Chương 1 : CƠ SỞ LÝ LUẬN
1.3. Yêu cầu phát triển bền vững của ngành viễn thông
1.3.1. Khái niệm phát triển bền vững
Năm 1987, ủy ban môi trường và phát triển của LHQ trong báo cáo tương lai chung của chúng ta đã đưa ra định nghĩa về phát triển bền vững:
“Phát triển bền vững là phát triển sao cho những thế hệ hiện tại đáp ứng được các nhu cầu của mình mà không phương hại đến khả năng của các thế hệ tương lai đáp ứng các nhu cầu của họ”.
Nói một cách cụ thể hơn: “Phát triển bền vững là sự sử dụng tài
nguyên thiên nhiên, điều kiện môi trường hiện có để thoả mãn nhu cầu của các thế con người đang sống, nhưng phải đảm bảo cho các thế hệ tương lai những điều kiện tài nguyên và môi trường cần thiết để họ có thể sống tốt hơn ngày nay”.
Tháng 6/2002, tại Johannesburg, Nam Phi, LHQ triệu tập hội nghị thế giới về phát triển bền vững, còn gọi là Rio +10. Hội nghị đã công bố bản tuyên bố Johannesburg về phát triển bền vững. Bản tuyên bố đã vạch rõ 5 thách thức mà nhân loại đang phải đối phó:
- Phương thức sản xuất và tiêu dùng không phù hợp với tài nguyên và môi trường,
- Phân chia sâu sắc giữa giầu nghèo trong từng xã hội vả trên thế giới,
- Suy thoái chất lượng môi trường,
- Khó khăn về tài nguyên và môi trường đi theo toàn cầu hóa,
- Nghèo đói trên thế giới và trong từng quốc gia.
Hội nghị cũng đã nêu lên 15 cam kết về kinh tế, xã hội, môi trường liên quan đến PTBV. Đó là mục tiêu quan trọng, chung cho sự phát triển hiện nay của mọi quốc gia trên thế giới.
1.3.2. Yêu cầu phát triển bền vững của ngành viễn thông
Với sức nóng tăng trưởng trong thời gian vừa qua, Việt Nam giành được nhiều thành tựu trong lĩnh vực viễn thông. Tuy nhiên, đằng sau đó, nhiều nguy cơ tiềm ẩn của sự phát triển không bền vững. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc viễn thông Việt phải có sự thay đổi cả về chất và lượng, tập trung vào thực chất…
Hiện nay, thị trường Viễn thông Việt Nam đã chuyển mạnh từ độc quyền sang cạnh tranh, chứng minh hiệu quả bằng sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây như: nhiều công nghệ mới được áp dụng, dịch vụ đa dạng, chất lượng ngày càng được nâng cao, giá cước ngày càng hạ....Doanh số của toàn ngành viễn thông năm 2008 đạt 90.000 tỷ đồng, tăng khoảng 30%/năm, đóng góp cho ngân sách nhà nước năm 2008 là 11.000 tỷ đồng. Tính đến năm 2008, Việt Nam có 10 doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và hơn 60 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông đã được Bộ TT&TT cấp phép. Số lượng thuê bao điện thoại, Internet phát triển nhanh chóng, với khoảng 70 triệu thuê bao điện thoại và hơn 20 triệu người sử dụng Internet tính đến năm 2008.
Theo đánh giá của liên minh Viễn thông Quốc tế ITU, trong những năm gần đây, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng viễn thông cao nhất thế giới. Tính đến hết tháng 4/2010, cả nước đã có 140 triệu thuê bao điện thoại, trong đó thuê bao di động chiếm 87,2%. Mật độ điện thoại đạt tới 164 máy/100 dân.
Đây là một con số vượt xa dự đoán của cơ quan quản lý nhà nước rất nhiều lần. Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đề ra chỉ tiêu cho ngành trong kế hoạch 5 năm (2006 - 2010) cũng chỉ ở mức 35 máy/100 dân. So với con số ở thời điểm hiện tại, sức bật về phát triển điện thoại ở Việt Nam đã tăng lên tới gần 5 lần.
Internet băng rộng của Việt Nam cũng đã có sự tăng trưởng đột biến. Đến nay, toàn quốc có trên 23,6 triệu người sử dụng Internet, đạt mật độ 27,6%. Tổng số thuê bao băng rộng của Việt Nam đạt 3,2 triệu với mật độ 3,74 máy/100 dân.
Đây quả thực là những con số phát triển đầy ấn tượng của Viễn thông Việt Nam. Thế nhưng, đằng sau thành tựu này, không ít lần ngay cả lãnh đạo bộ Thông tin và Truyền thông cũng bày tỏ sự lo ngại về một nguy cơ của sự phát triển không bền vững, đặc biệt là trong lĩnh vực thông tin di động.
Thứ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đức Lai từng phát biểu, với sự bùng nổ về phát triển điện thoại hiện nay của Việt Nam, chỉ tiêu mật độ điện thoại/100 dân vốn được đưa vào các nghị quyết, chương trình phát triển của quốc gia trước đây giờ không còn phản ánh được chính xác tình hình đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc, nghe nhìn nữa. Một người dân có thể có tới 5-7 số thuê bao điện thoại trong khi đó có người lại không có số nào…
Đây là hệ quả của những cuộc chạy đua cạnh tranh quyết liệt giữa các hãng cung cấp dịch vụ di động. Để giành thị phần, nào là giảm giá cước, khuyến mại khủng… những “chiêu” nào có thể hút khách hàng đều được các nhà mạng tung ra.
Theo các chuyên gia, quy mô và sự phát triển bền vững của cơ sở hạ tầng Viễn thông Việt Nam so với các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn chưa được tiếp cận với các dịch vụ viễn thông. Chất lượng và giá cước một số dịch vụ có nơi, có lúc còn chưa đảm bảo và đáp ứng được nhu cầu của xã hội...Đó là những lý do mà thị trường này cần được mở rộng và thúc đẩy cạnh tranh hơn nữa.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG VỀ CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN VÀ CHÍNH SÁCH CÔNG NGHỆ CỦA NGÀNH VIỄN THÔNG VIỆT NAM