Thời Lê sơ nói chung và Lê Thánh Tông nói riêng xác lập và thực thi đường lối cai trị dựa vào Nho giáo, Nho giáo chiếm vị trí độc tôn chính sách giáo dục cũng theo mô hình con đường khoa cử Nho học ngày một hoàn bị. Mục đích đào tạo của vua Lê Thánh Tông thứ nhất là chuẩn hóa đội ngũ quan lại về trình độ và bằng cấp; thứ hai là thu hút, bồi dưỡng nhân tài.
Vua cho thiết lập hệ thống trường lớp được mở ra ở khắp nơi từ trung ương cho tới địa phương, bao gồm trường công và trường tư tại các làng quê.
Về hệ thống trường công là trường do triều đình mở ra và quản lý trực tiếp đó là Quốc Tử Giám và các trường đặt ở các huyện phủ tương ứng với hai cấp là trung ương và địa phương. Cơ quan quản lý các trường học này là bộ Lễ. Quốc Tử Giám là nơi mà các con em quý tộc, quan liêu học tập, con em nhà thường dân có tư chất thông minh, hiếu học cũng được đưa vào đây để học tập, họ được gọi là giám sinh. Quốc Tử Giám vừa có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng để cung cấp quan lại cho bộ máy nhà nước, vừa có nhiệm vụ quản lý việc bồi dưỡng và đào tạo, Quốc Tử Giám là cơ quan giáo dục cao nhất cả nước. Đứng đầu Quốc Tử Giám là chức quan Tế tửu, có trách nhiệm trông coi, cai quản chung và kiêm chủ tế ở Văn Miếu. Cấp phó là chức tư nghiệp đặc trách việc giảng dạy và học tập. Phụ trách giảng dạy là giáo thụ, có các trợ giảng và trợ giáo giúp việc, có thêm chức bác sĩ đi sâu vào nghiên cứu, sưu tầm và giải thích các kinh thư, tư liệu. Những người học tập trong Quốc Tử Giám chia làm hai loại:
+ Con các quan viên đã thi đỗ bốn trường kỳ thi hương gọi là giám sinh. Còn được gọi là xá sinh, gồm ba loại là thượng xá sinh, trung xá sinh và hạ xá sinh.
+ Quân và dân đã thi bốn trường kỳ thi hương (đến năm 1483 mới lập ra) gọi là học sinh.
Ngoài ra, hệ thống trường tư cũng phát triển mạnh mẽ. Trường tư đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử và còn ra đời sớm hơn cả trường công. Nhưng trường công đúng nghĩa thì mới được hình thành dưới thời nhà Trần với những trường nổi tiếng như trường của nhà nho Chu Văn An, của Chiêu Văn Vương Trần Ích Tắc. Đến thời Lê Thánh Tông với chính sách mở rộng phạm vi mọi mặt trong giáo dục thì trường tư càng được phổ biến và phát triển hơn bao giờ hết.Các thầy đồ được mở lớp dạy học mà không cần xin phép, việc mở trường học không phụ thuộc vào quy định nào của nhà nước mà bất cứ nhà Nho nào cũng có thể mở trường lớp để dạy học. Những trường lớp đó gọi là hương học (trường làng) được mở rải rác các làng xã trong cả nước. Tuy là trường làng nhưng học sinh ở đây cũng được dạy đầy đủ mọi chương trình từ thấp đến cao, người trông nom, giảng dạy là những nhà Nho nổi tiếng. Cấp xã, quận đã có chính sách khuyến học, huyện phủ đã có chức quan riêng phụ trách nền học vấn. Vua Lê Thánh Tông rất chú trọng vào cơ sở vật chất để giảng dạy và học tập một cách tốt nhất, vua cho tu bổ thường xuyên Văn Miếu, nơi thờ Khổng Tử - ông tổ đạo Nho, Quốc Tử Giám – là nơi học tập của các sĩ tử. Việc học được khuyến khích tới tận làng xã, để ai cũng được học hành và tu dưỡng bản thân.
Nội dung của các lớp học, trường học khi đó đều là sách thánh hiền, “Tứ thư, Ngũ kinh, Đăng khoa lục, Hội thí lục, Ngọc đường văn phạm, Văn hiến thông khảo, Văn tuyền, Cương mục học quan, cùng các loại sách thuốc” [14, tr.498]. Thêm vào đó, những kiến thức để học và thi còn có thêm “những sử sách và thơ văn gọi là ngoại thư như bộ Cổ văn gồm các văn phẩm của các văn thân, thi sĩ Trung Hoa từ Tiên Tần, Chư Tử đến đời Tống; bộ Đường thi và mấy cuốn Thi văn đời Đường” [84,tr. 73]. Có thể thấy nội dung học tập đều là những nguyên lý và lý tưởng của đạo Nho, bám sát vào yêu cầu đào tạo quan lại phục vụ cho bộ máy nhà nước để đưa ra nội dung phù hợp. Vua Lê Thánh Tông cũng cho in và phát hành rộng rãi sách giáo khoa đến các phủ để lấy đó làm tài liệu học tập, để các học quan dựa vào đó mà giảng dạy. Thời gian học tập ở Quốc Tử Giám sẽ là ba năm. Phương thức đào tạo gồm giảng sách, làm văn và bình văn. Các sĩ tử đều phải học thuộc lòng các kiến thức đã học, họ phải thường xuyên ôn lại để nhớ và dần dần hiểu vấn đề. Từ đó, sẽ vận dụng sáng tạo để làm thơ, bình văn
trang bị kiến thức cho bản thân. Hình thức học tập ở trường công hay trường tư thì đều giống nhau với ba phần, cụ thể như sau:
1. Giảng sách: được tổ chức định kỳ tháng một lần, học trò từ tất cả các trường sẽ đến và nghe các vị học quan giảng sách kinh truyện
2. Làm văn: việc này cũng diễn ra mỗi tháng một lần, thầy giáo sẽ ra đề tài cho học sinh với những yêu cầu nhất định, có thể viết và nộp ngay tại chỗ hoặc mang về nhà làm sau đó đem lên nộp theo lịch.
3. Bình văn: bài văn của học trò được thầy giáo chấm và sẽ có những phê bình cụ thể vào một ngày mà thầy giáo định. Những bài văn hay, ý thơ đặc sắc, sáng tạo sẽ được đọc lên cho học sinh nghe và bình luận. Có lần thầy giáo còn đặt ra giải thưởng để buổi bình văn thêm phần hứng thú. Sau khi đã học tập và rèn luyện, các nho sĩ sẽ đăng ký tham gia các kỳ thi cử đó để đánh giá năng lực bản thân. Nội dung thi sẽ là tất cả những gì dạy ở trường học. Học trò đi thi nhất định phải vượt qua được “các môn thi kinh nghĩa, văn sách, thi, phú, chiếu, chế, biểu” [84, tr. 76]. Ngoài ra còn có các môn thi khác là “ám tả, tập viết, pháp luật, toán pháp, toán học…nhưng không thường xuyên” [84, tr. 77]. Vào năm Quang Thuận thứ ba (1462), đối với kỳ thi hương thì thi ám tả để loại bớt và nêu rõ 4 đề mục thi gồm 4 kỳ. Với mỗi kỳ thi hội thì cũng có 4 kỳ với những môn thi khác nhau tùy thuộc vào từng năm.
Xét về thể lệ thi thì chỉ có triều đình mới được phép mở khoa thi tuyển chọn nhân tài. Mỗi kỳ thi nếu đỗ sẽ cấp bằng tương ứng như thì hội đỗ sẽ cấp bằng tiến sĩ, thi đình gồm nhiều thứ bậc nhưng cao nhất là Trạng nguyên. Các kỳ thi được kiểm duyệt khá gắt gao và làm theo phép tắc, tuyệt đối không để chuyện gian lận trong quá trình tổ chức thi xảy ra.
Cấp độ và tần suất tổ chức thi: Thi bắt đầu từ thấp tới cao lần lượt sẽ là thi hương, thi hội và thi đình. Thi đình là kỳ thi được tổ chức ở địa phương, ở các đạo thừa tuyên. Thi hội và thi đình là kỳ thi quốc gia dành cho những người đã vượt qua thi đình. Vào năm Quang Thuận thứ 4 (1463), Lê Thánh Tông đã đề ra định lệ tổ chức thi hội và thi đình là ba năm một lần, xen kẽ vào các năm thi hương.
Đối tượng dự thi là tất cả các học sinh đều tham gia thi cử công bằng, thuộc mọi tầng lớp trong xã hội, không có sự phân chia trường công hay trường tư, không phân biệt dân hay lính, mọi sĩ tử đều được đối xử như nhau. Tuy nhiên, nếu là người phạm tội loạn luân, bất hiếu, bất nghĩa..hay là con của phường chèo, con hát, con của những kẻ phản nghịch là những đối tượng cấm dự thi. Số lượng dự thi được các huyện quan lấy theo chỉ tiêu của huyện mình. Huyện nào lớn thì lấy 200 người, vừa là 150 và nhỏ là 100. Các huyện quan lập thành danh sách trình cấp trên duyệt lại rồi mới thành danh sách chính thức dự thi. Số lượng thí sinh dự thi thường rất lớn nhiều nhất là “các khoa thi năm quý Mùi (1463), có hơn 4.400 người” [84, tr. 81]
Quy chế thi: trước khi dự thi, thí sinh phải trải qua lệ bảo kết (xét duyệt lý lịch ở cấp xã, huyện) và thi khảo hạch (để tuyển chọn người có trình độ tối thiểu để dự thi) nếu đạt yêu cầu thì mới được thi hương. Đây là một điều kiện bắt buộc để xét duyệt thí sinh trước khi bước vào kỳ thi hương. Trong khi thi, có rất nhiều chức quan giám sát và làm nhiệm vụ trông coi cho kỳ thi minh bạch, công bằng như: quan Đề điệu (giám sát trong, ngoài trường thi, có quyền lấy đỗ hoặc đánh hỏng thí sinh như Chánh chủ khảo), Giám thí (phó chủ khảo), Tuần xước (tuần tra quanh trường thi), Thu quyển (thu quyển của thí sinh nộp), Di phong (rọc phách bài thi, đặt ký hiệu riêng để khi chấm xong có thể khớp tên), Đằng lục (chép lại bài thi của thí sinh sang quyển khác để không rõ chữ của ai, tránh thiên vị), Đối độc (đọc lại bản sao so với bản chính của thí sinh). Có thể thấy trường thi đã tổ chức rất quy củ, có đội ngũ giám sát chặt chẽ tránh trường hợp gian lận trong khi thi.
Sau khi thi cử, nếu đỗ đạt sĩ tử sẽ có những danh hiệu cụ thể tùy vào năng lực của họ. Những người đỗ trong cả bốn kỳ thi hương gọi là Hương cống và được dự thi hội; bậc đổ thấp hơn gọi là sinh đồ hay đỗ tú tài. Đến kì thi hội, nếu thí sinh đỗ bốn kỳ thi sẽ được cấp bằng tiến sĩ – đây là danh hiệu cao nhất của một thí sinh sau khi tham gia khoa cử. Thi đình thì chỉ xếp loại các tiến sĩ đã đỗ ở kỳ thi hội theo những cấp bậc sau:
- Một là Tiến sĩ cập đệ đệ nhất giáp đệ nhất danh (Trạng nguyên) - Hai là Tiến sĩ cập đệ đệ nhất giáp đệ nhị danh (Bảng nhãn)
- Ba là Tiến sĩ cập đệ đệ nhất giáp đệ tam danh (Thám hoa) - Bốn là Đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân (Hoàng giáp)
- Năm là Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân
Ba bậc đầu tiên gọi là Tam khôi. Triều đình sẽ ghi chép và lưu giữ lại tên tiến sĩ, cho dựng bia để nêu gương. Ngày tuyên bố chức danh các tân khoa sẽ được tiếp theo lễ Đại triều ở điện Thái Hòa để lĩnh mũ áo nhà vua ban. Bộ Lễ tặng mỗi người một trâm cài đầu, được đi thăm vườn thượng uyển, thăm kinh thành và làm lể vinh quy bái tổ.
Các khoa thi dưới thời Lê Thánh Tông được tổ chức liên tục, được đặt định lệ từ năm Quang Thuận thứ 4 (1463) thì nhà nước cứ ba năm tổ chức thi hội một lần. Trong vòng 38 năm trị vì thì vua Lê Thánh Tông đã cho tổ chức được 12 kỳ thi hội, lấy đỗ vô số người tài. Theo thống kê trong cuốn Các nhà khoa bảng Việt Nam
thì dưới thời Lê Thánh Tông lấy đỗ 501 người trong đó có 9 trạng nguyên, 10 bảng nhãn, 10 thám hoa, 159 hoàng giáp, 313 đề tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân. Ngoài các kỳ thi đại khoa thì vua Lê Thánh Tông còn cho tổ chức một số kỳ thi như “thi khảo hạch, thi hoành từ, thi con cháu lại viên và thi huấn đạo” [84, tr. 87]. Những kỳ thi đó cũng với mục đích tuyển chọn lại lần nữa, sàng lọc lại kỹ càng hơn, kiểm tra kiến thức của những người đã đỗ đạt xem họ có đủ trình độ hay không.
Mục đích đào tạo của Lê Thánh Tông là muốn đào tạo nên những con người ưu tú, có hiểu biết về kiến thức Nho giáo, pháp luật lại có đạo đức và tận trung. Phan Huy Chú đã nhận xét về về thời vua Lê Thánh Tông như sau: “Đến đời Quang Thuận, Hồng Đức, vận nước tươi sáng, do khoa mục xuất thân, nhân tài đầy rẫy, đủ cung cho nước dùng”[9, tr. 589]. Điều đó cho thấy, đời Lê Thánh Tông nhân tài được trọng dụng, khí sắc nước nhà cũng vì thế mà mở mang, thay đổi.
Vua Lê Thánh Tông nổi tiếng là thích làm việc thiện và coi trọng hiền tài nên trong chính sách này, với những việc làm cụ thể, thiết thực cho thấy mục đích của ông là muốn tuyển chọn, thu hút được nhân tài, góp sức cho đất nước. Thêm nữa, việc xây dựng hệ thống giáo dục và nội dung thi cùng với cách đánh giá các nho sĩ
qua các kỳ thi kỳ thực đã làm cho đội ngũ quan lại được chuẩn hóa về bằng cấp và trình độ. Quan lại trong triều qua tuyển chọn thì ai cũng là người tài đức, thông tinh kinh sử, hiểu biết về Nho gia. Từ đó, quan lại sẽ góp phần tạo sự công bằng, xây dựng một bộ máy nhà nước quy củ, xây dựng nên nước nhà vững mạnh.