6. Cấu trúc của luận văn
2.2. Giá trị văn hóa, giáo dục của tác phẩm
Cổ nhân ngôn hành lục in vào năm Thành Thái thứ 7 (1895), lúc mà xã hội
vừa đề cao Nho học, vừa tiếp nhận văn hóa phương Tây (ngôn ngữ, văn hóa Pháp), đất nước chịu sự quản thúc của Khâm sứ Pháp, cũng là giai đoạn mà đạo đức đang bị mai một. Tập sách ra đời được coi là đúng thời điểm, răn dạy con người ta vào khuôn phép, tránh việc bị đồng hóa theo văn hóa ngoại lai mà quên đi nguồn gốc.
Về văn hóa, Cổ nhân ngôn hành lục lấy nhiều dẫn chứng từ sách Gia huấn của Nhan Chi Thôi, sách Thế phạm của Viên Quân Tải, sách Độc thư kính của Trần Kế Nho, sách Nguyên thể tập của Sử Tấn Thần, sách Dĩ chí nhân tất độc của Đường Bưu, sách Ngũ loại di quy của Trần Hoành Mưu…[1, 1b], đều là các sách cổ nổi
tiếng của Trung Quốc. Từ tri thức của các sách ấy có thể thấy được tư tưởng văn hóa của dân tộc Trung Hoa, những quan niệm về vũ trụ và quan niệm về đạo đức
“Thiên nhân hợp nhất”, tư tưởng của Tam giáo (Nho gia, Phật gia và Đạo gia) giao
hòa với nhau, tạo thành một chuẩn mực cho tư tưởng và hành vi của mọi người. Nhờ có lòng kính trọng trời, kính trọng đức, tu thân và thương dân; các ý niệm đạo đức như thế bắt rễ sâu vào nhân tâm. Đạo, tức là quy luật của vũ trụ, là cảnh giới cao nhất theo học thuyết của các gia, các phái trong văn hóa truyền thống cổ nhân cho rằng, vũ trụ là một thể sinh mệnh, “đạo” là căn nguyên của vạn vật, là vĩnh viễn không thay đổi, con người muốn được trường cửu, thì đạo lý của con người phải phù hợp với đạo trời, lòng người hợp với thiên ý. Cho rằng trời là nguồn gốc của các quan niệm và nguyên tắc đạo đức, được tạo ra để ban cho con người các đức tính Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Trong đó “Lễ” rất quan trọng, Lễ là phạm trù đạo đức có ý nghĩa phổ biến trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Trung Quốc. “Lễ” (禮) được xem là một trong năm đức cơ bản nhất của con người. Lễ ra đời bởi mục
đích tế tự, thuận theo đạo của trời đất để lý giải đạo của con người, Lễ ra đời là để thờ cúng, bởi trời tạo nên trời đất, nên phải Lễ, Lễ mang trọng trách thần thánh, Lễ là do các tiên vương thuận theo đạo trời, lấy tình cảm để trị dân; xã hội phát triển đòi hỏi phải có Lễ để giáo hóa con người, từ đó đặt ra chuẩn mực đạo đức chung cho toàn xã hội, con người cần có Lễ để làm quy tắc, chuẩn mực để phân định giới hạn thiện, ác, Lễ có nhiệm vụ làm cho con người từ ác trở thành thiện và quy thuận nhà cầm quyền. Trải qua thời gian phạm trù Lễ ngày được mở rộng, Lễ được coi là
lễ nghi, lề lối cư xử, quy tắc, luật lệ chuẩn mực quy định trật tự quan hệ xã hội “từ
trong gia tộc đến ngoài xã hội”, những chuẩn mực của phạm trù Lễ lúc này được
biểu hiện trong mối quan hệ ngũ luân như quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu. Từ nhà thường dân đến nhà quyền quý đều trọng Lễ Nghĩa liêm sỉ, và đều muốn tránh xa kẻ tiểu nhân, đến gần với người quân tử. Văn hóa đó còn bao
gồm cả làm con thì phải có đạo Hiếu, làm bạn thì phải giữ chữ Tín, làm người ở trên thì phải Nghiêm, làm quan thì phải thanh ilêm. Để làm người toàn diện như vậy phải có lòng Nhân làm gốc.
Về giáo dục, tác phẩm Cổ nhân ngôn hành lục có đầy đủ những nội dung để
dạy con em tu dưỡng làm người, sách dạy con em tu dưỡng để lập phẩm chất đạo
đức cá nhân, có phẩm chất rồi thì mới nói đến chuyện nghĩa lý, Cổ nhân ngôn hành
lục còn lấy các điển cố điển tích của sách cổ ra để minh chứng cho sự giáo dục.
Làm người thì phải có nhân phẩm, người muốn có nhân phẩm thì cha anh phải làm gương và dạy bảo cho con em, cá nhân thì phải tu tập qua sách vở kinh sử học những tấm gương đạo đức của cổ nhân, không chỉ học mà còn phải làm được theo những điều cổ nhân dạy. Sách dạy người ta rằng nhìn thấy điều nhân nghĩa thì phải có ý muốn làm theo được như thế, nhìn thấy điều trái đạo thì phải tránh xa. Những điều sách hướng đến ấy là những điều mà một nhà Nho luôn luôn phải tự nhắc nhở bản thân, làm điều nhân nghĩa thì sẽ được điều nhân nghĩa, tin tưởng vào điều nhân nghĩa sẽ nhận được điều nhân nghĩa.