Tình hình phụ nữ Việt Nam và “vấn đề phụ nữ” trong xã hội

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác giả đạm phương nữ sử trong bối cảnh hiện đại hóa đầu thế kỷ XX (Trang 79 - 82)

5. Cấu trúc của luận văn

2.2. Tình hình phụ nữ Việt Nam và “vấn đề phụ nữ” trong xã hội

Nếu như trước đây, dưới chế độ phong kiến, hầu hết phụ nữ Việt Nam đều là nông dân, thợ thủ công, tiểu thương thì ngay từ khi xuất hiện lực lượng công nhân đầu tiên đã có mặt của những phụ nữ lao động làm thuê. Tư bản Pháp chú ý tuyển mộ thợ nữ nhằm bóc lột sức lao động và sự cần cù của họ. Hàng vạn nữ công nhân phần lớn xuất thân từ nông dân bị phá sản đi làm thuê ở các mỏ than Hồng Gai, Kế Bào, nhà máy dệt Nam Định, nhà máy diêm Bến Thủy, các đồn điền cao su ở Nam kỳ. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thuộc địa, của giai cấp công nhân Việt Nam, đội ngũ nữ công nhân cũng tăng lên nhanh chóng. Do không được học hành nên họ phải làm việc lao động chân tay hết sức vất vả mà đồng lương nhận được lại rẻ mạt, chỉ bằng hai phần ba số lương của nam giới.

Bên cạnh sự hình thành của tầng lớp phụ nữ lao động, ở Việt Nam còn xuất hiện tầng lớp phụ nữ tiểu tư sản thành thị gồm các công chức (giáo viên, ý ta, thư ký, hộ sinh), các nữ học sinh, tiểu thương, vợ con các viên chức làm việc trong công sở của Pháp và tư nhân. Đầu thế kỷ XX, một số trường học dành cho nữ sinh xuất hiện ở các đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội và các địa phương. Trường nữ học đầu tiên ở Bắc kỳ, trường Brieux (hay còn gọi là trường Hàng Cót), cũng là trường nữ học đầu tiên trên toàn cõi Đông Dương, khai giảng ngày 6 thang 1 năm 1908 tại Hà Nội với số học sinh là 178. Trường Nữ học Đồng Khánh ở Huế thành lập năm 1917. Năm 1915, ở Sài Gòn mở trường cho nữ giới đầu tiên là trường Áo Tím, trường có các lớp từ Đồng Ấu đến cao đẳng, tốt nghiệp học sinh được cấp bằng sơ học, đến tháng 9 năm 1922 trường có thêm Ban trung học nữ học đường. Lúc đầu học sinh vào học chia làm hai ban: ban sư phạm và ban phổ thông. Tốt nghiệp, học sinh được nhận bằng Thành Chung. Tiếng Pháp được học từ lớp dự bị. Ban trung học hoàn toàn dạy bằng tiếng Pháp, trong trường học sinh bắt buộc phải

nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp.

Có thể thấy rằng chương trình giáo dục như vậy đã làm xuất hiện một tầng lớp nữ sinh tân học, chịu ảnh hưởng của văn hóa Pháp với lối sống mới thách thức lại các quan điểm về lối sống, đạo đức truyền thống.

Trong khoảng đầu thế kỷ XX, những thay đổi trong xã hội Việt Nam và ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng bên ngoài đã ảnh hưởng đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ ở các đô thị và hình thành nên vấn đề phụ nữ trong xã hội. Dưới ảnh hưởng của tiếp xúc văn hóa Đông Tây, các vấn đề về lối sống phong tục, tập quán của Việt Nam truyền thống, đặc biệt là những phong tục tập quán liên quan đến phụ nữ đã được nhiều người cảm nhận là không còn phù hợp nữa và cần phải thay đổi. Đặc biệt trong tầng lớp phụ nữ tiểu tư sản thành thị nổi bật lên những phụ nữ tri thức, có tinh thần yêu nước, mong muốn đấu tranh cho phong trào giải phóng phụ nữ như: Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Trung Nguyệt, Trần Thị Như Mân, Trần Thị Hồng, Phan Thị Nga, Mai Huỳnh Hoa, Nguyễn Thị Lưu,… Nhiều phụ nữ tri thức đã đi đầu trong việc đề xướng phong trào phụ nữ. Họ viết văn, viết báo, làm thơ, diễn thuyết, tổ chức các công việc từ thiện, lập các Hội phụ nữ ở các tỉnh. Tiêu biểu như Đạm Phương, Sương Nguyệt Anh, Vân Đài, Nguyễn Thị Kiêm, Nguyên Đức Nhuận, Huỳnh Thị Bảo Hòa,…

Là một đất nước chịu ảnh hưởng lâu dài và nặng nề của Nho giáo, vấn đề phụ nữ ở Việt Nam còn thể hiện cuộc vận động giải phóng phụ nữ thoát khỏi lễ giáo phong kiến, nhìn nhận lại quan niệm về trinh tiết, sự thủ tiết của phụ nữ góa chồng, hôn nhân tự do, nạn đa thê và tảo hôn,…Do ảnh hưởng của tư tưởng dân chủ tư sản về quyền con người, trong đó có quyền phụ nữ cũng làm nảy sinh cuộc thảo luận trong xã hội Việt Nam về quyền bình đẳng nam nữ trong xã hội thể hiện ở các khía cạnh: giáo dục dành cho phụ nữ, phụ nữ với văn học nghệ thuật, quyền lao động, quyền hưởng lương ngang bằng

và các chế độ bảo hiểm, quyền bầu cử và ứng cử của phụ nữ. Trên tất cả các cuộc thảo luận này là cuộc thảo luận về vai trò địa vị người phụ nữ trong gia đình và trong xã hội. Việc xác định vai trò địa vị người phụ nữ có ý nghĩa quyết định trong việc nhận thức các khái niệm về nữ quyền, bình đẳng nam nữ và giải phóng phụ nữ.

Mặt khác trong điều kiện là một nước thuộc địa nửa phong kiến như Việt Nam, phụ nữ muốn được bình đẳng, được giải phóng cần một tiền đề quan trọng là đất nước được độc lập, nhân dân được tự do. Vì thế cuộc thảo luận về vấn đề phụ nữ cũng gắn với nội dung vai trò của phụ nữ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Sự thay đổi trong thực tiễn cũng như ý thức xã hội đã đặt ra một vấn đề khác với phụ nữ. Đó là vấn đề đạo đức phụ nữ: Vấn đề các cô gái mới lớn, vấn đề mãi dâm, thế nào là một người phụ nữ lí tưởng thích hợp với xã hội mới,…

Trong phần phân tích mục lục báo Nam Phong trong cuốn “Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong (1917 – 1934)”, tác giả Nguyễn Khắc Xuyên

viết: “vấn đề phụ nữ cũng là vấn đề hệ trong buổi giao thời giữa hai nền văn minh Âu – Á. Người ta đã đặt những tư tưởng mới như nữ quyền, nữ học, cả đến việc cắt tóc ngắn cũng được nói tới. Có thể thêm “phụ nữ giáo dục” với những đường lối giáo dục mới, thư cho con gái du học bên Tây, gái thời nay, vấn đề nữ lưu, nữ ngôn… Tại trường Mỹ thuật Hà Nội đã có một nữ sinh cắp sách đi học mặc quần đen, để tóc đuôi gà và nhuộm răng đen, trong khi đó vấn đề “nhảy đầm” đang được dư luận phụ nữ bàn tán!” [53; tr 26]

Có thể tóm lại rằng “trong cơn khủng hoảng do cuộc đụng độ với chủ nghĩa thực dân gây ra, chịu ảnh hưởng của các trào lưu tư tưởng dân chủ từ bên ngoài, phụ nữ trở thành một vấn đề xã hội và dường như là điểm thể hiện tập trung những mâu thuẫn, những thay đổi trong xã hội Việt Nam buổi giao thời” [10; tr57]

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác giả đạm phương nữ sử trong bối cảnh hiện đại hóa đầu thế kỷ XX (Trang 79 - 82)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(148 trang)