Không gian sông nước Tháp Mười

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đặc điểm thi pháp truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng (Trang 41 - 49)

Chương 2 : Không gian và thời gian nghệ thuật

2.1. Không gian nghệ thuật

2.1.1. Không gian sông nước Tháp Mười

Kể từ khi Đồng Tháp Mười hiện diện trên bản đồ Tổ quốc Việt Nam, ba thế kỉ đã trôi qua. Trước và nhiều năm sau đó, cánh đồng này rất ít được biết đến, hoặc chỉ được biết đến với cái tên rất đỗi đìu hiu: một cánh đồng cỏ lác. Gần về sau này, khoảng trên dưới một trăm năm trở lại đây, Đồng Tháp Mười dần dần hiển hiện, ngày càng trở nên một cánh đồng lớn, trong cái ý nghĩa không phải chỉ vì nó bao gồm diện tích tới bảy trăm ngàn mẫu đất, mà còn vì đó là một cánh đồng đã đi vào lịch sử anh hùng, một cánh đồng luôn là miền đất hứa và mãi tới

hôm nay vẫn còn chứa đựng bao điều bí ẩn, dẫu cánh đồng thì cứ luôn phơi trải, trần trụi, chẳng chút giấu mình dưới ánh mặt trời nhiệt đới.

Mảnh đất ấy đi vào những trang văn của Nguyễn Quang Sáng, trước hết là một không gian thiên nhiên, sinh hoạt mang đậm nét địa chí, văn hoá Nam Bộ. Không phải những phố xá đông đúc, ồn ào, Nam Bộ hiện lên qua hầu hết các truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng (đặc biệt trong thời kì chống Mĩ) với những kinh rạch chằng chịt, những cánh đồng ngập nước, những dòng sông uốn quanh... của Đồng Tháp Mười. Đó là vùng đất hoang sơ, đầy khắc nghiệt với “muỗi kêu như sáo thổi”, “đỉa lội tựa bánh canh” nhưng cũng thật trù phú và hấp dẫn. Vào mùa nước nổi, toàn bộ Tháp Mười là cánh đồng mênh mang với màu xanh rì của lúa sạ vượt lên trên mặt nước, màu vàng rực của hoa điên điển, màu đỏ hồng của nước chở phù sa. Những tháng ấy, đứng ở đâu người ta cũng thấy như đứng giữa hai bầu trời. Ban ngày “nắng lên cao, cánh đồng nước lai láng mênh mông, hứng lấy tất cả ánh nắng, và như một tấm gương khổng lồ, phản lại ánh sáng. Có lẽ vì thế mà bầu trời thật sáng trong. Mây đang lang thang trên bầu trời như sáng thêm nhờ ánh nắng của mặt nước hắt ngược lên” [53; tr.22], ban đêm “bầu trời trên cao, yên tĩnh, vời vợi, mênh mông. Bầu trời dưới mặt nước luôn xôn xao, trời sao bồng bềnh vỡ rồi tan, tan lại vỡ lung linh” [61; tr.199]. Nước lên gọi sen súng bừng nở thành từng cụm lớn, gọi cá đua nhau về thành đàn và khắp không gian lại mặn mòi mùi vị mắm kho. Đến mùa nước rút, gió chướng thổi khô dần mặt đất lầy lội, lao xao qua vòm lá, lùa qua biển cỏ rì rầm như sóng. Đó cũng là mùa đốt đồng với những áng khói lan toả khắp nơi hương rạ nồng ấm, mùa hốt rùa cạn và mùa chim. Cảnh sắc Đồng Tháp hiện lên qua ngòi bút Nguyễn Quang Sáng thật phóng khoáng, gợi cảm và thấm đẫm chất thơ.

Và giữa thiên nhiên ấy là khung cảnh cuộc sống đời thường dung dị, gần gũi với những con đường làng chạy giữa hàng xoài xanh mát, những xóm nhà

chạy dọc bờ kinh, những cô gái xoã tóc chèo xuồng trên sông và ca điệu hò sông nước. Trong làng, nhà nào cũng là nhà sàn “vách bằng tre và mái lá. Cửa nhà nhìn ra sông lớn. Hai bên nhà là những chòm điên điển dày đặc xanh tươi. Dưới bến có cây cầu ván nhỏ, một cái gáo dừa máng trên nọc cầu, một chiếc xuồng cui bập bềnh trên sông…Ngồi trên sàn nhà, chỉ nghe thấy tiếng gió lùa qua muôn ngàn lá cây trong khu vườn, tiếng sóng lách tách vỗ vào bờ” [53; tr.83]. Đó là những hình ảnh đặc trưng về đời sống của người dân Đồng Tháp Mười mà tác giả đã phản ánh bằng một nguồn văn liệu giàu có, phong phú.

Không nặng về tính biên khảo, kí sự như sáng tác của Sơn Nam, Đoàn Giỏi nhưng bằng những chi tiết chọn lọc hấp dẫn, truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng vẫn cho người đọc cái nhìn chân thực và sinh động về Đồng Tháp Mười- mảnh đất đồng vườn với những mùa hoa ô môi đỏ thắm, những cánh đồng bát ngát, những hàng dừa nghiêng bóng xuống dòng kênh, những mùa gió chướng xôn xao…Điều đáng quý nhất là trong cách miêu tả không gian ta cảm nhận rõ cái tình của nhà văn với cảnh vật quê hương. Thổ ngơi, mùi vị, cuộc sống, nếp sinh hoạt… của vùng Đồng Tháp Mười là nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn cho những trang viết của Nguyễn Quang Sáng. Có thể nói, cùng với Nguyễn Thi (Sen trong đồng, Đồng Tháp Mười- người và cảnh), Anh Đức (Mùa khói, Xôn xao đồng nước), Lê Văn Thảo (Đêm Tháp Mười)…, Nguyễn Quang Sáng đã làm nên những áng văn xuôi giá trị tôn vinh vẻ đẹp của mảnh đất quê hương.

Nguyễn Quang Sáng đã nhiều lần tâm sự: Đồng Tháp Mười trong ông như một thứ tài sản vì đó là vùng quê nơi nhà văn sinh ra rồi gắn bó, lăn lộn chiến đấu suốt mấy chục năm ròng. Dù ở xa hay ở gần thì tiếng rì rào của dòng Cửu Long, tiếng xào xạc của cây lá trong mùa gió chướng, tiếng lóc cóc của xe ngựa trên đường làng cứ âm vang trong tâm trí ông. Bởi vậy, không gian sông nước Tháp Mười trong truyện Nguyễn Quang Sáng còn có ý nghĩa

như một không gian tâm tưởng gắn liền với kí ức tuổi thơ đẹp đẽ của các nhân vật.

Hình như ở bất cứ đâu, Hà Nội, Sài Gòn hay Paris, nhân vật của Nguyễn Quang Sáng đều hướng về quê hương với nỗi nhớ khôn nguôi: “Những năm tập kết ở Hà Nội, tôi được ở trong một phòng trong biệt thự số 2 Cổ Tân, nhìn xéo qua Nhà Hát Lớn. Những buổi trưa hè, nghe tiếng ve râm ran, nhớ quê, tôi nghĩ đất nước được giải phóng, trở về tôi sẽ dựng cho mình một ngôi nhà sàn bên sông” [61; tr.20], “Từ nãy giờ, tiếng đàn đại hồ cầm qua cái loa âm thanh nổi của quán này, tôi nghe như tiếng sóng vỗ về đêm của con sông quê tôi [55; tr.40], “Dòng sông Tiền, dòng sông quê hương như mạch máu chảy mãi theo cuộc đời tôi. Dù xa bao nhiêu, thời gian hay không gian, đêm đêm tiếng sóng vẫn vỗ dậy trong tôi kỉ niệm thời thơ ấu” [62; tr.13]. Hình ảnh Tháp Mười không lúc nào phai nhạt trong tâm hồn những người con xa quê. Sống bao năm nơi Sài Gòn đô hội nhưng ông già (Cái gáo mù u) vẫn ao ước được ăn cháo đậu đỏ rưới nước cốt dừa bằng cái gáo mù u; đại tá Mười Biện

(Về lại bức tranh xưa) vẫn hồi hộp, sung sướng khi ăn con cá rô đồng mùi củ

co; dượng Hai Thể (Cô gái bán sầu đâu) vẫn bùi ngùi khi nếm vị đắng mà ngọt của món gỏi sầu đâu. Đối với họ, đó đâu chỉ là những món ăn mà chính là hồn quê ẩn tàng- một quê hương bình dị, nghèo khó nhưng đã chắt chiu nuôi lớn biết bao người.

Tồn tại dưới dạng không gian tâm tưởng, mảnh đất Tháp Mười trở thành nơi nương tựa, chốn quay về cho con người giữa phố thị xô bồ, lạ lẫm: “Nhà tôi nằm trong con hẻm rộng trên con đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Dù ở trong hẻm nhưng vẫn nghe tiếng xa ngoài đường lớn: xe Honda, ô tô và xe có còi hú, giống như nhà sàn của tôi ngày xưa, dù ở bên bờ kinh nhưng vẫn nghe tiếng sóng ngoài sông Tiền. Không biết tiếng động cơ xe ngoài đường lớn có theo con tôi suốt đời hay không và tiếng động cơ ầm ĩ đó có gợi cho nó điều

gì không? Chớ còn tiếng sóng của dòng sông vẫn cứ rầm rì trong tâm hồn tôi dù tôi ở thành phố lớn, nhờ đó mà tôi có đôi lúc thơ mộng, bình yên. Với tôi, đó là niềm hạnh phúc, niềm hạnh phúc nhớ quê hương” [61; tr.9]. Lớp không gian này cho thấy bản chất nghĩa tình, thuỷ chung và tình yêu sâu nặng của người dân Nam Bộ với quê hương.

Thơ mộng và êm đềm là thế nhưng cánh đồng lớn Tháp Mười đã bị chiến tranh biến thành một không gian chiến sựác liệt. Bản thân địa hình nơi đây đã chứa đựng nhiều bất lợi, hiểm nguy: “Tôi (Nguyễn Quang Sáng) được đi qua nhiều chiến trường- chiến trường đồng bằng sông Cửu Long có một đặc điểm: không có núi, cũng không có đồi và cũng không có rừng để che chở. Và mỗi năm có hai mùa: mùa khô và mùa nước. Mùa khô: đồng ruộng nối nhau trải ra đến tận chân trời, xanh ngát, bao la. Mùa nước, nước ngập cả đồng ruộng lênh láng, mênh mông như biển cả. Một chiến trường trống trải mà người dân luôn luôn phải đối mặt với quân thù. Người ở chiến trường lạ đến đây không thể không bỡ ngỡ, muốn tồn tại và chiến thắng phải có những đức tính và điều kiện thật thích nghi, kể cả những chuyện nhỏ trong sinh hoạt hàng ngày: với một con xuồng thì phải biết bơi, biết chèo, biết chống, phải vững chân khi qua những cầu khỉ “gập ghềnh khó đi”…xuống nước phải biết lặn, biết lội…Người ở chiến trường này luôn luôn sống với tư thế sẵn sàng chiến đấu” [76; tr.8]. Thêm nữa, với địa thế là một đầu mối giao lưu huyết mạch giữa các miền, các tỉnh Nam Bộ- “cái rốn của chiến trường”- Đồng Tháp Mười càng phải chịu sự phá huỷ dữ dội của đạn bom. Giặc Mỹ tìm đủ mọi cách triệt hạ để biến mảnh đất này thành một Cánh đồng hoang. Bởi vậy, đọc truyện ngắn của Nguyễn Quang Sáng, ta thường thấy mọi dạng thức không gian như bầu trời, dòng sông, làng mạc... bị xé toang và vẩn đục bởi mật độ dày đặc của trực thăng, pháo, đạn, bom.

“Nhìn bầu trời, khác với ở rừng, nghe tiếng máy bay mà không thấy mặt nó, còn ở đây, trong ánh nắng chói chang, ta thấy đủ thứ hình thù của lũ giặc trời, nào trực thăng hình nòng nọc, cán gáo, cá lẹp, cá rô, nào phản lực, nào cánh quạt và đầm già, đầm già đen, cả đầm già trắng” [61; tr.57]. Khoảng không, vì thế luôn sôi sục bởi những âm thanh cuồng nộ của tiếng bom, tiếng đạn, tiếng gầm rít không lúc nào yên: “Trời hãy còn sương, nhìn kĩ lắm mới thấy máy bay. Tiếng bom bi nổ, tiếng bom nổ hàng dây rầm rầm như tiếng trống” [61; tr.85].

Dòng sông trong mát, hiền hoà cũng trở thành mục tiêu của kẻ thù tàn bạo, là chứng tích sống động của không gian chiến sự. Máy bay Mĩ, hô bo nguỵ quần đảo đêm ngày xé nát mặt nước êm đềm, phá tan không khí tấp nập của xuồng ghe đi lại khiến “dòng sông vắng lặng, chỉ còn những giề lục bình trôi lên trôi xuống” [61; tr.137]. Đến cả những con kinh dài xuyên cánh đồng cũng bị bom đạn tàn phá đến xác xơ: “Một vạt tràm lấp thấp cũng bị bom napan Mĩ đốt trụi, bờ kinh lở lói hố bom và những bãi cỏ hoang trên nền nhà trụi cháy [61; tr.58].

Khắp nơi, làng xóm cũng tan hoang bởi người dân liên tục bị dồn ra ấp chiến lược. Làng nào còn bám trụ thì cũng phải xé lẻ ra để tồn tại trong thế đối đầu chênh vênh với đồn bót giặc: “Cái làng bị chiếm, buồn bã và tiêu điều làm sao. Những ngọn đèn của đồn giặc ở phía đầu doi, lập loè như bầy đom đóm. Thỉnh thoảng chó đầu trên xóm dưới tru rú lên ông ổng. Tiếng sóng Cửu Long Giang ì ầm, nghe như những tiếng sấm xa xăm. Những cơn gió của mùa mưa hú qua các chòm cây, cuốn theo những chiếc lá khô, thổi rào rào dưới mặt đường” [61; tr.121]. Cảnh đượm màu u ám, thê lương bởi chết chóc luôn rình mò đe doạ. Không gian cư trú phổ biến trong những xóm làng Tháp Mười thời gian ấy không còn là ngôi nhà sàn thơ mộng mà là hầm, với đủ chủng loại: “hầm nổi, hầm trong nhà, ngoài vườn, dưới bụi tre, hầm ếch hay hầm vách

đôi”.

Không gian chiến sự Tháp Mười hiện lên thật dữ dội, khốc liệt như là chứng tích phơi bày tội ác tàn bạo của đế quốc Mĩ. Mặt khác đây chính là phông cảnh làm nổi bật cuộc sống muôn vàn gian khổ, khó khăn của đồng bào miền Nam. Những năm chiến tranh đâu chỉ con gà trống không có quyền được gáy mà cả con người cũng phải chịu đựng một hoàn cảnh sống bất thường (nấu cơm tuyệt đối không để khói, tắm sông tuyệt đối không để dợn sóng, mỗi lần trực thăng đến bắn phải bỏ con vào bịch ni lông nhấn xuống nước để tránh đạn…) và đầy tang thương, mất mát “nhà nào cũng có người bị bắt, bị giết, nhà nào chưa có ai bị giết, bị tù thì cũng không biết lúc nào nhà mình bị tan nát” [61; tr.108]. Sống, tồn tại và chiến đấu trong hoàn cảnh khắc nghiệt như thế, sức chịu đựng của con người Nam Bộ thật phi thường biết bao. Không chỉ có vậy, không gian chiến sự còn là bối cảnh thử thách để làm bật lên phẩm chất anh hùng “không lên gân” của đồng bào miền Nam. Càng mưa bom bão đạn, người dân Tháp Mười càng bình thản, lạc quan. Đối với họ, “tiếng pháo chỉ có tác dụng báo giờ”, “tiếng gầm rít của phản lực Mĩ và tiếng bom xa là chuyện bình thường, ngày nào chẳng nghe, chẳng thấy, đã quen rồi” [61; tr.171]. Đối với họ, địa hình trống trải, hầm hố không có cũng chẳng đáng băn khoăn bởi “rừng tuy thưa nhưng rừng lác đác cả cánh đồng, nó làm sao biết mình ở chỗ nào, bom đạn nó nhiều nhưng nó có rải đều như muối mè đâu. Nếu nó có biết nó ném bom thì cái hầm của chiến trường này thật rộng, nước mênh mông, cứ lặn, hụp là khỏi” [62; tr.63]. Vì thế, Đồng Tháp Mười qua cuộc kháng chiến chống Mĩ, luôn nổi bật lên như một mảng lớn giữa bức thành đồng Nam Bộ. Lòng dạ người dân Tháp Mười luôn sắt son chung thuỷ tựa đoá sen hồng.

Nhưng nếu bom đạn lắng đi, trực thăng không còn gào rú thì thiên nhiên, sông nước Tháp Mười lại hiện ra với đầy đủ dáng vẻ của một không

gian thanh bình. “Chờ khi trời sẩm tối, xuồng của chúng tôi mới tách bến và rặng lá hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông như cũng chờ đến lúc trời tắt nắng mới rì rào chuyển động, khiến cho ta có cảm tưởng như gió chiều không phải từ xa thổi tới mà dậy lên từ trong những ngọn lá xôn xao…Dòng sông cuồn cuộn và chảy xiết nữa, nước theo bóng đêm và ngọn gió đã lên đầy. Dòng sông trở nên mênh mang lấp lánh ánh sao, gợn lên từng đợt sóng nhẹ ộp oạp vỗ vào bờ” [53; tr.63]. Cảnh vật bỗng chốc lắng lại, con sông vừa bị cày nát bởi các luồng đạn đại bác nay bỗng êm đềm, thơ mộng với giọng hát “tha thiết và diệu vợi”. Nhà văn có ý thức tạo nên một không gian thanh bình, lắng đọng tâm hồn con người ngay trong một không gian chiến sự đạn bom dữ dội. Dù bị tàn phá, huỷ diệt nhưng thiên nhiên vẫn luôn hoà điệu với con người, đặc biệt với tâm hồn con người Nam Bộ. Giữa một trận đánh ác liệt, những người lính như tìm thấy niềm vui và sự thanh thản của mình khi hoà mình vào thiên nhiên: “Tiếng chim như đưa cô ra khỏi cảnh nặng nề của trận đánh, tiếng chim như đánh tan nỗi lo sợ cho cô, vang dội trong tâm hồn cô. Cô thấy những gốc rạ vàng trên cánh đồng, cô ngửi thấy mùi rơm của rạ lẫn trong mùi thuốc súng; cô thấy màu vàng mật ong của nắng ướt tươm trên cành lá và như do bầy chim đang khua động nắng rơi đổ xuống lốm đốm trước mặt cô” [54; tr.112]. Một không gian tĩnh lặng và êm ả, hiện lên thấm đẫm hương vị quê hương. Đó chính là một ước mơ giản dị, một mong muốn hoà bình mà con người luôn hướng đến trong những ngày cầm súng chống kẻ thù xâm lược.

Được xây dựng trong thế tương phản với không gian chiến sự, không gian thanh bình trong các truyện ngắn viết về chiến tranh của Nguyễn Quang Sáng thấm đẫm chất thơ thi vị. Lớp không gian này bổ sung và làm phong phú thêm vẻ đẹp tâm hồn của con người Nam Bộ trong cái nhìn của nhà văn: gan góc, dũng cảm nhưng cũng rất lãng mạn, tinh tế. Đồng thời nó cũng khẳng định sức sống mãnh liệt của mảnh đất, của con người nơi đây mà

không thế lực tàn bạo nào có thể tiêu diệt được. Đồng Tháp Mười vẫn sống,

Một phần của tài liệu (LUẬN VĂN THẠC SĨ) Đặc điểm thi pháp truyện ngắn Nguyễn Quang Sáng (Trang 41 - 49)