CHƯƠNG 3 KẾT QUẢ THỰC NGHIỆM VÀ THẢO LUẬN
3.1. Điều kiện tự nhiên của tỉnh HòaBình
3.1.6. Tài nguyên nước
Theo thống kê của Cục Thống kê tỉnh Hòa Bình 2019, nguồn nước mặt trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định và dồi dào đảm bảo cung cấp đủ cho sản xuất và sinh hoạt. Hòa Bình có mạng lưới sông, suối tương đối nhiều và phân bố khá đều trên địa bàn tỉnh. Trong đó có khoảng 50% sông suối có lưu lượng thường xuyên trên 3 m3/s; tổng lượng dòng chảy của hệ thống sông suối đạt khoảng 5 tỷ m3 nước. Các sông lớn có lưu lượng dòng chảy khá gồm: sông Đà, sông Bôi, sông Bùi, sông Bưởi và sông Lạng. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có trên 500 hồ chứa thủy lợi và hệ thống ao, đầm. Hồ sông Đà có diện tích khoảng 8.000 ha với dung tích khoảng 9,5 tỷ m3, ngoài nhiệm vụ cung cấp nước cho nhà máy thuỷ điện Hoà Bình, hồ sông Đà còn có nhiệm vụ điều tiết cung cấp nước cho vùng đồng bằng sông Hồng. Ngoài ra còn có các đầm, hồ Đồng Chanh (huyện Lương Sơn), diện tích 45 ha và hồ Re (huyện Lạc Sơn) diện tích 15 hạ Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm trên địa bàn tỉnh khá dồi dào, nhưng phân bố không đồng đều, tập trung nhiều ở các lưu vực sông và vùng ven hồ. Nhìn chung chất lượng nước ngầm ở Hòa Bình phần lớn là nước ngọt, mềm, chưa bị ô nhiễm, có khả năng khai thác phục vụ sản xuất và đời sống, đặc biệt là việc khai thác nguồn nước ngầm để cấp nước sinh hoạt cho cư dân của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng cần tiết kiệm nước, có các giải pháp khai thác hợp lý và phù hợp với điều kiện của nguồn nước ở từng khu vực.