Tiền đề để phát triển kênh truyền hình Công an nhân dân (ANTV) đó chính là truyền hình Vì An ninh Tổ quốc chính thức lên sóng từ ngày 10/8/1972, sau đó trở thành một bộ phận của Đài Truyền hình Trung ương (nay là Đài Truyền hình Việt Nam) chuyên trách đề tài về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đến ngày 11/12/2011, kênhTruyền hình Công an nhân dân chính thức lên sóng. Đây là kênh truyền hình chuyên biệt của ngành công an nhằm thực hiện thông tin tuyên truyền về các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự, các hoạt động của lực lượng công an và các vấn đề khác theo định hướng của Đảng, Nhà nước và của Bộ Công an.Với tiêu chí "Nhân văn, tin cậy, kịp thời, hấp dẫn" sau hơn 5 năm phát sóng, đến nay ANTV đã thu hút được lượng khán giả đông đảo, trở thành một trong bảy kênh truyền hình thực hiện nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền thiết yếu của quốc gia; phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Hiện nay, Truyền hình Công an nhân dân không có cơ cấu tổ chức riêng biệt mà lấy toàn bộ bộ máy của Trung tâm Phát thanh, Truyền hình, Điện ảnh Công an nhân dân, thuộc Tổng cục Chính trị Công an nhân dân làm nòng cốt sản xuất và phát sóng các chương trình trên kênh. Truyền hình Công an nhân dân được tổ chức theo mô hình Ban Giám đốc Trung tâm chịu trách nhiệm toàn bộ nội dung các chương trình được phát sóng. Giúp việc cho Ban Giám đốc là 10 Phòng, Ban chuyên môn, được tổ chức phù hợp với yêu cầu thực tế; ngoài ra còn có Cơ quan đại diện phía Nam tại thành phố Hồ Chí Minh; Văn phòng đại diện miền Trung và Tây Nguyên tại Đà Nẵng.
Nội dung các chương trình trên kênh Truyền hình Công an nhân dân gồm 2 nhóm:
Nhóm các chương trình thời sự, chính luận gồm: chương trình thông tin thời sự; chương trình thông tin chuyên đề trong nước; chương trình thông tin chuyên đề quốc tế.
Nhóm chương trình xã hội hóa gồm: Các chương trình phim trong nước, quốc tế, các chương trình truyền hình thực tế, các chương trình phối hợp sản xuất,...
Là một kênh truyền hình chuyên biệt về mảng an ninh trật tự, phóng sự điều tra được xem là một trong những thế mạnh của Truyền hình Công an nhân dân. Phóng sự điều tra được thực hiện ở nhiều chương trình chuyên mục khác nhau từ các phóng sự phát sóng trên các bản tin thời sự hàng ngày đến các chương trình chuyên mục như "Điều tra qua thư khán giả", "Alo 389", "An ninh nông thôn",... ngay cả những chương trình khai thác, xã hội hóa như "Camera giấu kín","Thực phẩm sạch hay bẩn",... Các chương trình chuyên mục này đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả xem truyền hình bởi nó không chỉ phản ánh được hơi thở cuộc sống về những vấn đề được công chúng quan tâm mà còn mang tính chiến đấu cao, chống tiêu cực, tham nhũng, chống các tệ nạn xã hội,...
2.1.1. Phóng sự điều tra trong các chương trình thuộc nhóm thời sự, chính luận Chuyên mục "Điều tra qua thư khán giả"
"Điều tra qua thư khán giả" phát sóng mỗi tuần một số vào 20h30 thứ 3 và phát lại vào nhiều khung giờ khác nhau các ngày trong tuần. Trong thời gian nghiên cứu của luận văn, mỗi chương trình có thời lượng phát sóng từ 25 đến 30 phút. Bắt đầu từ 01/03/2017 vừa qua, chương trình được điều chỉnh rút ngắn xuống 15 phút/ 1 số.
Chuyên mục "Điều tra qua thư khán giả" ra đời nhằm trả lời những đơn thư của khán giả gửi tới Truyền hình Công an nhân dân. Từ những phản ánh của khán giả, phóng viên của Truyền hình Công an nhân dân sẽ trực tiếp công tác tại các địa phương, xuống hiện trường thực hiện điều tra tìm ra nguyên nhân của những vấn đề mà người dân đang thắc mắc. Bên cạnh đó, các chương trình cũng trả lời những thắc mắc của khán giả về các vấn đề pháp luật, giúp người dân tăng cường hiểu biết về kiến thức pháp luật. Chuyên mục mang tính chất tương tác caovới khán giả, tạo cho khán giả cảm giác nhập cuộc, chủ động tham gia xây dựng xã hội thông qua việc cung cấp thông tin, phản ánh qua đường dây nóng hoặc trực tiếp ghi hình ảnh hiện trường để gửi về cho ban biên tập chuyên mục. Đề tài của chuyên mục "Điều
tra qua thư khán giả" đa dạng, xoay quanh nhiều vấn đề, lĩnh vực của cuộc sống như: kinh tế, văn hóa, công tác quản lý đất đai, xây dựng,...
Về kết cấu, nội dung chuyên mục đã có nhiều thay đổi từ khi lên sóng. Trong thời gian nghiên cứu (từ tháng 12/2015 đến tháng 5/2016) kết cấu của chuyên mục gồm 2 phần như sau:
Phần 1: Phóng sự điều tra (đây là phần thuộc nội dung nghiên cứu của luận văn này): đây là phần chính chiếm phần lớn thời lượng của chuyên mục, ở phần này, qua những thông tin khán giả cung cấp, phóng viên sẽ trực tiếp xuống địa bàn để điều tra, tìm ra những vấn đề giúp khán giả trả lời câu hỏi.
Phần 2: Trả lời thư bạn xem truyền hình: Trả lời những thắc mắc liên quan đến pháp luật của khán giả xem truyền hình.
Tùy từng chương trình phát sóng, kết cấu cũng có thể thay đổi, có chương trình có đầy đủ 2 phần, có chương trình không có phần 2.
Điều tra qua thư khán giả do đội ngũ phóng viên, biên tập viên Ban Chuyên đề - Trung tâm Phát thanh, Truyền hình, Điện ảnh Công an nhân dân trực tiếp sản xuất.
Chuyên mục “Alo 389”
Alo 389 phát sóng mỗi tuần một số với thời lượng 15 phút/ tuần. Đây là chương trình chuyên biệt về hoạt động đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng.
Trong các chương trình, ekip sản xuất cùng tham gia đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) tại các tỉnh, thành phố để cập nhật thông tin, bám sát diễn biến và phản ánh kịp thời tình hình công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Bên cạnh đó, trong nhiều chương trình, phóng viên cũng trực tiếp thực hiện các phóng sự điều tra, thâm nhập, ghi hình được hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng giả,... tại các cửa khẩu và khu vực biên giới thuộc các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh, Quảng Nam... Trong đó, có những phóng sự điều tra dài kỳ về các đề tài như: phân bón giả; xe hoán cải chở hàng lậu; kinh doanh đa
cấp lừa đảo; thực phẩm chức năng giả; thuốc tân dược giả tại Thanh Hóa; vụ buôn bán trái phép xăng dầu tại Hưng Yên…
Chương trình do các phóng viên, biên tập viên Ban Văn hóa xã hội, Trung tâm Phát thanh, Truyền hình, Điện ảnh Công an nhân dân trực tiếp sản xuất.
Chuyên mục “An ninh nông thôn”
Đây là một trong những chuyên mục mới được phát sóng trên kênh Truyền hình Công an nhân dân được phát sóng mỗi tuần một số với thời lượng 15 phút. Chương trình là các phóng sự điều tra xoay quanh những vấn đề đang tồn tại ở khu vực nông thôn hiện nay.
Chuyên mục An ninh nông thôn được sản xuất trên địa bàn rộng, ở hầu hết các địa phương, với những phóng sự điều tra như: "Báo động tình trạng trộm cắp nông sản tại Đăk Lăk", "Khuất tất tại dự án Di dân khẩn cấp vùng sạt lở sông Ninh Cơ, Nam Định"; "Buông lỏng công tác quản lý đất đai tại Kim Thành, Hải Dương";
"Đâu là lẽ phải cho 36 hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Hữu Lũng, Lạng Sơn";... Chuyên mục do phóng viên, biên tập viên Ban Chuyên đề - Trung tâm Phát thanh, Truyền hình, Điện ảnh Công an nhân dân trực tiếp sản xuất.
Chuyên mục “Vấn đề giao thông”
Đây là chuyên mục mới được xây dựng trên cơ sở chuyên mục Tạp chí An toàn giao thông trước đây. Chuyên mục do phóng viên, biên tập viên Ban Chuyên đề - Trung tâm Phát thanh, Truyền hình, Điện ảnh Công an nhân dân trực tiếp sản xuất, phát sóng mỗi tuần một số với thời lượng 15 phút.
Chuyên mục tập trung phản ánh các vấn đề về giao thông như: văn hóa tham gia giao thông; công tác xây dựng đường; chất lượng tuyến đường; các hành vi trái quy định pháp luật về an toàn giao thông;... Trong đó, hầu hết các tác phẩm cũng được thể hiện dưới dạng phóng sự điều tra. Có thể kể đến một số phóng sự điều tra được thực hiện trong thời gian gần đây như: "Có hay không việc bảo vệ cho xe quá tải tại Hà Nội", "Làm đường nông thôn hay khai thác cát trái phép"; "Hưng Yên: xe quá tải lộng hành trên đê sông Hồng",...
Phóng sự điều tra trong các Bản tin thời sự
Hiện nay, Truyền hình Công an nhân dân tiến hành sản xuất và phát sóng trực tiếp 10 bản tin thời sự trong ngày bao gồm: An ninh ngày mới, Thời sự tổng hợp, Bản tin Quốc tế, Bản tin 113 Online, Bản tin 113 Online cập nhật 15h00, Kinh tế tiêu dùng, Thời sự an ninh, Nhịp sống 24/07, Nhật ký an ninh và Bản tin nhanh. Ngoài Bản tin Quốc tế và Bản tin nhanh, thì ở các bản tin khác, các phóng sự điều tra vẫn thường xuyên xuất hiện.
Trong các bản tin thời sự, phóng sự điều tra phản ánh đa dạng các loại đề tài, lĩnh vực. Để phù hợp với các bản tin, phóng sự điều tra thường được chia thành nhiều kỳ với thời lượng mỗi kỳ từ 3 đến 5 phút, được sắp xếp trong các bản tin của các ngày gần nhau để thu hút sự theo dõi của khán giả. Ví dụ như các phóng sự: "Cuộc chiến giữ rừng cần triệt tiêu lợi ích nhóm"; "Phú Thọ: Những dấu hiệu sai phạm trong thu chi sai quy định ở trường Tiểu học Bằng Luân"; loạt ba kỳ phóng sự điều tra về những sai phạm trong công tác kiểm dịch động vật của Chi cục Thú y tỉnh Phú Thọ: "Buôn bán giấy kiểm dịch động vật: Giấy tờ thật, kiểm dịch giả?",
"Vụ kiểm dịch giả, giấy tờ thật: Chi cục thú y Phú Thọ vào cuộc xử lý"; "Cần bịt chặt lỗ hổng trong quy trình kiểm dịch động vật";....
Các phóng sự điều tra này do phóng viên Ban Thời sự - Trung tâm Phát thanh, Truyền hình, Điện ảnh Công an nhân dân phối hợp đội ngũ cộng tác viên sản xuất.
2.1.2. Phóng sự điều tra trong các chương trình thuộc nhóm xã hội hóa Chuyên mục"Camera giấu kín"
"Camera giấu kín" thuộc nhóm chương trình xã hội hóa với số lượng chương trình phát sóng khá dày trên kênh, có thời lượng phát sóng mỗi số dao động từ 13 phút đến 15 phút.
Chương trình được thực hiện dưới dạng thử nghiệm, điều tra xã hội học để điều tra các vấn đề xã hội trong đó tập trung vào điều tra diễn biến tư tưởng, tình cảm của con người trước một vấn đề nóng, vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận xã hội. Ở mỗi chương trình, một tình huống dựa trên thực tế cuộc sống được tạo dựng nhiều lần để ghi lại phản ứng của các đối tượng khác nhau thông qua những
máy quay được giấu đi. Qua chương trình, khán giả có thể thấy được cách ứng xử của con người trước những tình huống, thông qua đó phản ánh những vấn đề đang tồn tại của đời sống xã hội. Chương trình "Camera giấu kín" do Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) thực hiện.
Tiểu mục "Thực phẩm sạch hay bẩn" trong chương trình "An ninh toàn cảnh"
“An ninh toàn cảnh” là chương trình mới chính thức lên sóng từ ngày 01/01/2017, được phát sóng vào khung giờ từ 10h55 hàng ngày. Chương trình gồm nhiều tiểu mục khác nhau, trong đó tiểu mục "Thực phẩm sạch hay bẩn" do Truyền hình Công an nhân dân phối hợp với Công ty Ninh An sản xuất có thời lượng từ 5 đến 7 phút. Tiểu mục được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như: gặp gỡ người nổi tiếng cùng bàn về cách lựa chọn thực phẩm; các phóng sự vấn đề và các phóng sự điều tra về các vấn đề an ninh thực phẩm trong đời sống hiện nay.
Trong đó, các phóng sự điều tra thường được thực hiện dưới hình thức: phóng viên nhập vai là người đi mua các mặt hàng để điều tra về nguồn gốc, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, việc buôn bán các loại chất phụ gia,... Ví dụ như một số tác phẩm: "Nguy hại từ thịt xiên nướng", "Ruốc giá rẻ như bèo ở Hà Nội", "Gia cầm không dấu kiểm dịch", "Thần chết đằng sau những miếng chân gà", "Xâm nhập làng sản xuất bánh kẹo rởm lớn nhất miền Bắc",...
Có thể nói, phóng sự điều tra là một trong những thế mạnh của Truyền hình Công an nhân dân, được sử dụng ở nhiều chương trình, chuyên mục với những đề tài điều tra đa dạng, phong phú. Trong luận văn này, tác giả tiến hành nghiên cứu hai chuyên mục mang tính đại diện cho hai nhóm nội dung là: "Điều tra qua thư khán giả" và "Camera giấu kín". Đây là hai chuyên mục mang đậm dấu ấn thương hiệu của ANTV được xây dựng và sản xuất liên tục từ khi thành lập kênh đến nay. Đây cũng là hai chuyên mục được khán giả yêu thích, có chỉ số rating cao, luôn giữ vững trong suốt 5 năm qua. Hai chuyên mục này có nhiều điểm khác biệt về nội dung, hình thức thể hiện cũng như quy trình sản xuất vì vậy việc đi sâu nghiên cứu, phân tích hai chuyên mục này sẽ giúp luận văn có cái nhìn đa chiều về phóng sự điều tra trên kênh Truyền hình Công an nhân dân.