1.3 Nhân tố trong nước
1.3.2 Các đảng cánh tả Venezuela giai đoạn trước 1998
Các đảng cánh tả ở Venezuela giai đoạn trước 1998 rất yếu và bị phân tán nhỏ lẻ. Trong thời kỳ này cách mạng Cuba thành công đã tác động mạnh tới phong trào cánh tả Mỹ Latinh, phong trào du kích ở nhiều nước phát triển học theo mô hình của cách mạng Cuba, đặc biệt là ở Trung Mỹ và một số nước Nam Mỹ. Theo xu hướng đó các lực lượng cánh tả cấp tiến ở Venezuela như Đảng Cộng sản và Phong trào Cánh tả Cách mạng, một bộ phận tách ra từ tổ chức thanh niên của Đảng Hành động Dân chủ Venezuela (AD) đã tiến hành chiến tranh du kích. Tuy nhiên, do tình hình trong nước và khu vực lúc đó không thuận lợi nên chỉ một thời gian ngắn sau, các lực lượng này đã phải chấp nhận quay lại cuộc đấu tranh chính trị hợp pháp. Một bộ phận đảng viên của đảng cánh tả gia nhập các đảng thuộc liên minh cầm quyền, một bộ phận còn lại tách ra thành lập đảng riêng và phong trào du kích về cơ bản là không còn hoạt động.
Phong trào cánh tả Venezuela nửa cuối thế kỷ XX đã bộc lộ một hạn chế lớn đó là các đảng này đã không xây dựng được ngọn cờ chung, không có một lãnh tụ uy tín để dẫn dắt phong trào. Hơn nữa lực lượng cánh tả Venezuela trong thời kỳ này rất phân tán, chủ nghĩa bè phái nặng, chưa đưa ra được một giải pháp thay thế có tính khả thi, thuyết phục và khả năng tập hợp nhân dân đấu tranh rất hạn chế. Các cuộc xuống đường biểu tình bạo động của nhân dân lúc đó đều mang tính tự phát chứ chưa do các đảng cánh tả tổ chức và lãnh đạo nên nhanh chóng bị trấn áp là điều dễ hiểu.
Vào nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Perez đã xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế - chính trị làm trầm trọng hơn những vấn đề tích tụ trong nhiều năm ở xã hội Venezuela, đánh dấu một thời kỳ mới trên chính trường của nước này và mở ra một thời kỳ mới của phong trào cánh tả Venezuela. Mở đầu là cuộc đảo chính ngày 4 tháng 2 năm 1992 của Phong trào Bolivar Cách mạng 200 (MBR-200) do Hugo Chavez lãnh đạo. Đây là một tổ chức quân –
dân sự bí mật được thành lập bởi một nhóm sĩ quan quân đội với mục tiêu giành chính quyền thông qua bạo lực cách mạng. Những năm đầu sau khi thành lập MBR-200 hầu như không có quan hệ gì với các đảng và phong trào cánh tả khác. Tuy nhiên, những năm sau đó MBR-200 đã tăng cường tiếp xúc với lãnh đạo các đảng và phong trào cánh tả như Đảng Cánh mạng Venezuela, Sự nghiệp Triệt để, Cờ đỏ và Liên đoàn Xã hội. Mặc dù MBR-200 đã cố gắng phối hợp với các đảng và phong trào này trong cuộc binh biến 4/2/1992 nhưng hầu như không nhận được sự hỗ trợ, tham gia của các đảng và phong trào này. Cuộc đảo chính thất bại nhưng bài phát biểu của Hugo Chavez trên truyền hình trước khi bị bắt đã thuyết phục được người dân và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người lao động. Kể từ đó Hugo Chavez trở thành ngọn cờ tập hợp lực lượng của cánh tả Venezuela. Quá trình phối hợp giữa MBR-200 và các đảng, phong trào cánh tả ngày càng tốt hơn cho dù giữa các đảng này còn nhiều bất đồng, mâu thuẫn về quan điểm đường lối và các mục tiêu chính trị.
Quá trình tập hợp lực lượng này đã cho ra đời các nhóm, các liên minh ủng hộ Chavez, tiền thân của Liên minh Yêu nước sau này. Những bài phát biểu mang tính dân tộc chủ nghĩa, chống chủ nghĩa tự do mới, chống hệ thống chính trị thối nát của Chavez đã trở thành lời hiệu triệu kêu gọi đoàn kết các lực lượng cánh tả, tiến bộ Venezuela trong cuộc đấu tranh vì các quyền cơ bản của các lực lượng cánh tả, tiến bộ Venezuela trong cuộc đấu tranh vì các quyền lợi cơ bản nhất như quyền kinh tế, chính trị, xã hội, quyền được làm người. Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Chavez trong khoảng thời gian từ 1992 đến 1998 một mặt trận chống liên minh chính phủ đã được hình thành.
Ngày 29 tháng 4 năm 1997 trên cơ sở đề xuất của Hugo Chavez, Phong trào nền Cộng hoà Thứ V (MVR) được thành lập và nhanh chóng trở thành phong trào cánh tả mạnh nhất. Uy tín của MVR và Hugo Chavez đã đẩy nhanh quá trình tập hợp và liên minh giữa các đảng cánh tả mà đỉnh cao nó là
sự ra đời Liên minh Yêu nước.
Liên minh Yêu nước tập hợp phần lớn các đảng, tổ chức phong trào và nhân sĩ cánh tả như Phong trào nền Cộng hoà thứ V, Đảng Cộng sản Venezuela, Phong trào Tiến lên CNXH, Tổ quốc Cho Tất cả và một số đảng, phong trào cánh tả khác. Liên minh Yêu nước đã nhanh chóng nhận được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của nhân dân. Ngày 6 tháng 12 năm 1998 ứng cử viên tổng thống của Liên minh Yêu nước là ông Hugo Chavez đã giành thắng lợi vang dội với 56,5% số phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela, chấm dứt 40 năm cầm quyền của các đảng tư sản truyền thống.
Có thể nói, thắng lợi của lực lượng cánh tả tiến bộ ở Venezuela mà đứng đầu là Tổng thống Hugo Chavez là thắng lợi đầu tiên mở đầu cho một chuỗi thắng lợi của lực lượng cánh tả, tiến bộ ở Mỹ Latinh nói chung và Venezuela nói riêng những năm tiếp theo và cũng là tiếng chuông cảnh báo mô hình tự do mới ở Mỹ Latinh đã lâm vào khủng hoảng và đứng trước nguy cơ phá sản ở nhiều nước. Nó mở ra một thời kỳ phát triển mới trong lịch sử Venezuela, thời kỳ độc lập dân tộc và quá độ lên Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI.
CHƯƠNG 2
THỰC TRẠNG PHONG TRÀO CÁNH TẢ VENEZUELA TỪ 1998 ĐẾN 2010
Ngày 6 tháng 12 năm 1998 ông Hugo Chavez ứng cử viên tổng thống của Liên minh Yêu nước đã giành thắng lợi vang dội với 56,5% số phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống Venezuela, chấm dứt 40 năm cầm quyền của các đảng tư sản truyền thống. Sau khi lên cầm quyền ngày 2 tháng 2 năm 1999 Tổng thống Hugo Chavez đã phải đối mặt với một loạt khó khăn mà các chế độ trước đó để lại: Xã hội không ổn định, kinh tế chậm phát triển, thậm chí tăng trưởng âm trong một số năm, nợ nước ngoài cao (35 tỉ USD); các vấn đề xã hội hết sức trầm trọng; mặc dù là nước xuất khẩu dầu mỏ lớn của thế giới nhưng Venezuela có tới 77% dân số sống trong cảnh nghèo đói, bệnh tật, thất học, thất nghiệp, tội phạm, tệ nạn xã hội… là những vấn đề lớn mà chính phủ phải giải quyết. Để giải quyết các vấn đề trên Tổng thống Hugo Chavez đã đưa ra nhiều chính sách, biện pháp mang tính cách mạng cao, động chạm đến quyền lợi của giai cấp tư sản trong và ngoài nước nên đã gặp phải sự chống phá quyết liệt của phe đối lập. Lúc đầu ông định đưa Venezuela đi theo con đường “chủ nghĩa tư bản nhân đạo”, nhưng chính sự chống đối mãnh liệt của phe đối lập được Mỹ hậu thuẫn, đặc biệt là cuộc đảo chính quân sự tháng 4 năm 2002 đã làm cho nhận thức chính trị của ông Hugo Chavez dần thay đổi. Ông nói: “Chính cuộc đảo chính tháng 4 năm 2002, những cuộc đình công kéo dài do giới chủ doanh nghiệp tổ chức, những hành động phá hoại ngành dầu khí, những phản ứng và tuyên truyền chống đối đã đưa tôi tới kết luận rằng con đường duy nhất để thoát khỏi đói nghèo là đi lên chủ nghĩa xã hội” [22, tr. 42]. Trên cơ sở sự thay đổi mang tính bước ngoặt về nhận thức của thủ lĩnh phong trào cánh tả cũng như những diễn biến tình hình chính trị xã hội Venezuela, nghiên cứu về thực trạng phong trào cánh tả Venezuela từ
1998 đến 2010 có thể chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn mới giành chính quyền từ 1998 đến 2002 và giai đoạn củng cố chính quyền tiến tới xây dựng xã hội chủ nghĩa từ 2003 đến 2010.