Điều kiện văn hóa – xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm của arixtot về nhà nước trong tác phẩm chính trị luận (Trang 25 - 31)

1.1 Điều kiện ra đời quan niệm về nhà nước trong tác phẩm

1.1.3 Điều kiện văn hóa – xã hội

phẩm

Tác phẩm của Aristotle không thể không nói đến những ảnh hưởng của nền văn hóa cổ đại Hy Lạp vĩ đại trong lịch sử nhân loại. Aristotle đã kế thừa những thành tựu nổi bật của người Hy Lạp cổ đại, đặc biệt trong các lĩnh vực văn học nghệ thuật, lịch sử, hội họa, các khoa học tự nhiên và cả triết học nữa. Tất cả các lĩnh vực này Aristotle đều có sự kế thừa và được ông trình bày, vận dụng sáng tạo trong tác phẩm, làm cơ sở cho những nhận định của mình.

Văn học của Hy Lạp đã đạt đến đỉnh cao, Aristotle đã nghiên cứu và thể hiện sự hiểu biết về văn học cổ Hy Lạp của mình thông qua việc vận dụng hàng loạt các hình thức văn học như thần thoại, thơ ca, ca kịch, đặc biệt là trường ca Homer.

Thứ nhất, là thần thoại cổ Hy Lạp. Thần thoại là một trong những hình thức văn học xuất hiện sớm nhất ở Hy Lạp. Đây là tập hợp những truyện kể dân gian truyền miệng với những nội dung hoang đường, huyễn hoặc kỳ ảo, gồm những truyện về sự sáng tạo thế giới, các đấng thần linh và các anh hùng dũng sỹ Hy Lạp… Thần thoại thường phản ánh nguyện vọng của nhân dân trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên, giải thích các hiện tượng tự nhiên, phản ánh cuộc sống lao động và những hoạt động đời thường của người Hy Lạp. Chính vì vậy, sau này Chủ nghĩa Mác – Lenin đã nhận định “Thần thoại là miếng đất màu mỡ nuôi dưỡng nghệ thuật Hy Lạp… tiền đề … vật liệu của nghệ thuật Hy Lạp” [5,630]. Chính trong tác phẩm Aristotle cũng đã trích dẫn những câu truyện thần thoại Hy Lạp cổ này. Chẳng hạn, khi nói về sự giầu có và nghệ thuật tích lũy tài sản, ông đã trích dẫn câu truyện thần thoại về vị vua Midas muốn biến tất cả những thứ ngài cầm thành vàng [1,68] vị vua này đã cầu xin các vị thần giúp cho những ước muốn đó thành hiện thực, thế nhưng khi đụng đến đồ ăn chúng cũng biến thành vàng khối,

ông vua Midas lại phải xin giải trừ cho quyền năng này, và ông đã được chỉ bảo là phải xuống rửa tay ở dòng sông Pactolus. Quyền năng này được chuyển từ tay vị vua Midas xuống dòng sông thành cát vàng… Thực ra câu truyện thần thoại này con người muốn dùng nó để giải thích hiện tượng thiên nhiên khi người ta đãi cát tìm vàng trên dòng sông Pactolus, và Aristotle muốn dùng câu truyện này để ám chỉ đến quan niệm về sự giàu có và tích lũy tài sản.

Khi phân tích hiến pháp của người Crete, Aristotle đã dùng thần thoại về vị vua Minos, người là con của Zeus (chúa tể của các thần linh) và nữ thần Europa. Sau khi chết, vị vua Minos đã trở thành phán quan của Địa ngục. Aristotle muốn đưa ra thần thoại này để làm dẫn chứng cho việc cư dân Crete từ trước cho đến khi bị đô hộ vẫn dùng đến những luật lệ nguyên thủy do Vua Minos ban hành [1,132]. Còn một đoạn trong tác phẩm “Chính trị luận” mà Aristotle dùng thần thoại, đó là đoạn trong Chương XIII, quyển III, khi xác định vấn đề trong một nhà nước, ai là người lãnh đạo. Aristotle phân tích quan điểm có nên để cho người tài giỏi làm người lãnh đạo hay không? Ông đã dùng câu truyện thần thoại về thần Heracles. Heracles là vị thần nửa người nửa thần, vị thần này đã thực hiện 12 thành tích lừng lẫy. Thế nhưng những anh hùng Argonaut đã bỏ Heracles lại không cho đi chuyến tàu Argo, vì e sợ sức mạnh và tài năng siêu phàm của chàng sẽ khống chế toàn thể thủy thủ đoàn [1,188]. Hay như câu truyện về thuật trị nước của bạo chúa Thasybulus, khi vị vua này sai sứ giả đến vấn kế Pariander, Pariander không nói gì hết dẫn viên sứ giả ra một ruộng bắp, rồi ngắt bỏ hết những thân bắp cao nhất để cho bằng ngọn những thân bắp khác. Viên sứ giả không hiểu hành động này đã trở về và thuật lại cho Thasybulus, ông đã hiểu rằng phải triệt hạ những người tài ba ttrong nước. Đây chính là những chính sách không những chỉ được các bạo chúa thi hành, mà theo Aristotle còn được áp dụng cả trong chế độ quả đầu và dân chủ nữa [1,188].

Ngoài thần thoại Hy Lạp ra, Aristotle còn am hiểu cả thơ ca và ca kịch nữa. Trong tác phẩm, Aristotle đã trích dẫn những nhà thơ nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại. Hy Lạp cổ đại với ba đại thi hào như Euripides, Aeschylus và Sophocles. Khi nói về đức tính cần có của người tốt và của công dân trong một đất nước, Aristotle đã trích dẫn câu thơ của thi hào Euripides, nói về giáo dục cho hoàng tử: “Đừng dạy những điều cao siêu, nhưng là những gì đất nước cần hơn cả” [1,157]. Câu này muốn nhấn mạnh đến việc nhà cai trị cần được huấn luyện đặc biệt. Đại thi hào này còn là một nhân vật nổi tiếng của kịch nghệ Hy Lạp cổ đại, ông có tầm ảnh hưởng đến cả kịch nghệ ngày nay, khi nói về vai trò của âm nhạc đối với con người, Euripides đã nhấn mạnh âm nhạc làm cho ta thoải mái và cùng lúc “quên đi rắc rối cuộc đời” đã được Aristotle trích dẫn trong khi nói về nguyên lý giáo dục liên quan đến âm nhạc [1,421].

Đại thi hào Sophocles, một nhà viết bi kịch và sử ca của Hy Lạp cổ (496 – 406 TCN), nổi tiếng với hai vở kịch Vua Oedipus và Antigone còn lưu truyền đến ngày nay. Nhà thơ này đã nói rằng “Im lặng là sự vinh quang của phụ nữ” đã được Aristotle trích dẫn khi nói về những đức hạnh cần có của phụ nữ, ông đã dùng quan điểm của nhà thơ này làm cơ sở cho luận điểm của mình trong Chương 13, quyển I [1,81].

Nhà thơ Hesiod nổi tiếng của Hy Lạp trong khoảng năm thứ 700 TCN, ông đã đưa nói đến nguyên tắc “thợ gét thợ” mà được Aristotle dùng để nhấn mạnh đến việc các chế độ thường đối lập nhau, chẳng hạn như chế độ độc tài đối nghịch với chế độ dân chủ, được ông nói đến trong Chương 10, quyển V, trang 306 của tác phẩm, cũng là một dẫn chứng cho thấy sự ảnh hưởng của nền văn học Hy Lạp đến sáng tác của Aristotle.

Khi Aristotle nói đến sự thay đổi của chế độ nhà nước sẽ làm cho các bộ phận của nhà nước ấy thay đổi đi, Aristotle đã liên hệ điều ấy với ca kịch cổ Hy Lạp. Thể loại ca kịch có hai thể loại: bi kịch và hài kịch. Aristotle cho

rằng, “khi hình thức chính quyền thay đổi và trở nên khác đi so với hình thức cũ nữa; cũng giống như ban đồng ca của hài kịch khác với ban đồng ca của bi kịch, dù cả hai ban đều có cùng các ca công”[1,154].

Nhưng đặc biệt nhất là sự ảnh hưởng của Trường ca Odysey và Iliats của Homer. Cuộc chiến tranh của liên quân Hy Lạp đánh chiếm thành Tơroa xảy ra vào thế kỷ XII TCN. Những tình tiết mang tính chất truyền kỳ đã làm rung động sâu sắc trái tim của người dân Hy Lạp, cứ được lưu truyền rộng rãi rồi dần dần được thêm thắt vào không ít những truyện thần thoại và truyền thuyết. Rồi lại trải qua sự gia công của bao thế hệ nghệ nhân dân gian, câu chuyện về cuộc chiến tranh thành Tơroa đã trở thành hai thiên trường ca đặc sắc. Tục truyền rằng, đến thế kỷ VIII TCN, nhà thơ mù nổi tiếng Hy Lạp là Home đã ra sức chỉnh lý nâng cao thêm một bước hai thiên trường ca này, cuối cùng đã hình thành hai tác phẩm lớn: “Iliad” và “Odysey”. Iliad là phiên âm từ Ilion, tên thành Tơroa, bản trường ca này có hơn 15000 câu miêu tả lại 10 năm chiến tranh ở Tơroa. “Odysey” là tên gọi một anh hùng Hy Lạp, bản trường ca này gồm hơn 12000 câu thơ, miêu tả chặng đường hơn 10 năm tìm về đất nước của Odysey. Hai bản trường ca này chính là tác phẩm nghệ thuật quý giá của cổ Hy Lạp nổi tiếng toàn cầu, thường được gọi chung là Trường ca Home” [2,82].

Chính trong tác phẩm “Chính trị luận” của Aristotle cũng được ông nhiều lần sử dụng những luận điểm trong hai bản thiên trường ca này. Khi Aristotle bàn về việc có nên có ông vua cai trị hay không, cũng giống như trong gia đình cần có người chủ gia đình hay không, Aristotle đã trích câu thơ trong trường ca Odysey, Homer nói: “Mỗi người nam là người cai trị của vợ và con” [1,46]. Rồi khi Aristotle nói về vai trò của nô lệ và dụng cụ lao động trong việc sáng tạo ra của cải vật chất, ông đã lấy câu truyện của Homer kể lại: “ Chúng tự tiến vào nơi họp của Thần linh” [1,52], để nói đến việc nếu không cần đến nô lệ thì những dụ cụ lao động cũng không cần đến

chủ lao động của mình, khẳng định sự tất yếu cần có của nô lệ và dụng cụ lao động.

Cũng nói đến mối quan hệ giữa cha – con, vua – tôi, Aristotle đã nhận định rằng “Homer đã rất có lý khi gọi Zeus là “cha của thần thánh và của con người”, vì Zeus là vua của tất cả. Một vị vua đương nhiên phải cao hơn thần dân của mình, nhưng nhà vua phải cùng một giống với thần dân, đó cũng là quan hệ giữa người già và người trẻ” [1,77].

Hoặc khi nói về việc toàn thể nhân dân trở thành nhà lãnh đạo có tốt hay không, Aristotle đã sử dụng quan điểm của Homer, Homer nói rằng “Có lắm chủ nhân là một điều không tốt” [1,221], để nhấn mạnh đến chế độ dân chủ bị biến sang chế độ độc tài, nhưng khác với độc tài cá nhân mà là độc tài tập thể, có lắm chủ nhân cũng là không tốt.

Cũng nói về vấn đề xác định ai là người lãnh đạo, Aristotle cũng trích dẫn trong trường ca Iliad nhấn mạnh đến việc một người giỏi có quyền cai trị vì giỏi hơn người khác, thì hai người giỏi ắt hẳn phải hơn một người giỏi, ông đã trích dẫn lời của Agamenon, vua sứ Argos khi phải thốt lên lời cầu nguyện: “Xin thần thánh cho ta được mười cố vấn như vậy” [1,202].

Khi đánh giá về việc quốc gia có nên quá đông dân số hay không, Aristotle cũng nói đến một nhân vật trong trường ca Iliad, ông nói rằng: nếu dân số đông quá thì “tỷ như ai sẽ là thống soái của muôn vạn dân, và ai sẽ là truyền lệnh sử cho mọi người cùng biết nếu không có giọng nói oang oang của Stentor [1,365]. Nhân vật Stentor là lệnh truyền viên của quân Hy Lạp trong trận đánh thành Tơroy. Homer kể trong truyện Iliats là giọng nói của Stentor to bằng giọng nói của 50 người, và Aristotle đã nói đến nhân vật này khi cho rằng một đất nước không thể có dân số quá đông, vì khi quá đông sẽ không thể truyền đạt được ý muốn của nhà lập pháp nhanh chóng, không ai có được một chất giọng như nhân vật này cả.

Như vậy, thông qua những trích dẫn của Aristotle trong tác phẩm, ta thấy rằng, ở ông có sự kế thừa và vận dụng khá thành thạo những thành tựu của nền văn học Hy Lạp cổ đại, vừa khơi dậy những dẫn chứng sát thực có trong lịch sử Hy Lạp cổ đại vừa chứng tỏ sự tài ba, uyên bác của tác giả. Những dẫn chứng được Aristotle sử dụng là một trong những cơ sở rất khách quan để ông có thể chứng minh tính đúng đắn trong những lập luận của mình. Và đó cũng là một trong những nét đặc sắc cần được khảo sát trong tác phẩm của ông. Và dường như, ở đây ta còn có thể nhận thấy được tính logic của tác phẩm khi ông dẫn chứng bằng những sự kiện, thành tựu văn học cổ Hy Lạp như vậy. Những ai thấy được tính đúng đắn của các thành tựu đó cũng sẽ thấy được tính đúng đắn trong những lập luận của ông, và đó là cách Aristotle thực hiện với độc giả của mình trong những lập luận của ông.

Ngoài những thành tựu văn học cổ Hy Lạp, Aristotle còn kế thừa những thành tựu trong nhiều lĩnh vực khác như hội họa, kiến trúc. Trong tất cả những lĩnh vực này ông đều có những kế thừa và vận dụng một cách xác thực. Nền nghệ thuật điêu khắc, hội họa của Hy Lạp đã tạo nên nền nghệ thuật hoàn mĩ, đậm tính dân tộc, tính hiện thực “đem lại cho chúng ta sự thỏa mãn về thẩm mĩ… được dùng làm tiêu chuẩn, mẫu mực mà chúng ta khó có thể vươn tới” [4,631]. Đối với ngành kiến trúc, Aristotle có nhắc đến tác giả Hippodamus – một nhà khoa học kiêm kiến trúc sư và được coi là tổ sư của ngành quy hoạch thành phố, theo Aristotle khi xây dựng thành phố nên “làm sao thích hợp và thuận lợi theo mô hình của Hippodamus” [1,383]. Đối với hội họa, Aristotle có nhắc đến các tác giả nổi tiếng như Pauson và Polygonus, là những họa sỹ nổi tiếng của Hy Lạp cổ đại. Những tác phẩm của các ông thường miêu tả thực tại và cả thân thể con người, những tác phẩm được coi là nổi tiếng phải kể đến các tác phẩm trang trí cho sảnh đường vào Vệ thành Athena, trên tường Delphi – bức tranh này vẽ cảnh Odysey du hành địa ngục…

Tất cả những thành tựu nổi bật trên đều được Aristotle phản ánh rõ nét vào trong tác phẩm của mình. Thông qua việc tìm hiểu tác phẩm “Chính trị luận” của Aristotle, người đọc có thể hiểu được những thành tựu vĩ đại của văn hóa Hy Lạp cổ đại nổi tiếng của nhân loại. Và đó cũng là những điều kiện, tiền đề văn hóa – xã hội để Aristotle viết nên tác phẩm này.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quan niệm của arixtot về nhà nước trong tác phẩm chính trị luận (Trang 25 - 31)