Thực trạng Thờ cúng Tổ tiên

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát huy những giá trị tích cực của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở một số địa phương hà nội trong giai đoạn hiện nay (Trang 60)

2.1.1. Thực trạng Thờ cúng Tổ tiên trong gia đình, họ tộc ở một số địa phương của Hà Nội hiện nay địa phương của Hà Nội hiện nay

Hà Tây cũ trước đây là một vùng đất cổ, là sự hợp nhất của 2 tỉnh Sơn Tây và Hà Đông, với diện tích rộng 2187,23km2, dân số là trên 2,5 triệu người (số liệu năm 2004), trong đó dân tộc Kinh chiếm 95%. Sơn Tây vốn là đất xứ Đoài, Hà Đông là đất của trấn Sơn Nam Thượng. Vùng đất này kề sát kinh đô Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, là phên dậu quan trọng, hay nói như lời Nguyễn Trãi trong sách Dư địa chí là "Đứng đầu phên dậu phía Tây... đứng đầu phên dậu phía Nam" của Kinh đô [65, tr.11].

Bắt đầu từ tháng 8/2008 cái tên Hà Tây không còn trên bản đồ địa giới hành chính nữa, toàn bộ diện tích đất của Hà Tây đã được sát nhập với Hà Nội, trái tim của Việt Nam và nay được gọi chung là Hà Nội mở rộng. Người Hà Tây đất Hà Tây vẫn còn đó nhưng tên gọi Hà Tây chỉ còn trong lòng, trong kí ức của người Hà Tây (xứ Đoài và Sơn Nam Thượng).

Hà Tây cũ có vùng núi cao Ba Vì nằm ở phía Tây đồng bằng Bắc Bộ được mệnh danh là "Núi tổ của nước Nam ta" bởi đó là núi thiêng - trung tâm của những di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh.

Qua kết quả khảo cổ học chứng minh cư dân đã có mặt từ thời nguyên thuỷ trên đất Hà Tây. Họ chiếm lĩnh vùng cao, bám đất đồng lầy, khai phá gò hoang đời này qua đời khác góp phần làm nên một vùng văn hoá đặc sắc. Là một vùng đất cổ, vì vậy dấu ấn tín ngưỡng của nhiều thời kỳ lịch sử kết lắng khá đậm nét trong sinh hoạt văn hoá làng xã của người dân xứ Đoài và Sơn

Bằng chứng là hiện nay ở vùng đất này vẫn còn lưu giữ nhiều dấu ấn của các tín ngưỡng dân gian cổ xưa như:

1. Tín ngƣỡng thờ thần mặt trời còn xuất hiện lẻ tẻ ở Yên Sở (Hoài

Đức), làng Văn Khê (Quốc Oai), làng Đại Đồng ( Phú Xuyên)...

2. Thờ đá (người nguyên thuỷ suy tôn đá là thần). Tín ngưỡng thờ đá còn xuất hiện ở nhiều nơi như: làng Miêng Hạ (Ứng Hoà) còn thờ một vật cổ bằng đá ở ngôi đền Thạch; ở làng Cống Xuyên (Thường Tín) cũng thờ một tảng đá xám to màu sáng như ngọc, ở Tản Lĩnh (Ba Vì), ở Hương Sơn (Mỹ Đức)...

3. Thờ cây: Cây đa, cây gạo đã thân thuộc với người làng quê Hà Tây. Họ quan niệm thần cây đa, ma cây gạo. Đón xuân mới có tục hái lộc cây đa mong phát tài phát lộc. Ngày tết kiếm đôi cây mía đặt trước bàn thờ tổ tiên gọi là gậy ông bà ông vải.

4. Thờ Tứ pháp: ở vùng xứ Đoài và vùng Sơn Nam Thượng còn xuất

hiện nhiều nơi thờ 4 vị thần Mây - Mưa - Sấm - Chớp như chùa Đậu (Thường Tín) thờ Pháp Vũ, đền thôn Vân Trai (Thường Tín) thờ Pháp Lôi, Quán Cả thôn Đại Phùng (Đan Phượng) thờ Pháp Điện (thần Chớp)...

5. Thờ Mẫu: tín ngưỡng thờ Mẫu còn khá phổ biến ở các làng của Hà

Tây. Mẫu Liễu Hạnh được dân quê tôn kính, ngự trị ở nhiều làng xã như đền Thanh Sam (ứng Hoà), đền Mẫu Liễu ở Quế Dương (Hoài Đức), đức Thánh Mẫu ở Bia Bà thôn La Khê ( Hà Đông)...

6. Thờ phồn thực: tín ngưỡng phồn thực còn sót lại ở một số nơi nhân dịp lễ hội đầu xuân như lễ cướp bông ở làng Miêng Hạ (ứng Hoà), làng Vân Sa (Ba Vì), làng Sơn Đồng (Hoài Đức)..

7. Thờ thần núi Sơn Tinh - Tản Viên, nay còn thờ ở đền Thượng- Trung - Hạ trên núi Tản, ở đền Và, đền Măng Sơn (Sơn Tây), đền Khánh Xuân (Quốc Oai).

9. Thờ cây hƣơng: tín ngưỡng thờ cây hương biểu hiện là mỗi hộ gia

đình dựng một cái miếu nhỏ cao khoảng 0,5m, hai tầng, tầng lộ thiên đặt trên một cột tre hoặc cột gạch cao chừng 1m. Tín ngưỡng này tập trung ở các huyện Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì.

10. Thờ ông Đống bà Đống.

11. Thờ Đức Thánh Trần: ở đền Thiện thôn Hoà Xá (Chương Mỹ), đền Thiện ở Sơn Đông (Sơn Tây).

12. Thờ cúng Tổ tiên: là một tín ngưỡng dân gian rất phổ biến thâm

nhập vào từng gia đình người Việt Nam nói chung và người Hà Tây nói riêng. 13. Thờ thành hoàng làng, rất phổ biến ở các làng xã ở xứ Đoài và

vùng Sơn Nam Thượng.

Trong các tín ngưỡng dân gian kể trên, tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên là thể hiện đậm nét nhất. Đối với người Hà Tây trước đây (nay là Hà Nội) việc Thờ cúng Tổ tiên vừa là tín ngưỡng, vừa là đạo lý sống của hậu thế đối với cha ông. Tín ngưỡng này đã ăn sâu bám rễ vào tâm thức người dân Hà Tây, đã trở thành một thứ đạo lý, tuy không thành sách, kinh thánh nhưng lại rất phổ biến, được mọi người chấp nhận.

Tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên ở Hà Tây có từ khi nào? Câu hỏi này có lẽ rất khó tìm được câu trả lời chính xác, bởi không thể truy tìm nguồn gốc của một phong tục, tín ngưỡng như việc truy tìm văn bản của một đạo luật thành văn. Song, rất nhiều nhà nghiên cứu đều thừa nhận rằng: tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên của người Việt Nam có từ trước thời kỳ Bắc thuộc:"Tục Thờ cúng Tổ tiên của người Việt Nam chỉ có thể xuất hiện từ thời sơ sử, với nền văn hoá Đông Sơn, cùng với triều đại Hùng Vương, nghĩa là chỉ cách đây chừng hai nghìn rưởi năm là cùng" [24, tr.27]. Hà Tây, là vùng đất cổ, mang đậm tín ngưỡng của người Việt, đặc biệt là tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên, vì vậy có thể nói tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên ở Hà Tây cũng có từ trước thời kỳ Bắc thuộc.

Để hiểu rõ hơn về tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên của người dân Hà Tây trước đây (nay là Hà Nội) ta có thể điểm qua các thời kỳ lịch sử :

Một là, thời kỳ Lý- Trần : Thời kỳ này Phật giáo được coi là quốc đạo.

Từ thế kỷ thứ II đạo Phật từ trung tâm Luy Lâu đã thâm nhập vào đất Hà Tây. đến thế kỷ thứ VI, Hà Tây đã trở thành một vùng sùng đạo Phật, biểu hiện là vùng này xuất hiện nhiều chùa chiền như: chùa Ngọc Đình, Chùa Bối Khê (Thanh Oai), chùa Dương Liễu (Hoài Đức), chùa Kim Bôi (Mỹ Đức). Tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên ở thời kỳ này đã có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của dân Việt nói chung và người dân xứ Đoài và Sơn Nam Thượng nói riêng nhưng chưa được đề cao như sau này và cũng chưa được thể chế hoá thành luật. Nhà nghiên cứu Nguyễn Tài Thư đã viết về sự Thờ cúng Tổ tiên trong thời kỳ này: "Tôn kính và biết ơn cha mẹ tổ tiên. Trước hết đối với cha mẹ. Người đương thời thấy có trách nhiệm phải chăm sóc nuôi dưỡng cha mẹ khi già yếu, cúng bái, thờ phụng cha mẹ khi qua đời. Sau nữa là đối với ông bà, tổ tiên. Họ thấy phải noi gương cha mẹ, thờ phụng những người đã khuất và giữ gìn tập tục của họ" [68, tr.143].

Hai là, thời kỳ Lê - Nguyễn: Đặc biệt từ thế kỷ XV, khi Nho giáo nắm

vị trí chủ đạo, nhà Lê đã thể chế hoá tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên làm cho tín ngưỡng này chặt chẽ hơn. Nho giáo thời kỳ này rất đề cao gia đình "quyền huynh thế phụ", người con trai cả kế nghiệp vua cha, thừa kế tài sản, và chăm lo việc thờ phụng tổ tiên. Nho giáo cũng rất đề cao chữ hiếu nghĩa "Trung chi quân, hiếu chi phụ mẫu, dữ chi bản" (Trung với vua, hiếu với cha mẹ là cùng một gốc vậy). Triều Lê đã ra luật, buộc con cháu phải Thờ cúng Tổ tiên đến 5 đời. Điều 399 và 400 trong Lê triều hình luật còn quy định: Ruộng hương hoả, cơ sở kinh tế Thờ cúng Tổ tiên, dù con cháu nghèo khó cũng không được đem bán, nếu bán ghép vào tội bất hiếu... ở điều 400 còn quy định, nếu không có con trai, thì con gái có quyền Thờ cúng Tổ tiên", "Suốt thời Lê cho đến thời Nguyễn, đều có lệ khen thưởng những người con hiếu nghĩa. Việc tang lễ

và Thờ cúng Tổ tiên ở thời kỳ này cũng được quy định khá chi tiết và đầy đủ" [14, tr.31].

Trong tư tưởng của Nho giáo, người quân tử phải phấn đấu tới trí- nhân - dũng và phải trung với vua hiếu với cha mẹ. Điều này cho thấy, trong cốt lõi tư tưởng của Nho giáo có phần nào giống với tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên. Nho giáo cũng khá thịnh đạt ở xứ Đoài và Sơn Nam Thượng. Ở vùng này đã có rất nhiều người đỗ đạt 315 vị tiến sĩ (cả nước là 2898 vị), và đóng góp nhiều cho triều đình. Tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên ở Hà Tây thời kỳ này được đề cao và thể hiện rõ nét trong đời sống tinh thần của nhân dân biểu hiện qua các việc làm như lập nhà bia văn chỉ ghi tên những người đỗ đạt của làng xã vào đó để nêu gương sáng cho hậu thế ở Chàng Sơn (Thạch Thất), làng Liên Bạt (Ứng Hoà), làng Phượng Vũ, Đại Đồng (Phú Xuyên), làng Chi Nê (Chương Mỹ)... Hay việc nhiều dòng họ quyên góp dựng nhà thờ tổ họ là các bậc đại khoa đỗ đạt các kỳ thi Nho giáo, hàng năm tổ chức giỗ ôn lại truyền thống hiếu học của tổ tiên như nhà thờ Trạng nguyên Nguyễn Trực ở làng Bối Khê, nhà thờ Trạng nguyên Nguyễn Đức Lượng ở làng Canh Hoạch (Thanh Oai), nhà thờ Tiến sĩ Lý Tử Tấn ở Triều Đông (Thường Tín), nhà thờ Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền ở làng Liên Bạt (Ứng Hoà)... [65, tr.22-23].

Ba là, từ thế kỷ thứ XVI, công giáo bắt đầu du nhập vào Việt Nam.

Nho giáo thời kỳ này bị khủng hoảng, triều Mạc thay thế triều Lê, với những thành tựu kinh tế đạt được cộng với sự cởi mở tư tưởng tạo ra môi trường phục hồi Phật giáo ở Hà Tây. Chùa chiền được xây dựng mới như chùa Dị Nậu (Thạch Thất), chùa Đậu (Thường Tín) được xây dựng khang trang vào năm 1635, chùa Mía xây dựng năm 1632... Ban đầu, việc truyền giáo không mấy khó khăn do tính khoan dung rộng mở, do xu thế hoà nhập mà không đối đầu của các tôn giáo truyền thống. Tuy nhiên, dù Nho giáo hay Phật giáo chiếm vị trí độc tôn, hay sự thâm nhập của Công giáo thì tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên vẫn ăn sâu bám rễ trong tâm thức người dân Việt nói chung và người dân xứ Đoài nói riêng.

Bốn là, thời kỳ thực dân Pháp đô hộ nước ta: Trong quá trình xâm lược

Việt Nam, thực dân Pháp đã kết hợp với việc truyền bá đạo Công giáo. Mặc dù thấy được nguy cơ xâm lược thông qua việc truyền giáo, Nhà nước Việt Nam không muốn cho lan rộng ở trong nước, nhưng sự ngăn chặn không liên tục, không kiên quyết nên Công giáo vẫn trụ lại ở Việt Nam và ngày càng lan truyền khá mạnh.

Khi thực dân Pháp xâm chiếm và đô hộ ở Việt Nam Công giáo đã có sự gắn liền với lợi ích của chủ nghĩa thực dân. Vì vậy, đã hình thành trong tâm trí người Việt Nam ấn tượng không mấy tốt đẹp về tôn giáo này.

Như vậy, mặc dù Công giáo thâm nhập vào Việt Nam nhưng chỉ nhà nước thực dân đón nhận còn dân chúng không mấy hào hứng đón nhận. Người dân Việt nói chung và người dân Hà Tây nói riêng thời kỳ này rất đề cao Khổng giáo và tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên. Điều này được thể hiện rõ "trong một bức thư do giáo sĩ Masson viết ngày 02/7/1828: ở Việt Nam có một sự thờ cúng phổ biến nhất, ngay cả đối với các nhà nho, đó là sự Thờ cúng Tổ tiên. Tất cả mọi người đều có sự gắn bó khăng khít với sự thờ cúng này và đó chính là cái đã ràng buộc một số lớn những người bên lương và đạo thờ ngẫu tượng, vì không có cách gì rũ bỏ được"[46, tr.84-85].

Năm là, thời kỳ 1945- 1975: Đất nước ta lúc này cùng một lúc phải

thực hiện hai nhiệm vụ trọng đại. Miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm. Vì vậy, tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên ở thời kỳ này xuất hiện khuynh hướng tả khuynh. Đặc biệt là sau khi nhà nước ta thực hiện chính sách cải cách ruộng đất 1953-1956, thực hiện hợp tác hoá nông nghiệp nên đã tác động mạnh mẽ về nhận thức của người dân. Ở Hà Tây đã có hiện tượng hương án, hoành phi, câu đối... bị phá, mất mát hoặc bán hoặc cho. Bàn thờ tổ tiên bị đưa ra làm xích đu... hoặc bàn thờ tổ tiên chỉ được làm tạm trên tủ, mỗi khi đến ngày sóc, vọng, giỗ chạp khấn vái phải bắc ghế thắp hương. Nhiều nơi khác cũng có hiện tượng đình

chùa bị phá, dỡ... Từ thực tế này, cho thấy tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên thời kỳ này ít nhiều bị sao nhãng, mặc dù chủ trương của Đảng và Nhà nước vẫn khuyến khích dân nhân hướng về cội nguồn. Có thể lý giải vì thời kỳ cả nước bị cuốn hút vào những vấn đề lớn của dân tộc, của thời đại đó là cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước, nên tín ngưỡng Thờ cúng Tổ tiên phần nào bị xem nhẹ, nghi lễ thờ cúng có phần đơn giản hơn song vẫn được duy trì và được biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và ý thức tâm linh vẫn sâu đậm.

Sáu là, thời kỳ 1975-1989: Khi đất nước thống nhất hoà bình được lập

lại, Đảng và Nhà nước ta đã hết sức quan tâm đến không chỉ nhu cầu vật chất, mà cả những nhu cầu văn hoá, tinh thần của các tầng lớp nhân dân, chăm lo, bảo vệ, tôn tạo các khu di tích lịch sử, văn hoá các nghĩa trang liệt sĩ... Bởi đây chính là những tấm gương phản chiếu lịch sử sâu lắng và tinh tế giúp cho thế hệ hôm nay suy ngẫm, tự hào không quên tiền nhân mà tên tuổi đã gắn liền với lịch sử hào hùng của dân tộc. Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách đúng đắn, nhân đạo "Đền ơn đáp nghĩa" với những người có công với đất nước. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giành một tình cảm sâu nặng, một sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ - những người có công lao to lớn đối với Tổ quốc và nhân dân. Bác căn dặn tất cả mọi người, phải luôn luôn ghi nhớ và biết ơn các đồng chí thương binh, liệt sĩ, gia đình liệt sĩ, bởi Bác coi sự mất mát hi sinh của họ là những mất mát hi sinh "tuyệt đối" và không lấy lại được. Nhưng đó là những mất mát hi sinh vẻ vang, cao quý. Trong buổi lễ kỷ niệm 30 ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghẹn ngào nói: Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh hùng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập kết quả tự do.

Với ý nghĩa uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây, đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho độc lập tự do của dân tộc, Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định lấy ngày 27/7 hàng năm

làm ngày kỷ niệm lịch sử- biểu thị cao độ tình cảm biết ơn của toàn Đảng, toàn dân với những hy sinh to lớn của những người con vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở Đảng và Chính phủ, phải chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho thương binh, bệnh binh, liệt sĩ và gia đình họ. Trong di chúc, Người căn dặn:

Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…) Đảng, Chính phủ và đồng bào tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần "tự lực cánh sinh".

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát huy những giá trị tích cực của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở một số địa phương hà nội trong giai đoạn hiện nay (Trang 60)