trường triển khai tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ, nhưng lại yêu cầu hoàn thành ngay chương trình đào tạo xây dựng trên cơ sở chương trình khung do Bộ ban hành, như vậy các trường sẽ phải tổ chức biên soạn chương trình nhiều lần, rất tốn thời gian, công sức, trí tuệ và tiền bạc.

Khó khăn thứ hai là vấn đề nhận thức về đào tạo theo tín chỉ. Khó khăn này tồn tại trong cả bộ máy quản lý điều hành và đặc bệt là đội ngũ cán bộ giảng dạy. Tổ chức đào tạo theo học chế tín chỉ là một cuộc cách mạng trong đào tạo. Không ít người ngại thay đổi. Nếu trong đội ngũ cán bộ mà nhiều người không hiểu đầy đủ, không chịu hiểu, hiểu không tới nơi tới chốn, hiểu một cách cơ học về đào tạo theo tín chỉ đều dẫn đến những sức cản ghê gớm. Năm đầu tiên số sinh viên học theo tín chỉ ra trường có thể chỉ đạt khoảng 50

% đến 60% có thể khiến cho người ta lo lắng, coi đó như là một thảm hoạ. Khi chuyển sang chương trình đào tạo theo tín chỉ người ta có cảm giác như bị cắt xén thời lượng đào tạo. Sự tích hợp môn học khiến nhiều người cảm thấy mình mất đi tính chủ động của riêng mình. Nhiều giảng viên thấy môn học của mình bấy lâu nay tồn tại đương nhiên, bắt buộc nay thành môn học tự chọn, họ sẽ cảm thấy như bị xúc phạm…Trong những trường hợp như vậy, người ta sẽ luôn đem vấn đề chất lượng làm chỗ dựa để phản kháng, để tranh thủ sự ủng hộ của lực lượng bảo thủ và làm cho các nhà quản lý lo lắng. Thói quen về việc học tập nề nếp, lớp sinh viên phải cố định, chặt chẽ, sinh viên phải ít biến động,…đó chính là lực cản trong quá trình nhận thức và tiếp nhận cái mới của đào tạo tín chỉ.

Thứ ba, để thực hiện các nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra của phương thức đào tạo tín chỉ thì phải cần có lực lượng cán bộ đủ về số lượng và năng lực.

Việc rút ngắn số giờ giảng lý thuyết trên lớp, tăng tự học có kiểm tra đánh giá, có hướng dẫn đối với sinh viên đòi hỏi phải thay đổi tư duy về cách tổ chức giảng dạy và phương pháp giảng dạy. Sự điều chỉnh như trên về chương trình giảng dạy khiến nhiều người rút gọn một cách cơ học nội dung giảng dạy. Nếu không thay đổi phương pháp giảng dạy, không có cách để kiểm soát hướng dẫn sinh viên tự học thì việc chuyển sang đào tạo theo tín chỉ không những không nâng cao chất lượng mà còn làm cho chất lượng giảm đi. Giảng viên sẽ không còn giảng tỉ mỉ, thậm chí là đọc chép như trước đây. Sự chủ động sẽ phải tăng lên từ phía sinh viên, 01 giờ lên lớp sinh viên phải tự học và nghiên cứu 02 giờ. Thực chất sinh viên phải làm việc nhiều hơn chứ không phải giảm đi. Nhiệm vụ chủ yếu của giảng viên là giảng dạy những điểm trọng yếu, hướng dẫn về phương pháp, nói cái mới, cung cấp danh mục tham khảo, soạn sách hướng dẫn tự học, yêu cầu sinh viên đọc phần nào, sau đó bằng mọi cách kiểm tra phần tự học bằng các bài tập, thuyết trình, kiểm tra đánh giá thường xuyên (không chỉ một lần giữa môn lấy 30% điểm như đào

tạo niên chế). Thay đổi phương pháp giảng dạy là gốc rễ để triển khai đào tạo theo tín chỉ. Về điểm này, cán bộ trẻ có thể thích ứng và điều chỉnh nhanh hơn, nhưng trình độ chuyên môn lại còn hạn chế. Nhà trường coi đây là một khó khăn cần khắc phục ngay từ khi chuẩn bị tổ chức đào tạo tín chỉ và là việc cần đặc biệt quán triệt tới toàn thể cán bộ giảng viên. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ quản lý đào tạo còn thiếu, chưa quen tổ chức quản lý theo hình thức mới, khả năng vận dụng khoa học quản lý hiện đại và trang thiết bị phục vụ quản lý đào tạo còn hạn chế, thiếu chuyên nghiệp.

Thứ ba, là khó khăn trong vấn đề xây dựng chương trình đào tạo mới, muốn hay không muốn các chương trình đào tạo mới phải kết thừa chương trình đã được áp dụng trước đây và phải xây dựng trên cơ sở chương trình khung do Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành. Chương trình khung của Bộ phải được quy đổi sang tín chỉ, việc quy đổi với những môn 02 đơn vị học trình rất khó khăn. Tích hợp nhiều môn học, đưa nhiều môn sang nhóm tự chọn là giải pháp nhiều trường lựa chọn, tuy nhiên điều này lại là khó khăn trong việc đối nội, dễ gặp phải sự không ủng hộ của cán bộ giảng dạy. Tỷ lệ các môn học tự chọn cần nhiều ở mức cần thiết cho chương trình mềm dẻo và linh hoạt, nhiều môn tự chọn lại rất khó khăn cho việc triển khai đào tạo. Việc xây dựng chương trình mới đương nhiên kéo theo việc biên soạn hàng loạt giáo trình bài giảng và tài liệu tham khảo mới. Đây cũng là những khó khăn không thể giải quyết ngay được.

Thứ tư, cơ sở vật chất, giảng đường, thiết bị chưa thể thoả mãn nhu cầu, đặc biệt là vấn đề giảng đường. Giảng đường còn thiếu để sắp xếp lớp học cho sinh viên đăng ký theo nhu cầu. Bên cạnh đó, yêu cầu của đào tạo tín chỉ là phải tăng cường yếu tố tự học của sinh viên trong khi đó hệ thống thư viện, học liệu còn hạn chế. Số lượng giáo trình còn chưa đáp ứng đủ cho sinh viên trong thời gian học các môn đại cương, đó là chưa kể để hệ thống tài liệu tham khảo, sách giáo khoa chuyên ngành còn thiếu quá nhiều.

Thứ năm, để quản lý tốt quá trình đào tạo cũng như các công tác sinh viên yêu cầu đặt ra không chỉ là vấn đề con người mà bên cạnh đó phải phương tiện hỗ trợ đó là phần mềm quản lý. Hiện tại phần mềm mà Đại học Quốc gia Hà Nội cung cấp chưa đáp ứng được yêu cầu. Sau gần 3 năm vận hành đến nay vẫn tiếp tục phải hoàn thiện.

Thứ sáu, mức sống của sinh viên, khả năng tài chính và các điều kiện khác của sinh viên ta còn nhiều khó khăn - dễ học cầm chừng... Quản lý, tư vấn không tốt sinh viên có nguy cơ học kéo dài, không tốt nghiệp được.

Tóm lại, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn bước vào lộ trình chuyển đổi sang phương thức đào tạo theo tín chỉ thuận lợi thì ít, khó khăn thì nhiều. Đây cũng là thách thức của toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên trong trường. Nhiệm vụ đặt ra đối với nhà trường là phải phát huy và duy trì được những truyền thống tốt đẹp, đồng thời phải phát triển, đổi mới, hội nhập và nâng cao chất lượng đào tạo. Đây là quá trình cần đầu tư về cả mặt thời gian, tiền của và công sức. Những thành tựu mà nhà trường đã làm được trong gần 3 năm qua, dù nhỏ nhưng đáng ghi nhận. Bài học được rút ra trong quá trình thực hiện là “kiên trì, nhanh chóng giải quyết cụ thể từng vấn đề còn vướng mắc”

Tiểu kết chƣơng 1

Khái niệm thích ứng được coi là khái niệm công cụ chính của đề tài. Trên quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng, thì thích ứng là một phạm trù mang tính khoa học chung. Thích ứng là quy luật phổ biến của mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên và xã hội nói lên sự cân bằng để tồn tại và phát triển.

Thích ứng là một quá trình thâm nhập, làm quen dần với những hoàn cảnh, điều kiện mới để tự hoà nhập và tự điều chỉnh theo những chuẩn mực nhất định. Thích ứng là một quá trình phức tạp bao gồm các mức độ khác nhau, từ mức độ đơn giản nhất là hoà đồng vào hoàn cảnh, môi trường tự điều chỉnh theo các chuẩn mực của môi trường đến mức độ cao nhất là làm thay

đổi hệ thống chuẩn mực cũ, xây dựng những chuẩn mực mới và có những biện pháp để duy trì sự thích ứng.

Dưới góc độ tâm lý học thì thích ứng cũng được hiểu ở nhiều khía cạnh khác nhau, đa dạng và phong phú như chính đời sống tâm lý của con người vậy. Thích ứng của con người có thể thấy đó là quá trình thích ứng liên tục với những yêu cầu, tiêu chuẩn của xã hội trên cơ sở chiếm lĩnh chúng, là cơ chế tâm lý – xã hội của quá trình xã hội hóa, cá nhân tiếp nhận vai trò xã hội có liên quan đến quan niệm, nhận thức của bản thân mình.

Hoạt động giảng dạy theo đào tạo tín chỉ là hoạt động đáp ứng những yêu cầu của nhà trường trong quá trình chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang đào tạo tín chỉ, phục vụ nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo ngang tầm với các trường đại học trong khu vực và trên thế giới. Yêu cầu đối với người giảng viên trong hoạt động đào tạo theo tín chỉ phải nhận thức đúng, đầy đủ về nội dung, chương trình và phương pháp đào tạo mới này. Người giảng viên phải làm quen dần với những yêu cầu mới để thay đổi suy nghĩ, hành động sao cho phù hợp với yêu cầu đó và dần dần hoà nhập với hoạt động đào tạo theo tín chỉ và tự điều chỉnh mình theo những chuẩn mực mà đào tạo theo tín chỉ đặt ra. Chuyển đổi từ đào tạo niên chế sang tín chỉ là sự thay đổi căn bản trong phương thức đào tạo, vì vậy hoạt động giảng dạy của giảng viên phải được đổi mới cho phù hợp với nhu cầu hiện tại của xã hội nói chung, giáo dục nói riêng. Nghiên cứu sự thích ứng với hoạt động giảng dạy theo tín chỉ của giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn được dựa trên cơ sở quan điểm của tâm lý học hoạt động. Việc phân tích sự thích ứng trên cơ sở hoạt động giảng dạy của giảng viên, đồng thời cũng dựa trên những yếu tố tâm lý, nhân cách của cá nhân để khai thác và nhận định đúng đắn với thực tiễn khách quan. Điều đó sẽ góp phần mang lại hiệu quả thiết thực cho nhà

trường trong việc quản lý, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên. Đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.

Trên cơ sở nghiên cứu các lý thuyết về thích ứng và một số nội dung cơ bản trong đề án đào tạo theo tín chỉ, chúng tôi cũng đã đưa ra được các biểu hiện của thích ứng với yêu cầu dạy học trong đào tạo theo tín chỉ của giảng viên và xây dựng được thang đo để đo thích ứng về các mặt sau: thích ứng với việc biên soạn đề cương môn học, tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên, sự hài lòng của giảng viên trong thực hiện hoạt động giảng dạy theo đào tạo tín chỉ, những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình thích ứng này.

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Sự thích ứng với hoạt động giảng dạy theo dào tạo tín chỉ của giảng viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (Trang 40 - 48)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(163 trang)